Rúng động nhóm đàn em của ‘ông hoàng công an’
Theo báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) số ra tháng 5.2013, vợ chồng ông Chu có số tài sản riêng không dưới 1 tỉ USD và ông Chu là nhân vật có quyền lực cực lớn.
“Ông hoàng công an”
Tuy ông Chu xếp thứ 9 trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 người, nhưng thực tế có thể coi ông là thứ nhì và chỉ sau Tổng bí thư, do Ủy ban Chính trị – Pháp luật trung ương (gọi tắt là Ủy ban Chính Pháp) do ông Chu làm chủ nhiệm từ năm 2007 đến năm 2012 (thay ông La Cán về hưu) có rất nhiều quyền hạn, lại nắm ngân sách năm 2012 lên đến gần 111 tỉ USD, vượt ngân sách của Bộ Quốc phòng TQ.
“Ông hoàng công an” Chu (áo trắng) thăm cán bộ chiến sĩ khi còn đương chức
Ông Chu Vĩnh Khang người gốc tỉnh Giang Tô, gần Thượng Hải. Ông được kết nạp vào CPC khi 22 tuổi, tốt nghiệp Học viện dầu khí Bắc Kinh, từng giữ các chức Thứ trưởng Bộ Dầu khí, năm 1996 là tổng giám đốc CNPC, năm 1998 là Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, năm 1999 là bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, đến năm 2002 làm Bộ trưởng Công an, đồng thời vào Ban thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 người có thế lực nhất của CPC.
Ủy ban Chính Pháp chỉ đạo các hoạt động của các cơ quan an ninh, tình báo, tư pháp, trùm lên trên lực lượng công an, tình báo, phản gián, hệ thống tòa án và kiểm sát.
Theo SCMP, trong giai đoạn trên, ông Chu được cho là không ngừng mở rộng quyền lực của Ủy ban Chính Pháp, tìm cách thống nhất quản lý mọi cơ quan an ninh – công an. Người dân gọi ông Chu là “Công an Hoàng thân” tức ông hoàng ngành Công an.
Nhiều đơn của công dân, đảng viên, cán bộ tố cáo dưới quyền của ông Chu, hơn 10 năm qua công an TQ được tuyển mộ kiểu phe cánh, ăn chia, được nuông chiều, nâng cấp, khen thưởng bừa bãi, buông lỏng giáo dục, trở thành một tổ chức kiêu binh, cậy quyền thế, nhũng nhiễu dân lành.
Video đang HOT
Hoặc việc ông Chu lập cơ quan an ninh tình báo mật có bí danh “Phòng 610″ có quyền lực không hạn chế, đứng trên luật pháp.
Vẫn theo SCMP, lãnh đạo TQ đồng ý mở cuộc điều tra về cáo buộc tham nhũng và lạm quyền đối với ông Chu, sau một cuộc họp bí mật tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà ở tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 8.2012.
Đến tháng 3.2013, có nhiều đơn gửi đến Ủy ban Chính Pháp, Tòa án tối cao, CCDI và ông Tập để tố cáo ông Chu về một loạt tội phạm nghiêm trọng của ông, trong đó nổi nhất là các vụ giết người, tra tấn, bắt cóc và dâm ô, tham nhũng lớn.
Có đơn tố cáo ông giết vợ cũ để sau đó lấy bà vợ hiện tại là cháu của ông Giang Trạch Dân, người rất nâng đỡ ông Chu. Tờ Minh Kính tiết lộ, ông Chu đã sai hai tài xế đụng chết vợ cũ trong một vụ tai nạn giao thông do chính ông ta “dựng kịch bản”.
“Sờ gáy” cộm cán ở CNPC
Công ty con của CNPC là PetroChina có đăng ký tham gia thị trường chứng khoán ở Hồng Kông, Thượng Hải, New York và là công ty sản xuất dầu khí lớn hàng thứ tư thế giới tính trên thị trường vốn.
Thị trường vốn của PetroChina là 225 tỉ USD, và công ty này chiếm vị trí hàng đầu ở mảng sản xuất dầu khí tại TQ, các hoạt động trên thế giới gồm các mỏ dầu, nhà máy lọc dầu, đường ống dẫn đầu, nhà máy hóa dầu.
Tuy chỉ là “con” của CNPC nhưng PetroChina lại có quyền lớn, nắm nhiều tài sản của “mẹ”.
Ông Tưởng điều khiển cả CNPC và PetroChina từ năm 2007 cho đến năm ngoái thì được “đá” lên làm chủ nhiệm SASAC.
Lúc Tưởng làm lãnh đạo, PetroChina vung tiền đầu tư bạo vào nhiều mỏ dầu nước ngoài, khi Bắc Kinh tiến hành chương trình bảo đảm an ninh năng lượng.
Khoản chi hàng năm gần gấp đôi đạt 57 tỉ USD trong vòng 6 năm tính đến năm 2012. Trong 5 năm tính đến năm 2013, PetroChina cũng chi 25 tỉ USD từ vốn ở nước ngoài. Các số liệu này hiện đang bị xem xét.
Những cuộc phỏng vấn của Reuters với các quan chức CNPC, các tuyên bố của chính quyền và một cuộc phân tích vai trò của những quan chức bị bắt cho thấy: điều tra viên “soi” kỹ từng khoản chi ở nước ngoài và nội địa, gồm các hợp đồng dịch vụ dầu khí, hợp đồng cung ứng thiết bị và việc tranh mua các mỏ dầu.
Đoàn điều tra đã “sờ” đến các nhóm hoạt động của CNPC ở TQ, Canada, Indonesia và Turkmenistan.
Chính quyền cũng xác nhận đã bắt phó chủ tịch CNPC Wang Yongchun, hai phó chủ tịch Li Hualin và Ran Xinquan của PetroChina và trưởng nhóm địa chất Wang Daofu của PetroChina.
Các kiểm sát viên hình sự hiện điều tra Tưởng và Wang Yongchun về tội hối lộ, theo Tân Hoa Xã ngày 14.7 nhưng không cho biết chi tiết.
Theo Reuters, ở TQ, việc tuyên bố điều tra hình sự có nghĩa chắc chắn sẽ có kẻ bị buộc tội, hiếm khi được tuyên vô tội.
Sự lo sợ nay phủ choàng bên trong trụ sở chính CNPC ở Bắc Kinh, theo sự thú nhận của các nhân viên làm việc trong tòa nhà: các cán bộ luôn được “mời” đến cơ quan điều tra, một số trở về, số khác bị bắt. Các quan chức cấp cao nói có thể sẽ còn nhiều người nữa bị bắt.
SASAC hồi năm ngoái cho biết: Li, Ran và Wang Daofu cũng đang bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” (chữ để chỉ tham nhũng) nhưng không cho biết chi tiết”.
Các nguồn tin trong ngành dầu khí TQ cho Reuters biết 6 “cốt cán” của CNPC cũng bị bắt và đang bị điều tra, nhưng chính quyền công bố.
Phó chủ tịch CNPC Wang Yongchun là quan chức cấp cao ngành dầu khí “bị rụng” đầu tiên” hồi cuối tháng 8.2013.
Đến đầu tháng 9, cuộc điều tra công bố bắt Tưởng. Cựu giám đốc Wei Zhigang của PetroChina ở Indonesia bị cách chức, phải về nước chịu điều tra. Nguồn tin CNPC nói đoàn điều tra xem xét việc mua hai mỏ dầu ở Indonesia với số tiền quá cao.
Cuối năm ngoái, đoàn điều tra bắt kế toán trưởng CNPC Wen Qingshan, người cũng là lãnh đạo công ty phân phối khí tự nhiên Kunlun Energy (thuộc PetroChina) có tham gia thị trường chứng khoán Hồng Kông.
Đầu năm 2014, trưởng đại diện PetroChina ở Iraq là Zhang Benquan bị điều tra. Đến tháng 5 thì bắt cựu trưởng đại diện Bo Qiliang của PetroChina ở Kazakhstan.
Tháng 7.2014, báo tài chính Tài Tân cho biết hai quan chức cấp cao ngành dầu khí TQ bị điều tra: Li Zhiming, lãnh đạo hoạt động của CNPC và PetroChina ở Canada, và Song Yiwu , phó chủ nhiệm mảng hoạt động ở nước ngoài của CNPC.
Theo Một Thế Giới