Rùng mình nghe chủ quán dạy nhân viên tẩy thịt thối
“Em mang đống thịt anh để trên bàn đi rửa đi, rửa vào nước trong chậu đỏ anh đã pha sẵn ấy. Cứ rửa bình thường xong để 1,2 phút rồi rửa lại bằng nước… thịt bốc mùi thì cứ rửa đi, rửa rồi khắc hết mùi.
Sau đó thái ra, tẩm ướp vào rồi đem đi nướng. Nhanh tay lên không lát nữa là đông khách đấy…” – Chủ quán cơm sinh viên hướng dẫn PV Phunutoday cách tẩy rửa thịt ôi.
Thịt bốc mùi rửa rồi khắc hết
Trong loạt bài phản ánh trên thị trường Hà Nội xuất hiện 2 loại chất tẩy thịt bẩn là chất tẩy đường và bột săm – pết. Cả hai loại chất này đã được một số người bán thịt ngoài chợ mua về để tẩy rửa thịt lợn để lâu ngày, đã bị ôi và bốc mùi, sau đó lừa bán cho người tiêu dùng.
Có một bộ phận những cửa hàng bán cơm cho sinh viên, công nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp mua thịt ôi thối với giá rẻ, sau đó mang về tẩy rửa và chế biến thành những món ăn ngon lành.
PV Phunutoday đã vào vai một người đi kiếm việc làm, đến một quán cơm chuyên bán cho công nhân, sinh viên nằm trong một ngách nhỏ thuộc phố Vĩnh Tuy để xin giúp việc.
Quan cơm cua ông chu tên Đai năm trong môt ngach nho thuôc ngo 34 phô Vinh Tuy, Hai Ba Trưng, HN
Sau khi đưa chứng minh nhân dân và giới thiệu qua về mình, tôi dễ dàng được ông chủ nhận vào làm người giúp việc ở quán.
“Công việc đơn giản thôi, em phụ giúp anh rửa rau, rửa bát, chuẩn bị đồ ăn để nấu, quét dọn quán, lau bàn… Em thích làm theo tháng hay theo ngày? Nếu làm theo tháng thì anh sẽ lo cho chỗ ăn ở, lương 1 triệu/1 tháng.
Còn làm theo ngày thì sáng từ 6h đến 9h tối, bao ăn 2 bữa, 1 ngày 50 nghìn, chỗ ở em tự túc, làm ngày nào trả tiền luôn ngày đó” – Ông chủ quán còn khá trẻ mặc cả.
Khi đã thỏa thuận xong, ông chủ sắp xếp cho tôi vào làm việc ngay lập tức. Lại gần và dò hỏi vài người cũng đang giúp việc ở đó thì được biết, ông chủ tên là Đại, quê ở Hưng Yên, mở quán cơm này được 3 – 4 năm nay rồi và quán rất đông khách.
Sau khi làm các công việc lặt vặt phụ giúp ở quán, đến khoảng 3h chiều, ông chủ quán trở về với một túi thịt lợn lớn trên tay.
Đặt đống thịt ở trên bàn, chủ quán đi vào trong nhà tìm thứ gì đó, lát sau thì bê ra một chậu nước, đặt ở ngoài sân rồi gọi lớn: “Đâu rồi, cô nhân viên mới vào đâu rồi?”
Biết đang gọi mình nên tôi trả lời, sau đó ông chủ chỉ thị tiếp: “Em đem đống thịt anh để trên bàn kia kìa mang đi rửa đi cho anh?” – Chủ quán nói. “Rửa bình thường thôi hả anh?” Tôi hỏi. “Đấy rửa bằng cái nước trong chậu đỏ anh để ở kia kìa. Em cứ bình thường xong để 1,2 phút rồi rửa lại bằng nước trong cái chậu xanh kia cho anh”.
Lấy túi thịt lợn đặt ở trên bàn đang bốc ra mùi hôi khủng khiếp, tôi mang đi rửa theo yêu cầu của chủ quán.
“Mà em thấy thịt này bốc mùi rồi anh ơi” – Tôi băn khoăn.
“Bốc mùi thì cứ rửa qua nước đấy đi cho anh rồi khắc hết” – Chủ quán trả lời.
Video đang HOT
Tiến lại gần chiếc chậu nhựa màu đỏ mà ông chủ vừa mang ra, mới cho miếng thịt lợn bốc mùi vào đã có lớp bọt sục lên, giống y hệt như thí nghiệm tẩy thịt ôi trước đó.
“ Sao lại phải rửa nước chậu đỏ trước hả anh? Nước nào mà chẳng được ạ?”
“Em cứ rửa nước ở chậu đỏ cho anh, xong rồi tráng lại nước ở chậu xanh kia” – Chủ quán trả lời với giọng gay gắt.
“Nước này là nước gì mà có mùi kinh thế hả anh?”
“Nước gì thì em không cần phải hỏi nhiều. Cứ rửa đi.” – Ông chủ tỏ vẻ hơi giận dữ.
“Có phải cho thêm gì vào nữa không anh?”
“Không phải thêm gì cả, anh cho rồi, nước nôi đầy đủ rồi. Nhanh tay lên, rồi còn muối còn ướp, xiên vào rồi nướng lên nữa, khách sắp đến đông rồi…”.
Theo nhiều nhân viên ở đây, việc rửa thịt để trị mùi ôi thiu đã diễn ra từ hồi mở quán, mỗi ngày quán nhỏ này chế biến gần chục kg thịt thành các món thơm ngon khác nhau.
Biển hiệu làm gì cho bọn thị trường nó dòm ngó
Sau khi tẩy rửa xong đống thịt ôi, tôi bê vào nhà để cho một người khác thái ra rồi xiên vào nướng. Vừa mới bê vào bếp đã thấy ở dưới đất có một túi nilong màu trắng như túi muối.
Tui bôt mau trăng ma chu quan dung đê pha vơi nươc rôi bao PV tây rưa thit vân đươc đê dươi nên nha. Theo kinh nghiệm từng thử tẩy thịt thì đây là độc chất săm-pết nằm trong danh mục cấm sử dụng.
“Muối phải không chị? Em cho vào ướp luôn nhé?”
“Không phải đâu, bột của anh ấy đấy, đừng có động vào” – Chị giúp việc cùng với tôi trả lời.
“Bột này để làm gì hả chị?” – Tôi hỏi.
“Để pha vào nước mà em vừa rửa ấy” – Chị giúp việc đáp.
“À, để tẩy rửa thịt cho hết mùi phải không ạ?”
“Ừ, có cái này mới hết mùi được, tẩm ướp vào rồi nướng lên thì lại thơm ngay” – Chị giúp việc nói với giọng thản nhiên.
Phụ giúp được một lúc, tôi chợt nhìn ra ngoài cổng thì mới để ý là quán chẳng có biển hiệu hay địa chỉ gì.
Quay sang hỏi người đang làm cùng thì được chị cho biết: “Ôi biển hiệu làm gì, quán mở lâu rồi, toàn khách quen thôi. Anh chủ bảo làm biển làm gì cho nó tốn kém, chỉ tổ bọn thị trường, bọn vệ sinh nó dòm ngó rồi lại bị kiểm tra rồi phạt, phải mất tiền cho nó”.
Theo PLXH
"Phù phép" lòng heo thối
Lòng heo thối được vận chuyển từ các tỉnh miền Bắc vào Nam và tập kết ở khu vực cầu vượt Sóng Thần (Bình Dương), sau đó được chở bằng xe máy đến cơ sở chế biến để "phù phép" thành hàng tươi rói.
Nghĩa - người làm công cho ông Tuấn "dồi trường" - nhận lòng heo thối tại bến xe "cóc" ở khu vực cầu vượt Sóng Thần - Ảnh chụp từ camera
Qua nhiều đêm theo dõi, phóng viên Tuổi Trẻ phát hiện một đường dây chuyên vận chuyển và chế biến nội tạng heo thối để đưa đi tiêu thụ nhiều nơi tại TP.HCM
Giao hàng trong đêm
Vận chuyển nội tạng phải có giấy kiểm dịch Ông Tạ Trọng Khang, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, cho biết theo quy định khi vận chuyển nội tạng động vật bắt buộc phải có giấy kiểm dịch. Nếu vận chuyển quá ba giờ phải có xe chuyên dụng, đông lạnh. Vận chuyển bằng cách đóng thùng xốp và chở bằng xe khách rồi sang hàng giữa đường là không được phép. Khi nội tạng bốc mùi là không còn đảm bảo chất lượng và có thể gây ngộ độc, nên phải bị thu giữ và tiêu hủy. "Nhiều xe khách chở nội tạng đã lọt qua được các trạm kiểm dịch của các tỉnh thành khác để vào Bình Dương và TP.HCM. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiến hành phối hợp với TP.HCM để kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển nội tạng heo" - ông Khang nói.
Đêm cuối tháng 3, chúng tôi có mặt tại bến xe "cóc" ở khu vực cầu vượt Sóng Thần (giáp ranh giữa TP.HCM và Bình Dương). Khoảng 1g sáng, một xe khách từ Thanh Hóa đỗ lại, bốn thanh niên khệ nệ khiêng xuống năm thùng xốp loại lớn. Tất cả đều được bịt kín bằng băng keo. Phương (quê Cần Thơ) chạy xe Wave cùng một thanh niên tóc dài tên Nghĩa chạy xe Dream đến nhận hàng. Tất cả thùng xốp được kéo sát lề đường, khuất sau bóng tối để sang hàng.
Không cần giấu giếm, Nghĩa và Phương dùng dao rạch quanh thùng xốp ngay trước mặt chúng tôi. Khi nắp thùng xốp được mở lên, trong đó toàn là nội tạng heo, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trong thùng xốp có đủ lòng heo, vú heo, dồi trường... được Nghĩa và Phương dùng tay bốc từ thùng xốp tống vào các bao tải lớn.
Phương nói: "Hàng này chở về công ty ở tận sân bay. Khi giao hàng chỉ biết nhập vào kho, không biết ở đâu chuyển vào. Phải chuyển hàng qua bao tải chứ không đi dọc đường dễ bị phát hiện".
Nước thối từ các thùng xốp chảy tràn ra đường. Một người dân gần đó quát lớn: "Các anh sang hàng thì đi nơi khác, toàn thịt thối ai mà chịu được". Nghĩa vội vàng đáp: "Dạ, dạ... Tí nữa em chở ra đầu kia đổ".
Sau khi chuyển lòng heo qua hết bao tải, Nghĩa chất mấy thùng nước thịt thối lên chiếc xe Dream và chở đi đổ ngay trước cổng Khu công nghiệp Sóng Thần. Đến khoảng 2g sáng, năm bao tải lòng thối được chất lên hai xe máy chạy về hướng chợ Bình Điền.
Đêm hôm sau, cũng tại khu vực bến Sóng Thần, xe khách 50 chỗ đỗ lại. Thêm bốn thùng xốp lớn được khiêng xuống xe. Hôm nay chỉ có Nghĩa đến nhận hàng. Vẫn như cũ, loại lòng heo bốc mùi hôi thối được chuyển sang các bao tải lớn. Nghĩa cho biết: "Lô hàng này từ Ninh Thuận, Bình Thuận chuyển vào". Toàn bộ bốn thùng xốp lòng heo được bỏ vào hai bao tải căng cứng và hai giỏ xách lớn treo hai bên xe máy. Nghĩa lắc đầu: "Hôi lắm, khi về phải tắm cả cục xà bông chưa hết mùi. Hôi chịu không nổi".
Không bao lâu sau, lại thêm một xe khách chở hơn năm thùng xốp đựng thịt heo cập bến. Cả năm thùng được đưa lên xe ba gác chở về quận 8. Trước đó mấy bữa, cũng chính chiếc xe khách này đã hai lần vận chuyển thịt heo thối để giao cho khách trong khu đường vắng của Khu công nghiệp Sóng Thần.
Dồi trường thối được đưa về cơ sở của ông Tuấn ở quận 8 (TP.HCM) vào đêm 6-4 - Ảnh chụp từ camera
Điểm chế biến của Tuấn "dồi trường"
Theo điều tra, thịt heo, lòng heo thối được các cơ sở chế biến đặt hàng với giá rẻ. Sau khi được xử lý, các cơ sở này mang đi bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu. Tuấn "dồi trường" là một chủ nhận hàng có tiếng.
Ông Tuấn có nhà ở đường Nguyễn Quý Yên (thuộc khu phố 4, P.An Lạc, Q.Bình Tân). Theo lời Phương - người làm cho ông Tuấn, hàng được chuyển đến kho ông Tuấn "dồi trường" ở Q.Bình Tân. Mỗi thùng xốp được chở đến khu vực Sóng Thần, ông Tuấn phải trả 250.000 đồng cho tài xế xe khách.
Nhà ông Tuấn khoảng 120m2. Phía sau nhà có hàng chục thùng xốp, thùng nhựa màu đỏ loại lớn được đánh số và khóa cẩn thận. Điểm chế biến lòng heo rộng chừng vài chục mét vuông, nằm cạnh một ao nước màu đen kịt. Xung quanh nhà ngổn ngang thùng xốp. Toàn bộ nước chế biến lòng heo được tống thẳng xuống ao nước cạnh nhà. Bà Thủy, một người phụ việc ở đây, cho biết: "Cần gì cũng có, mối mang của anh Tuấn nhiều lắm...".
Theo ghi nhận, hầu hết nội tạng heo khi chế biến đều được tẩy thối bằng hóa chất. Nếu mùi hôi ít, sẽ được ngâm trong thuốc tẩy hai giờ. Còn mùi hôi quá nặng thì ngâm trong thuốc tẩy hơn năm giờ. Khi đổ thuốc tẩy vào lòng thối, mùi hôi nồng nặc sẽ bốc lên và lòng thối dần chuyển sang màu tươi rói. Nếu lòng heo, dồi trường đã ướp đá thì phải luộc qua trước khi ngâm thuốc tẩy. Nội tạng heo sau khi ngâm thuốc tẩy sẽ bị giảm trọng lượng do bị tẩy mòn, cứ 100kg sau khi ngâm tẩy chỉ còn được khoảng 70kg thành phẩm.
Tẩy xong, ông Tuấn cho người đem đến các cơ sở kinh doanh của mình hoặc đi bỏ mối tại các nhà hàng, quán nhậu trong TP. Có những thời điểm ông Tuấn bán ra thị trường cả tấn dồi trường, lòng heo một ngày.
Ngày 6-4, chúng tôi tiếp cận một điểm bán dồi trường của ông Tuấn trên đường B2, khu dân cư Bến Lức, P.7, Q.8 (cách chợ Bình Điền khoảng 100m). Dồi trường được đưa về khu vực khá nhiều. Ông Tuấn bán dồi trường với giá 175.000 đồng/kg với hai loại hàng luộc và hàng sống.
Theo tìm hiểu, cơ sở kinh doanh lòng heo, dồi trường của ông Tuấn ở đường B2 là cơ sở lậu, không có phép. Ngoài điểm kinh doanh này, ông Tuấn còn hai điểm kinh doanh khác ở P.An Lạc và thị xã Đồng Xoài (Bình Phước).
Các cơ sở của ông Tuấn thường bỏ mối lẻ tại các chợ Hòa Bình, Bến Thành, Chợ Lớn và các chợ lẻ ở khu vực Q.8... Thời điểm giao hàng là khoảng 3g sáng mỗi ngày. Hầu hết nội tạng heo thối được ông Tuấn mua rẻ từ Hà Nội, Ninh Bình. Tại Ninh Bình, ông Tuấn có một điểm chuyên gom hàng và vận chuyển bằng xe khách vào Nam.
Dồi trường thối sẽ qua công đoạn tẩy mùi - Ảnh chụp từ camera
Tẩy trắng nội tạng bằng hóa chất công nghiệp
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, những loại hóa chất tẩy trắng rẻ tiền thường là hóa chất công nghiệp và không được phép dùng trong thực phẩm. Hiện có nhiều loại hóa chất công nghiệp không rõ nguồn gốc (thường có xuất xứ từ Trung Quốc) có thành phần hóa học rất phức tạp, bao gồm nhiều loại nguy hại.
Nếu là hóa chất có độc tố cao sẽ gây ngộ độc thực phẩm với các triệu chứng chóng mặt, nôn ói, tiêu chảy... Sử dụng lâu dài có nguy cơ bị bệnh ung thư vì chất độc tích tụ trong cơ thể.
Theo Tuổi Trẻ
Lạng Sơn: Liên tiếp bắt giữ nội tạng "bẩn", gà nhập lậu tuồn vào nội địa Tình trạng buôn bán, vận chuyển nội tạng "bẩn", gia súc gia cầm nhập lậu đang là vấn nạn nhức nhối với những diễn biến hết sức phức tạp tại vùng biên Lạng Sơn. Liên tiếp các vụ buôn bán loại hàng "bẩn" gây nguy cơ lây lan dịch bệnh đã bị bắt giữ. Qua công tác trinh sát, đội CSĐT Tội phạm...