Rước rồng lửa trước Tòa thánh Tây Ninh
Đêm Trung thu, hàng nghìn tín đồ đạo Cao Đài đổ về Tòa thánh Tây Ninh xem múa Rồng nhang, một trong những lễ hội lớn nhất năm của giáo hội này.
Tối 1/10, hàng nghìn người dân, tín đồ đạo Cao Đài tham dự Hội Yến Diêu Trì Cung. Sự kiện được tổ chức lần đầu tiên vào rằm tháng 8 năm Ất Sửu (1925) tại nhà của Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư ở Sài Gòn và được duy trì từ đó đến nay vào hai ngày giữa tháng 8 âm lịch hàng năm.
Nét đặc trưng của hội là đoàn rước cộ với màn múa rồng nhang phun lửa.
Mô hình rồng dài khoảng 20 m, được 30 thanh niên diễu hành trước Báo Ân từ đến Đền Thánh vòng qua Đông Tây khán đài.
Tòa thánh được coi là tổ đình – cơ sở thờ tự cấp trung ương của đạo Cao Đài. Công trình khởi công năm 1933, hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Ngôi toà thánh rộng hơn 2.000 m2, nổi bật với hai lầu chuông và trống cao 25 m. Khuôn viên toà thánh rộng hơn một km2 với những con đường thênh thang. Nơi đây cách TP Tây Ninh khoảng 4 km.
Màn phun lửa có sự kết hợp của bốn linh vật Long, Lân, Quy, Phụng tạo nên điểm nhấn trong đêm lễ hội. Kỹ thuật phun lửa được các diễn viên thực hiện bằng việc điều tiết gas và dầu hỏa.
Trong ngày đại lễ, dẫn đầu là đoàn rước cộ bông Đức Phật Mẫu và cửu vị Tiên Nương, theo sau là đội nhạc, đội trống và đội lân, rồng. Trên xe rước bài trí hình nộm với màu sắc rực rỡ, mang màu sắc thần tiên.
Khi đoàn rước đi qua, người dân và các tín đồ Cao Đài trong khuôn viên cùng chắp tay, đọc kinh bày tỏ sự thành kính.
Video đang HOT
Đoàn rước Trung thu còn có sự tham gia của các nhi đồng hoá trang thành phượng hoàng, trượt patin trên sân.
Các thiếu nữ diện trang phục truyền thống, vai mang gùi diễu hành quanh khuôn viên tòa thánh. Theo quy định của ban tổ chức, năm nay do Covid-19 nên tất cả diễn viên trong đoàn rước đều phải đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn.
Khi đám rước đi hết hai vòng, cũng là lúc người dân và các tín đồ được tự do tham quan, chụp hình lưu niệm tại Nội ô tòa thánh. Vào ngày hội, nhiều tín đồ trong tỉnh mang theo chăn màn, quần áo để qua đêm tại đây.
Cũng trong đêm hội, tại Báo Ân từ, người dân và du khách còn được chiêm ngưỡng không gian rực rỡ sắc màu của hoa quả phẩm, đèn hoa trang trí hiến lễ tại 74 gian trưng bày của các Họ đạo, Ban đại diện Hội thánh trong tỉnh. Theo ban tổ chức, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên lễ hội hạn chế, chỉ tổ chức trong tỉnh.
22h, hơn 2.000 chức sắc, tín đồ đạo Cao Đài trong trang phục truyền thống – nam áo dài trắng, đầu đội khăn đóng, nữ áo dài, đứng trước Báo Ân từ, tiến hành nghi thức cúng đại lễ, cầu bình an trong cuộc sống cho mọi người.
Trời về đêm lất phất mưa nhỏ, một số tín đồ mặc sẵn áo mưa, vừa đọc kinh làm lễ.
Đông đảo tín đồ tập trung làm lễ trước Báo Ân từ trong khuôn viên tòa thánh. Nghi lễ kéo dài suốt 2 giờ trong tiếng nhạc và các bài kinh kệ truyền thống của đạo Cao Đài.
Sáng 2/10, ban tổ chức Hội Thánh tiếp tục làm lễ cúng và dâng sớ cầu an và phát quà cho nhi đồng, kết thúc lễ hội.
Đạo Cao Đài hay Cao Đài giáo là một tôn giáo độc thần được thành lập ở miền Nam vào năm 1926. Tôn chỉ của đạo này làlấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm hành đạo, lấy việc phụng sự chúng sinh làm hành động, lấy sự cứu rỗi các chơn linh làm cứu cánh, phấn đấu xây dựng một xã hội đạo đức, an lạc bằng tinh thần thương yêu đồng đạo.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2009, đạo Cao Đài có trên 10.000 chức sắc, gần 30.000 chức việc, khoảng 2,4 triệu tín đồ, với 958 tổ chức Họ đạo cơ sở được công nhận ở 35 tỉnh, thành phố, thành lập 65 Ban Đại diện, 1.290 cơ sở thờ tự.
Tây Ninh mảnh đất trầm tích lịch sử và tâm linh
Trên hành trình xuyên Việt, bạn đừng bỏ qua Tây Ninh - mảnh đất mang nhiều lớp trầm tích văn hóa, lịch sử và cả tâm linh.
Dưới đây là 5 địa danh nổi tiếng nhất của miền biên viễn Đông Nam Bộ mà bạn nhất định phải ghé tới.
Tòa thánh Tây Ninh
Nằm cách trung tâm thành phố Tây Ninh chừng 5km về phía Đông Nam, tòa thánh Tây Ninh không chỉ được biết đến như một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn giống như một "Jerusalem" thiêng liêng với hàng vạn tín đồ đạo Cao Đài trên khắp thế giới.
Chính thức khởi công xây dựng năm 1933, trải qua 22 năm, tòa Thánh mới được hoàn thiện, trở thành nơi thờ Thiên Nhãn - biểu tượng tối cao của đạo Cao Đài. Công trình nghệ thuật độc đáo có diện tích gần 12 km2, bao gồm nhiều hạng mục lớn nhỏ: Tòa thánh, đền thờ Phật mẫu, bửu tháp. Tòa thánh dài khoảng 100m, với 12 cửa, cửa Chánh Môn là cửa lớn nhất. Mặt ngoài có 2 tháp cao 36m.
Tòa Thánh Tây Ninh đón hàng ngàn lượt du khách tới tham quan mỗi năm, đặc biệt vào 2 ngày Đại lễ vía Đức Chí Tôn (mùng 9 tháng Giêng Âm lịch) và Hội Yến Diêu Trì cung (Rằm Tháng 8 Âm lịch).
Quần thể du lịch tâm linh Núi Bà Đen
Một địa chỉ khác chắc chắn không nên bỏ qua khi tới Tây Ninh là quần thể du lịch - tâm linh núi Bà Đen. Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 13km, khu du lịch mang tới cho du khách nhiều trải nghiệm trong cùng một chuyến đi.
Với độ cao 986m giữa thiên nhiên thơ mộng, núi Bà Đen được mệnh danh là nóc nhà Nam Bộ. Từ nhiều năm nay, ngọn núi vẫn thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm tới chinh phục, khám phá như một cách "lên cao để trông xa".
Không chỉ có vậy, núi Bà Đen còn nổi tiếng bởi hệ thống chùa, miếu với nhiều tầng lớp văn hóa lịch sử, trong đó nổi bật nhất là Linh Sơn thiên thạch tự thờ Thánh Mẫu Linh Sơn. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định Núi Bà Đen cũng chính là nơi phát tích của tục thờ Thánh Mẫu trong cộng đồng cư dân Nam Bộ ngày nay. Người dân bản xứ tin rằng, đây là ngôi chùa rất linh thiêng, đem lại sức khỏe và sự bình an cho bá tánh.
Đặc biệt, hệ thống cáp treo Bà Đen được khu du lịch Sun World BaDen Mountain đưa vào hoạt động đầu năm nay giúp du khách dễ dàng chinh phục nóc nhà Nam Bộ và hành hương, vãn cảnh, bái Bà, khám phá những điều kỳ thú tại danh thắng nổi tiếng bật nhất Tây Ninh này.
Hiện khu du lịch đang áp dụng combo hấp dẫn đến hết tháng 9. Theo đó, giá combo gồm 1 vé khứ hồi cáp treo lên Chùa Bà và 1 vé khứ hồi cáp treo lên đỉnh núi là 300.000 đồng/người lớn và 150.000 đồng/trẻ em cao từ 1-1.4m, miễn phí cho trẻ dưới 1m.
Chùa Gò Kén
Từ thành phố Tây Ninh, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến chùa Gò Kén. Đây là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất Tây Ninh với kiến trúc bề thế và vô cùng độc đáo, do hòa thượng Thích Trí Lượng khởi xây từ cuối thế kỷ 19 và được tu bổ năm 2007.
Chùa được được thiết kế giống ngôi nhà thờ với hai mái lợp ngói móc, chiều dài khoảng 30m và chiều rộng 15m. Tường được xây với vữa vôi nghiền cùng lá cây ô dước, cửa chính có hình mái vòm và mở ở vách đầu hồi. Ngôi chùa có khuôn viên rộng hơn 6.000m2, với nhiều công trình nổi tiếng như tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 25m đứng trên con rồng cao 7m; tượng Phật nhập niết bàn dài 25m. Ngoài ra còn nhiều công trình khác như cổng Tam quan, điện thờ Đức Phật Di Lặc, vườn Lâm Tỳ Ni, núi Ngũ Hành Sơn...
Hiện, mục tiêu lớn nhất mà chùa đang hướng đến là hoàn thiện các công trình như giảng đường Phật học để tương lai ngôi chùa trở thành trung tâm Phật giáo của tỉnh Tây Ninh.
Hồ Dầu Tiếng
Hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á là điểm đến không thể bỏ qua tiếp theo khi ghé thăm Tây Ninh. Hồ có diện tích 27.000 ha, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho Tây Ninh và các tỉnh phụ cận.
Vào những ngày thời tiết đẹp, Dầu Tiếng long lanh như một mặt gương. Du khách sẽ ngỡ ngàng với màu xanh thăm thẳm của nước hồ và trời mây, say mê với nhịp sống bình yên đến nao lòng của những xóm vạn chài ven bờ nước lớn. Đây thực sự là điểm đến thích hợp cho chuyến đi du lịch ngắn ngày. Đặc biệt, với nhiều trò chơi trải nghiệm như chèo thuyền, cắm trại, câu cá..., hồ Dầu Tiếng đã tạo sức hút không hề nhỏ đối với du khách thập phương.
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát
Là cửa khẩu quốc tế sầm uất, nơi giao thương, kết nối của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia hiện nay, thế nhưng trong quá khứ, Xa Mát cũng chính là vùng chiến sự ác liệt, gắn chặt với cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam thân yêu của Tổ quốc. Tại đây, hơn 40 năm về trước, 460 đồng bào đã bị Pol Pot tàn sát dã man. Đến Xa Mát, du khách có thể dễ dàng tìm thấy khu tưởng niệm những người đã hi sinh trong trận chiến tàn khốc nằm giữa Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát cũ và mới.
Trải qua tháng năm, từ một chiến trường ác liệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, ngày nay Xa Mát đã là cửa khẩu quốc tế chuyên về trao đổi thương mại, minh chứng cho mối quan hệ vững bền và hữu nghị của hai quốc gia láng giềng thân cận.
Ngoài 5 địa danh nói trên, Tây Ninh chắc chắn sẽ còn có rất nhiều địa chỉ vàng cho du khách đắm say trên con đường hành hương xuyên Việt của mình.
Trung thu của học sinh có gì: Trang trí lớp học lầy lội, sáng tạo lồng đèn chẳng giống ai, xem là không nhịn được cười Xem học sinh thời nay lầy lội thế nào mùa Trung thu bằng loạt ảnh bá đạo dưới đây nhé! Trung thu là dịp mà bất kỳ học sinh nào cũng háo hức vì đây được xem là tết thiếu nhi của trẻ em Việt Nam, ngày mà mỗi người sẽ được vơi bớt đi gánh nặng bài vở và thỏa sức vui...