Rùng mình câu chuyện của nhà khoa học đi tìm lời giải cho hiện tượng trẻ em nhớ được ‘kiếp trước’
Jim Tucker, bác sĩ tâm thần thuộc Đại học Virginia (Mỹ) điều tra hiện tượng trẻ em dường như nhớ được “ kiếp trước” của chúng.
Khi Ryan Hammons 4 tuổi, cậu bé bắt đầu đạo diễn những bộ phim tưởng tượng. Cậu liên tục hét lên “Diễn!” trong phòng riêng.
Tuy vậy, tình hình trở nên đáng lo ngại với bố mẹ Ryan khi đêm nọ cậu tỉnh dậy gào khóc, ôm chặt ngực và nói rằng cậu mơ trái tim của cậu phát nổ khi ở Hollywood.
Cyndi, mẹ của Ryan, đã hỏi bác sĩ về những điều trên. Chỉ đơn giản là ác mộng trẻ em, bác sĩ đáp. Lớn lên cậu bé sẽ quên hết. Một đêm nọ, khi Cyindi đang dỗ con ngủ, bất chợt Ryan nắm lấy tay mẹ.
“Mẹ ơi, con nghĩ con từng là một người khác,” cậu bé nói.
Ryan kể lại về ký ức một căn nhà lớn sơn màu trắng và bể bơi. Căn nhà đó ở Hollywood, cách rất xa quê nhà Oklahoma của cậu. Cậu nói cậu có ba con trai, nhưng không nhớ họ tên gì. Cậu bật khóc, hỏi đi hỏi lại Cyndi rằng vì sao cậu không nhớ được tên họ.
“Tôi chẳng biết phải làm gì. Tôi bị sốc. Nó rất kiên quyết về những ký ức này. Sau đêm đó, nó cứ nói mãi về điều đó, luôn buồn vì không nhớ được những cái tên nọ. Tôi bắt đầu tìm kiếm trên Internet về hiện tượng đầu thai. Tôi thậm chí còn mượn sách từ thư viện ở Hollywood, nghĩ rằng những bức ảnh sẽ giúp nó nhớ ra. Trong nhiều tháng liền, tôi không cho ai biết về điều này” Cyndi kể lại.
Ngày nọ, khi Ryan và Cyndi xem một cuốn sách về Hollywood, Ryan dừng lại trước bức ảnh đen trắng chụp từ bộ phim “Night After Night” thời những năm 1930. Hai người đàn ông giữa bức ảnh đang đối đầu nhau, bốn người khác đứng xung quanh. Cyndi không nhận ra ai, nhưng Ryan chỉ vào một trong hai người ở giữa.
“Mẹ ơi, đây là George. Con đã làm phim với ông ấy” Ryan nói. Cậu bé tiếp tục chỉ ngón tay vào một người đàn ông mặc áo khoác đứng bên phải bức ảnh. “Đây là con. Con tìm thấy rồi!”.
Những lời nói của Ryan có vẻ đặc biệt, nhưng chỉ là một trong 2.500 trường hợp mà Jim B. Tucker, phó giáo sư tâm thần học tại Viện Nghiên cứu Tri giác thuộc Trung tâm Y tế Đại học Virginia đã thu thập để nghiên cứu.
Tucker dành nhiều thời gian điều tra những trường hợp trẻ em – thường ở độ tuổi 2-6 – nói rằng chúng nhớ được “kiếp trước”. Những đứa trẻ đôi lúc cung cấp đủ thông tin trong câu chuyện của mình để lần dấu về một người có thật đã qua đời trước đó nhiều năm, thường không nổi tiếng và không ai trong gia đình hay biết.
Tucker là một trong số ít những nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu hiện tượng này. Ông cho biết mức độ đáng tin của từng trường hợp khác nhau. Một số trường hợp có thể bác bỏ dễ dàng, chẳng hạn như khi có thể xác định rõ ràng đứa trẻ nói ra những lời ngây thơ về ai đó trong gia đình đã qua đời.
Ảnh minh họa: Getty.
Tuy vậy trong một số trường hợp, chẳng hạn như của Ryan, Tucker cho rằng lý giải khoa học đơn giản nhưng cũng gây bất ngờ: Bằng một cách nào đó, đứa trẻ đã nhớ được ký ức từ một cuộc đời khác.
“Tôi hiểu về bước nhảy của niềm tin cần được thực hiện để kết luận rằng có điều gì đó vượt qua những gì chúng ta có thể nhìn hay chạm thấy” Tucker nói. “Nhưng có những bằng chứng cần được xem xét, và khi điều tra kỹ lưỡng các trường hợp này, giải thích hợp lý nhất thường là một dạng ký ức được truyền lại”.
Trong cuốn sách “Return to Life” (Trở lại với cuộc đời), Tucker viết về những trường hợp ở Mỹ đáng tin nhất mà ông từng nghiên cứu, đưa ra quan điểm rằng những khám phá mới trong vật lý lượng tử có thể giúp giải thích sự tồn tại của “đầu thai”.
“Vật lý lượng tử cho thấy thế giới vật lý của chúng ta có thể phát triển vượt ngoài tiềm thức của chúng ta. Đây không phải quan điểm của riêng tôi, nhiều nhà vật lý học cũng nghĩ vậy” ông nói.
Những nghiên cứu của Tucker, một phần dựa vào các trường hợp được người tiền nhiệm của ông, Ian Stevenson, thu thập thông tin trên khắp thế giới, đã không gây nhiều tranh cãi như dự đoán.
Michael Levin, giám đốc Trung tâm Sinh học Tái sinh và Phát triển tại Đại học Tufts – người đánh giá cuốn sách của Tucker là “công trình nghiên cứu chất lượng cao” – cho biết lý do ông có quan điểm như vậy là bởi các mô hình nghiên cứu khoa học hiện nay không có cách nào chứng minh hay bác bỏ các phát hiện của Tucker.
“Khi đánh bắt cá bằng một loại lưới có lỗ hổng lớn ở mức độ nào đó, bạn sẽ không bao giờ bắt được nhũng con cá nhỏ hơn lỗ hổng. Những phát hiện của bạn bị giới hạn bởi việc bạn nghiên cứu như thế nào. Các biện pháp và khái niệm hiện hành của chúng ta không có cách nào xử lý được những dữ liệu như vậy” Levin nói.
Tucker bắt đầu nghiên cứu về đầu thai vào cuối thập niên 1990, sau khi đọc một bài báo trên tờ Charlottesville Daily Progress về việc văn phòng của Stevenson được cấp quỹ nghiên cứu trải nghiệm cận tử.
“Tôi rất tò mò về khái niệm sự sống sau cái chết, và liệu các biện pháp khoa học có thể được sử dụng để nghiên cứu hay không” Tucker nói.
Ông tình nguyện tham gia vào văn phòng của Stevenson, và sau đó trở thành nhà nghiên cứu toàn thời gian tại đây. Nhiệm vụ của ông bao gồm giám sát việc mã hóa điện tử những trường hợp “đầu thai” mà Stevenson ghi nhận.
Công đoạn này mất nhiều thời gian, do Stevenson bắt đầu chép tay về các trường hợp “đầu thai” từ 1961, tuy vậy Tucker cho biết ông đã từ đây rút ra nhiều thông tin đáng chú ý.
Khoảng 70% trẻ em được xem xét nói rằng chúng qua đời bất ngờ hoặc thảm khốc trong “kiếp trước”. Các bé trai chiếm khoảng 75% trong số này, gần như trùng khớp với tỷ lệ người Mỹ tử vong vì nguyên nhân bất thường.
Tại các nước nơi văn hóa tín ngưỡng có khái niệm “đầu thai”, nhiều trường hợp được ghi nhận hơn, nhưng Tucker cho rằng không có mối liên hệ nào giữa việc một trường hợp đáng tin cậy hay không với niềm tin vào “đầu thai” của gia đình đứa trẻ.
Khoảng 20% số trường hợp trẻ em có thể nói về “kiếp trước” cho biết chúng nhớ được giai đoạn chuyển tiếp, thời gian từ khi chết tới khi ra đời, dù những mô tả rất khác nhau. Một số nói chúng ở trong “nhà của Chúa”, trong khi nhiều đứa trẻ nói chúng chỉ chờ đợi ở nơi qua đời trước khi “chui vào bụng mẹ”.
Jim Tucker. (Ảnh: Đại học Virginia).
Trong những trường hợp ký ức về “kiếp trước” có thể lần dấu về một người có thật, thời gian trung bình từ khi người này qua đời tới lúc đứa trẻ sinh ra là khoảng 16 tháng.
Những nghiên cứu khác của Tucker và các công sự cho thấy nhóm trẻ em nhớ được “kiếp trước” thường có IQ cao hơn trung bình, không mắc chứng rối loạn tâm thần nào. Gia đình của những đứa trẻ này cũng tương đối êm ấm, không có dấu hiệu căng thẳng hay đổ vỡ.
Khoảng 20% trẻ em được nghiên cứu có vết bớt giống sẹo hay thậm chí các biến dạng cơ thể bất thường trùng hợp với các dấu vết hay thương tật của “kiếp trước” mà chúng nhớ được, thường là các vết thương xảy ra trước khi qua đời.
Hầu hết những ký ức này mất dần khi những đứa trẻ lên 6 tuổi, trùng khớp với thời gian mà Tucker cho rằng bộ não của trẻ em bắt đầu chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Gần như không có đứa trẻ nào trong nhóm được nghiên cứu có biểu hiện thông tuệ vượt trội, Tucker cho biết thêm.
Tucker đã xem xét những lý giải khác về hiện tượng này. Ông tìm hiểu xem liệu đây có phải những trò lừa đảo hay không, chẳng hạn để kiếm tiền hay sự nổi tiếng. Tuy vậy không ai làm phim về những trường hợp này, bên cạnh đó nhiều gia đình mà Tucker đã tiếp xúc, đặc biệt ở miền Tây nước Mỹ, thường không muốn nói nhiều về biểu hiện bất thường của con em họ.
Tucker cũng xem xét giả thuyết đứa trẻ đơn giản là giàu trí tưởng tượng, nhưng điều đó không giải thích được việc những chi tiết mà chúng đưa ra có thể lần về một người có thật. “Nếu chỉ là trùng hợp đơn thuần thì thực sự phi logic” ông nói.
Người thân của những đứa trẻ có thể nhớ nhầm về câu chuyện mà con em họ nói ra hàng ngày, Tucker cho biết, tuy vậy cũng có nhiều trường hợp các bậc phụ huynh ghi chép cẩn thận những gì đứa trẻ nói ra.
“Không giả thuyết nào giải thích được một số xu hướng khác, chẳng hạn như việc trẻ em có cảm xúc rất mạnh trước những ký ức đó, như những gì Ryan thể hiện” Tucker nhận xét thêm.
Tucker cho rằng ông và Stevenson thu thập được tương đối ít các trường hợp trong vòng 50 năm qua, đặc biệt ở Mỹ, một phần do các bậc phụ huynh không quan tâm hoặc hiểu nhầm con em họ. “Nếu trẻ em thấy rằng chúng không được lắng nghe, chúng sẽ không nói nữa. Chúng hiểu rằng người lớn không quan tâm tới chúng. Trẻ em bao giờ cũng muốn làm cha mẹ vui lòng”, ông nói.
Hiện vẫn chưa rõ ý thức, hay ít nhất là ký ức, chuyển từ người này sang người khác như thế nào, nhưng Tucker tin rằng vật lý lượng tử nền tảng sẽ có câu trả lời. Tucker, giống như cha đẻ vật lý lượng tử Max Planck, tin rằng thế giới vật chất chịu ảnh hưởng của thế giới phi vật chất, hay nhận thức. Nếu điều đó đúng thì nhận thức không nhất thiết chỉ tồn tại trong não bộ, và không có lý do gì để tin rằng nhận thức sẽ kết thúc khi não chết.
“Nhận thức theo một cách nào đó có thể được biểu đạt trong một cuộc đời mới” Tucker nói.
Cyndi Hammons tất nhiên không quan tâm gì tới vật lý lượng tử khi con trai chỉ vào tấm ảnh chụp cách đây 80 năm và nói đó là “kiếp trước” của nó. Cô muốn biết người đàn ông trong bức ảnh là ai.
Cuốn sách không cung cấp thông tin gì về các diễn viên trong bức ảnh, nhưng Cyndi rất nhanh chóng xác nhận được người mà Ryan gọi là “George” có thật – George Raft, một ngôi sao điện ảnh không ai còn nhớ tới sống ở thập niên 1930-40.
Tuy vậy, cô không xác định được người mà Ryan nói là “kiếp trước” của nó. Sau khi tìm kiếm trên mạng Internet, Cyndi gửi thông tin về con trai tới cho Tucker xem xét. Một nhà nghiên cứu điện ảnh quan tâm tới trường hợp này đã bỏ công nghiên cứu và kết luận rằng người mà Ryan ám chỉ là “kiếp trước” là Martin Martyn, một diễn viên phụ thậm chí không xuất hiện trong danh sách vai diễn của phim.
Tucker không tiết lộ gì về thông tin này cho gia đình Hammons. Vài tuần sau, ông tới thăm gia đình, mang theo những bức ảnh đen trắng chụp bốn người phụ nữ, tất cả đều ngồi trong một căn bếp. Ba người trong số này được ông chọn ngẫu nhiên.
“Cháu có nhận ra những người này không?”, Tucker hỏi Ryan. Cậu bé chăm chú nhìn các bức ảnh, rồi chỉ vào một người phụ nữ. Cô này trông quen lắm, cậu bé nói.
Người phụ nữ trong bức ảnh mà Ryan chỉ là vợ của Martin Martyn.
Không lâu sau đó, Tucker và gia đình Hammons tới California để gặp con gái của Martyn, người được các cộng sự của Tucker tìm ra. Tucker nói chuyện với người phụ nữ này trước khi bà gặp Ryan. Bà không hiểu ông nói về điều gì, nhưng có thể xác nhận một số chi tiết mà Ryan đã nói về cha mình.
Ryan nói “kiếp trước” từng là vũ công ở New York. Martyn là một vũ công tại sân khấu Broadway. Ryan cho biết ông cũng là “người đại diện”, và thân chủ của ông đã thay đổi tên họ. Martyn từng làm việc cho một công ty quản lý ở Hollywood, nơi các diễn viên được đặt nghệ danh.
Ryan nói địa chỉ cũ có từ “Rock”, Martin sống tại số 825, đường North Roxbury, Beverly Hills. Ryan nói cậu từng quen một người tên là Thượng Nghị sĩ Five. Con gái của Martyn cho biết bà còn giữ ảnh cha chụp với Thượng Nghị sĩ Irving Ives.
Martin Martyn thực sự có ba người con trai, như những gì Ryan từng nói. Con gái ông tất nhiên biết tên những người anh em này.
Ryan sau đó gặp con gái của Martyn, nhưng mọi chuyện diễn ra không như kế hoạch. Ryan bắt tay bà, nhưng rồi nấp sau lưng mẹ suốt buổi. Cậu nói với mẹ rằng “năng lượng” của người phụ nữ đã thay đổi.
“Con không muốn trở lại Hollywood. Con muốn ở với nhà mình” Ryan nói với Cyndi.
Trong những tuần sau đó, Ryan ít nói hơn về Hollywood. Tucker cho rằng điều này thường xảy ra khi trẻ em gặp gia đình người chúng cho là “kiếp trước”, giúp chúng bớt căng thẳng hơn.
“Tôi nghĩ chúng thấy rằng không ai chờ đợi chúng trong quá khứ. Một số thấy buồn, nhưng rồi chúng cũng chấp nhận và tiếp tục cuộc sống hiện tại. Chúng tập trung hơn vào hiện tại, tất nhiên đó là điều đúng đắn” ông nói.
Giải thích về hiện tượng ngáp lây
Khi nhìn thấy ai đó ngáp, bạn thường có hành động tương tự. Các nhà khoa học gọi hiện tượng này là ngáp lây.
Sự thật về nghiên cứu hố đen nằm ở tâm Trái Đất Nghiên cứu này được đăng tải trên một tạp chí khoa học, nhưng như vậy không đồng nghĩa là nó chính xác. Thậm chí, đây có thể là bài báo do AI tạo ra. "Gần đây, một số nhà khoa học của NASA đã tuyên bố rằng có thể tồn tại một hố đen ở tâm Trái Đất", bài báo kỳ lạ đăng...