Rưng rưng sò vọp trộn gỏi chuối cây
Sáng sớm, trời còn se sắt, đã nghe dì sột soạt trong chái bếp. Như đợi sẵn từ bao giờ, vừa nghe tiếng chân tôi đặt xuống đất, dì đã nói với lên: “Tí hai dì cháu mình ra vườn cắt chuối non về làm gỏi, mát lắm”.
Gỏi sò vọp chuối cây non ẢNH: THANH LY
Ngày đó, cũng độ giữa hè, khi từng cơn gió nam thổi thông thốc mang theo cái nắng hanh hao khắp xóm nghèo, mực nước sông trước nhà cạn dần, mấy chị em tôi lẽo đẽo theo ngoại đi bắt sò vọp.
Thời điểm này, sò vọp vùi dưới lớp bùn cát ở đáy sông, chỉ nhô lên trên một phần nhỏ. Chịu khó lội sâu vào bãi cát bùn, thò tay vào lòng nước cạn là bắt ngay được nó. Bắt sò vọp đối với tụi trẻ chúng tôi cũng giống như bắt cá, bắt tôm… là công việc quen thuộc của bất kỳ đứa trẻ nào sinh ra và lớn lên nơi sông nước. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ, nếu trúng thì được cả một sọt sò vọp.
Sò vọp nhìn bề ngoài không bắt mắt, vỏ cứng dày; nhưng người làng tôi hay bảo với nhau rằng, chúng là nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao; là vị thuốc quý của người dân quê, có vị ngọt, tính hàn, không độc; có tác dụng dưỡng âm, lợi tiểu, mát gan…
Video đang HOT
Ngày đó, ngoại thường cho chúng tôi ăn nhiều món ngon từ sò vọp, công phu thì sò vọp xào sả, đơn giản thì luộc hay nướng. Ngoài ra, những hôm bọn trẻ chúng tôi trở người nóng nhiệt, lở miệng, ngoại lại cất công đi đón chuối non làm món gỏi. Chuối cây kết hợp sò vọp giúp thanh nhiệt, giải độc; thích hợp cho mọi thể trạng, đặc biệt cho những người bị tăng huyết áp, tim mạch, hay trẻ nhỏ bị nhiệt, mụn nhọt. Chuối cây có nhiều chất xơ, tốt cho sức khỏe.
Từ ngày ngoại mất, cũng đã lâu rồi tôi chưa thưởng thức lại hương vị thân thương ngày nào. Thật may mắn, lần này về thăm dì đúng ngày con sông trước nhà cạn nước, dì đã kịp ra sông bắt sò vọp từ chiều qua. Dì bảo: “Bây giờ sò vọp không còn nhiều như trước, cuộc sống của người dân quê mình cũng khá hơn nên không ai lặn bắt”. Dì với cái chân quen lội nước nên tranh thủ lúc nông nhàn, thi thoảng lại xắn quần, đội nón đi bắt sò vọp.
Sò vọp bắt về, dì đem ngâm nước vo gạo chừng vài tiếng đồng hồ, để nó há miệng, nhả hết cát, bùn. Sau đó, tiếp tục dội sạch bằng nước lã, cứ làm như thế, chừng 3 đến 4 lần. Cẩn thận hơn, dì dùng bàn chải cọ sạch lớp vỏ bên ngoài, rửa lại bằng nước sạch để tránh mùi. Riêng khâu luộc sò vọp lấy ruột, tưởng đơn giản nhưng đòi hỏi có kinh nghiệm, phải biết cách, vì nếu không tuân thủ một vài thao tác thì ruột sò vọp không trắng, không giòn mà còn dai.
Muốn làm cho trắng và giòn, khi nước vừa sôi, nhanh tay đổ sò vọp vào, nước sôi bùng là ruột sò nổi lên, lấy vợt vớt ra đổ vào một cái thau nước lạnh, trong đó có ít muối. Người ta gọi khâu này là rửa ruột. Rửa xong vớt sò ra rổ để cho ráo nước. Mẹo đơn giản, nhưng không để ý cũng khó mà biết.
Trong khi đợi sò vọp ráo nước, dì tước bỏ phần bẹ ngoài cây chuối non vừa mang về, xắt lát mỏng ngâm vào nước pha chanh cho trắng, vớt ra để ráo nước. Trộn đều chuối cây với sò vọp, nêm mắm có đủ vị chua, cay, ngọt. Thêm ít rau răm, hành, ngò, tiêu lên trên để tăng độ nồng nàn của món gỏi.
Một buổi xế chiều mùa hè, bên chái hiên lồng lộng gió, ngồi nhân nha vị giòn giòn, ngọt bùi, sần sật của món gỏi sò vọp chuối cây mà nghe lòng rưng rưng, thầm cảm ơn dì đã cho tôi một lần quay về hương vị tuổi thơ.
Hương vị quê hương: Chiều vơi bên đĩa rạm rang muối
Những đêm mùa hè dễ làm tôi nhớ quê. Đôi khi cồn cào đến nỗi nhắm mắt là thấy hình ảnh... những con rạm bò dọc bò ngang trên gành đá ven bờ.
Rạm rang muối làm mùa hè thêm nhung nhớ
Và rồi tôi có chuyến về thăm quê Quảng Ngãi - một vùng biển xinh đẹp và trù phú tiếp giáp với tỉnh Bình Định về phía nam. Cà phê với nhóm bạn, tôi rủ: "Xí nữa đi bắt rạm để lấp... chỗ trống chiều nay nghen". Mấy ông bạn hưởng ứng ngay. Nhưng mấy bà vợ bàn ra, nói mấy ông tới tuổi chậm chạp rồi, cái giống tám cẳng hai càng này lanh lắm, không dễ bắt đâu. Một bà "thách" luôn: "Mấy ông mà bắt được rạm về cứ để trên lưng tui mà nướng".
Bị khích tướng, nhóm chúng tôi quần đùi áo cánh thẳng hướng gành biển. Vùng này là không gian đậm dấu ấn tuổi thơ của trẻ làng chài. Chiều chiều tan học, lũ trẻ hay ùa xuống gành bắt rạm về cho má nấu canh. Cũng có khi ba... lén lấy bớt, tự làm món rạm thả dầu khi nhà có "chiến hữu" ghé chơi.
Rạm khá dạn dĩ. Thấy người nhưng nó vẫn lười tăng tốc. Hình như nó quên nó là... rạm - một món ngon xưa nay hay khiến người ta lên cơn thèm lúc xa quê. Chắc tới khi bị bắt nó mới nhớ nó là... rạm. Nhờ vậy nên lui cui một hồi chúng tôi cũng bắt được hơn 20 con. Ông bạn nói nhiêu đây có thể... ca khúc khải hoàn được rồi, về tay không mấy bả cười thì "nhục" lắm.
Đời rạm gắn với đời sông, đời đồng, đời biển. Nhưng ở quê tôi, trên các cánh đồng giờ tìm con rạm khó hơn... lên trời. Các loại phân bón hóa học, thuốc tăng trưởng... đã "góp phần" làm sạch bóng rạm, kể cả cua đồng. Giờ thì rạm chỉ có thể sống ở vùng cửa sông, nhiều nhất là trên những gành đá ven biển. Chúng thường được gọi là rạm gành. Trong họ cua, rạm hiền nhất. Mua rạm ngoài chợ, người ta có thể dùng tay bốc lựa từng con mà không sợ bị càng kẹp tay. Còn với cua đồng, làm như vậy là tạo điều kiện cho cua "gây án".
Rạm hơi giống cua đồng nhưng mảnh dẻ hơn. Để ý sẽ thấy rạm khác cua đồng ở chỗ vỏ rạm mỏng, bụng hơi vàng, càng hơi to, cẳng có nhiều lông tơ, mai xù xì. So với cua đồng, rạm nhiều gạch hơn, thịt ngọt và béo hơn. Rạm còn "lấy điểm" người ăn ở chỗ vỏ rạm rất giòn và thơm, có thể để vậy nhai luôn mà không phải hì hụi tách bóc.
Làm rạm đơn giản thôi. Rửa rạm sạch. Giữ nguyên que càng. Khi nấu canh với khế chua nên chặt rạm làm đôi cho chất ngọt tiết ra làm "mềm môi" khi chan với cơm. Ngoài món canh, nếu rang me, rang muối, rang dầu... thì cứ để nguyên con. Những món vừa kể gọi chung là "rạm khô". Người quê tôi hay nói rạm khô mà làm "ướt mèm" bao nhiêu dân "chiều chiều giải mỏi" vì món này "bắt bia" ghê lắm. Có người cường điệu hơn, nói rạm khô làm khổ nồi cơm. Vì chỉ cần đĩa rạm rang dầu thôi cũng khiến cái dạ dày xốn xang, bứt rứt. Nồi cơm nhanh vơi là vì thế.
Chiều nay, tôi và mấy ông bạn cũng ngồi với đĩa rạm, nhưng là món rạm rang muối chân quê. Hạt muối mặn một cách... ngọt ngào đã "tôn vinh" anh chàng rạm lên rất nhiều. Vỏ rạm ưa chất muối nên càng giòn. Thịt rạm ngọt thơm mềm mại. Chỉ riêng "bộ thập" tám cẳng hai càng thôi cũng góp phần làm bồi hồi cái lưỡi. Từ chuyện con rạm lan sang bao nhiêu chuyện quê rồi cuối cùng cũng trở về với đĩa rạm lúc này đã hết. Chiều vơi hồi nào không hay.
Tép mỡ - món ăn gợi nhớ quê hương Xác mỡ được cho vô khuôn ép thành từng miếng gọi là tép (tóp) mỡ. Cầm miếng tép mỡ trong tay nóng ấm, tôi cắn nhẹ rồi nhai ngấu nghiến. Chất mỡ trơn lùi chảy sâu dạ dày, tươm ứa quanh môi. Nhưng ngon quá đỗi là khi chấm tép mỡ với chút đường cát. Sau giấc ngủ trưa, tôi đều được ba...