Rừng ngập mặn chết khô
Khoảng 7,5 ha rừng tự nhiên và 25 ha rừng trồng cây đước, mắm, bần ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành chết khô giữa nước.
Những ngày này, cánh rừng ngập mặn rộng hơn 50 ha chạy quanh xã Tam Giang, huyện Núi Thành không còn màu xanh vốn có, thay vào đó là màu nâu sẫm của thân, cành cây khô héo. Đây là cánh rừng ngập mặn có diện tích lớn nhất phía Nam tỉnh Quảng Nam.
Hình chụp ngày 20/4/2019 và 14/7/2021.
Theo người dân địa phương, sau nhiều cơn bão liên tiếp cuối năm 2020, cây trong rừng ngập bắt đầu rụng lá rải rác rồi chết khô dần trên diện rộng. Đầu mùa hè 2021, thời tiết nắng nóng kèo dài khiến cành, thân chết khô nhanh hơn.
Một góc khu rừng trước và sau khi chết khô.
Xã Tam Giang như một ốc đảo, xung quanh sông nước bao vây. Người dân trồng rừng ngập mặn với các loại cây mắm, bần, đước chạy dọc theo tuyến đê. Đến năm 1995, phong trào nuôi tôm thẻ trân trắng nở rộ, nhiều hộ dân bắt đầu “xẻ thịt” rừng để đắp bờ làm ao nuôi tôm. Toàn địa phương còn sót lại hơn 25 ha rừng ngập mặn tự nhiên nằm rải rác.
Ông Nguyễn Ngọc Chính, 64 tuổi, xã Tam Giang, là người từng tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngặp mặn. “Rừng là lá phổi của làng, nó còn ngăn sóng, bão gió bảo vệ người dân. Nhiều năm qua người dân trồng và chăm sóc bảo vệ nhưng nay khô héo hết rồi”, ông chia sẻ mong muốn chính quyền sớm tìm ra nguyên nhân, trồng lại cây mới.
Hai cây đước còn sống sót giữa xung quanh khô héo.
Cây bần hơn 150 tuổi bị chết khô. “Rừng này chưa bao giờ bị chết, đây là đầu tiên tôi chứng kiến”, ông Lương Văn Long, hơn 70 tuổi, nói và nhận định cơn Molave cuối tháng 10/2020 mạnh nên mang theo nước mặn có nồng độ cao xâm thực ngâm nhiều ngày khiến cây chết.
Xã Tam Giang nằm ở nơi có nhiều cửa sông chảy về nên rác thải tấp vào. Mỗi khi nước lớn dâng lên, rác tràn vào rừng, nay lá cây không còn che phía trên nên rác thải lộ thiên dày đặc.
Một số cây chưa chết khô song phát triển chậm, cành lá còi cọc.
Trước đây ông Nguyễn Văn Trung, 42 tuổi, thường mang lưới ra mưu sinh ở rừng ngập mặn khi nước thủy triều lên, song từ ngày cây chết khô, thủy hải sản không còn nhiều. “Ngày trước cây cối dày đặc xanh tốt nên cá, cua, tôm… về sống nhiều song nay cạn kiệt. Bủa lưới cả buổi chỉ đủ phục vụ bữa ăn cho gia đình, không có bán”, ông nói và cho biết thêm nhiều loài chim không còn bay về đây trú ngụ.
Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Núi Thành, cho biết rừng ngập mặn ở xã Tam Giang có diện tích hơn 50 ha. Trong đó, 25 ha rừng tự nhiên đã chết khoảng 7,5 ha; rừng trồng mới 26 ha, chết hơn 25 ha.
“Chúng tôi đã khảo sát, đánh giá song vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân vì sao cây rừng lại bị chết”, đại diện Phòng nông nghiệp nói.
Rừng ngập mặn chết khô. Video: Đắc Thành.
Phó chủ tịch xã nghỉ việc trồng ba kích
Giữ chức phó chủ tịch xã vùng cao với thu nhập hơn 11 triệu đồng mỗi tháng, anh Nguyễn Bá Hiển vẫn xin nghỉ việc để tập trung trồng ba kích tím.
Những ngày này, anh Nguyễn Bá Hiển ở xã Lăng, huyện Tây Giang, thuê hơn 30 nhân công vận chuyển 30.000 cây giống ba kích tám tháng tuổi đến trồng dưới tán rừng tự nhiên.
Năm nay 31 tuổi, Hiển làm chủ vườn ươm rộng 1.000 m2, cung cấp 120.000 cây giống ba kích hàng năm cho địa bàn Quảng Nam. Ông chủ trẻ gắn bó với miền núi xứ Quảng nhưng không phải người dân gốc ở đây.
"Tôi quê huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, theo học Đại học Sư phạm Đà Nẵng và nên duyên với Quảng Nam từ đề tài nghiên cứu đánh giá sự sinh trưởng của cây ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô ra thực tế", anh Hiển nói.
Anh Nguyễn Bá Hiển kiểm tra cây giống ba kích trước khi đưa đi trồng. Ảnh: Đắc Thành.
Trong thời gian nghiên cứu đề tài trên, cứ mỗi tháng một lần Hiển rời thành phố, vượt quãng đường 200 km đến xã Lăng, ở lại vài ngày nghiên cứu giống cây ba kích rồi quay về trường.
Sau gần 4 năm, Hiển tốt nghiệp đại học loại giỏi. Trong khi bạn bè cùng trang lứa ở lại Đà Nẵng hoặc tỏa đi các thành phố lớn xin việc làm, Hiển quay lại huyện vùng cao Tây Giang ăn nhờ, ở đậu người dân địa phương để tiếp tục đề tài nghiên cứu. Anh cùng một số người dân trồng thử nghiệm ba kích bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Ban đầu cây sinh trưởng trong phòng thí nghiệm, nhưng tỷ lệ sống sót khi ra thực địa không đáng kể. Sau một năm tìm tòi khắc phục, Hiển nhân giống thành công ba kích, cây sống khỏe ngoài môi trường tự nhiên.
Anh được chính quyền địa phương ký một hợp đồng cung cấp 5.000 cây giống, giá mỗi cây 6.000 đồng. Sau 6 tháng, Hiển sắp bàn giao cây giống thì mưa lũ ập đến nhấn chìm vườn giống. Toàn bộ cây ngập úng chết, vườn ươm tan hoang khiến Hiển mất hơn 30 triệu đồng.
Anh rơi vào cảnh trắng tay, trong khi bố mẹ than phiền, lo lắng vì con trai tốt nghiệp đại học xong không có công việc ổn định, suốt ngày lăn lộn trên núi rừng.
Không chấp nhận thất bại, Hiển tìm đến khu vực núi cao để phát triển cây giống, tránh mưa lũ. Chiếc xe máy bố mẹ mua để ra trường đi làm và bộ máy tính anh trai tặng, Hiển mang bán được gần 20 triệu đồng để "làm lại từ đầu". Sau 8 tháng, anh nhân giống gần 10.000 cây ba kích đem bán, trừ chi phí thu lời vài chục triệu đồng.
Cuối năm 2012, hưởng ứng chủ trương thí điểm tuyển chọn 600 tri thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch UBND xã thuộc 64 huyện nghèo, Hiển đăng ký tham gia và được tuyển chọn nhờ nói thành thạo tiếng Cơ Tu của người dân địa phương.
Anh Hiển cầm bụi ba kích nặng hơn một kg củ. Ảnh: Đắc Thành.
Ngoài công việc chính quyền, Hiển thành lập tổ hợp tác sản xuất khoảng 100.000 cây giống ba kích bán ra thị trường. Năm 2016, anh thuê một ha đất trồng ba kích, sau bốn năm thu một tấn củ, trừ chi phí lãi 500 triệu đồng.
Tháng 12/2018, Hiển viết đơn xin nghỉ chức Phó chủ tịch xã. "Nghỉ việc cũng tiếc nhưng tôi đam mê theo đuổi cây ba ba kích, muốn dành nhiều thời gian hơn để ươm giống", anh nói.
Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thiên Bình do Hiển làm giám đốc có 13 thành viên, sở hữu khu vườn ươm rộng 1.000 m2, cung cấp 120.000 cây giống mỗi năm. Ngoài ra, Hợp tác xã thuê 47 ha đất dưới tán rừng thuộc khoảnh 7, tiểu khu 111, xã Lăng, để trồng ba kích; đến nay trồng được 18 ha và đang tiếp tục mở rộng.
"Một ha đất trồng được 10.000 cây ba kích, loại dược liệu này ít công chăm sóc, ít sâu bệnh. Sau ba tháng trồng chỉ cần cắm cọc để cho chúng leo lên, một năm dọn cỏ một lần", ảnh Hiển nói và cho hay một cây ba kích sau bốn năm trồng đạt năng suất từ 0,5 đến hơn một kg củ, giá bán 500.000 đồng mỗi kg.
Khu rừng hợp tác xã nông lâm nghiệp Thiên Bình thuê trồng ba kích. Ảnh: Đắc Thành.
Ông C'lâu Bạ, xã Tr'Hy, là khách hàng của hợp tác xã Thiên Bình. "Năm 2016, tôi được nhà nước hỗ trồng 500 cây ba kích, sau bốn năm thu hoạch được hơn 100 triệu đồng. Hiện tôi đầu tư mua 3.000 cây giống về trồng tiếp", ông C'lâu Bạ cho hay.
Theo Phó chủ tịch huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh, địa phương có 7 trên 10 xã trồng ba kích, loại cây mang lại thu nhập tốt cho người dân. "Trong thời gian công tác ở địa phương, anh Hiển đã triển khai hiệu quả đề án phát triển kinh tế và mang sinh kế đến cho bà con. Sau khi xin nghỉ việc, anh đầu tư mô hình hợp tác xã tạo việc làm cho nhiều người, cung cấp giống ba kích chất lượng, năng suất cao", ông Linh nhận xét.
Tại Quảng Nam, ba kích được thương lái thu mua, bán cho các cơ sở chế biến trà, cao, thuốc cổ truyền...
Công trường tuyến cao tốc xuyên rừng ngập mặn Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn đi qua rừng ngập mặn thuộc huyện Long Thành dài 3,3 km thi công phức tạp do sình lầy, nước ngập. Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7 km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng (khoảng 1,6 tỷ USD), được khởi công tháng 7/2014. Dự án chạy qua các vùng địa chất...