Ruồng bỏ ông Trump, giới trẻ Mỹ có thể là bệ phóng của bà Clinton
Ngày càng nhiều cử tri trẻ tuổi Mỹ thể hiện sự thất vọng với Donald Trump và tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của đối thủ Hillary Clinton.
Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ. Ảnh: CNN
Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đang thu hút được sự ủng hộ đông đảo của các cử tri thế hệ Millennial, những người trẻ sinh ra trong giai đoạn 1980-2000, trong khi đối thủ Donald Trump đang thể hiện hình ảnh tồi tệ nhất trong mắt những thanh niên này, theo một khảo sát mới đây doUSA Today và Rock the Vote Poll thực hiện.
Kết quả khảo sát cho thấy bà Clinton đang có tỷ lệ ủng hộ 56%, trong khi ông Trump chỉ giành được cảm tình của 20% người trẻ dưới 35 tuổi. Theo giới phân tích, nếu xu hướng này vẫn tiếp tục, các cử tri trẻ tuổi sẽ giúp đảng Dân chủ tiếp tục giành được chiến thắng trong ba kỳ bầu cử liên tiếp.
“Tôi lo lắng về sự mù quáng của nhiều người Mỹ, và họ sẽ ủng hộ Trump dù ông ta ngớ ngẩn đến mức nào”, Elizabeth Krueger, nữ diễn viên 31 tuổi tham gia khảo sát, bày tỏ. “Bà Clinton có thể không phải là một tổng thống hoàn hảo, nhưng còn ai khác cơ chứ?”
Một nửa số người dưới 35 tuổi tham gia khảo sát cho biết bản sắc của họ nghiêng về phía đảng Dân chủ, trong khi chỉ có 20% nói rằng họ có “chất” của đảng Cộng hòa. Ứng viên đại diện đảng Cộng hòa nhận được sự ủng hộ yếu ớt chưa từng có từ giới trẻ, thấp hơn cả mức 32% mà ứng viên Richard Nixon nhận được trong cuộc khảo sát với những người từ 18 đến 29 tuổi năm 1972, thời kỳ dấy lên làn sóng phản chiến của thanh niên Mỹ.
Theo phân tích của tổ chức Gallup, các thế hệ thanh niên Mỹ từng có sự ủng hộ gần như ngang bằng đối với đảng Dân chủ và Cộng hòa trong các kỳ bầu cử trước năm 2000. Tuy nhiên, trong hai kỳ bầu cử gần đây, sự ủng hộ mạnh mẽ của những cử tri dưới 30 tuổi là một phần quan trọng làm nên chiến thắng của Tổng thống Barack Obama.
Dữ liệu do Cục Thống kê Dân số công bố hồi tháng 4 cho thấy số dân thuộc thế hệ Millennial ở Mỹ hiện nay là 75,4 triệu, cao hơn mức 74,9 triệu cử tri thuộc thế hệ Baby Boom, giờ đây đã 51-69 tuổi.
Thực tế này cho thấy ngày càng nhiều đảng viên Cộng hòa trẻ tuổi, giống như các bậc lão thành, đang phải chịu đựng sự giằng xé giữa mối lo ngại về ông Trump và sự ủng hộ đối với đảng chính trị của họ.
Video đang HOT
“Ban đầu tôi ủng hộ Ben Carson, và khi ông ấy rút lui, tôi quay sang ủng hộ Ted Cruz. Nhưng khi ông ấy rời cuộc đua, tôi không còn nhiều lựa chọn”, Serena Potter, sinh viên 19 tuổi tại Đại học Purdue, tâm sự. Khi được hỏi sẽ bỏ phiếu cho ai trong cuộc bầu cử sắp tới, cô trả lời: “Nếu bị dí súng vào đầu, tôi sẽ nói là Trump. Ông ấy tốt hơn Hillary”.
Thảm họa sau đại hội đảng
Bà Clinton chụp ảnh cùng một thanh niên trẻ. Ảnh: QZ
Theo giới quan sát, tỷ lệ ủng hộ của giới trẻ Mỹ đối với tỷ phú Trump sụt giảm thê thảm sau khi ứng viên này có màn trình diễn được đánh giá là tệ hại tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa diễn ra hồi tháng 7 ở Cleveland.
3/4 số người trẻ được hỏi cho biết họ đã theo dõi diễn biến của kỳ đại hội này qua truyền hình trực tiếp trên tivi, đọc các bài viết trên mạng xã hội như Twitter và Facebook, hay xem các bài phát biểu qua YouTube.
Những người này nói rằng họ không hài lòng với những gì đã diễn ra tại đại hội đảng Cộng hòa. Ít nhất 50% số người được hỏi cho biết sau đại hội, ông Trump ít có tư cách của một tổng thống hơn, kém tin cậy hơn trước đây. Nhiều người còn cho rằng tỷ phú có vẻ ít lòng nhân đạo và ít gần gũi hơn, nhất là khi ông Trump có những lời lẽ xúc phạm đến gia đình một sĩ quan Mỹ tử trận ở Afghanistan.
Nhiều cử tri trẻ cho biết dù rất thất vọng với ông Trump sau kỳ đại hội đảng, họ vẫn sẽ bỏ phiếu cho tỷ phú trong cuộc bầu cử tổng thống tới đây, vì lý do đơn giản là họ không muốn bà Clinton được đặt chân vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, 57% cử tri nói rằng họ ủng hộ bà Clinton bởi vì bà có “kinh nghiệm phù hợp để lãnh đạo”, so với 22% số người được hỏi nêu lý do tương tự để bỏ phiếu cho ông Trump.
Tỷ lệ ủng hộ đối với bà Clinton lại được cải thiện sau đại hội đảng Dân chủ ở Philadelphia. Tỷ lệ cử tri trẻ coi là có dáng dấp tổng thống cao hơn, giàu lòng trắc ẩn hơn. Tuy nhiên, mức độ đáng tin cậy của bà không được cải thiện trong suy nghĩ của các cử tri thế hệ Millennian.
“Theo tôi, bà ấy đã nói dối nhiều lần trong vụ bê bối email và nhiều thứ khác”, Franklin Tan, một học sinh trung học 18 tuổi ở Springfield, New Jersey, nhận xét. “Nếu bạn không tin vào khả năng làm tổng thống của bà ấy, không nghĩ rằng bà ấy sẽ làm tốt công việc của mình, tại sao phải bỏ phiếu cho bà ấy?”
Nhiều cử tri trẻ tin rằng điểm yếu của bà Clinton hiện nay chỉ là do cách diễn thuyết, phong cách ăn nói của bà. “Tôi từng ủng hộ Bernie, nhưng khi ông ấy rút lui, tôi đã ủng hộ cho Clinton. Bà ấy là người rất giỏi về chính sách, chỉ là hơi kém ăn nói và giao tiếp với mọi người”, Will Barkalow, 24 tuổi, chủ một công ty khởi nghiệp về công nghệ, khẳng định.
Trí Dũng
Theo VNE
Bà Clinton sẽ rắn hơn Obama trong chính sách Biển Đông
Với kinh nghiệm của một cựu ngoại trưởng, bà Clinton hiểu rõ tầm quan trọng của an ninh ở Biển Đông và sẽ thể hiện sự cứng rắn hơn, theo các chuyên gia.
Bà Clinton được cho là sẽ nỗ lực thúc đẩy chính sách của ông Obama ở châu Á. Ảnh minh họa: PBS
"Nếu trở thành tân tổng thống Mỹ, bà Clinton ở mức độ nào đó sẽ thể hiện sự kiên quyết hơn trong chính sách với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề Biển Đông", Giáo sư Michael Desch, Giám đốc Trung tâm An ninh quốc tế thuộc Đại học Notre Dame, Mỹ, trao đổi với VnExpress về chính sách của ứng viên đảng Dân chủ.
Đánh giá này của ông Desch nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ, những người đang theo dõi sát cuộc cạnh tranh gay gắt giữa bà Clinton và đại diện đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ông Philip Levy, chuyên gia chiến lược tại Đại học Northwestern, Mỹ, cho rằng ứng viên của đảng Dân chủ sẽ đặt mối quan tâm lớn vào chính sách xoay trục của Tổng thống đương nhiệm Obama. Một trong những kiến trúc sư của chính sách này, ông Kurt Campbell, gần đây được nhiều người dự đoán sẽ đóng vai trò chính trong nhóm chính sách đối ngoại của bà Clinton nếu bà thắng cử. Dù vẫn duy trì cái tên "Xoay trục/tái cân bằng" hay dưới cái tên khác, bà Hillary sẽ tiếp tục nhìn nhận châu Á là một khu vực có vai trò quyết định với lợi ích của Mỹ.
"Với kinh nghiệm của một cựu ngoại trưởng, bà ấy hiểu rõ xung đột tiềm ẩn có thể bùng phát ở Biển Đông. Bà sẽ chú ý tới vấn đề này ở mức độ nó xứng đáng", ông Levy nói.
Dự báo về xu hướng cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông nếu ứng viên Clinton thắng cử, Phó Giáo sư Trevor Thrall, chuyên gia tại Đại học George Mason, đánh giá mối quan hệ giữa hai cường quốc sẽ vẫn duy trì "tông" hiện nay. Điều đó có nghĩa hai bên vẫn kiểm soát tình hình để xung đột không đến mức độ bùng phát. Việc duy trì chiến lược của Mỹ ở châu Á cũng bao gồm tăng cường các mối liên minh với các đối tác ở khu vực này.
"Bà Clinton sẽ tiếp tục duy trì chính sách xoay trục châu Á nhằm ngăn Trung Quốc kiểm soát Biển Đông. Bà ấy tin tưởng mạnh mẽ rằng Mỹ đóng một vai trò quyết định ở Thái Bình Dương, tương tự như ông Obama", ông Thrall nói.
Về triển vọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các chuyên gia đánh giá di sản của ông Obama "vẫn có cửa" được bà Clinton phê chuẩn dù đang có nhiều trở ngại.
Ông Thrall lưu ý cuối tuần qua cựu ngoại trưởng nhắc lại bà sẽ bác bỏ TPP vì nó làm "người lao động Mỹ mất việc và lương của họ giảm", khi phát biểu trong chiến dịch vận động ở Warren, bang Michigan. Tuyên bố này khiến việc thông qua TPP trở nên khó khăn hơn nếu như nó không được phê chuẩn trước khi bà nhậm chức.
David Shulman, nhà kinh tế học cao cấp thuộc tổ chức dự báo uy tín UCLA Anderson Forecast, Mỹ, đánh giá ứng viên của đảng Dân chủ sẽ không ủng hộ TPP chừng nào nó được đàm phán lại về một số điểm. Do những ý tưởng thương mại "ương ngạnh" của Donald Trump và Bernie Sanders, TPP đã trở thành chủ đề được tranh luận nhiều ở Mỹ. Bà Clinton cần phải trở thành một "nhà giao dịch" giỏi hơn Obama trong Quốc hội Mỹ để có các lá phiếu ủng hộ của đảng Cộng hòa.
"Việc này sẽ khó khăn", ông Shulman nói.
Đồng tình với ý kiến này, Phó giáo sư Thrall cho rằng ứng viên Trump của đảng Cộng hòa và ông Sanders đã tạo nên tâm lý chống TPP lớn ở Mỹ, do đó bà Clinton có thể không giúp TPP được thông qua đồng thời với việc tuyên bố bảo đảm việc làm cho người lao động Mỹ, xét về phương diện chính trị. Kể cả khi các thành viên của đảng Dân chủ giành được nhiều ghế hơn ở Hạ viện và Thượng viện trong năm nay, sự ủng hộ cho hiệp định cũng ít hơn so với thời kỳ Obama làm tổng thống.
Ông Levy cho rằng công chúng cần xem xét TPP đúng như những gì bà Clinton đã tuyên bố, rằng hiệp định cần được đàm phán lại. Tuy nhiên, bà ấy cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ của Mỹ với châu Á - Thái Bình Dương và TPP có vai trò trung tâm ở đó. Vì thế ông trông đợi cựu ngoại trưởng sẽ có những nỗ lực để soạn lại TPP nhằm đưa hiệp định có thể được chấp thuận.
"Tôi tin rằng bà Clinton sẽ tạo nên một số thay đổi trong TPP để tìm ra điểm bà có thể ủng hộ, chẳng hạn như các chương trình đào tạo lại nhằm nâng cao cho các công nhân bị ảnh hưởng bởi tự do thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó các tiêu chuẩn lao động khắt khe hơn, những bảo đảm cho bảo vệ môi trường và cơ chế ngăn chặn thao túng tiền tệ cũng có thể nằm trong số này", ông Thrall nói.
Việt Anh
Theo VNE
Hồ sơ thuế - Vũ khí mới của bà Clinton chống lại tỷ phú Trump Với việc công khai hồ sơ thuế, bà Hillary Clinton đang gia tăng áp lực lên đối thủ Donald Trump, người từ trước tới nay luôn không muốn kê khai thu nhập cá nhân. Ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton hôm qua công bố mức thu nhập...