Rùa Hồ Gươm là ‘cụ bà’ hay ‘cụ ông’?
Rùa Hoàn Kiếm vừa được mang lên chữa trị rất có thể là “cụ” bà, TS Bùi Quang Tề, Viện Nuôi trồng Thủy sản, trưởng nhóm chẩn đoán và chữa bệnh cho Rùa Hoàn Kiếm, nhận định. Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho biết, trong trường hợp chỉ có 1 cá thể thì việc xác định giới tính là không thể.
TS Tề cho biết, đã bôi thuốc lên các vết thương trên cổ và mai rùa, cho tắm bằng thuốc betadine, hay còn gọi là iod hữu cơ – loại vẫn dùng chữa cho người. Cá tiếp tục là món ăn được Rùa lựa chọn. “ Sức khỏe của “cụ” không quá tệ, nhưng do đã quá già nên việc phục hồi sẽ khá chậm” – TS Tề cho biết.
Cũng theo TS Tề, rùa được bắt lên chính là cá thể rùa bị thương nặng mà báo chí thời gian qua đã thông tin. “Cụ” Rùa không bị mất móng, vết màu trắng trên chân phía trước và trên cổ là do giảm sắc tố da sau khi vết thương đã thành sẹo. Đáng lo ngại nhất là nguy cơ bệnh viêm phổi. Các thành viên trong tổ chữa trị đã lấy mẫu bệnh phẩm để tìm tác nhân gây bệnh, phân loại hình thái, xác định giới tính.
Các nhà khoa học chưa đưa ra được kết luận cụ rùa đang là “bệnh nhân” mang giới tình gì – Ảnh: Hoàng Long
“Nhóm đã thu mẫu ADN, dự kiến cuối tuần này có thể đưa ra kết luận về bệnh trạng, giới tính của Rùa Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, dựa vào đặc điểm hình thái mà chúng tôi quan sát được, có thể khẳng định 90% là “cụ” bà!”, TS Tề nói.
Tổ chữa thương cho Rùa Hoàn Kiếm thêm một lần khẳng định có hơn hai cá thể Rùa Hoàn Kiếm. TS Tề cho biết, đã nhìn thấy cá thể rùa khỏe mạnh hơn. Do khỏe hơn nên cá thể rùa này ít nổi hẳn lên mặt nước. TS Tề phủ nhận việc có thông tin cho hay trong buổi đưa Rùa Hoàn Kiếm lên bờ, tổ lai dắt còn bắt được một cá thể rùa con “có thể là hậu duệ của Rùa Hoàn Kiếm”.
TS Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia thủy sản, cho rằng có ít nhất ba cá thể rùa khổng lồ tại Hồ Gươm. Trong số đó, có một cá thể rất khỏe, mai dài hàng thước màu xanh đen, rất lanh lợi chứ không chậm chạp như cá thể đã bắt được.
Video đang HOT
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đặng Huy Huỳnh – Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, cũng cho rằng, khả năng Hồ Gươm có trên một cá thể rùa với diện tích hồ đủ rộng thế này.
Theo TS Tề, để xác định tuổi, phải lấy được xương của cá thể. Thời điểm hiện tại, chỉ tập trung chữa bệnh và tăng cường dinh dưỡng chứ chưa có cách nào lấy được mẫu xương rùa. Do đó công việc này sẽ được tiến hành sau. Các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn rùa Châu Á cũng cho biết, đến nay, chưa có cách nào xác định được tuổi của loài rùa mai mềm.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Hà, cán bộ chương trình Bảo tồn rùa châu Á cho biết, trong trường hợp chỉ có 1 cá thể thì việc xác định giới tính là không thể.
Ông Hà giải thích, việc xác định giới tính rùa được thực hiện dựa trên 3 phương pháp: Thứ nhất dựa trên độ dài và to của đuôi. Đuôi của con đực to và dài hơn đuôi của con cái cùng loại. Thứ hai là xác định vị trí của hậu môn. Hậu môn của con đực nằm xa gốc đuôi hơn so với con cái. Cuối cùng là sự khác nhau của yếm. Con đực trưởng thành có yếm lõm, con cái có yếm phẳng (tiêu chí này áp dụng cho một số loài).
Về vấn đề xác định tuổi, việc xác định tuổi của rùa mai cứng khá dễ dàng, giống như việc đếm những vòng gỗ, có thể đếm số vòng sinh trưởng trên mai rùa để biết số tuổi. Tuy nhiên, với loài rùa mai mềm phức tạp hơn nhiều.
Các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn rùa châu Á cho hay, đến nay chưa có cách nào xác định được. Công nghệ gen chỉ có thể nêu ra được những đặc tính khác về loài. Người ta có thể sử dụng các đồng vị phóng xạ để xác định niên đại của động vật. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ sử dụng cho những mẫu vật có niên đại rất lớn.
Theo PGS.TS Lê Quang Huấn, trưởng phòng Công nghệ Tế bào Động vật, Viện Công nghệ Sinh học, việc xác định tuổi và giới tính của rùa bằng công nghệ là rất khó. Công nghệ gen chỉ có thể đọc được đó là loài nào, tên gì, có giống với các loài rùa trước đây hay không.
Không đơn giản như việc xác định giới tính ở người hay các loài động vật có vú khác, giới tính ở rùa vốn không rõ ràng, lại là loài động vật hoang dã nên vô cùng khó khăn. Nếu làm thì phải tiến hành nghiên cứu rất kỹ các loại công nghệ cũng như phương pháp xác định khác nếu có.
Theo Vietnamnet
Dự đoán 3 lần mới đưa được cụ Rùa lên
Theo tính toán của "dị nhân đuổi mưa" Vũ Tuấn Anh thì phải tới 3 lần mới hầu mong đưa được rùa lên để chữa trị.
Sau "cuộc rước" rùa Hồ Gươm lên chữa trị lần thứ nhất bất thành, đã xuất hiện nhiều luồng dư luận trái chiều. Dù mỗi người có cách nhìn khác nhau, nhưng hầu như ai cũng ngóng trông và đặt kỳ vọng vào cuộc "rước" rùa vào cuối tuần này. Tuy nhiên, theo những tính toán của "dị nhân đuổi mưa" Vũ Tuấn Anh thì phải tới 3 lần mới hầu mong đưa được rùa lên để chữa trị.
Việc cần làm và phải làm
Thời gian qua, những vấn đề liên quan đến sức khỏe rùa Hồ Gươm trở thành mối quan tâm của rất nhiều người. Ông có thường xuyên theo dõi thông tin này?
- Có thể nói là tôi rất quan tâm chứ không phải thường xuyên theo dõi nữa. Không dám nói: Tất cả các bài viết liên quan đến rùa Hồ Gươm tôi đều xem hết nhưng tôi biết trong sự việc này hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến trái chiều.
Dù scandal "đuổi mưa" khiến ông Vũ Tuấn Anh gặp khá nhiều phiền phức nhưng ông vẫn rất tự tin mỗi khi xuất hiện
Việc một số người đặt vấn đề: Rùa Hồ Gươm có phải là "rùa thần" ngày xưa nhận kiếm của vua Lê hay không? Có đáng gọi bằng cụ hay không? Có nên quá quan tâm đến cụ hay không? Hoặc cụ rùa chết thì có nên đem chôn hay không?... tôi không tán thành những quan điểm như vậy.
Bởi vì, xét về mặt khoa học thì rùa Hồ Gươm hiện nay là cá thể rùa mai mềm duy nhất còn sót lại trên thế giới - chỉ tính riêng giá trị này đã đáng để cho người ta phải bảo vệ rồi.
Ở đây, tôi còn chưa nói đến trong cổ sử ngàn xưa, ông cha ta đã dùng mai rùa làm phương tiện truyền tải chữ viết. Cụ thể là vào thời vua Nghiêu (Trung Quốc) có xứ Việt Thường dâng con rùa lớn, trên mai có viết chữ Khoa Đẩu nói về trời đất mở mang. Chưa kể, hình ảnh con rùa còn gắn liền với tất cả lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt.
Ví dụ: những con rùa trong Văn Miếu, những con hạc đứng trên lưng con rùa trong các đình chùa miếu mạo. Trong văn hóa Đông phương nói chung, rùa là một loài vật rất linh thiêng. Chính vì tính chất duy nhất của cá thể này nằm ở Hồ Gươm (trước đây có một cá thể nữa nhưng đã chết rồi) và lại gắn liền với một truyền thuyết, thành ra rùa trở thành một biểu tượng văn hóa sống động. Mà đã là biểu tượng văn hóa thì chúng ta không thể thờ ơ được. Bởi thờ ơ với điều này chính là chúng ta đang bỏ qua những giá trị văn hóa không dễ gì có được.
Tôi nghĩ, chỉ cần học đến lớp 12 thôi thì người ta cũng có thể biết rằng không có cơ sở nào để nói cụ rùa này ngậm thanh gươm của vua Lê cả! Rất nhiều người hiểu điều đó. Nhưng không phải vì cụ không ngậm thanh gươm mà không cứu cụ. Và đương nhiên, ai chẳng biết cụ rùa chết thì đem chôn hoặc giữ làm tiêu bản nhưng chúng ta vẫn cố công cứu cụ là chứng tỏ chúng ta đang trân trọng một giá trị văn hóa ngàn đời, thể hiện qua hình ảnh rùa Hồ Gươm.
Từ những vấn đề đó tôi nghĩ bằng mọi giá phải cứu rùa Hồ Gươm. Đó là việc cần làm và phải làm. Tất nhiên, xã hội đang có nhiều việc cần phải giải quyết gấp nhưng việc gì cần kíp thì nên ưu tiên trước. Và việc bảo tồn một giá trị văn hóa đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là việc cần làm ngay.
Dù đã cố hết sức nhưng công cuộc vây bắt cụ rùa lần thứ nhất vẫn không thành
Việc để rùa tự lên tháp là rất khó
Vậy theo ông, nguyên nhân khách quan và chủ quan nào khiến việc đưa rùa Hồ Gươm lên bờ vừa qua bị thất bại?
- Vừa rồi người ta mất rất nhiều thời gian cho một Hội thảo cứu rùa - Tôi thấy việc này là không cần thiết lắm. Chúng ta nên giao cho một tổ chức nào đó làm việc này, tổ chức đó không làm được thì phạt, thế thôi. Tất nhiên, chúng ta có rất nhiều chuyên gia về rùa và cả những người có kinh nghiệm về việc chăm sóc, chữa trị cho rùa... và có thể tham khảo ý kiến của họ. Tôi nghĩ việc này rất chi là đơn giản.
"Tôi nghĩ đối với một cá thể sinh vật như rùa Hồ Gươm nếu chúng ta quyết tâm bắt thì sẽ bắt được thôi. Còn nếu để biết bắt tới mấy lần mới thành công thì phải bấm quẻ thôi... (bấm đốt tay, tính toán - PV).
Tôi không biết đến lúc này họ đã tiến hành mấy lần đưa rùa lên, nhưng ít nhất phải tới ba lần. Nếu vừa rồi là lần thứ nhất thì phải hai lần nữa mới thành công".
Về nguyên nhân dẫn đến việc đưa rùa lên bờ bất thành hoàn toàn không có gì thần bí cả. Theo tôi là do sự chuẩn bị chưa được chu đáo. Chúng ta không định lượng được sức khỏe của rùa đến đâu. Không biết được quy luật sinh học của đời sống loài rùa nói chung, cho nên việc rùa "lọt lưới" là chuyện bình thường. Suy từ con người mà ra, khi bị một ai đó đuổi đến đường cùng thì họ cũng phải tìm mọi cách để thoát thân thôi và rùa Hồ Gươm cũng không nằm ngoài quy luật tất yếu đó.
Nếu rùa Hồ Gươm có "sức mạnh thần bí" nào đó thì đã có thể tự chữa lành vết thương cho mình hoặc nếu không thì khi nghe mọi người bàn cách cứu chữa rùa đã leo lên Tháp Rùa nằm chờ rồi.
Thực ra, khi rùa Hồ Gươm chưa có "mệnh hệ" gì, tôi đã từng nghĩ đến việc nên đổ cát lên Tháp Rùa để làm nơi cho rùa đẻ trứng, nghỉ ngơi và phơi nắng. Nhắc đến rùa, nhân tiện tôi nhắc đến một bài báo mà tôi đã đọc được. Chuyện này lâu lắm rồi, mấy chục năm về trước. Hồi đó, hai cụ rùa có đẻ một ổ trứng ở gần đền Ngọc Sơn, khi sửa chữa lại đền thì người ta phát hiện ra ổ trứng đó. Khi hai cụ phát hiện ra có người tìm ra ổ trứng của mình thì các cụ quay vòng vòng, vòng vòng. Thấy thế, có người cầm một cái cuốc, cuốc vào đúng mai của cụ rùa kia (cụ rùa đã chết, có tiêu bản thờ trong đền Ngọc Sơn - PV) khiến cụ bị yếu sức mà chết.
Bây giờ người ta mới đặt ra vấn đề này nhưng tôi nghĩ việc để rùa tự lên Tháp Rùa, sác xuất rất thấp. Cho nên cần phải có biện pháp hợp lý để "ép" rùa phải tự lên. Có thể không bắt nhưng mình có thể chặn tất cả các lối thì con đường duy nhất là bơi lên tháp thôi. Mình có thể giăng lưới đưa rùa vào gần tháp rồi xiết chặt "vòng vây" lại là phải lên thôi.
Rùa Hồ Gươm với những vết thương nhói lòng
Nếu được chăm sóc tốt, ít nhất rùa Hồ Gươm sống thêm hơn 20 năm nữa
Ông có dự cảm gì về lần "bắt" rùa sẽ diễn ra vào cuối tuần tới?
- Tôi nghĩ đối với một cá thể sinh vật như rùa Hồ Gươm nếu chúng ta quyết tâm bắt thì sẽ bắt được thôi. Còn nếu để biết bắt tới mấy lần mới thành công thì phải bấm quẻ thôi... (bấm đốt tay, tính toán - PV). Tôi không biết đến lúc này họ đã tiến hành mấy lần đưa cụ lên, nhưng ít nhất phải tới ba lần. Nếu vừa rồi là lần thứ nhất thì phải hai lần nữa mới thành công.
Dựa vào thực trạng sức khỏe hiện nay, ông có dự đoán gì về tuổi thọ của rùa Hồ Gươm?
- Theo tôi hiểu, tuổi thọ tối đa của loài rùa là 300 năm. Rùa Hồ Gươm sống được như vậy là đã già lắm rồi. Có thể cụ đã sống đến thời gian tối đa, nhưng nếu chúng ta cứu chữa tốt thì ít nhất rùa Hồ Gươm cũng sống được một thế hệ nữa (tương đương 20 năm - PV).
Có nhiều người đặt vấn đề có nên gọi rùa Hồ Gươm bằng "cụ" hay không thì theo tôi phải gọi cụ bằng "kỵ" mới đúng. Bởi tính nếu theo cuộc sống sinh học của con người, cứ một thế hệ là 20 năm thì chỉ cần trên 100 năm là cụ đáng được gọi bằng "kỵ" rồi. Chưa tính cụ đã sống tới mấy trăm năm thì chúng ta cũng nên tôn trọng mà gọi bằng "cụ". Tôn trọng ở đây là tôn trọng một giá trị văn hóa đã gắn liền với đời sống tinh thần của con người qua hàng trăm năm. Mặc dù cụ cũng chỉ là một sinh vật, nhưng nó là biểu tượng văn hóa cho nên không thể gọi là "con" được. Gọi cụ bằng "con" là một việc không thể chấp nhận được.
"Dị nhân" là ai?
Năm 2010, ngay sau khi Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đồng ý với đề xuất không "bắn mây ngăn mưa" dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đồng thời đưa ra ý kiến sẽ tổ chức Đại lễ tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia nếu thời tiết không thuận lợi, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh - một nhà nghiên cứu Lý học Đông phương - đã "mạnh dạn" tuyên bố sẽ "ngăn" được mưa bão nếu có 7 tỷ 150 triệu đồng. Sau đó, chính ông đã cam kết không lấy một đồng tiền nào cho việc thực hiện ngăn mưa, đuổi bão.
Ông Tuấn Anh khẳng định, về mặt lý thuyết ông hoàn toàn có thể dùng ý thức để xác định việc mưa hay nắng... Cũng theo nhà nghiên cứu này,trước đây, ông đã áp dụng khả năng dự báo với nhiều hiệu quả bất ngờ. Năm nào ông cũng có những dự báo với kết quả đáng ngạc nhiên cho những sự kiện nổi bật trên thế giới.
Năm 2004, ông là người đã dự báo trước trận sóng thần ở Ấn Độ Dương sẽ gây thiệt hại to lớn cho các nước ven vùng biển này, đặc biệt là Indonesia và Philipines.
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đã được ông dự báo từ cuối 2007. Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã từng nói: "Sang năm (2008) sẽ có một cú sốc khá lớn về mặt kinh tế mang tính toàn cầu. Việt Nam rất có thể bị ảnh hưởng, nhưng so với các nước khác là nhẹ nhất. Chuyện này sẽ xảy ra vào giữa năm (từ tháng 5 - tháng 8). Cụ thể là vấn đề tiền tệ và xăng dầu. Sẽ có một số hãng kinh doanh lớn trên thế giới có nguy cơ phá sản hoặc phá sản".
Ông Tuấn Anh khẳng định: "Bằng chứng của những dự báo chính xác này có thể kiểm chứng rất dễ dàng nếu các cơ quan chức năng quan tâm đến khả năng của ông".
Cuối tháng 12/2009, ông Tuấn Anh đã tổ chức và chủ trì Hội thảo khoa học với tiêu đề: "Tính khoa học trong phong thủy và kiến trúc hiện đại" do Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương thực hiện tại Hà Nội.
Ngoài ra, ông còn là tác giả của gần chục đầu sách về Lý học Đông phương như: "Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại", "Tìm về cội nguồn Kinh Dịch", "Hà Đồ trong Văn minh Lạc Việt".... và khoảng nhiều nghìn bài viết trên các diễn đàn về Lý học Đông phương với bút danh Thiên Sứ.
VGT(Theo GiadinhNet)
Đếm... kịch tính cuộc lai dắt cụ Rùa Điểm lại những hồi gay cấn trong hơn 7 tiếng đồng hồ vây bắt cụ Rùa, niềm an ủi lớn sau những "chưng hửng" khi cụ Rùa vọt cả 2 vòng lưới là độ "sung" của cụ. Không ít nụ cười rạng rỡ khi tận mục khoảng lưới bị đục thủng... Từ sáng sớm, các đơn vị tham gia đã tập kết chuẩn...