“Rừng ma” – Nỗi ám ảnh sâu sắc của người Xê Đăng
Trong tiềm thức của người Xê Đăng ở dưới chân núi Ngọc Linh, người chết có một năng lực siêu nhiên và có thể làm được bất cứ chuyện gì trên cõi đời này.
“Mình có chôn người chết xuống đất hay xây bốn bức tường kín mít thì cái hồn của nó vẫn đi được, chỉ có mình là không đi được thôi. Nó giống như con mối, con mọt trong nhà mình ấy, chỗ nào nó cũng đục để đi được cả, con ma cũng vậy!”, một thanh niên ở thôn 7, xã Trà Cang, nói khi chúng tôi hỏi về rừng ma của người Xê Đăng ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Đây là nơi những thôn làng còn khốn khó vẫn còn giữ nhiều hủ tục dưới chân núi Ngọc Linh.
Nỗi ám ảnh bao đời
Một góc rừng ma bên chân núi Ngọc Linh
Nhiều lần lên huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam cũng là nhiều lần chúng tôi nghe về những câu chuyện liên quan đến “rừng ma” của người Xê Đăng. Nỗi ám ảnh truyền thuyết rừng ma hằn lên trong đời sống của họ khi chỉ vừa nghe đến vì họ luôn tin rằng, người chết có thể “bắt” linh hồn của người sống đi theo và hồn ma đang còn “sống” với một khả năng siêu phàm.
chan nui Chuyện người chết có năng lực siêu nhiên ở chân núi Ngọc Linh.
Chính vì quan niệm trên nên người còn sống rất sợ người đã khuất. Sợ đến nỗi nếu trong gia đình không may có người qua đời, gia chủ lập tức vội vàng kiếm quan tài đặt người chết vào trong, khiêng luôn ra rừng ma, rồi mới về nhà làm lễ thờ cúng. Việc mai táng người chết đều do những người thân trong gia đình tự lo liệu. Nếu có bà con hàng xóm tham gia thì cũng chỉ phụ giúp những việc lặt vặt ở nhà. Nếu chồng chết thì vợ nhờ một số người ruột thịt, thân thiết nhất khiêng quan tài ra rừng ma, sau đó người vợ mang thi hài chồng ra bỏ vào quan tài. Ngược lại, vợ chết thì người chồng cũng làm như vậy, cha với con cũng thế.
Người ở các buôn làng Xê Đăng có quan niệm chết là sang một thế giới khác, nên vẫn cần con trâu, con bò để cày. Vì thế, họ gửi trâu, gửi bò cho người chết để họ có cái mà làm ăn sinh sống! Người sống còn rất lo lắng cho người chết phải “sống” một cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu, không có dụng cụ sinh hoạt và mưu sinh nên họ đã chia rất nhiều của cải cho người người chết mang theo. Để vừa chu toàn hơn cho người chết vừa giúp bản thân mình được an toàn, tránh bị “con ma” về trù ẻo và tìm cách làm hại, sau khi mai táng người đã khuất ra rừng ma xong, gia chủ phải lập tức làm thịt trâu, bò, lợn, gà để cúng người chết.
Làng Tắk Póc xã Trà Cang cách trung tâm thị trấn Tắc Pỏ chưa đầy 30km, có một khu… rừng ma. Dễ nhận ra đâu là rừng ma giữa chốn núi đồi trập trùng, bởi cái đặc trưng thâm u, rậm rạp. Không có ai dám bén mảng đến đó chặt phá dù chỉ một ngọn cây. Dẫm đạp lên lá cây phủ đầy mặt đất ngay ngõ vào rừng thôi, cũng đã có cảm giác lạnh sống lưng. Người bản địa thì tuyệt nhiên không dám nhìn thẳng vào rừng. Họ sợ con ma rừng nhìn thấy theo về quấy phá bản làng.
Chúng tôi tìm đến nhà già làng Đinh Văn Sắt. Trong chái nhà tranh hiu hắt giữa sương núi ban chiều, bên bếp lửa, già Sắt nhả từng chữ ngập ngừng đầy sợ sệt: “Đừng tìm con ma rừng làm gì. Cứ để cho ma rừng được yên trong thế giới của họ, không thì mình sẽ phải gặp tai ương. Từ nhỏ, ta đã nghe những câu chuyện về rừng ma ghê rợn vì người dám phá rừng ma. Khi ấy làng cũng gặp đủ tai ương, phải đốt làng, đi nơi khác dựng lại nhà mới mong được yên”. Trẻ con trong làng nghe chúng tôi nói chuyện về rừng ma cũng xúm xít xung quanh, trong nỗi ám ảnh nỗi khiếp sợ ma rừng đã hằn sâu trong tâm tưởng của người Xê Đăng từ những câu chuyện rùng rợn, lẫn lộn thực hư giả. Càng sợ, bọn trẻ càng háo hức muốn nghe những câu chuyện về những bí ẩn ở rừng ma, và những lời cảnh báo chớ động thế giới của ma rừng truyền qua biết bao thế hệ.
Già Sắt nói: “Mỗi khi có người chết, người Xê Đăng chia của cải trong nhà, từ hạt gạo, hạt muối ra chia đều cho số người trong nhà, kể cả người chết. Phần người chết chôn trong hốc cây rừng cùng với xác tùy tục lệ từng làng. Sau lễ cúng bái kỹ lưỡng, người đưa tang tìm hướng khác về nhà, không dám đi lại con đường cũ, sợ ma rừng theo dấu tìm về.”
Trong quan niệm của người dân nơi đây, rừng ma thường cách rất xa nơi người làng sinh sống. Chôn cất người chết xong, họ coi như không liên quan gì đến người đã khuất. Thậm chí, không dám về ngay, mà phải tìm suối tắm gội, xóa hết mọi dấu vết để lại trên đường về. Có khi, vài ba ngày, họ mới dám về vì sợ con ma rừng theo họ về nhà.
Nỗi khiếp sợ ma rừng của người Xê Đăng không chỉ là nỗi ám ảnh mơ hồ, mà hiển hiện ngay trong đời sống. Họ đặc biệt sợ những cái chết xấu như chết do thiên tai, nhiều người cùng chết vì dịch bệnh, hay trúng độc, tự vẫn…
Vẫn còn đó những hủ tục
Câu chuyện về ma rừng vẫn còn ám ảnh những con người ở đây. Sau một trận mưa đêm kinh hoàng, một học trò người Xê Đăng đã bị đá núi sạt lở đè chết khi đang ngủ. Thầy Lê Thành Sơn, Hiệu trưởng trường Trà Nam chia sẻ: “Phải vận động lắm gia đình em học trò xấu số mới chịu làm mai táng cho con. Còn với người Xê Đăng, họ không bao giờ dám bén mảng đến dãy phòng học đó nữa, đừng nói chi là ở. Dù nhà trường đã làm đủ cách, cả mời thầy cúng về trừ ma, học trò vẫn kiên quyết thà dựng lều tạm, thà chịu ngủ lạnh vì sợ con ma rừng”.
20 năm công tác tại huyện Nam Trà My, bám các điểm trường trong các nóc của người Xê Đăng trên những đỉnh núi, nơi mà những tục lệ còn vẹn nguyên như ngọn núi nghìn đời, thầy Sơn đủ hiểu khó mà lay chuyển được nhận thức của họ về những cái chết xấu.
Mới đây nhất, một lãnh đạo xã Trà Cang sau khi xuống các nóc, trên đường trở về xã bị nước cuốn trôi, chết tại con suối cách làng hai quả núi. Ngành chức năng đến tuyên truyền, vận động để mang xác về chôn cất. Người nhà thì chịu nhưng dân bản nhất định không nghe vì theo luật tục, nếu không phải chết trong làng, trong nóc, mà chết ở đâu thì phải chôn ngay tại đó, dù là cán bộ xã cũng không ngoại lệ. Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Chủ tịch xã Trà Cang, cho biết: “Mỗi lần có dịp vào các làng làm việc, sợ nhất là vào đúng ngày làng có người chết xấu. Ít nhất phải 3 ngày mới được dân làng thả cho về. Một lần ở lại đêm trong một nóc, nửa đêm trong làng có người dùng rựa tự vẫn. Chúng tôi không phải dân làng nên phải thừa lúc người sắp chết đang trút hơi thở cuối cùng, chạy ra khỏi làng, nếu không muốn bị bắt ở lại làng mấy ngày ròng. Những ngày đó, coi như không ai vào hay ra khỏi làng được. Có lần đi bộ cả ngày đường rừng, đến đêm, nhìn thấy có làng, chúng tôi mừng quýnh xin vào nghỉ nhưng trong làng đang có người chết, chúng tôi phải ở lại trong một lán trại ngoài bìa rừng. Hai ngày tiếp theo mưa xối xả, làng ngay cạnh nhưng không cách nào xin được một hạt gạo cầm hơi, vì không ai dám ra khỏi làng mang gạo giúp người lỡ đường, đành nhịn đói, uống nước suối cầm hơi”.
Không chỉ chuyện chôn sống con theo mẹ, hay những chuyện về các khu “rừng ma” mà nhiều hủ tục khác vẫn tồn tại dai dẳng. Một thầy giáo kể lại rằng, anh đã chứng kiến việc người dân Xê Đăng đặt thai nhi bị chết sau khi sinh trong các hốc cây mà không hề chôn cất. Vì cách chôn cất hời hợt này, thú rừng dễ vào đào bới, từ đó nảy sinh ra những chuyện ma quái rùng rợn, làm gia tăng nỗi ám ảnh của người dân về “ma rừng”. Chính vì thế mà bao đời nay, bên những khu “rừng ma”, những đứa trẻ sơ sinh nếu không bị chôn sống cùng xác mẹ thì cũng bị thú rừng tha đi và chết yểu.
Ông Nguyễn Ngọc Kích, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My, ngậm ngùi: “Những truyền thuyết đầy bí ẩn về rừng ma và nỗi khiếp sợ cái chết xấu đã ám ảnh truyền đời trong các bản làng người Xê Đăng. Chỉ mong mai này, khi trẻ con trong làng được đi học nhiều, dân trí được nâng cao, sẽ xóa tan những áng mây mù hủ tục nơi núi rừng này”.
Theo Datviet
Quan tài lạ giữa 'rừng ma'
Xuyên qua những vạt rừng um tùm vắng dấu chân người, chỉ có mùi rừng ngai ngái là tới khu nhà mồ của người Xơ Đăng. Hàng chục quan tài được đặt trên giá gỗ với bốn cây cọc, có chiếc bục ra thấy mờ mờ những lớp xương.
Dòng sông Sê Pôn chia đôi đường biên giới Việt - Lào. Bên kia nước bạn, loáng thoáng rừng hoang thuộc tỉnh Atopư (Lào) và Ratanakiri (Campuchia). Bên này nước Việt, vùng Măng Ri ba zan hẻo lánh của huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) là những cánh rừng âm u và đó là những khu "rừng ma", nơi yên nghỉ những người con của rừng.
"Rừng ma" Măng Ri luôn âm u và bí hiểm. Ảnh: An ninh thế giới.
Một buổi chiều ở vùng núi thẳm trời lắc rắc mưa, già làng A Mộc cùng ông Lâm Quang Huy, Phó chủ tịch xã Măng Ri nhằm hướng về khu "rừng ma". Hơn một giờ đồng hồ băng qua những con đường mòn hiểm trở, họ đã tới nơi. Già làng quả quyết, rừng ma là chốn thâm u giữa điệp trùng cây lá và đương nhiên là không mấy ai dám bén mảng đến đó chặt phá dù chỉ một cành cây. Người dân ở đây chẳng ai dám nhìn thẳng vào rừng, bởi họ sợ con ma rừng nhìn thấy rồi theo về quấy phá gia đình và bản làng.
"Đây là rừng ma của thôn Long Hy 1 và Long Hy 2. Người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông quan niệm, sống chết là thuận theo quy luật tự nhiên. Con người cũng như cái cây hay con thú trong rừng, có sinh - lão - bệnh - tử. Sống được rừng che chở, được rừng cho cái ăn, cái mặc, cái nhà để ở, cái nước để uống, nên khi chết thì về với rừng, sống một thế giới khác với rừng mà thôi", già làng A Mộc trầm ngâm.
Khi chết, người Xơ Đăng chôn người thân dưới những tán cây rừng to như một lời cầu nguyện, mong thần rừng che chở cho linh hồn người chết. Theo quy định mang tính truyền kiếp, giữa chốn rừng thiêng bao la trùng điệp, phụ nữ không được tham gia vào việc chôn cất người chết, cho dù người chết ấy có là cha, chồng hay con do chính họ sinh ra.
Và quan trọng hơn là những người phụ nữ ở đây tuyệt nhiên không được bén mảng vào "rừng ma" trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nhà không có con trai, chỉ toàn phụ nữ, thì bà con trong thôn bản nhận nhiệm vụ chôn cất. Sau khi xong việc, ngoài những người đi chôn sẽ tắm suối, uống rượu ngoài rừng, số còn lại trong làng tụ tập ở nhà người chết, mổ heo, gà hoặc bò, ăn uống suốt mấy ngày liền để tống tiễn linh hồn của người đã chết...
"Họ phải vui vẻ để người đã khuất biết người sống vẫn sinh hoạt bình thường, thậm chí vui như hội dù không có họ, để con ma không vì tiếc thương mà quay trở lại làng. Và người chết, phải hoàn toàn bị xóa ra khỏi ký ức, không bao giờ được nhắc lại, không một ai nghĩ đến chuyện vào viếng thăm", già làng A Mộc nói thêm. Và đối với họ, "con ma" trong "rừng ma" đáng sợ gấp ngàn lần con voi, con cọp...
Những chiếc quan tài trong "rừng ma". Ảnh: An ninh thế giới.
Xuyên qua những vạt rừng um tùm cỏ dại vắng dấu chân người, chỉ có mùi rừng ngai ngái và xác rắn lột da đó đây, già làng A Mộc khoát tay ra hiệu dừng lại. Phía trước là những nhà mồ lúp xúp, rệu rã, hoang mục vì thời gian. Có cả những nấm mồ rất mới, những nấm mồ chẳng có bia mộ như người Kinh, cùng vô số đồ đạc mà sinh thời người dưới mộ vẫn thường sử dụng như ché rượu, con dao, cái gùi, cái xà-gạc (dụng cụ vừa dùng đi rẫy vừa đi rừng)...
Hàng chục quan tài được đặt trên những giá gỗ với bốn cây cọc, cách mặt đất chừng non mét. Ngoài quan tài bằng gỗ còn có cả quan tài làm bằng nhôm, vỏ bom bi, thùng xăng gò hàn rất đẹp. Phía trên được lợp mái tôn hoặc cây lồ ô lật sấp ngửa, xung quanh vứt đầy rẫy những vật dụng mà người chết được "chia phần". Một số "con ma" còn được chia cả heo, gà sống buộc vào chân cột quan tài. Có nhà còn chia cả radio, bàn ghế, xe đạp, vàng, bạc... Ở chiếc quan tài bục ra thấy mờ mờ trong đó những lớp xương.
Giữa "rừng ma" thâm u rờn rợn, già làng A Mộc nói nhiều về thế giới ma, một thế giới khác biệt hoàn toàn với trần thế. Cõi ma theo giải thích của ông là nơi mà mọi thứ đều ngược với cõi trần. Ví như người dương gian đi hai chân chạm đất, người cõi ma hai chân bước giữa trời. Ở trần gian gốc rễ cái cây ăn sâu vào đất còn ở chốn "ma rừng" mọi chuyện ngược lại...
Gần nửa đêm, về đến nhà, già làng A Mộc mang ghè rượu và mấy con cá niêng đặt trên chiếc mâm ở giữa sàn nhà. Lửa bập bùng, vị già làng chậm rãi kể chuyện đời, chuyện làng và chuyện của "rừng ma"... "Trẻ con trong làng này lớn lên bị ám ảnh nỗi khiếp sợ ma rừng đã thành "thâm căn cố đế" trong tâm tưởng của người Xơ Đăng từ những câu chuyện rùng rợn, lẫn lộn thực hư. Càng sợ, bọn trẻ càng háo hức muốn nghe những chuyện về bí ẩn ở rừng ma và truyền đời cảnh báo: chớ động thế giới của ma rừng", già làng nói.
Theo ông, người Xơ Đăng có sự đối xử bình đẳng giữa nam và nữ, không phân biệt giữa con riêng và con chung, con đẻ và con nuôi, con của mình và con của anh em họ. Quan hệ buôn làng khá đoàn kết, có tục kết nghĩa với người cùng tuổi hoặc cùng tên. Con cháu cùng họ không được phép kết hôn với nhau. Trai gái lớn lên, sau khi đã cà răng theo phong tục, được tìm hiểu, yêu nhau. Sau lễ cưới, đôi vợ chồng ở luân chuyển với từng gia đình mỗi bên ít năm, rất ít trường hợp ở hẳn một bên.
Những chiếc quan tài được làm bằng nhôm, vỏ bom bi, thùng xăng... xung quanh đầy rẫy vật dụng mà người chết được "chia phần". Ảnh: An ninh thế giới.
Sau khi chôn cất người chết xong, người thân trong gia đình không bao giờ quay lại ngôi mộ đó. Hàng năm, mỗi khi đến lễ mang nước hoặc tết lúa mới, khi con lợn trong chuồng, con dê trên rẫy đã lớn, người Xơ Đăng sẽ tổ chức cúng ma để tưởng nhớ đến người thân đã mất.
Người Xơ Đăng rất tự hào về khu "rừng ma" của mình. Suốt cuộc đời họ chỉ biết gắn bó với rừng, nên họ xem các khu "rừng ma" là một phần tài sản của mình, không ai nỡ chặt phá. Nếu gia đình, dòng họ hay ai đó bên ngoài có việc gì cần đến gỗ thì phải xin phép người đứng đầu họ. Sau đó vị này sẽ đứng ra làm lễ cúng. Nếu giàu thì giết mấy con bò, con trâu, còn nghèo thì phải có gà trống để cúng thần mới được vào lấy củi, lấy gỗ về.
Đàn ông không chỉ có tinh thần thượng võ, mà còn tài nghệ trong kiến trúc, điêu khắc và hội họa, tạo nên những sản phẩm tiêu biểu, đó là ngôi nhà rông và cây nêu trong lễ đâm trâu. "Mỗi làng người Xơ Đăng đều có nhà rông, nóc và mái được tạo dáng như cánh buồm lớn hoặc lưỡi rìu khổng lồ ngửa lên trời. Có hình chim chèo bẻo hay hình sừng thú chót vót ở hai đầu đốc", già làng A Mộc vừa nhâm nhi bát rượu, vừa kể.
Với người Xơ Đăng ở Kon Tum thì mảnh đất an táng cho người chết trong dòng họ dưới tán rừng được gọi là "rừng ma". Họ bảo vệ "rừng ma" để bảo vệ đời sống tâm linh, bảo vệ phần hồn của mình! "Luật ở bản đã quy định rồi, để người sống được yên không ai được dọn dẹp, xây dựng gì ở phần mộ đó cả", già làng A Mộc nói.
Theo VNE
Vụ thảm sát 5 phu trầm: Phục kích tại rừng "ma" Nhằm hỗ trợ chuyên án 313G, hoàn tất hồ sơ vềvụ án giết 5 phu trầmở biên giới Việt- Lào diễn ra vào rạng sáng 24- 3 Ngày 8- 4, các điều tra viên của Bộ Công an đã có mặt tại CQCA tỉnh Quảng Trị, trực tiếp tiếp cận hồ sơ của chuyên án 313G... Thông tin từ các điều tra viên...