Rừng mộ đá cổ kỳ bí ở xứ Thanh
Những khu rừng mộ đá cổ khổng lồ có từ hơn 500 năm trước nằm dọc sông Mã phía thượng nguồn huyện biên viễn Quan Hóa (Thanh Hóa) ẩn chứa nhiều điều kỳ bí mà cho đến giờ kể cả người bản địa cũng không lý giải được.
Xã Trung Thành, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 200 km, đây là một trong những xã xa xôi cách trở nhất của huyện Quan Hóa. Để đến với vùng đất của những ngôi mộ đá bí ẩn, chúng tôi phải rất vất vả vượt qua hàng chục km đường rừng với núi non hiểm trở.
Khu mộ đá cổ còn nhiều bí ẩn trong vườn nhà anh Hà Minh Tâm ở bản Phai, xã Trung Thành, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa)
Vùng đất bí ẩn
Theo ông Phạm Bá Ngọc (ngụ bản Phai, xã Trung Thành), xưa kia không chỉ ở Trung Thành mà các xã khác như Trung Sơn, Thành Sơn (Quan Hóa) có rất nhiều thú dữ. Hổ (người bản địa gọi là cọp) đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân bởi đã có rất nhiều người bị loài thú hung dữ này vồ, ăn thịt. “Ngày trước, chúng tôi chẳng dám đi rừng hay làm nương một mình, còn trâu bò thì cho vào gầm nhà sàn rào kỹ lại không sợ cọp về tha. Nghe các cụ kể lại, dòng họ nhà tôi đã có 3 người bị hổ vồ, ăn thịt”- ông Ngọc kể.
Video đang HOT
Theo người dân bản Phai, người hiểu núi rừng và vùng đất này chẳng ai ngoài ông Phạm Bá Ngoằng (74 tuổi). Gặp chúng tôi, người đàn ông với nước da trắng, cao gầy sẵn sàng dẫn chúng tôi đi khám phá rừng mộ đá cổ mà chính ông cũng mất nhiều công sức để giải những điều đang còn bí ẩn. Ông kể: “Dãy núi Khò Hùng tại bản Cá của xã giống hình dáng con rồng cuộn. Từ xưa, ai đến vùng đất này lập nghiệp cũng đều khá giả. Tuy ở nơi rừng thiêng hiểm trở nhưng sống ở mạch đất rồng nên đời sống bà con đều khấm khá”.
“Vùng đất này rất lạ, lạ từ hòn đá bốn chân được coi là thuỷ thần, đến tảng đá Han dưới dòng suối Quýt linh thiêng, rồi những cánh rừng mộ đá cổ vẫn hiện hữu giữa khu dân cư… Tất cả đều được dân bản chúng tôi tôn thờ. Trong đó, có những ngôi mộ cổ kỳ bí bên dòng suối Tàu đổ về sông Mã”- ông Ngoằng kể.
Theo chân ông Ngoằng, chúng tôi đến khu mộ trên đồi nhà anh Hà Minh Tâm ngay đầu bản Phai. Đây là một quần thể hơn chục ngôi mộ nằm rải rác dưới những tán cây rừng. Không như mộ người Kinh và một số dân tộc khác như Mường, Thổ, Mông… vì nhiều ngôi mộ cổ ở đây rất dài, từ 5-7 m. Ngay điểm đầu và cuối các mộ đều được chôn các tảng đá lớn theo hướng dựng đứng. Đá phần đầu thường lớn hơn và cao từ 2-4 m, rộng hơn 1 m, dày khoảng từ 10-20 cm.
Để vào những cánh rừng mộ đá phải vượt qua dòng sông Mã
Rất nhiều ngôi mộ trong vườn nhà anh Tâm và những rừng mộ đá cổ dọc thượng nguồn sông Mã ở khu vực suối Phai, suối Tàu, suối Quýt (xã Trung Thành), bản Co Me (xã Trung Sơn)… đều có đặc điểm tương tự. Điều chúng tôi khó hiểu là đá này được lấy ở đâu vì trong vùng không có loại đá này. Đây là mộ của tộc người nào? Những ngôi mộ có từ bao giờ? Không biết người xưa đã vận chuyển những tảng đá này từ đâu về và bằng cách nào…
Ông Ngoằng và một số người dân đều khẳng định từ thế kỷ XVII, tổ tiên của ông là người Thái xứ Ca Da (thuộc thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa ngày nay) mới đến vùng đất này lập nghiệp cai quản nhưng đã thấy những ngôi mộ đá này.
Được biết, hiện qua khảo sát, trên địa bàn hai xã Trung Thành, Trung Sơn có khoảng 6 khu rừng mộ đá cổ, mỗi khu có từ 4-8 ngôi mộ nằm gần nhau. Tất cả các khu rừng mộ đá cổ này đều nằm ở các khu vực triền đồi và gần với những con suối đổ ra sông Mã.
Hé lộ nhiều bí ẩn
Theo ông Ngoằng, khi còn nhỏ, ông được nghe ông bà kể lại những ngôi mộ trên chính là những ngôi mộ chôn người Dưới (có nghĩa là người khổng lồ). “Nghe cũng có lý vì tìm khắp vùng đất này không thể phát hiện ở đâu có loại đá để làm mộ này. Không biết những tảng đá lớn nặng cả tấn chôn ở đầu các khu mộ được vận chuyển từ đâu và bằng cách nào tới đây. Phải chăng người khổng lồ xuất hiện ở vùng đất này là có thật”- ông Ngoằng nhận định.
Dù đã tốn rất nhiều thời gian tìm hiểu những ngôi mộ đá cổ này nhưng ông Phạm Văn Ngoằng vẫn chưa lí giải được những tảng đá lớn này ở đâu đến
Người dân bản địa cho biết những ngôi mộ cổ này rất linh thiêng, nếu ai đó đập những tảng đá quanh ngôi mộ sẽ bị thần linh trừng trị, nhẹ thì gãy tay, gãy chân, nặng thì bị thú rừng ăn thịt… Vì thế, người dân tại những rừng mộ đá coi đó là chốn linh thiêng, cần được bảo vệ.
“Trước đây, một ngôi mộ lớn đã được đào thử, xuống khoảng 1 m, người ta thấy có lớp than đen. Do sợ vấn đề tâm linh, người dân đã lấp lại. Cách đây ít năm, cũng có thông tin một nhóm người dưới xuôi lên, dùng máy dò kim loại và đã khai quật trộm một ngôi mộ. Không biết có lấy được vàng bạc gì không, nhưng có người trong bản đi qua thấy có nồi đất dưới mộ được họ đào lên”- ông Phạm Bá Ngọc kể lại.
Bà Trịnh Thị Lan, công tác tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, người phát hiện khu mộ đá Co Me (xã Trung Sơn) trong một lần điền dã vào năm 2000, cho rằng việc dựng những phiến đá lớn xung quanh khu mộ là hình thức mai táng theo quan niệm của những cư dân Việt – Mường cổ. “Nhìn những phiến đá lớn dựng thẳng xếp theo vòng tròn, những dòng chữ Nho ngay ngắn, tôi biết ngay đây là hình thức táng tục của địa phương. Theo hình thức này, người chết được chôn chính giữa và những khối đá xung quanh được sắp xếp một cách có chủ ý. Mỗi người con trai sẽ đặt bên mộ cha mình một viên đá, con cả đặt phía đầu, con út đặt phía chân, các con thứ sẽ đặt xung quanh. Nếu người chết có bao nhiêu con trai thì bên mộ sẽ có bấy nhiêu viên đá”- bà Lan cho biết.
Được biết, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản yêu cầu kiểm tra những ngôi mộ đá cổ ở Quan Hóa để bảo vệ, đồng thời sẽ mời các chuyên gia khảo cổ tiến hành thám sát những khu mộ đá cổ để có phương án bảo tồn thích hợp. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một nhà khoa học nào về nghiên cứu những ngôi mộ này, khiến người dân và chính quyền địa phương lo lắng bởi khi thủy điện Trung Sơn tích nước thì những rừng mộ đá này sẽ biến mất.
Theo Tuấn Minh (Người lao động)