Rùng mình trước cảnh ô nhiễm khủng khiếp tại khu “ổ chuột” giữa Sài Gòn
Hàng ngàn người dân ở Sài Gòn đối mặt với dịch bệnh vì nhiều năm qua phải làm việc, ăn, ngủ bên dòng kênh hôi thối ngập rác thải, ô nhiễm khủng khiếp.
Nhiều năm nay, hàng ngàn hộ dân sống xung quanh rạch Xuyên Tâm (nối từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè quận Bình Thạnh đến sông Vàm Thuật, quận Gò Vấp, TPHCM) phải ăn, ngủ ngay bên dòng kênh hôi thối, lúc nào cũng tràn ngập rác thải, chuột bọ.
Dọc bờ rạch Xuyên Tâm, rác thải được gom lại thành những bãi tập kết, bốc mùi nồng nặc suốt một đoạn đường dài.
Đủ loại rác thải tràn ngập khắp bề mặt rạch, len lỏi ngay dưới sàn những ngôi nhà hai bên.
Khi thủy triều rút, rạch Xuyên Tâm hiện ra một bãi chứa rác khổng lồ khi hàng tấn rác thải, xác động vật, chuột, gỗ mục… dưới lòng kênh phơi mình trong nắng.
“Hơn 40 năm trước con rạch này trong xanh lắm. Chiều chiều trẻ con còn ra đây tắm. Giờ nhìn con rạch này thấy quá khủng khiếp. Không dám lội chân xuống đó chứ nói chi là tắm. Ô nhiễm rất trầm trọng rồi”, bà Như, sống ven rạch nói.
Người dân địa phương cho biết, tình trạng các hộ dân sống hai bên rạch thả rác xuống cộng với rác từ nơi khác đổ về lâu ngày không được vớt nên rạch ô nhiễm thêm trầm trọng.
“Mấy năm trước còn có công nhân bơi thuyền vớt rác nhưng lâu nay họ không còn vớt nữa. Chắc tại rác nhiều quá. Ở nhà lúc nào cũng phải đóng kín cửa, bước ra là mùi rác ập vào mặt. Không có điều kiện đi nơi khác nên chúng tôi đành chịu, chỉ mong địa phương có giải pháp để con rạch này bớt rác, người dân ý thức hơn đừng xả rác xuống đây nữa “, anh Toàn, người dân địa phương cho biết.
Video đang HOT
Người dân hai bên rạch cho biết những người có điều kiện đã bán nhà và chuyển đi nơi khác ở vì không chịu nỗi mức độ ô nhiễm của con rạch.
Phía trên là cảnh sinh hoạt của người dân nhưng phía dưới con rạch là ngập ngụa rác.
“Con rạch này nổi tiếng lắm đó, được lên báo suốt nhưng lên báo toàn chuyện ô nhiễm thôi. Mong sao thành phố sớm giải quyết cải tạo con rạch này để người dân chúng tôi thoát cảnh sống trong khu ổ chuột”, bà Tư ngụ quận Bình Thạnh chia sẻ.
Theo ghi nhận, đa số các nhà dân ven rạch đều làm nhà vệ sinh thải trực tiếp xuống rạch Xuyên Tâm khiến con rạch đã ô nhiễm lại càng ô nhiễm hơn.
Chuột bọ, ruồi nhặng khắp nơi. Người dân hai bên rạch phải đối mặt với nhiều thứ bệnh dịch.
Người dân câu cá tại rạch Xuyên Tâm. “Tôi nói thiệt không biết họ câu cá ở rạch này để làm gì. Cá câu được nếu đem về ăn chắc bị ung thư quá. Người sống trên rạch mà không chịu không nổi nói chi là cá sống dưới nước”, anh Quý, người dân địa phương nói.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đầu tiên được thành phố phê duyệt vào tháng 5/2002. Thế nhưng đến nay mọi kế hoạch vẫn còn nằm trên giấy.
Mới đây, UBND TP.HCM phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỉ theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao) từ năm 2015 đến 2022. Tuy nhiên, phần cải tạo hệ thống rạch Xuyên Tâm đang bị dừng lại khiến tình hình ô nhiễm càng thêm trầm trọng.
Theo Danviet
Cuộc sống trong khu ổ chuột ở Sài Gòn
Nhà gỗ mục nát, chật chội, rác thải bủa vây, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc... là cảnh sống của hàng chục nghìn hộ dân trên các kênh nước đen tại Sài Gòn.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn thành phố hiện có hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh, tập trung tại các quận 4, 7, 8, Bình Thạnh. Dọc theo dòng kênh Tẻ, quận 4 có hàng nghìn căn nhà chỉ che chắn tạm bợ bằng vật liệu như tôn, ván gỗ đã xuống cấp. Người dân sống chung với mùi hôi nồng nặc, nhất là vào mùa nắng nóng.
Con hẻm 334 đường Tôn Thất Thuyết, phường 1, quận 4 nằm ven dòng kênh rộng hơn một mét. Theo người dân, hẻm chật hẹp nên nếu xảy ra hỏa hoạn, họ chỉ biết nhảy xuống kênh để thoát hiểm.
Nhà nhỏ nhưng chứa nhiều đồ đạc và xuống cấp nên 4 đứa con của bà Tô Thủy Tuyết Mai đã thuê nơi khác ở, nhà chỉ còn lại mình bà. "Tôi ở đây đã gần nửa đời người. Căn nhà cũng đã dựng gần chục năm nay. Nhiều lúc muốn sửa sang lại nhưng không có tiền", bà Mai giãi bày.
Căn nhà gỗ có diện tích khoảng 20 m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Lệ nằm ven kênh Tẻ. Bà cho biết, nhà có 6 người, bao gồm các con, cháu trong gia đình. "Cách đây vài năm, tôi cũng có nghe chủ trương giải tỏa nhà cửa ven kênh nhưng chờ hoài chưa thấy. Tôi mong chính quyền sớm di dời bà con ở đây đến nơi ở mới khang trang hơn. Sống ở đây chật chội và ô nhiễm lắm", bà Lệ chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Thành (70 tuổi), người làm công quả cho một ngôi chùa ở quận 4, cho biết sống trong cảnh tạm bợ ở cù lao Nguyễn Kiệu đã hơn 10 năm. "Ở đây, không khí ô nhiễm, nhà cửa xuống cấp nên ai cũng muốn chuyển đi nơi khác", cụ Thành nói.
Với họ, nguồn nước sạch luôn thiếu thốn, đặc biệt là vào mùa khô. "Mỗi lần tắm rửa, chúng tôi đều phải tiết kiệm nguồn nước", một người dân sống ven dòng kênh Tẻ cho biết.
Hẻm nhỏ hẹp lại nằm ven kênh nên những đứa trẻ chỉ được bố mẹ cho phép chơi đùa trong nhà để đảm bảo an toàn.
Phần lớn căn nhà gỗ tạm bợ ven kênh Tẻ đều thiếu ánh sáng và dưỡng khí. Bà Huỳnh Thị Lệ Thanh cho biết đã ở đây từ nhỏ nên quen với cảnh sống chật chội, tạm bợ. "Nhà cửa xuống cấp trầm trọng, sống mà luôn nơm nớp lo sợ không biết lúc nào nó sập", bà Thanh nói.
Nhà cửa ọp ẹp, người dân phải tận dụng nguồn sáng từ những ô cửa nhỏ.
Ông Trần Minh Cảnh, một người dân sống trong con hẻm 334 cho biết, cứ mùa mưa tới, người dân không dám đi lại nhiều trên con đường gỗ mục nát vì lo sập bất cứ lúc nào.
Nhà vệ sinh của một gia đình sống ven kênh trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7.
Các chất thải sinh hoạt đều được người dân xả thẳng xuống kênh, khiến nguồn nước đen kịt, ô nhiễm trầm trọng.
Cảnh đối lập giữa khu nhà ổ chuột ở quận 4, 8 với những dãy chung cư cao tầng.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, chính quyền thành phố sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 20.000 căn nhà ven kênh rạch nhằm chỉnh trang và phát triển đô thị.
Thành Nguyễn
Theo VNE
Người dân Sài Gòn tấp nập rủ nhau ra phố đón Giáng sinh sớm Tối 23.12, thời điểm "cận kề" đêm Giáng sinh, trong tiết trời se lạnh hiếm có ở Sài Gòn, hàng nghìn người dân đã tìm đến các địa điểm trang trí độc đáo trong trung tâm thành phố để chụp hình, vui chơi. Mùa Giáng sinh 2017, các tuyến phố trung tâm ở TP.HCM trở nên lung linh hơn bởi những ánh đèn,...