Rượu thuốc cũng cần phù hợp bệnh trạng
Không phải ai dùng rượu thuốc cũng bổ mà phải dùng phù hợp với tình trạng bệnh của chính cơ thể mình.
Rượu thuốc ( dược tửu) là một chế phẩm hết sức độc đáo của y học cổ truyền, xuất xứ từ thời cổ đại ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vì hiểu biết chưa đầy đủ nên không ít người đã sử dụng rượu thuốc một cách dễ dãi, thậm chí lạm dụng khiến công dụng bồi bổ hóa thành những tai họa…
Rượu thuốc là gì?
Rượu thuốc là những chế phẩm lỏng được điều chế bằng phương pháp chiết xuất các dược liệu thảo mộc hoặc động vật với rượu nhằm mục đích điều trị hoặc bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Dùng rượu thuốc để chữa bệnh và bồi bổ gọi là Dược tửu liệu pháp.
Thành phần của rượu thuốc có khi chỉ một vị (rượu đơn) nhưng thường thì có khá nhiều vị được phối hợp để phát huy cao nhất tác dụng của thuốc (rượu kép). Công lực của dược tửu phụ thuộc vào hai nhân tố là rượu và thuốc.
Việc lựa chọn các vị thuốc khác nhau sẽ tạo ra những loại rượu có tác dụng không giống nhau nhưng vai trò của rượu thì không thể thiếu. Bởi lẽ, nói như cổ nhân “rượu đứng đầu trăm thứ thuốc”, “rượu có công dụng tuyên tán dược lực, ôn thông khí huyết, sơ kinh hoạt lạc, có thể đạt tới tứ chi bách hài, ngũ tạng lục phủ”.
Các loại rượu thuốc
Nếu căn cứ vào số vị thuốc trong phương, có thể chia ra làm hai loại: rượu đơn (độc vị) và rượu kép (đa vị).
Nếu căn cứ vào công dụng, có thể chia ra làm hai loại lớn: rượu bổ và rượu bệnh; hoặc chia ra làm nhiều loại khác nhau như rượu khu phong, rượu kiện tì, rượu bổ gân cốt, rượu thanh nhiệt lợi thấp, rượu giải cảm, rượu an thần, rượu bổ huyết, rượu bổ khí, rượu bổ dương, rượu bổ âm… Nếu căn cứ vào cách dùng có thể chia ra: rượu uống trong và rượu dùng ngoài…
Nguyên tắc dùng rượu thuốc
Video đang HOT
Rượu thuốc cũng là dược phẩm nên khi dùng phải tuân thủ nguyên tắc: đúng bệnh, đúng người và đúng liều lượng, không được tùy tiện và thái quá.
Nếu để trị bệnh thì trước hết người bệnh phải được thầy thuốc chuyên khoa khám tỉ mỉ và chẩn đoán chính xác, sau đó mới chọn phương và bào chế cho phù hợp. Ví như, cùng là bệnh Dương nuy (liệt dương), nhưng với những người thuộc thể bệnh Âm hư thì loại dược tửu chọn dùng hoàn toàn khác so với thể bệnh Dương hư…
Nếu để bồi bổ với mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe thì phải căn cứ vào các đặc điểm của người dùng như tuổi tác, giới tính, thể chất…
Nghĩa là, phải xác định được phần nào trong cơ thể bị hư yếu (âm hư, dương hư, khí hư hay huyết hư) và tạng phủ nào cần bồi bổ (tâm, can, tì, phế, thận…) để từ đó chọn phương, lựa dược cho thích đáng. Trên cơ sở chẩn bệnh một cách biện chứng mới có thể lựa chọn và điều chế rượu thuốc phù hợp và có chất lượng. Ngược lại, nếu chẩn bệnh sai thì khi dùng sẽ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại.
Rượu bổ âm: Là loại rượu dùng cho những người bị bệnh thuộc thể Âm hư hoặc có thể chất thiên về âm hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như người gầy, miệng ráo, họng khô, hay hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, hay mộng mị, ra mồ hôi trộm, lòng bàn tay và bàn chân nóng, hay có cảm giác sốt nóng về chiều, gò má đỏ, di tinh, ù tai, đại tiện táo, tiểu tiện lượng ít sắc vàng, lưỡi khô đỏ, ít hoặc không có rêu…
Ví dụ: Thần tiên diên thọ tửu, Thiên môn đông tửu, Tang tằm tửu (rượu tằm), Địa hoàng tửu, Địa hoàng thủ ô tửu, Tư âm dưỡng huyết tửu, Hà thủ ô tửu, Kỉ tử tửu, Ô tu tửu (rượu làm đen râu tóc), Bồ đào tửu (rượu nho)… Những người có chứng dương hư không nên dùng loại rượu này.
Rượu bổ dương: Còn gọi là rượu trợ dương, tráng dương hoặc khởi dương, là loại rượu dùng cho người bị bệnh thuộc thể Dương hư hoặc có thể chất thiên về dương hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như hay sợ lạnh, tay chân lạnh, sắc mặt trắng bệch, mệt mỏi như mất sức, dễ đổ mồ hôi, hay có cảm giác khó thở, ngại nói, miệng nhạt, không khát, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng nát, hay bị cảm lạnh, di tinh, liệt dương, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng…
Ví dụ: Minh mạng tửu, Lộc nhung tửu (rượu nhung hươu), Hải cẩu thận tửu, Ba kích tửu, Dâm dương hoắc tửu, Dương cao tửu (rượu thịt dê), Dương thận tửu (rượu cật dê), Trợ dương tửu, Hổ cốt tửu, Cáp giới tửu (rượu tắc kè), Hải mã tửu (rượu cá ngựa)… Những người có chứng âm hư không nên dùng các loại rượu này.
Rượu bổ máu: Những người bị bệnh thuộc thể Huyết hư hoặc có thể chất thiên về huyết hư, biểu hiện bằng các chứng trạng như sắc mặt nhợt nhạt, hay hoa mắt chóng mặt, tim hồi hộp, mất ngủ, tay chân tê bì, phụ nữ kinh nguyệt không đều, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng…
Ví dụ: Tang thầm tửu (rượu dâu), Từ quốc công tiên tửu (rượu long nhãn), Đương quy tửu, Hà thủ ô tửu, Kê huyết đằng tửu, Diên linh tửu, Trú nhan tửu, Nguyên thầm tửu, Từ quốc công tiên tửu…
Rượu bổ khí: Là loại rượu dùng cho những người bị bệnh thuộc thể Khí hư hoặc có thể chất thiên về khí hư, biểu hiện bằng các chứng trạng mỏi mệt, khó thở, ngại nói, sắc mặt trắng nhợt, đầu choáng mắt hoa, hay hồi hộp trống ngực, dễ đổ mồ hôi, ăn kém chậm tiêu, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng…
Ví dụ: Nhân sâm tửu, Đẳng sâm tửu, Tây dương sâm tửu, Sâm truật tửu, Hoàng kì tửu, Bạch truật tửu, Nhân sâm cố bản tửu, Hoàng tinh tửu v.v…
Trên thực tế, bệnh trạng thường đan xen nên phối hợp các loại rượu để tạo công dụng song bổ. Ví như, các loại rượu Ích thọ tửu, Cố bản địa hoàng tửu, Khước lão tửu, Trường xuân tửu, Bổ khí dưỡng huyết tửu, Dưỡng vinh tửu, Sâm quy tửu, Nhân sâm câu kỉ tửu, Diên thọ tửu, Bát trân tửu, Thập toàn đại bổ tửu, Phù nhược tiên phượng tửu… là sự kết hợp giữa thuốc bổ âm và bổ dương, hoặc bổ khí và bổ huyết.
Theo NCT
Ngày Tết: Cẩn trọng với rượu thuốc
Theo các chuyên gia y tế, nếu rượu thuốc pha chế không đúng cách hoặc ngâm chưa đủ số lượng ngày quy định sẽ rất nguy hiểm.
Rượu tiết dễ nhiễm giun sán
Theo bác sĩ Trần Văn Thuấn (BV Xanh Pôn, Hà Nội), rượu ngâm động vật, côn trùng như bọ cạp, ong đất, bìm bịp, tắc kè, rắn, hươu bao tử... theo y học cổ truyền là một dạng thuốc bồi bổ cơ thể. Tuy nhiên, thuốc thường do người tiêu dùng tự làm, không qua kiểm chứng của ngành y tế sẽ khó đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, nếu rượu ngâm không đúng cách, hoặc chưa đủ 100 ngày sẽ không loại bỏ được độc chất.
Riêng với rượu tiết bán ở các quán nhậu, nếu pha chế, bảo quản không đúng cách uống vào dễ bị tiêu chảy, nhiễm giun, sán, ký sinh trùng hoặc tăng nguy cơ nhiễm bệnh cho người uống... Những người thể hàn (sợ lạnh, ăn kém, huyết áp thấp, hay đầy bụng, chậm tiêu, đi lỏng) tuyệt đối không nên dùng.
TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa, Hà Nội) cảnh báo, do da động vật có bám nhiều loại ký sinh trùng, vi trùng, mầm bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được như tụ cầu, liên cầu, cúm, lở mồm long móng... nên uống rượu pha tiết rất dễ nhiễm bệnh. Với nguyên liệu ngâm rượu thuốc cũng nên cảnh giác vì có thể có nhiều nguyên liệu có độc tính cao. Tuyệt đối không nên uống rượu khi đói và tắm ngay sau khi uống rượu. Để đề phòng ngộ độc ngày Tết, TS. Thịnh khuyên mọi người không nên uống rượu ngâm động vật, rượu có màu, các chế phẩm từ rượu, bia mà không rõ xuất xứ. Nên uống những loại rượu có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn hiệu chứng nhận về chất lượng.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cảnh báo một loại ngộ độc thường diễn ra hàng năm trong dịp Tết là ngộ độc cồn công nghiệp có tên khoa học là Methanol được pha trong rượu. Bản thân Methanol là chất có độc tính thấp, nhưng khi đưa vào cơ thể người, nó sẽ được chuyển hoá thành acid formic có độc tính rất cao. Khi bị ngộ độc Methanol, người uống rượu rất dễ lầm tưởng là say rượu vì đặc tính của Methanol tác động chủ yếu lên dây thần kinh điều khiển thị giác, khiến cơ thể bị hoa mắt, chóng mặt. Theo thống kê của Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, nhiều ca ngộ độc rượu được Trung tâm này tiếp nhận trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa qua bị rối loạn ý thức, hôn mê sâu do ngộ độc Methanol nhưng người uống cứ tưởng là say rượu.
Theo BS Trần Văn Thuấn, nếu sau khi uống rượu mà thấy vã mồ hôi, huyết áp cao, không tự điều khiển được cơ thể, chân tay co giật, mê sảng... là đã bị ngộ độc, phải gây nôn và đưa tới bệnh viện ngay để kịp thời xử lý.
Có thể hôn mê nếu uống rượu lẫn nước ngọt có ga
Cũng theo BS Trần Văn Thuấn, người say không nên uống thêm nước ngọt có ga vì sẽ làm cồn nhanh bị hấp thụ, sinh ra lượng lớn anhydrit cacbonic rất nguy hại cho gan, dạ dày, thận, tim... có khi còn làm cho huyết áp tăng cao, dẫn tới hôn mê.
Trong trường hợp đã uống quá chén không làm chủ được bản thân, nên giải rượu bằng cách uống nhiều nước rồi gây nôn. Tiếp đó, nên uống nước chanh vắt, thái lát ăn cả quả hoặc dùng lá dong vắt lấy nước cốt uống. Các loại hoa quả như mía, nước cam vắt, quýt, lê, táo, vitamin C sủi... cũng giúp giải rượu, thải cồn nhanh. Chẳng hạn: Nước ép trái cây có đường sẽ giúp cơ thể nhanh tỉnh táo; chuối bổ sung kali giảm cảm giác buồn nôn; sinh tố chuối có chút mật ong sẽ bổ sung dinh dưỡng, tăng nhanh lượng đường fructose đã mất cho cơ thể... Sau đó, nên ăn bát súp nóng, hoặc cháo hoa, cháo đường, nước cơm, đậu phụ để giải độc và bổ sung năng lượng.
Người Hoa có cách hồi phục sức khỏe nhanh bằng cách đun nước sôi có pha chút mật ong rồi đập quả trứng sống cho sôi bồng lên rồi cho người vừa tỉnh rượu uống để chóng hồi phục sức khỏe. Để giảm tác hại của cồn, tránh bỏng niêm mạc dạ dày họ thường ăn 2 quả trứng nửa chín, nửa sống trước khi uống rượu.
Sau tỉnh rượu sẽ rất mệt, nhưng theo các chuyên gia y tế, nên đi bộ để thúc đẩy loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Sau đó, có thể ăn món mềm, loãng, hoặc ăn bánh mì nướng với mật ong, tô cháo đường để khắc phục tình trạng mất nước, đường trong máu thấp trước khi đi ngủ sẽ hồi phục sức khỏe.
Trước khi uống rượu, bia nên ăn lót dạ, hoặc ăn chút thức ăn có dầu mỡ. Nên uống chậm, nếu thấy say, buồn nôn thì không nên cố kìm vì sẽ giữ các chất độc, gây tổn hại đến gan. Không nên sử dụng thuốc pamin, decolgen, aspirin... để đuổi cơn đau đầu, nặng đầu sau khi uống rượu bia vì như vậy sẽ khiến gan làm việc quá nhiều. Hành động này không những không khử được độc mà độc chất sẽ tích lũy, có thể gây hoại tử tế bào gan, lan rộng sẽ làm suy gan cấp... -BS Thuấn khuyến cáo.
Theo Giadinhnet
Cách phân biệt rượu ngoại rởm Tem: Tem chống hàng giả chính hiệu là tem bở nên nếu bóc ra dễ bị rách còn tem giả chỉ là giấy bóng in bình thường, nên có thể bóc toàn bộ tem ra dễ dàng mà không bị rách. Nắp: Nắp chai rượu sẽ có vết rạn trên đường viền do trước đó đã từng bị nạy ra. Còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật... Mức rượu trong chai: Rượu giả sẽ không có mức rượu trong chai đều tăm tắp như nhau do đóng thủ công. Trong khi các hãng rượu nổi tiếng trên thế giới đều đóng chai tự động nên mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Bọt khí: Rượu thật khi lật đít chai lên, bọt khí rất mịn và đều, các bọt khí di chuyển chậm, không theo phương thẳng đứng mà nó tỏa ra rồi mới lừng lững bay lên. Rượu giả có bọt khí to, có xu hướng bay lên theo chiều thẳng với tốc độ nhanh. Kim Cúc