Rừng phòng hộ tự nhiên tại Quảng Trị tiếp tục… “chảy máu”!
Hàng loạt cây gỗ rừng tự nhiên đã bị các đối tượng “lâm tặc” đốn hạ, xẻ phách vận chuyển đi nơi khác, chỉ còn lại bìa gỗ nằm ngổn ngang giữa rừng. Xung quanh những gốc cây bị chặt hạ còn tứa nhựa là lượng lớn mùn cưa vẫn còn rất mới.
Thực trạng đáng buồn này được nhóm phóng viên chúng tôi ghi nhận tại khu rừng thuộc lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (tỉnh Quảng Trị) quản lý.
Những bìa gỗ sau khi được xẻ, nhiều phách còn sót lại trong rừng
“Lâm tặc” ngang nhiên “xẻ thịt” rừng
Từ Km 52 trên QL 9 nối từ Đông Hà lên Lao Bảo, chúng tôi rẽ vào con đường đất dẫn đến khu vực rừng tự nhiên phòng hộ để nắm bắt tình hình, nhằm ghi nhận việc tàn phá rừng phòng hộ đang diễn ra tại đây. Con đường này do Công ty CP Năng lượng Quảng Trị đang tiến hành san ủi, mở rộng để phục vụ việc vận chuyển nguyên vật liệu và thiết bị xây dựng Nhà máy thủy điện Khe Nghi.
Men theo con đường này khoảng 4km, những dấu hiệu về việc tàn phá rừng dần hiện ra. Nhiều cây gỗ lớn đã bị “lâm tặc” đốn hạ nằm ngổn ngang, chỉ còn lại bìa gỗ và mùn cưa vương vãi khắp nơi. Càng tiến sâu vào bên trong khu rừng, chúng tôi phát hiện thêm hàng loạt cây gỗ khác cũng chung số phận tương tự. Điều đáng nói, một số cây gỗ bị đốn hạ với vết cắt còn khá mới, dường như các đối tượng “lâm tặc” đã xẻ phách và vận chuyển đi cách đây chưa lâu. Thậm chí, có những cây gỗ vừa bị đốn hạ cách đây chỉ vài giờ.
Những phần gỗ bị loại bỏ khi lấy phần khối
Theo quan sát, tại khu rừng thuộc tiểu khu 678D, 688, thuộc địa phận Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (tỉnh Quảng Trị) quản lý, các cây gỗ bị đốn hạ có đường kính khoảng từ 40-60cm. Ước tính sơ bộ có khoảng hàng chục cây gỗ như vậy nằm ngổn ngang giữa rừng. Hầu như các cây gỗ lớn đều bị đốn hạ không thương tiếc. Những gốc cây còn tứa nhựa nằm trơ trọi, với cành, lá héo úa khắp nơi.
Những gốc cây trơ trọi chúng tôi bắt gặp giữa rừng
Phần gỗ vừa bị “lâm tặc” đốn hạ cách đây không lâu
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ quan sát tại khu rừng này, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng loạt cây gỗ lớn bị các đối tượng “lâm tặc” đốn hạ. Việc “xẻ thịt” rừng dường như diễn ra khá ngang nhiên, đáng báo động. Những thân cây mà chúng tôi đã bắt gặp, ước tính cũng có tuổi thọ 30-40 năm, tức là phải mất thời gian khá dài mới hình thành được những cánh rừng xanh ngút như vậy, nhưng cảnh tượng trước mắt khiến ai chứng kiến cũng không khỏi ái ngại.
Lực lượng mỏng, nhiều lần bị “lâm tặc” chống trả
Để có được câu trả lời xác đáng trước thực trạng tàn phá rừng phòng hộ, chúng tôi tìm gặp đại diện Công ty CP Năng lượng Quảng Trị, đơn vị đang tiến hành thi công công trình Thủy điện Khe Nghi.
Video đang HOT
Ông Lê Thanh Hải, Chánh văn phòng Công ty CP Năng lượng Quảng Trị cho biết: “Khi được đơn vị chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa – Đakrông (tỉnh Quảng Trị) bàn giao mặt bằng phục vụ việc xây dựng công trình thủy điện, đơn vị chúng tôi đã tiến hành san ủi, mở đường vào khu vực rừng tự nhiên phòng hộ nối từ xã Đakrông đến xã Hướng Linh (huyện Hướng Hóa), với chiều dài hơn 8km, xuyên qua khu rừng này để tiện cho việc vận chuyển nguyên vật liệu và các trang thiết bị phục vụ thi công. Tuy nhiên, khi con đường này được mở ra thì một số đối tượng lợi dụng đường thông thoáng để vào chặt cây rừng. Lúc bắt gặp các đối tượng mang cưa máy vào đốn cây, vì không thuộc trách nhiệm nên chúng tôi phải báo với các cơ quan chức năng địa phương ngăn chặn”.
Hàng loạt cây gỗ lớn bị đốn hạ không thương tiếc
“Khu vực rừng này có đan xen với đất đai, cây cối của người dân địa phương nên chúng tôi không nắm rõ ranh giới cụ thể. Khi thi công công trình đã thực hiện việc đền bù đất đai, cây rừng cho người dân. Hơn nữa, các đối tượng chặt cây rừng vận chuyển gỗ đi bằng đường tắt nên đơn vị chúng tôi không giám sát được. Một số lần bắt gặp thì bị họ phản ứng, thậm chí các công nhân còn bị những người này đe dọa”, ông Hải nói.
Những thân cây lớn còn khá ngổn ngang
Thừa nhận có tình trạng người dân tự ý mang máy cưa vào rừng chặt phá cây, ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Đakrông- Hướng Hóa cho biết: “Khi đơn vị thi công triển khai xây dựng nhà máy Thủy điện Khe Nghi, lợi dụng có con đường được mở xuyên vào rừng, một số người dân tại địa bàn thôn Vùng Kho, xã Đakrông đã dùng máy cưa, xe máy ồ ạt vào rừng khai thác gỗ tự nhiên trái phép tại tiểu khu 678D, 688 thuộc địa phận quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Đakrông- Hướng Hóa. Số gỗ bị khai thác trái phép chủ yếu thuộc nhóm V đến nhóm VII”.
Gốc cây còn tứa nhựa mà “lâm tặc” mới đốn hạ
Ngổn ngang bìa gỗ trong rừng
Ông Tý cho hay: Mặc dù lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Ban đã đóng lán ở lại tại rừng, tăng cường lực lượng để tuyên truyền, vận động, tuần tra, ngăn chặn, đẩy lùi các đối tượng vào rừng khai thác gỗ. Nhưng các đối tượng này không chấp hành mà còn thách thức, ngang nhiên cưa đốn, chặt hạ gỗ. Họ không kể cả ngày lẫn đêm lén lút vào rừng, có nhiều thủ đoạn liều lĩnh, bất chấp pháp luật để dùng máy cưa, xe máy vào rừng chặt hạ gỗ trái phép.
Gốc cây có đường kính gần 60 cm bị chặt hạ
Trình bày một loạt khó khăn trong hoạt động bảo vệ rừng, ông Tý nói: “Nhiều lần chúng tôi đã tổ chức truy quét, có sự phối hợp giữa lực lượng của Ban quản lý rừng, lực lượng kiểm lâm, công an môi trường, chính quyền địa phương và đã bắt quả tang và lập biên bản, tịch thu một số lượng gỗ do các đối tượng khai thác trái phép. Nhưng cũng nhiều lần khi lực lượng phối hợp của chúng tôi vào tận nơi thì họ đã nắm bắt và ra khỏi rừng nên không ngăn chặn được. Một số cán bộ của chúng tôi không ít lần bắt gặp các đối tượng phá rừng thì bị đe dọa, đập phá xe máy, thậm chí là uy hiếp tính mạng”.
Đăng Đức
Theo Dantri
Ngang nhiên "xẻ thịt" rừng phòng hộ ở Quảng Trị
Hàng loạt cây rừng tự nhiên khu vực huyện miền núi Đa Krông, thuộc rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông (Quảng Trị) quản lý bị xẻ thịt không thương tiếc.
Tan nát rừng phòng hộ
Nhận được tin báo của nhân dân, sáng 26.2, PV Dân Việt cùng nhóm đồng nghiệp lên đường tiến vào khu vực rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đa Krông làm chủ rừng để ghi nhận tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, khi từ quốc lộ 9 (nối Đông Hà - Lảo Bảo) rẽ vào rừng chừng 100 mét thì nhóm phóng viên bị cản trở bởi một nhóm người tự xưng là bảo vệ của công ty Tân Hoàn Cầu đang thi công làm đường.
Một người tự xưng tên là Nguyễn Lương Quý, bảo vệ công ty Tân Hoàn Cầu ngăn cản nhóm PV tác nghiệp.
Rừng bị tàn phá không thương tiếc, càng vào sâu cây rừng bị tàn phá càng nhiều.
Việc cắt xẻ gỗ thành khối hộp được thực hiện ngay tại rừng.
Một khúc gỗ lớn rỗng ruột bị lâm tặc bỏ lại.
Mất 1 giờ đồng hồ tìm đường khác nhưng không thành, nhóm PV buộc phải bỏ lại xe để đi bộ vào rừng nhưng vẫn bị bảo vệ công ty Tân Hoàn Cầu cản trở. Sau khoảng 15 phút nói lý lẽ thì nhóm PV mới thoát khỏi sự đeo bám, cản trở của nhóm người trên và đi bộ vào rừng.
Từ quốc lộ 9, đi theo con đường đang được công ty Tân Hoàn Cầu làm khoảng 3km thì xuất hiện tình trạng rừng cây bị triệt hạ không thương tiếc dọc hai bên đường. Khu vực nhóm PV ghi hình cách quốc lộ 9 khoảng 4km, thuộc tọa độ 16 độ 40 phút 25 giây Bắc - 106 độ 47 phút 41 giây Đông có vô số cây rừng bị đốn hạ. Nhiều cây gỗ lớn, đường kính 40-90cm bị máy cưa xẻ thịt còn rỉ nhựa cây.
Rừng bị tàn phá một thời gian khá dài. Trong ảnh gốc cây gần bị cắt đã mọc chồi, còn gốc cây đằng xa mới bị cưa.
Nhóm PV khá vất vả để tiếp cận hiện trường vụ phá rừng.
Càng vào sâu, rừng bị tàn phá càng nhiều. Khu vực rừng này không còn cây lớn nào bởi đã bị đốn hạ.
Một nhóm thanh niên người Vân Kiều cho hay, công ty Tân Hoàn Cầu đã đốn hạ cây rừng. "Công ty nói họ được quyền cưa cây, họ không cho chúng tôi cưa" - một thanh niên người Vân Kiều cho biết.
Đã ngăn chặn kịp thời nhưng... vẫn mất rừng
Trong khi đó, ông Trần Văn Tý, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đa Krông cho biết: "Dân có lên trộm, anh em báo về họ có cưa 1-2 cây chỉ là củi. Ban quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm ngăn chặn kịp thời".
Rất nhiều gỗ nằm ở khu vực công ty Tân Hoàn Cầu đặt máy móc làm đường.
Một khúc gỗ có đường kính 40cm nằm lại giữa rừng.
Tuy nhiên, sáng 26.2, tiếng máy cưa vẫn ầm ầm ở khu vực rừng phòng hộ mặc dù xuất hiện một chiếc xe biển xanh của kiểm lâm. Từng đoàn xe máy vẫn ngang nhiên chở gỗ đã cắt thành từng khối vuông vức chở từ trong rừng qua cổng barie của công ty Tân Hoàn Cầu xuống quốc lộ 9.
Một số người dân Vân Kiều tố rằng Công ty Tân Hoàn Cầu vừa làm đường vừa cắt cây rừng.
Trước đó, Báo Dân Việt đã đăng loại bài "Ngang nhiên chở gỗ lậu "khủng" trên quốc lộ như chốn không người". Bài báo đã phản ánh có nhóm 3 thanh niên ngang nhiên dùng xe máy chở gỗ lậu trên quốc lộ 9 (đoạn qua thôn Khe Xông, xã Đa Krông, huyện Đa Krông). Sau đó, lực lượng kiểm lâm đã thu giữ 1,1 m3 khối gỗ lậu (chưa quy tròn) trên và xác định số gỗ ấy được lấy từ khu vực rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đa Krông quản lý.
Sau phản ánh của Báo Dân Việt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo UBND huyện Hướng Hóa và các ban nghành liên quan lập tức điều tra vụ việc.
Cuối năm 2016, tuyến đường Khe Van - Hướng Linh (tỉnh Quảng Trị) do Công ty CP Tân Hoàn Cầu khởi công với chiều dài khoảng 15 km đi qua 2 huyện miền núi Đa Krông và Hướng Hóa. Tuyến đường này nhằm phục vụ cho việc vận chuyển vật liệu để Công ty Tân Hoàn Cầu xây nhà máy điện gió. Tuy nhiên, khi làm đường cũng là lúc rừng phòng hộ bị tàn phá.
Theo Danviet
Để chuyển đổi rừng sai phép, lãnh đạo tỉnh nhận lỗi với Chính phủ Tại buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thừa nhận việc có hàng trăm hecta rừng bị chuyển hóa và xin nhận lỗi trước Chính phủ về vấn đề này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với...