Rừng tràm Trà Sư thi vị mùa nước nổi
Vẻ đẹp xanh mướt của lá tràm, bèo xanh cùng vô vàn sản vật cuốn hút du khách đến rừng tràm Trà Sư mùa nước nổi.
Mùa nước nổi ở đất phương Nam
Bắt đầu từ tháng 9, nước từ thượng nguồn đổ về và thông thường đạt đỉnh vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11. Trong suốt thời gian này, sự trù phú của các loài thủy sản và phù sa màu mỡ cho vùng đất phương Nam được vun bồi theo con nước, lớn ròng.
Mùa nước nổi về ôm lấy khu rừng khiến cho cảnh quan càng trở nên ấn tượng, không gian hoa viên tràm bỗng tỏa sáng, lôi cuốn du khách đến chiêm ngưỡng, khám phá.
Cầu Kiều dẫn lối du khách vào rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Hoàng Điệp.
Đón du khách là cây cầu Kiều với phong cách hoàng gia bắc ngang kênh Trà Sư. Khoe dáng trên dòng nước ắp đầy nguồn lợi thủy sản, du khách sẽ có dịp bước chân trên từng nhịp cầu lung linh đáy nước. Kế bên cầu là công viên hoa bốn mùa đầy màu sắc cho du khách chìm đắm trong vẻ đẹp của thiên nhiên khu rừng tràm mùa nước nổi.
Sảnh tiếp tân được cách điệu bằng chuỗi lâu đài bồ câu trắng tinh khôi, với kiểu kiến trúc châu Âu lịch lãm. Cả nghìn chú chim đưa thư đa sắc, trổ tài xòe cánh, gật gù bên hiên như thể hiện cử chỉ mời chào khách phương xa. Vị trí này là điểm check-in ảnh cưới được nhiều đôi uyên ương yêu thích vì phảng phất nét lãng mạn, ga lăng của phương Tây trong phiên bản Trà Sư.
Tận hưởng vẻ đẹp nội khu rừng Tràm Trà Sư
Video đang HOT
Ngồi trên thuyền, từ xa, du khách có thể nhìn thấy khóm hoa lấp ló dưới bóng cây tràm. Chạm tay trên mặt nước là thảm bèo nhung xanh mát.
Một người lái ghe tại rừng tràm cho biết, ngoài bèo các loại là đặc sản ở Trà Sư thì sen cũng thuộc hàng quý hiếm nơi đây. Vì loài hoa này nở quanh năm, ngay cả khi nước lũ đổ về. Do vậy, nhiều du khách đã yêu cầu dừng lại ở một số điểm có hoa sen nở để chụp ảnh kỷ niệm. Đặc biệt, họ muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi của tòa sen rừng chính hiệu với màu xanh mênh mông toàn khu rừng.
Bên cạnh đó, chiếc cầu tre vạn bước xuyên rừng còn đưa du khách khám phá trọn vẹn thiên đường xanh nguyên sinh ngập nước Trà Sư mùa nước nổi.
Tản bộ qua hàng km chiều dài cầu tre nổi tiếng này là cách để thử độ nhạy của các giác quan của mỗi du khách. Vũ khúc âm thanh lảnh lót, réo rắt xen lẫn tiếng chấp chới của muôn loài chim cò quý hiếm, tiếng gió thổi, mùi hương của các loài hoa… sẽ khiến du khách lãng quên ngay những bộn bề trong cuộc sống.
Đến rừng tràm Trà Sư, du khách còn có dịp ghé nghỉ mát ở cặp nhà trống – mái; dừng chân trên bến ngắm chim trời để thỏa sức đồng vọng theo đường bay như nét vẽ của các loài thiên điểu tạc vào bầu trời cao vời vợi. Hoặc dạn dĩ hơn, du khách leo lên đài quan sát cao 33 mét để chiêm ngưỡng trọn vẹn cả khu rừng xanh rậm rì thu vào tầm mắt.
Ở góc nhìn mở 360 độ, du khách sẽ còn khám phá những chiêu trò thú vị trong đời sống hoang dã nơi bảo tàng tràm nhiệt đới.
Chiếc cầu tre vạn bước xuyên rừng đưa du khách khám phá trọn vẹn thiên đường xanh nguyên sinh ngập nước Trà Sư. Ảnh: Hoàng Điệp.
Theo con nước nổi hàng năm, rừng tràm Trà Sư ngày nay ngoài vẻ đẹp xanh mướt còn mang theo nhiều nguồn lợi trù phú, là một trong những điểm nhất định phải đến khi du khách có dịp dừng chân tại mảnh đất phương Nam.
Cầu tre xuyên rừng tràm Trà Sư
Trên chiếc cầu tre vạn bước xuyên rừng sẽ giúp du khách khám phá trọn vẹn thiên đường xanh nguyên sinh ngập nước Trà Sư.
Tình đoàn kết, chung sức đồng lòng hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tập thể cán bộ, lãnh đạo tỉnh An Giang đã thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, công trình vạn lý Trúc Bạch Long là một ví dụ về niềm tin của nhà đầu tư đối với tỉnh này. Dù chỉ được gọi với cái tên dân dã và thân thương là cây cầu tre, nhưng công trình tại khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư đã tạo nên một kỳ quan vùng sông nước độc đáo. Một nét sáng tạo nhỏ đã chuyển tải được khát vọng to lớn của cả tỉnh An Giang.
Giai đoạn 1 của cây cầu tre dài 4 km đã hoàn thiện và đưa vào khai thác hồi đầu năm, cho du khách thỏa thích khám phá vẻ đẹp nguyên sinh ở Trà Sư. Ảnh: Văn Dương.
Khát vọng vươn xa
Khu du lịch rừng tràm Trà Sư do Công ty cổ phần Du lịch An Giang thuê lại với diện tích trên 160 ha để phát triển du lịch. Đơn vị này dự tính sẽ xây dựng cầu tre với tổng chiều dài trên 10 km, kinh phí hơn 10 tỷ đồng, qua hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 của cây cầu có chiều dài gần 4 km, sử dụng trên 500.000 cây tre các loại, kinh phí xây dựng trên 5 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng hồi đầu năm 2020.
Theo Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên rừng tràm Trà Sư, từ khi đưa vào khai thác, cây cầu tre đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút nhiều quan tâm của du khách, nhất là khách quốc tế vì tính độc đáo và nét duyên dáng của công trình. Không chỉ vậy, cây cầu tre được cách điệu tựa "Rồng trúc bạch", mang lại một cảm giác thích thú cho du khách khi có cơ hội khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh trù phú ở Trà Sư.
Song, đại diện Công ty cổ phần Du lịch An Giang - chủ đầu tư khu du lịch này cho biết, khát vọng chắp cánh ngành du lịch địa phương không chỉ dừng lại ở đó. Đơn vị này đang gấp rút hoàn thiện giai đoạn 2 nhằm nối dài cầu thêm 6 km, với nhiều hạng mục, công trình mới đặt trên cầu và xung quanh khu rừng, mang nhiều trải nghiệm cho du khách.
Công trình tại khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư đã tạo nên một kỳ quan vùng sông nước độc đáo ở An Giang. Ảnh: Văn Dương.
Thành tựu trên được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ bồi đắp thêm cho lòng tự hào dân tộc khi một lần nữa, một công trình đầy tính sáng tạo khác của người Việt Nam vươn mình ra biển lớn và lại có thể tạo thêm một đợt sóng to kích thích khách du lịch quốc tế. Nếu những công trình hiện đại nổi tiếng ở Việt Nam đều thể hiện tính sáng tạo trong phong cách kiến trúc tân thời và hàm chứa ý nghĩa cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước, thì công trình đầy nghệ thuật cầu tre Trà Sư tại An Giang thể hiện nét chân chất, mộc mạc, đượm tình yêu văn hóa của lao động địa phương, chứa chan hơi thở nồng ấm từ hồn dân tộc Việt.
Trà Sư thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tham quan, khám phá, đặc biệt là ở các ngày lễ, Tết. Theo thống kê, dịp Tết Nguyên đán 2020, nơi đây đã đón tiếp trên 40.000 lượt du khách, nhiều trường hợp du khách không thể vào tham quan do quá đông lượng khách đến nơi này.
Cây cầu tre từ khi đưa vào hoạt động ở giai đoạn 1 đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Văn Dương.
Góp phần phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Rừng tràm Trà Sư tọa lạc ngay tại đầu nguồn nhánh sông Hậu dòng Mekong chảy qua, nên đã hưởng sự bồi đắp màu mỡ của phù sa và nguồn thủy sản dồi dào. Vào những tháng nước lên, rừng Trà Sư và xung quanh khu vực được thiên nhiên ban tặng đa dạng sản vật đặc trưng.
Điều kiện thiên nhiên thuận lợi, vị trí đắc địa của khu rừng tràm Trà Sư cùng sự góp sức đầy sáng tạo từ con người, như ông bà thường nói là thiên thời - địa lợi - nhân hòa, đã thai nghén và sản sinh ra hậu duệ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm tại xã Ô Long Vĩ - huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là nơi có vị trí chiến lược quốc gia (gần biên giới Campuchia), nhưng đời sống của người dân vẫn còn khó khăn.
Ngày 15/1 vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận cây cầu vạn bước trong rừng tràm Trà Sư là "Cầu tre trong rừng tràm dài nhất Việt Nam", đánh dấu bước đầu trở thành hình ảnh cầu tre dài nhất và độc đáo trên đất Việt trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đại diện Công ty cổ phần Du lịch An Giang - chủ đầu tư khu du lịch rừng tràm Trà Sư nhận định - cùng với các quyết sách phát triển kinh tế ngoạn mục khác, như dự án khổng lồ năng lượng mặt trời và nhiều dự án điểm du lịch đánh dấu lịch sử chiến tranh oai hùng, trong tương lai sẽ đưa An Giang trở thành trọng điểm phát triển du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long giàu tiềm năng.
Rừng Tràm Trà Sư - Nơi hòa quyện tình yêu giữa con người và thiên nhiên Tương phản với những mất mát màu xanh của đó đây trên dải đất hình chữ S là một sự phù trú đến ngỡ ngàng ở vương quốc Tràm Việt Nam. Hậu quả của phá hoại môi trường Từ đầu năm 2020 đến nay, nước ta phải đối mặt 16 loại hình thiên tai, 186 trận giông, lốc, mưa lớn, mưa đá đặc...