Rừng dừa bảy mẫu – vẻ đẹp của sự giao thoa
Cách phố cổ không xa, khoảng 3km, thế nên ai nấy đều ngạc nhiên khi vừa đi bộ một đoạn ngắn từ đường lớn đến bờ sông đã thấy hiện ra trong tầm mắt bát ngát những rặng dừa nước.
Đứng giữa đất trời miền Trung mà thưởng ngoạn một cảnh sắc miền Tây là một trải nghiệm thật sự thú vị.
Biểu diễn múa thúng. Ảnh: BÍCH DUYÊN
Có một miền Tây trong lòng xứ Quảng
Chỉ sau 10 phút lên xe ở phố cổ Hội An, chúng tôi đã đến khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu nổi danh trong những năm gần đây ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Theo người dân địa phương, rừng dừa đã có tuổi đời hơn 200 năm.
Người miền Tây trong hành trình di cư đến các vùng đất mới đã mang theo giống dừa nước và trồng ở khu vực này. Là một loại cây đặc hữu vùng sông nước Nam Bộ nhưng nhờ hợp khí hậu và thổ nhưỡng, những cây dừa nước cứ ngày càng lớn lên, phát triển thành một khu rừng rộng lớn khoảng 7 mẫu. Có lẽ cái tên Bảy Mẫu có nguồn gốc từ đó. Hiện nay, rừng dừa đã có diện tích lên đến cả trăm hecta, phủ xanh một vùng sông nước nơi đây.
Vì chỉ cách phố cổ không xa, khoảng 3km, thế nên ai nấy đều ngạc nhiên khi vừa đi bộ một đoạn ngắn từ đường lớn đến bờ sông đã thấy hiện ra trong tầm mắt bát ngát những rặng dừa nước. Hội An với vẻ đẹp rêu phong, cổ kính, có phần tấp nập như bị để lại đâu đó ngoài kia. Cái nắng bỏng rát dường như cũng dịu lại bởi làn gió mát từ sông thổi lên. Đứng giữa đất trời miền Trung mà thưởng ngoạn một cảnh sắc miền Tây là một trải nghiệm thật sự thú vị.
Video đang HOT
Đi thuyền trên những khúc sông quanh co nhỏ hẹp, hai bên dừa nước xanh mát bạt ngàn, hít căng lồng ngực khí trời trong mát, thu vào tầm nhìn muôn sắc xanh của nước, của dừa và của bầu trời khoáng đạt, lòng du khách chợt thấy bình yên và rộng rãi. Ví như lúc đó có ai ngân lên một điệu hò Nam Bộ hay một câu vọng cổ, du khách sẽ bất giác mà tưởng mình đang ở đâu đó trên khúc sông Tiền, sông Hậu chứ không phải trên sông Thu Bồn hay sông Hoài nữa.
Một cách lặng lẽ và cần mẫn, những thân dừa đã kiến tạo nên một vẻ đẹp miền Tây giữa lòng miền Trung nắng gió. Vẻ đẹp đặc biệt của rừng dừa Bảy Mẫu chính là vẻ đẹp của sự giao thoa cảnh sắc giữa hai miền như thế.
Chài lưới, múa thúng giữa dòng
Trong hành trình khám phá rừng dừa Bảy Mẫu, du khách sẽ được ngồi trên chiếc thuyền thúng vốn là phương tiện đi biển đặc trưng của ngư dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Những tay chèo chắc khỏe, thạo nghề sẽ nhẹ nhàng điều khiển chiếc thúng di chuyển trên mặt sông một cách thành thục.
Biểu diễn quăng lưới chài. Ảnh: BÍCH DUYÊN
Vừa đi, người chèo thuyền sẽ vừa kể cho du khách nghe lịch sử của rừng dừa và những hoạt động du lịch trong tour. Những người bạn chèo thi thoảng cùng nhau hòa theo nhịp hát sôi động được phát ra từ một chiếc thuyền trong đội làm náo động một khúc sông. Niềm vui lao động trên biển cả khi đánh bắt giờ được chuyển vào niềm vui lao động trên sông nước. Sự vui vẻ của họ khiến chúng tôi cảm thấy vui lây.
Dấu ấn đáng nhớ của việc tham quan rừng dừa là du khách được thưởng thức tiết mục quăng lưới bắt cá và múa thúng giữa dòng sông. Theo nhịp đếm của đội chèo, một ngư dân sẽ biểu diễn nghệ thuật quăng lưới. Tấm lưới to rộng màu vàng bắt mắt được tung lên cao và ra xa, bung hết mức để khi rơi xuống mặt nước có thể bao phủ một diện tích rộng lớn. Ngư dân thu lưới và lại quăng thêm đôi ba lần trong tiếng hò reo và trầm trồ của người thưởng thức.
Đến rừng dừa Bảy Mẫu, ngắm cảnh sắc miền Tây, thưởng thức nét đẹp lao động thường nhật của người miền Trung, ăn những món ăn đặc trưng của Quảng Nam trên nhà hàng mái lá ven sông là một trải nghiệm thú vị khi đến TP Hội An. Dẫu còn đôi điều cần được thay đổi hoặc cải thiện, tour du lịch đến rừng dừa vẫn mang đến những ấn tượng và xúc cảm khó quên trong lòng những du khách đã dừng chân ghé qua nơi này.
Đi thêm một đoạn ra quãng sông rộng hơn, những chiếc thúng quây lại và chừa ra một khoảng rộng chính giữa để cho một tay chèo chuẩn bị biểu diễn tiết mục múa thúng. Sau lời chào làm quen, tay chèo đưa vài đường chèo để thúng bắt đầu xoay. Khi mái chèo đưa nhanh hơn với góc rộng hơn, lực mạnh hơn, chiếc thúng xoay tròn với tốc độ chóng mặt, nghiêng qua nghiêng lại như sắp lật.
Không hề nao núng, người chèo vừa đứng vững trên thúng, vừa tiếp tục làm cho thúng xoay nhanh hơn rồi dần dần chậm lại. Khi chiếc thúng ngừng xoay cũng là lúc những tràng pháo tay tán thưởng rộ lên giòn giã. Một vài du khách muốn được thử thách cảm giác ngồi trên chiếc thúng xoay sẽ được người chèo nhiệt tình phục vụ.
Có tận mắt nhìn múa thúng, có tự mình trải nghiệm ngồi trên chiếc thúng liên tục nghiêng ngả, chúng tôi mới thực sự cảm phục sự khéo léo và sáng tạo của cha ông khi làm ra thuyền thúng và sử dụng nó trong những chuyến đi biển. Và chúng tôi càng cảm phục lòng can trường, dũng cảm của ngư dân mỗi khi lênh đênh trên biển đầy sóng to gió lớn chỉ với chiếc thuyền thúng bé nhỏ, đơn sơ.
Thế nên dẫu cảm giác mình đang bồng bềnh giữa miền Tây sông nước, chúng tôi vẫn biết rằng nét đẹp lao động này được thể hiện như một nghệ thuật trình diễn, là một trong những đặc trưng của dải đất duyên hải Nam Trung Bộ thân thương.
Dư âm
Rừng dừa Bảy Mẫu không chỉ là một cảnh sắc đặc biệt của Hội An mà còn là một di tích lịch sử ghi dấu nhiều chiến công vang dội của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Do đó, điểm tham quan này vừa có giá trị cảnh quan, vừa mang giá trị văn hóa và lịch sử đậm nét.
Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu. Ảnh: BÍCH DUYÊN
Tiếc thay, khi khai thác du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu, các đơn vị tổ chức gần như không có bất kỳ hình thức nào giới thiệu dấu ấn này của điểm tham quan. Chỉ có những người chèo thuyền lớn tuổi mới nhắc đến đôi điều. Giá như được hướng dẫn viên giới thiệu tường tận, tỉ mỉ hơn, chắc chắn chuyến đi rừng dừa sẽ có thêm nhiều xúc cảm và ý nghĩa.
Một điều khác cũng khiến chúng tôi cảm thấy tiếc trong hành trình là việc sử dụng âm nhạc hiện đại, sôi động trong suốt quá trình phục vụ du khách. Đến giữa dòng sông còn có hẳn một chiếc thuyền thúng được trang bị bộ loa khá to, người chèo thuyền sẽ neo lại và du khách cùng bước lên sân khấu trên chiếc thuyền thúng để hát theo sở thích và nhu cầu. Nếu có thể thay bằng một điệu hò Quảng và hô hát bài chòi thì sẽ hợp tình, hợp cảnh, đậm đà bản sắc xứ Quảng và vùng miền hơn.
Trải nghiệm leo núi hút khách du lịch đến Lai Châu
Du khách đến Lai Châu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua chủ yếu tham gia các hoạt động leo núi, thưởng ngoạn danh thắng và tìm hiểu văn hóa các dân tộc tại các bản làng du lịch cộng đồng.
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ, địa phương đã đón gần 66.000 lượt khách, trong đó khách nội địa gần 62.000 lượt; khách quốc tế hơn 2.600 lượt, tăng gần 62% so với cùng kỳ năm 2023. Ước tính tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ lễ này đạt gần 50 tỷ đồng.
Các điểm được du khách lựa chọn nhiều như: tham gia leo núi Pu Ta Leng, khu du lịch Cầu kính Rồng Mây, đèo Ô Quý Hồ; các bản du lịch cộng đồng như: bản Thẳm, Sì Thâu Chải, Nà Khương, Lao Chải 1 (huyện Tam Đường); lòng hồ thủy điện Huội Quảng, Bản Chát, Thẩm Phé, Vịnh Pá Khôm (huyện Than Uyên)...
Du lịch leo núi mạo hiểm thu hút khách du lịch dịp nghỉ lễ ở Lai Châu
Ông Trần Quang Kháng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết mục tiêu trong năm nay của tỉnh là đón trên 1,1 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Theo đó, Lai Châu sẽ tăng cường quản lý các hoạt động du lịch, lấy người dân làm trọng tâm để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
"Việc khai thác các lợi thế dưới tán rừng, cũng như phát triển các môn thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục các đỉnh núi sẽ là các sản phẩm du lịch thế mạnh của Lai Châu. Để phát triển bền vững các sản phẩm du lịch này thì chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các tour, tuyến du lịch gắn với việc bảo vệ môi trường rừng, để đảm bảo phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, đảm bảo các điều kiện an toàn cho khách; tập huấn, hướng dẫn cho người dân phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển các dịch vụ để cho họ trở thành các hướng dẫn viên du lịch tại bản", ông Trần Quang Kháng cho biết.
Khoảng 10 nghìn du khách đến Lý Sơn trong tuần lễ du lịch Trong thời gian diễn ra Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi năm 2024, lượng khách đến Lý Sơn tăng cao. Từ ngày 22 - 29/4, đã có 10 nghìn lượt khách ra đảo. Chỉ trong 3 ngày từ 27 - 29/4, Lý Sơn đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng và cảng vụ đường thủy...