Rước họa vì chữa ung thư bằng tắc kè bay
Gần đây, không biết căn cứ vào đâu mà nhiều người mắc bệnh nan y thay vì đến các bệnh viện chuyên ngành để bác sĩ chẩn đoán, điều trị… lại đổ xô kiếm tìm những con tắc kè có cánh xuất thân từ đỉnh Thiên Cấm Sơn về ngâm rượu, tán bột đặng uống tiêu diệt cơn đau.
Trong tâm trạng rối bời, anh Nguyễn Hữu Trọng, nhà ở phường Đa Kao, quận 1, khẩn khoản đề nghị Báo làm rõ hiện tượng trên bởi cụ thân sinh của anh khi phát hiện bị ung thư tuyến giáp nhất định không đến bệnh viện mà dồn mọi hy vọng vào tắc kè bay.
Niềm tin quái gở
Cụ thân sinh của anh Trọng năm nay 67 tuổi. Cụ cho biết cách đây ba tuần, khi đi khám tổng quát được bác sĩ báo hung tin bị “hung thần” ung thư dòm ngó, muốn sống phải hóa trị. Nói đến đây, giọng cụ có vẻ rất tự tin: “Tôi có người bạn thân bị ung thư cổ tử cung. Chỉ vô mấy liều hóa chất đầu tóc rụng sạch nhưng vẫn bị những cơn đau hành. Bận nọ đi hành hương lên núi Cấm (còn gọi Thiên Cấm Sơn, tỉnh An Giang), nghe dân địa phương nói bệnh đó chỉ có thằn lằn bay mới chữa khỏi, chị liền áp dụng thấy rất hiệu quả, những cơn đau giảm dần. Tôi chơi thân với chị nên biết rõ ngọn ngành, bởi vậy mới quyết nuôi hy vọng vào thằn lằn bay đó chứ!”.
Video đang HOT
Bà Phạm Thị Sáu, bạn nối khố với cụ thân sinh anh Trọng, người đang dồn hy vọng sống vào những mẻ tắc kè bay, khoe: “Lúc dâng hương ở chùa Phật Lớn (trên đỉnh núi Cấm), nghe tôi van vái, chị bán nhang đèn thương tình bảo nhiều người cùng cảnh ngộ như tôi nhờ được bề trên báo mộng đã mua tắc kè bay về làm thuốc mà tai qua nạn khỏi. Tiếp đó, một người râu tóc để dài giống như đạo sĩ bảo, tắc kè bình thường đã bổ nói chi giống có cánh chuyên bay trên cao, hấp thu đủ thứ tinh lực nơi núi thiêng nên dược tính càng thêm oanh liệt. Nghe vậy nên tôi mua hai chục con về dùng và đỡ đau đỡ nhức trông thấy”.
Ông Hạo, người bị viêm xoang kinh niên, nhà ở phường Linh Trung (quận Thủ Đức) tin tưởng: “Tắc kè bay tuy nhỏ con nhưng sở hữu hàm răng nhọn hoắt như lưỡi cưa, ai bị cắn là đau nhói đến tận xương tủy, mình có đập chết nó cũng chẳng buông ra. Phàm con gì hung dữ, ngoại hình khác thường thì ẩn chứa nhiều tính năng khử độc, chữa bệnh rất thần hiệu. Tôi dùng thằng này thấy cũng đơ đỡ nên cúp ngang cái vụ thuốc Tây của mấy cha bác sĩ uống hoài vẫn không dứt bệnh” (???).
Phương pháp tào lao!
Bà Sáu cho biết: Thực tế trong dân gian có nhiều cách sử dụng, tinh chế tắc kè bay như người đem ngâm rượu trên 45 độ rồi hạ thổ 100 ngày, người đem băm nhuyễn nấu cháo, người chỉ lấy đôi cánh nó đốt thành tro rồi pha nước uống. Tôi được chị bán hàng phân tích phần bổ nhất của tắc kè bay là lớp da, lớp phấn. Nếu đem nấu, nướng thì dược tính của tắc kè sẽ giảm tác dụng ngay. Chị ấy khuyên tốt nhất là nuốt nguyên con.
Nhiều quầy đông dược ở phố Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) cũng bày bán tắc kè bay theo kiểu “nổ” vô cùng tận để bán với giá trên trời.
Mở tủ đưa chúng tôi xem một cái lọ nhỏ bên trong đầy thứ chất bột màu ngà, ông Hạo bảo “Bột tắc kè bay đấy” rồi tận tình hướng dẫn: “ Thằng tắc kè bay này như cốt hổ, chỉ cần thiếu một đốt xương thì mẻ cao coi như bỏ đi. Bởi vậy khi mua nhớ phải xem nó có đầy đủ các bộ phận như mắt, cánh, các chi hay không. Mua về đem để lên một cái nắp bằng đất sét, phía dưới đốt than theo kiểu đốt toàn tính cho sức nóng của cái nắp làm khô đám tắc kè đến độ mình đụng vào là nó rã ra thành bột. Khi cần sử dụng lấy một ít đổ lên giấy rồi kê mũi hít. Nhớ hít từ từ kẻo bị sặc. Tôi hít được 2 lần rồi, hít vào thấy đầu óc choáng váng và cơn đau tan biến”.
Coi chừng bị “nốc-ao” trước khi tỉnh ngộ
Cách đây không lâu, chúng tôi đã có bài phản ánh về tình trạng nhiều con buôn trưng bày bán hàng trăm con tắc kè bay bằng cách “nổ rần trời” nào là tắc kè có cánh chữa dứt các chứng viêm xoang, viêm mũi và những chứng bệnh bác sĩ chê.
Đem sự vụ trao đổi với lương y Út Thành và lương y Ba Lưới vốn là cao nhân chữa bệnh mát tay được cư dân vùng Thiên Cấm tôn là “thần y”, chúng tôi được cả hai vị lương y khuyến cáo đừng quá cả tin vào những lời quảng cáo vô căn cứ của phường con buôn kẻo ôm hậu họa. Những tưởng sau bài viết, thiên hạ sẽ “khôn” lên, ai ngờ…
Tại phòng khám ở quận Bình Tân, lương y Ngô Văn Đằng khuyến cáo: “Trong các y văn từ cổ chí kim, tôi chưa thấy tài liệu nào nói tắc kè bay trị ung thư. Tôi cũng chưa từng gặp bệnh nhân nào khỏi bệnh nhờ dùng con vật này cả”.
Một đồng nghiệp với lương y Đằng, phân tích: “Trường hợp ông Hạo, bà Sáu bảo nhờ hít bột, nuốt sống tắc kè bay mà giảm đau không phải nhờ tắc kè bay thần hiệu mà nhờ thuốc men, hóa chất họ sử dụng trước đó phát huy hiệu dụng. Sự lầm tưởng tai hại kia rất thường thấy ở nhiều bệnh nhân kém hiểu biết, thiếu lý trí. Bệnh ung thư không phải là dấu chết hết của đời người nếu được phát hiện kịp và chữa trị đúng cách. Nhiều người phát bệnh giai đoạn đầu, khả năng khỏi bệnh rất cao nhưng do niềm tin mù quáng mà tự đưa mình đến cửa tử”.
Theo Thành Dũng
Bệnh tai mũi họng có thể là dấu hiệu của bệnh nan y
Rất nhiều người nghĩ đau họng hay viêm mũi là mấy bệnh xoàng xĩnh, không uống thuốc cũng tự nhiên sẽ khỏi mà không hay đó lại là khởi đầu của rất nhiều căn bệnh nan y.
Nguy hiểm hơn ta tưởng
Từ kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, tôi thấy đại đa số bệnh nhân mình từng khám rất coi thường mấy bệnh tai mũi họng. Quả thực, ít người lường được những tác hại của những căn bệnh xoàng xoàng này. Bởi tai mũi họng liên quan đến nhau nên nếu bạn không điều trị dứt điểm bệnh ở bộ phận này thì nó sẽ trở thành tác nhân gây bệnh ở các bộ phận còn lại, chẳng hạn viêm mũi khi không trị dứt điểm có thể gây viêm tai (có thể ảnh hưởng đến thính giác và thậm chí nếu để lâu ngày còn gây apse não), viêm thanh quản (bệnh làm biến đổi chất giọng) hay viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi.
Nguy hiểm hơn, vi khuẩn của amidan còn có thể tấn công vào khớp, tim, thận và có thể để lại các biến chứng khôn lường như viêm cầu thận cấp, thấp khớp, thấp tim, viêm tim... Do đó, nếu một năm bạn bị khoảng 7,8 đợt viêm amidan thì tốt nhất là hãy cắt bỏ amidan để loại trừ nguồn gây bệnh cho các bộ phận khác.
Tai mũi họng là cửa ngõ của đường thở nên những trục trặc ở bộ phận này có thể gây tắc thở nhanh chóng. Viêm họng cấp, viêm phế quản cấp ở trẻ em, dị vật... là những thứ bạn phải điều trị sớm nhất có thể.
Những thói quen sinh bệnh
Thông thường, nhắc đến bệnh tai mũi họng là người ta thường nghĩ ngay đến tác nhân thời tiết, môi trường, nhưng thực tế khám chữa bệnh cho các bệnh nhân thời gian gần đây tôi nhận thấy rằng "kẻ thù" không kém nguy hiểm của tai mũi họng còn đến từ chính những thói quen rất phổ biến trong thời hiện đại như:
- Nghe headphone âm lượng lớn: Giới trẻ hiện nay rất thích dùng headphone để nghe nhạc, nghe điện thoại... nhưng lại không biết rằng âm lượng thích hợp cho thính giác và thời lượng phù hợp để nghe quan trọng như thế nào với đôi tai.
Có bệnh nhân đến trong tình trạng tai bị chấn thương âm do nghe headphone tần số quá cao. Bệnh này nếu không được điều trị kịp thời tai sẽ dần bị điếc, mà điếc do chấn thương âm thì vô cùng nan giản, gần như không chữa được. Thực tế, không ít người đã bị giảm thính lực vĩnh viễn do dùng headphone.
- Hút thuốc và uống rượu không đảm bảo chất lượng: Thuốc là là tác nhân số một gây ung thư vòm họng. Còn rượu không đảm bảo chất lượng có thể làm bỏng thanh quản. Khi thanh quản bị bỏng, bạn không chỉ cảm thấy nuốt khó, đau, rát mà đây còn là cơ hội để rất nhiều loại bệnh tấn công vòm họng như viêm họng, viêm amidan...
Phòng tránh không khó
- Vệ sinh tai mũi họng bằng nước muối: Để hạn chế những tác động xấu từ môi trường, khí hậu, cách duy nhất là vệ sinh mũi, họng bằng cách súc miệng nước muối hoặc xịt nước muối biển ba đến bốn lần mỗi ngày. Bạn nên lưu ý các loại nước muối dạng bình xịt có áp lực mạnh không nên dùng cho trẻ nhỏ dưới một tuổi. Thay vào đó hãy dùng nước muối 0,9% cho trẻ lứa tuổi này.
- Đeo khẩu trang khi ra đường và nếu nhà bạn ở gần đường có nhiều xe cộ qua lại hoặc gần bến xe, bến tàu thì nên lắp hệ thống cửa cách âm tốt để tránh tiếng ồn bên ngoài tác động hàng ngày vào tai.
- Ba tháng một lần bạn bên khám tai mũi họng. Cách này giúp bạn sớm phát hiện những căn bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng và ung thư thực quản.
- Với trẻ nhỏ: Bạn không nên tự lấy ráy tai cho con bởi tai trẻ rất mềm nên chỉ sơ suất một chút, bạn có thể làm xây xước tai con và dẫn đến viêm tai giữa. Hãy đưa trẻ đến bác sĩ. Và với trẻ trên 6 tuổi mà vẫn bị viêm VA thì nên cho con nạo VA để tránh hiện tượng chảy mũi và viêm tai giữa.
- Vào những đợt thời tiết chuyển mùa, việc giữ ấm cổ, đặc biệt với trẻ em là rất quan trọng. Dù đây không phải là biện pháp có thể loại bỏ tuyệt đối viêm họng, nhưng nó giảm phần lớn nguy cơ bị viêm họng, nhất là bệnh viêm họng cấp ở trẻ em.
Điều trị tích cực
- Đi khám bác sĩ: Khi có các biểu hiện của bệnh tai mũi họng, nhiều người thường có thói quen tự đi mua thuốc uống hoặc dùng lại đơn thuốc được kê từ lần trước. Đây là điều rất phản khoa học bởi cùng một đơn thuốc chữa ho, lần trước bạn dùng rất hữu hiệu nhưng lần sau dùng lại nguy hiểm.
Viêm mũi, viêm tai cũng vậy, nếu tự mua thuốc về uống, bạn rất có thể tiền mất tật mang. Thuốc Nastecelin là một ví dụ. Loại thuốc này rẻ, ngay lập tức mang lại cho bạn cảm giác thông mũi họng, nhưng vì thuốc làm co mạch nên nếu dùng nhiều có thể gây hiện tượng mất ngửi hay tim đập nhanh vô cùng nguy hiểm.
- Điều trị đủ liều: Một thói quen không tốt ở nhiều người là hay điều trị giữa quãng, uống thuốc một vài ngày thấy đỡ là dừng. Điều này không chỉ gây tình trạng nhờn thuốc, những lần sau khi bị bệnh, thuốc không làm cho bạn khỏi mà còn có thể để lại những biến chứng khôn lường do bệnh chưa điều trị dứt điểm. Hãy điều trị đủ liều thuốc, đủ thời gian theo hưỡng dẫn của bác sĩ.
- Điều trị càng sớm càng tốt: Nếu bạn muốn thời gian điều trị ngắn lại thì tốt nhất hãy đi khám ngay khi có biểu hiện bất thường. Một chiếc xương mắc ở cổ nếu được gắp ra ngay thì mọi chuyện chẳng có gì, nhưng chỉ cần để một vài ngày, nó có thể gây apse thành cổ, có khi gây tử vong.
Theo Giadinhtre