Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất mùa nước nổi
Trà Sư (An Giang) mang một cảnh sắc yên bình của miền sông nước. Du khách được đi xuồng ba lá, dọc hai bên là rừng tràm, các loài động thực vật theo mùa.
Giữa bầu trời xanh ngọc, rừng tràm và những mảng bèo xanh kín mang lại cho du khách cảm giác mát mẻ, hòa mình vào thiên nhiên. Với vẻ đẹp dung dị và hài hòa, Trà Sư trở thành khung cảnh điển hình vẻ đẹp của miền Tây Nam Bộ.
Thong dong giữa lòng rừng Tràm. Ảnh : Chinnyplus.
Đường đến Trà Sư là con đường đất đỏ. Nơi đây cách biên giới Việt Nam – Campuchia khoảng 21 km. Vào tháng 9, tháng 10, mùa nước nổi, mùa của chim trời, cá nước, bạn sẽ bị cuốn hút vào vẻ đẹp của thiên nhiên và cả về ẩm thực nơi đây.
Vẻ đẹp sâu lắng và mộc mạc. Ảnh Ha Truong.
Du khách còn có thể thuê xe đạp để tham quan và săn ảnh với các loài động vật trên cánh rừng ngập mặn rộng hơn 800 ha. Giá thuê thuyền khoảng 60.000 một người trong 2 tiếng, đủ để bạn khám phá cánh rừng tràm và thong dong nghiên cứu các loài thực vật.
Nếu muốn thấy hết được màu xanh nơi đây, du khách đến rừng lúc sáng sớm, để những mảng bèo không bị những chiếc thuyền len lỏi đẩy. Buổi sáng cũng là thời điểm Trà Sư đẹp nhất.
Video đang HOT
Khung cảnh thanh bình. Ảnh : Cuongchan.
Trà Sư là nơi sinh sống của hơn 70 loài chim tiêu biểu cho vùng ngập mặn và cùng các hệ sinh thái khác, trong đó có các loài quý hiếm: cò Ấn Độ, điêng điểng, cá trê trắng, sếu…
Vào mùa nước nổi, du khách sẽ được biết thêm về loài thực vật mới – đặc sản ở miền Tây: hoa điên điển. Hoa này chỉ có vào mùa nước nổi cùng với cá linh. Hoa không chỉ để ngắm với sắc vàng rực rỡ cạnh bờ sông, mà còn làm nên ẩm thực đặc trưng cho Nam Bộ.
Du khách đừng bỏ lỡ cơ hội để lên đài quan sát, ngắm toàn bộ sắc xanh khỏe khoắn, tươi ngắn của rừng tràm.
Theo Zing News
Những điểm dừng chân ở miền biên giới Châu Đốc
Đến với Châu Đốc, An Giang, mảnh đất nằm trong vùng biên giáp với Campuchia, du khách không thể bỏ qua rừng tràm Trà Sư, chợ Tịnh Biên, hay miếu Bà Chúa xứ núi Sam.
Tháng 10 là thời điểm thích hợp để bạn phượt về miền sông nước An Giang, đặc biệt là Châu Đốc. Dưới đây là một số nơi cho bạn thấy rõ nét nhất về văn hóa, con người và thiên nhiên vùng biên Châu Đốc.
Rừng tràm Trà Sư
Du khách bắt đầu đi tắc ráng vào rừng tràm Trà Sư. Ảnh: Hương Chi.
Khu du lịch rừng tràm Trà Sư cách trung tâm Châu Đốc khoảng 25 km. Nếu bạn đi nhóm 3-5 người, vé giá sẽ là 65.000 đồng một người, sau đó được ngồi tắc ráng rồi chuyển qua điểm đi ghe chèo tay. Từ đây, những nhân viên chèo ghe hồn hậu sẽ chở bạn tham quan rừng tràm trong vòng 1 - 1h30 phút. Không gian xanh mát với vạt bèo ngập tràn mặt nước, trên cao là tán tràm che bóng, xung quanh còn có những con cồng cộc, cò, sếu... đi kiếm mồi.
Sau thời gian tham quan, bạn quay lại điểm trung chuyển của ghe chèo tay và tắc ráng. Khu vực này có dịch vụ ăn uống trưa. Bạn có thể thưởng thức những món lẩu, canh chua đặc trưng miền tây mùa nước nổi. Du khách muốn nhìn ngắm toàn cảnh rừng tràm thì leo lên đài quan sát ngay tại đây.
Miếu Bà Chúa xứ núi Sam
Miếu Bà nằm cách trung tâm TP Châu Đốc khoảng 5 km. Dù có một dịp lễ vía lớn vào 23 - 27/4 âm lịch hàng năm, miếu vẫn được nhiều người dân và du khách tới chiêm bái mỗi ngày. Ngoài tham quan kiến trúc miếu, hay phong cảnh núi Sam, du khách còn có thể mua sắm vì nơi này tấp nập người mua bán và hàng quán không kém chợ Châu Đốc.
Làng người Chăm Châu Giang
Một ngôi nhà sàn người Chăm nằm ngay cạnh bến đỗ xe buýt ở Châu Giang, Châu Đốc. Ảnh: Hương Chi.
Từ trung tâm Châu Đốc, du khách qua phà Châu Giang, giá vé là 5.000 đồng/người và xe máy. Đây là một trong những điểm dừng thú vị với những người thích tìm hiểu văn hóa, kiến trúc và con người Chăm. Không khí đời sống thanh bình, người dân vẫn còn ăn mặc trang phục truyền thống và gìn giữ nhiều nét đẹp dân tộc mình.
Tới làng Chăm Châu Giang du khách được chiêm ngưỡng các nhà thờ xây theo phong cách Hồi Giáo với thánh đường lớn, hay các ngôi nhà sàn đặc trưng văn hóa Chăm. Một số nhà trong làng còn làm bánh bông lan thủ công với khuôn đồng, kỹ thuật dùng than nóng để làm chín bánh. Nếu đi về phía Tân Châu, bạn còn tìm tới được những người gìn giữ nghề dệt truyền thống.
Thú vị nhất là dịp làng có đám cưới, bạn sẽ quan sát, tìm hiểu thêm nhiều phong tục tập quán của người Chăm.
Chợ biên giới Tịnh Biên
Chợ chỉ cách cửa khẩu hải quan hai nước khoảng 2 km. Đây là nơi buôn bán nhộn nhịp của cả người Việt và Campuchia. Đi vòng quanh chợ bạn có thể tìm được rất nhiều mặt hàng lạ mắt, không phải nơi nào cũng có như khô chuột, nhái, côn trùng... Nếu cái nắng vùng biên làm bạn mệt mỏi, các hàng chè, nước, ăn uống nằm bao quanh chợ sẽ là điểm nghỉ chân thích hợp. Một trái dừa nước lớn giá 10.000 - 15.000 đồng hoặc 5.000 - 10.000 đồng một chai nước thốt nốt sẽ xua tan mệt mỏi.
Biển chỉ dẫn hướng đi Tịnh Biên và cửa khẩu hải quan qua Campuchia. Ảnh: Hương Chi.
Theo VNExpress
Đi đâu miền Tây mùa nước nổi? Rừng tràm Trà Sư, làng nổi Tâp Lập, búng bình Thiên... vào các thời điểm khác trong năm đã đẹp, mùa nước nổi càng lung linh, huyền ảo. Chợ nổi Cái Răng là điểm du lịch nổi tiếng nhất của Cần Thơ. Thời gian hoạt động của chợ nổi từ 5-9h. Các mặt hàng buôn bán chủ yếu là nông sản, trái cây...