Rúng động Ba Vì: Phát hiện thêm 57 biêt thự xây dựng không phép
57 căn biệt thự không phép mọc lên đã được cấp xã nhiều lần kiến nghị xử lý nhưng cấp trên làm ngơ.
Khi dư luận còn chưa hết bức xúc với những sai phạm tại Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì (Hà Nội) thì cách đó không xa, một khu resort khác với 57 căn biệt thự hoành tráng thuộc khu nghỉ dưỡng Điền Viên thôn (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) được chính quyền xã xác nhận là không có giấy phép và đã xây dựng hoàn thành từ nhiều năm qua.
Có dấu hiệu được dung túng
Những căn biệt thự không phép này thuộc khu Rừng Mu nằm dưới chân núi Ba Vì, diện tích khoảng 4,8 ha. Khi đối chiếu với bản đồ đang lưu giữ tại xã Yên Bài thì phần lớn nguồn gốc đất của khu nghỉ dưỡng nêu trên là đất khai hoang, chỉ có hơn 1 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ dân vào năm 2010.
Khu biệt thự xây trái phép ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Ảnh: Nguyễn Hải)
Thống kê của UBND xã Yên Bài cho thấy, chủ đầu tư đã cải tạo và xây mới 57 căn biệt thự theo hình thức nhà 3 gian kiểu kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ, trồng cây ăn quả. Công trình bị UBND xã Yên Bài lập biên bản vi phạm hành chính về việc sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà không có giấy phép…
Từ năm 2012, khu nghỉ dưỡng trái phép này đã được chủ đầu tư là Công ty CP Thăng Long Xanh quảng cáo là nơi hội tụ đầy đủ những nét thiên nhiên của làng quê Bắc Bộ. Theo người dân địa phương, Điền Viên thôn đã đón khách du lịch từ nhiều năm qua, chủ đầu tư cũng rao bán các căn biệt thự 2 tầng và các nhà kiểu 3 gian truyền thống với giá trên 1 tỉ đồng/căn. Điều đáng nói, dù UBND xã Yên Bài nhiều lần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm từ UBND huyện Ba Vì.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài, ông Nguyễn Quốc Huy, khẳng định: Đất ở Điền Viên thôn khai hoang chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không được phép xây dựng nhà kiên cố.
Còn ông Nguyễn Văn Luyện, cán bộ địa chính xã Yên Bài, cho biết xã đã nhiều lần phạt hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công, đề nghị các đơn vị cấp điện, cấp nước dừng ngay việc cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trong thời hạn 24 giờ; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu vào xây dựng công trình vi phạm.
Video đang HOT
Tuy nhiên, chủ đầu tư không chấp hành. Trước sự ngoan cố này, ngày 23/1/2015, UBND xã Yên Bài có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Ba Vì báo cáo việc xử lý như trên và đề nghị Tổng Công ty Điện lực Hà Nội chỉ đạo Công ty Điện lực Ba Vì ngừng cấp điện. Tuy nhiên, khu nghỉ dưỡng Điền Viên thôn vẫn được cấp điện bình thường.
Theo ông Bạch Công Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, lý do chậm xử lý vụ việc Điền Viên thôn là do trưởng đoàn thanh tra của huyện ốm, phải điều trị kéo dài, còn ông phó đoàn thì đã chuyển công tác khác (?!)
Tạm đình chỉ chức vụ giám đốc VQG nếu…
Chiều 4/3, Văn phòng Bộ NN&PTNT thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát về việc tôn tạo, xây dựng tại khu có 600 m trong phân khu hành chính dịch vụ I tại VQG Ba Vì.
Theo đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo thành lập ngay đoàn thanh tra cụ thể việc tôn tạo, xây dựng các công trình tại khu vực độ cao Cos 600 m và toàn bộ các hợp đồng liên kết để tổ chức du lịch sinh thái tại VQG Ba Vì; Kết luận rõ đúng, sai và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để giải quyết triệt để; tạm đình chỉ công tác điều hành của Giám đốc VQG Ba Vì và các cán bộ liên quan nếu có dấu hiệu tham nhũng hoặc cản trở công tác thanh tra (giám đốc VQG Ba Vì hiện nay là ông Nguyễn Phi Truyền).
Trước đó, căn cứ công văn ngày 1/7/2008 của Bộ NN-PTNT về việc đồng ý chủ trương liên kết đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại VQG Ba Vì, ngày 22/8/2008, Giám đốc VQG Ba Vì, ông Đỗ Khắc Thành, ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) do ông Lương Ngọc Anh làm giám đốc.
Theo hợp đồng, VQG Ba Vì bàn giao 53 ha tại Cos 600 m – 700 m và 3,05 ha tại Cos 800 m để CFTD xây dựng, kinh doanh khu nghỉ dưỡng trong thời hạn 53 năm (từ ngày 10/9/2008). Trong đó có 3 năm xây dựng và thời hạn liên kết kinh doanh là 50 năm (từ ngày 10/9/2011).
Đổi lại, CFTD trả cho VQG Ba Vì phí đóng góp ban đầu là 200 triệu đồng; tiền bù đắp lợi ích khi triển khai xây dựng là 300 triệu đồng; tiền thuê đất là 150 triệu đồng/năm trong 50 năm. Như vậy, tổng số tiền mà VQG Ba Vì được hưởng trong vòng 50 năm vỏn vẹn chỉ 8 tỉ đồng./.
Từ ngày 8/3, đoàn thanh tra của huyện Ba Vì sẽ cùng UBND xã Yên Bài kiểm tra các sai phạm tại Điền Viên thôn và trước mắt huyện đã yêu cầu đình chỉ xây dựng các biệt thự xây không phép này../
Theo_VOV
Vụ resort không phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì: Lại một sai phạm đã rồi
Một lần nữa kỷ cương phép nước lại bị thử thách bởi việc cố ý làm trái của chủ đầu tư xây dựng resort tại Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội).
Sẽ thanh tra toàn diện công trình vi phạm tại Vườn Quốc gia Ba Vì
Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời báo chí: "Ngày hôm qua (2/3), Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra sơ bộ ban đầu tại công trình xây dựng ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Đây là một công trình lớn, vi phạm quy định, nên cần nhiều thời gian để thanh tra, kiểm tra kỹ, không thể xong trong ngày một, ngày hai. Vì vậy, đợt kiểm tra hôm qua chỉ nhằm xác minh những sai phạm cơ bản ban đầu. Sau khi nhận được kết quả từ Tổng cục Lâm nghiệp, tôi sẽ yêu cầu thanh tra toàn bộ. Sau khi thanh tra toàn diện, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, theo đúng quy định của pháp luật"
Sau vụ cao ốc 8B Lê Trực, biệt phủ trên đèo Hải Vân, rồi nhiều vụ việc vi phạm trong xây dựng diễn ra khắp cả nước, dư luận đang mong chờ một quyết định nghiêm minh, hợp lòng dân về vụ resort không phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì. Sai phạm đã quá rõ ràng và ngay cả chủ đầu tư cũng nhận lỗi vì sự "nôn nóng" của mình. Thế nhưng, cứ mỗi sự vụ "bị lộ" ra thì hầu như mọi chuyện đã rồi.
Chờ không được thì cứ xây
Trao đổi với báo chí, Giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ (CFTD) Lương Ngọc Anh, chủ đầu tư dự án "Le Mont Bavi" sai phạm tại Vườn Quốc gia Ba Vì cho biết: "Từ những năm 30 của thế kỷ XX, người Pháp đã xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp với cả trăm nền biệt thự còn lại đến ngày nay. Việc phục hồi một khu du lịch sinh thái là cần thiết. Để bắt tay vào xây dựng Le Mont Bavi Resort & Spa, Công ty CFTD đã tiến hành xin đầu tư dự án theo đúng chủ trương, đúng quy hoạch nhưng sau nhiều năm vẫn chưa được Bộ NN&PTNT phê duyệt".
Không chờ nổi Bộ NN&PTNT phê duyệt, chủ đầu tư cứ tiến hành xây dựng và hẳn nhiên là họ tin chắc rằng dự án của mình sẽ được phê duyệt. Và cứ thế đến khi báo chí phát hiện ra thì dự án đã hoàn thiện và tiến hành kinh doanh. Hàng loạt những lý do được các bên liên quan đưa ra, nhưng điều quan trọng là dự án chưa được cấp phép.
Không chờ nổi Bộ NN&PTNT phê duyệt, Công ty CFTD cứ tiến hành xây dựng "Le Mont Bavi". (Ảnh: Vietnamplus)
Vườn Quốc gia Ba Vì được biết đến như một địa danh thiêng liêng của Thủ đô cũng như cả nước, nơi đây có đền thờ đức thánh Tản Viên, đền thờ Bác Hồ. Không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, Vườn Quốc gia còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Chính vì tính chất đặc biệt quan trọng như vậy, nên mọi việc tác động đến Vườn đều phải có ý kiến của các cơ quan chức năng.
Trước thực trạng xây dựng một số công trình chưa được cấp phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Ban quản lý Vườn Quốc gia yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ toàn bộ công tác thi công từ ngày 1/3/2016.
Ngày 1/3, khu vực bị đình chỉ thi công có diện tích khoảng 214.873m2 , nằm trọn vẹn trong Vườn Quốc gia Ba Vì, thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, có độ cao 600m so với mực nước biển. Với địa hình gò đồi thoai thoải, xen lẫn những cây thông, cây bản địa, chủ đầu tư là Công ty CFTD (có trụ sở tại Hà Nội) cho xây dựng 50 phòng kiên cố bê tông xi măng, hiện đại, nhằm phục vụ khách du lịch. Sau nhiều năm xây dựng, đến nay, nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành, tạo nên một khu du lịch Le Mont Bavi Resort cao cấp.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hữu Thế, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì, sau khi phát hiện Công ty CFTD chưa thực hiện đầy đủ các quyết định của cấp có thẩm quyền về việc xây dựng khu du lịch trên, Ban quản lý rừng đã có văn bản số 328 ký ngày 23/10/2015, yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng triển khai dự án.
"Lực lượng kiểm lâm nói riêng và Vườn Quốc gia nói chung chưa cương quyết trong việc ngăn chặn xây dựng dự án, khi mà chủ đầu tư chưa hoàn thiện đủ các yêu cầu, dẫn đến bị đình chỉ như hiện nay. Chúng tôi sẽ chấp hành mọi phán quyết của cấp trên về việc xây dựng dự án tại Vườn Quốc gia Ba vì", ông Đỗ Hữu Thế giãi bày.
Khẩn trương vào cuộc
Trước sai sót của chủ đầu tư dự án "Le Mont Bavi" - Công ty CFTD, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có công văn chỉ đạo Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngay đoàn thanh kiểm tra làm rõ việc xây dựng các công trình không phép tại Vườn Quốc gia Ba Vì, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 4/3. Cùng với đó, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan cũng khẩn trương vào cuộc để làm rõ những sai phạm. Và hẳn nhiên vụ việc sẽ sớm được quyết định trong thời gian ngắn để tạo niềm tin cho nhân dân.
Trở lại với thời điểm năm 2008, Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì đã ký hợp tác liên kết với Công ty CFTD. Theo đó, Ban quản lý Vườn cho Công ty CFTD thuê khoán 53ha diện tích đất rừng tại cốt từ 600m đến 800m, để làm khu du lịch, nghỉ dưỡng, bán hàng lưu niệm, giải trí phục vụ du lịch. Thời gian thuê là 50 năm kể từ năm 2011 đến năm 2061 với số tiền 8 tỷ đồng.
Dựa trên sự liên kết trên, Công ty CFTD đã tiến hành thực hiện các thủ tục và xây dựng khu "Le Mont Bavi" phục vụ mục đích trên, cho dù còn chưa được cấp phép đầu tư xây dựng. Trao đổi về việc doanh nghiệp xây dựng trên đất rừng thuộc địa bàn quản lý nhưng chính quyền không hay biết, ông Nguyễn Thành Sơn, Chánh Văn phòng UBND huyện Ba Vì cho biết, diện tích đất rừng trên đã giao cho Vườn Quốc gia quản lý nên chính quyền không thể nắm bắt được quá trình liên kết cũng như xây dựng dự án. Theo đó, Bộ NN&PTNT là cơ quan nắm toàn bộ quy hoạch, gồm quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết, theo nguyên tắc, Ban quản lý Vườn Quốc gia là đơn vị của Bộ nên trên thực tế, địa phương không can thiệp vào các công việc của Ban quản lý".
Về lâu dài, để tiện cho việc quản lý, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh Văn phòng UBND huyện Ba Vì kiến nghị việc quản lý Vườn Quốc gia cần có sự phối hợp với địa phương, để phục vụ chung kinh tế, xã hội của các địa phương có rừng, chứ không nên quản lý như hiện nay.
Tại nhiều mảnh rừng thuộc cốt 600m đến cốt 800m của Vườn Quốc gia Ba Vì còn nhiều dấu tích của những địa điểm lịch sử cách mạng, từng ghi dấu sự chiến đấu hy sinh của quân đội ta với quân Pháp vào năm 1950. Từ cứ điểm này, có thể quan sát được về phía trung tâm Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng theo quy hoạch được duyệt, tại khu vực cốt 600m đến cốt 800m, có một số diện tích đất rừng được sử dụng vào mục đích phục vụ du lịch. Điều này khiến dư luận Thủ đô cũng như cả nước băn khoăn.
Một lần nữa kỷ cương phép nước lại bị thử thách bởi những việc cố ý làm trái của các chủ đầu tư xây dựng công trình. Ở mỗi sự vụ như thế này, chúng ta thấy rõ sự buông lỏng và thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho sai phạm có đất để phát triển. Giá như những công bộc của dân làm tròn trách nhiệm của mình thì niềm tin của người dân đã không sứt mẻ và nhà đầu tư chấp hành nghiêm luật pháp sẽ không bị thiệt hại lớn về kinh tế./.
Theo_VOV
Hà Nội yêu cầu giải tỏa ngay những điểm trông giữ xe không phép UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản số 1150/UBND-KT yêu cầu các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan của thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện quy định của Nhà nước về trông giữ phương tiện giao thông. Đối với những trường hợp vi phạm, UBND TP giao Giám đốc Sở GTVT, Chủ...