Rước đại họa vì “quỹ từ thiện toàn cầu”
Chờ tòa nghỉ nghị án, Thuấn tranh thủ ngoái tìm người thân.
Thuấn đi khắp nơi giới thiệu về Quỹ hy vọng toàn cầu khiến nhiều bị hại tin, giao tiền để mong được rót vốn không hoàn lại…
Trước tòa, Vương Quốc Thuấn, SN 1972, quê Hưng Yên; nhân viên Cty TNHH Quảng Nam, Hà Nội, quả quyết mình chỉ là bị hại. Kẻ chủ mưu trong vụ án này là Nguyễn Thị Quý Huyền, GĐ Cty CP Thương mại và Đầu tư Mỹ – Việt (Cty Mỹ – Việt). Nhưng người đàn bà này đã chết vì bệnh tật trong trại tạm giam. Tỏ ra thông cảm với bị cáo, các bị hại đều mở lời mong tòa giảm án cho Thuấn.
Nhưng đại diện VKSND TP Hà Nội khẳng định, cuối năm 2007, Thuấn gặp Huyền tại Cty Mỹ – Việt. Huyền “phô”, là đại diện của Quỹ hy vọng toàn cầu tại Việt Nam; quỹ này chuyên tài trợ vốn không hoàn lại cho các địa phương nông thôn nghèo của Việt Nam xây dựng trường học.
Giãi bày với HĐXX, Thuấn nói, định làm phúc nên mới đặt vấn đề xin Huyền 1 dự án xây dựng trường mầm non tại phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, nơi Thuấn cùng gia đình sinh sống. Huyền đồng ý và bảo Thuấn về làm dự án. Thuấn đã trao đổi lại với ông Phạm Hải H, Chủ tịch UBND phường Lam Sơn về chuyện được rót vốn xây dựng này. Sau đó, ông H bàn bạc với Huyền và được nữ GĐ cho xem Giấy chứng nhận của Ngân hàng Việt Nam xác nhận, trong tài khoản của Huyền có 50 triệu USD, tiền của Quỹ hy vọng toàn cầu tại Việt Nam. Huyền cho hay, rất cần các dự án để giải ngân nên ông H đã ký hợp đồng dịch vụ tư vấn với Cty Mỹ – Việt về dự án xây dựng trường mầm non Lam Sơn. Bà này yêu cầu ông H đặt cọc 60 triệu đồng để bảo đảm nguồn tài trợ.
Không chỉ có ông H “mắc bẫy”, qua Thuấn, ông Cao Hồng T, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hưng Yên cũng nhờ Huyền giúp một tay. Để phô trương thanh thế, Huyền còn mời lãnh đạo các xã gặp mặt tại nhà hàng Phù Đổng và dự lễ khởi công xây dựng trường tiểu học Đắc Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Thuấn đã thay Huyền đến các địa phương quảng bá về quỹ này.
Video đang HOT
Nghe theo Thuấn, đại diện UBND xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội và UBND xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội, đã ký hợp đồng tư vấn xây dựng với Cty Mỹ – Việt để xây dựng 2 trường tiểu học, trị giá 2 hợp đồng này là 11,5 tỷ đồng. Không có tiền đặt cọc bảo đảm nguồn tài trợ, các xã hô hào phía thi công ứng trước. Anh Nguyễn Văn Giới thay mặt UBND xã Hạ Mỗ đưa Thuấn 700 triệu đồng (60 triệu đặt cọc và 3% trị giá dự án được tài trợ để lập dự toán khảo sát thiết kế). Món tiền này, Thuấn nộp về Cty Việt – Mỹ 120 triệu đồng, chiếm đoạt 580 triệu đồng.
Rơi vào tình cảnh tương tự là anh Dương Mạnh Hùng, trú tại xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh Hùng đưa Thuấn 140 triệu đồng với hy vọng sẽ được thi công công trình.
Thuấn nói, gần 2 năm quen biết và giao dịch, bị cáo mới biết Huyền là kẻ lừa đảo. Bởi, nhiều lần hứa lên hứa xuống, nữ GĐ này chưa thực hiện được công trình nào. Thuấn đi tìm nhưng bà này “lẩn như trạch” và bị cáo đã đệ đơn tố cáo Huyền với CQCA.
CQĐT xác minh, hiện chưa có tổ chức phi chính phủ nước ngoài nào có tên Quỹ hy vọng toàn cầu đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Huyền bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng đã chết trong giai đoạn điều tra.
Cho rằng, mình không tư túi đồng nào, Thuấn nói, toàn bộ số tiền dành lo chi phí đi lại và đưa một phần cho nữ GĐ. Nhưng đại diện VKSND TP Hà Nội đặt ra nhiều câu hỏi “bắt lỗi”: “Bị cáo biết, không có chuyên môn lập dự toán thiết kế công trình sao vẫn yêu cầu các bị hại cắt 3% tổng trị giá công trình để đưa mình lo việc này?”, “Nhận tiền của họ rồi sao không trả hết cho Huyền?”. Thuấn đáp rằng, Huyền bảo “thư thư” nên bị cáo chưa vội đưa lại tiền. “Bị cáo nói, số tiền nhận đã chi phí đi lại hết nhưng giai đoạn điều tra, Thuấn khai, ăn tiêu cá nhân hết” – kiểm sát viên cho biết.
Vợ và anh trai của Thuấn cũng dự tòa. Thay mặt bị cáo, họ gom được 290 triệu đồng để trả cho các bị hại. Vợ Thuấn cho hay, vì chồng làm ăn thua lỗ, trước khi xảy ra vụ án này, hai người đã phải bán căn nhà với giá hơn 700 triệu đồng. Giờ không còn mảnh đất cắm dùi, 3 mẹ con chị phải ở nhờ một gian phòng nhỏ của trường tiểu học, nơi vợ Thuấn làm việc.
Nói lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án, Thuấn gửi lời cảm tạ đến người thân vì đã không bỏ mặc mình. Bị cáo cũng xin lỗi các bị hại và khóc nghẹn. Một lần nữa, Thuấn khẳng định, ban đầu là có ý tốt, muốn giúp đỡ địa phương mình. Ai dè, gặp phải người đàn bà lừa đảo nên Thuấn bị liên lụy. Bị cáo mong tòa “giơ cao đánh khẽ” để sớm trở về, có cơ hội trả nợ các bị hại. VKSND TP đề nghị tòa tuyên Thuấn từ 5 đến 6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ (vai trò đồng phạm, đã khắc phục hậu quả, nhân thân tốt, thành khẩn, các bị hại xin giảm án), TAND TP Hà Nội ngày 18/1/2013 đã tuyên Thuấn 5 năm tù.
Mức án khoan hồng khiến người thân của Thuấn thở phào. Trước khi rời phòng xử, anh trai bị cáo nhắc đi nhắc lại: “Em cố cải tạo tốt nhé!”.
Theo 24h
Tổ trưởng 'ôm' tiền tỷ của dân bỏ trốn
Dân nghèo xã Nghĩa Hưng bị chiếm đoạt tài sản vì quá tin lời của bà tổ trưởng tổ vay vốn.
Bằng nhiều thủ đoạn, bà Tổ trưởng tổ vay vốn đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều dân nghèo với số tiền lên đến 6,5 tỷ đồng rồi bỏ trốn khỏi địa phương.
Ngày 17/1, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Pah, Gia Lai cho hay, vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bà Nguyễn Thị Nhẽ (SN 1968, trú tại thôn 2, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah).
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, trong thời gian từ năm 2009 đến cuối năm 2012, với chức danh là cán bộ thú y xã, kiêm tổ trưởng tổ vay vốn và tiết kiệm ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, bà Nhẽ đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người bằng nhiều hình thức khác nhau.
Cụ thể, từ đầu tháng 12/2012 đến nay, Công an huyện Chư Pah đã tiếp nhận 30 đơn thư của người dân tố cáo bà Nhẽ chiếm đoạt số tiền lên đến 6 tỷ 442 triệu đồng và 3 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cụ thể, bà Nhẽ đã thế chấp 3 sổ đỏ của người dân để vay vốn từ chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Chư Pah với số tiền 1,2 tỷ đồng.
Đau lòng nhất là vụ bà Nhẽ đã "ôm" gần 400 triệu đồng của người dân nghèo ở thôn 2, xã Nghĩa Hưng, bao gồm các khoản trả lãi, gửi tiết kiệm, trả nợ gốc và đứng tên vay hộ cho bà này mượn tiền.
Đặc biệt, vị cán bộ thú y này còn mang bản hợp đồng chăm sóc cà phê cho công ty Chè Biển Hồ đi thế chấp vay nóng, sau đó báo mất và xin được cấp lại. Khi được cấp lại bản hợp đồng mới, bà Nhẽ tiếp tục mang hợp đồng đi thế chấp vay nóng của một chủ cho vay khác.
Theo thông tin từ nhiều người dân xã Nghĩa Hưng, một số cán bộ xã cũng bị bà tổ trưởng tổ vay vốn này lừa một khoản tiền lớn nhưng không dám lên tiếng.
Đầu tháng 12/2012, bà Nhẽ đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Theo 24h
10 cái Tết sau song sắt của trùm "siêu" lừa đảo đất Hà thành Trần Thị Thanh Nhã đã một thời từng làm mưa, làm gió bằng những cú lừa ngoạn mục ở mảnh đất Hà Thành. Bà đã đẩy cuộc đời mình vướng vào tội lỗi, cô độc. Phạm Thị Thanh Nhã - Bà trùm lừa đảo khét tiếng một thời Những cú lừa ngoạn mục Trong số những nhân vật tôi đã gặp trong cuộc...