Ru yên những mộng mị trong đời người đàn bà nhiễm H
Vẫn nhận được tình yêu thương từ gia đình sau giông gió (ảnh minh họa)
Có lẽ, qua không ít giông gió cuộc đời, tôi biết mình vẫn nhận được yêu thương, được vỗ về, được thứ tha từ gia đình, dường như bấy nhiêu là quá ưu ái, nâng niu tôi, giúp tôi yên tâm cải tạo và ra đi một cách thanh thản.
Tôi biết, cả cuộc đời này, tôi không thể trả món nợ ân tình với đứa con trai duy nhất. Ngay cả cơ hội nói những lời yêu thương, nói lời xin lỗi bao nhiêu năm ấp ủ trong lòng, có lẽ cũng không còn cơ hội nữa. Cuộc sống của tôi ngày một ngắn ngủi. Tôi cảm nhận rất rõ sự sa sút sức khỏe của mình, cảm nhận rất rõ từng giây, tùng phút thứ virus chết người kia đục khoét, bào mòn chút nhựa sống ít ỏi còn sót lại trên thân thể. Chẳng mấy chốc nữa thôi, tôi sẽ vĩnh biệt cuộc đời này. Ra đi trong nhơ nhuốc và để lại sự tai tiếng, mà có lẽ, nhiều năm sau cũng không thể nào gột rửa nổi. Phận người chết đã đành, nhưng còn những người sống thì sao? Cha mẹ tôi, con trai tôi, họ sẽ phải đương đầu như thế nào khi mang danh là ruột thịt của một mụ đàn bà hư đốn nhiễm căn bệnh thế kỉ? Những suy nghĩ ấy dằn vặt tôi từ ngày này qua ngày khác, đè nặng tôi trong nhũng đêm dài thao thức. Hối hận cũng đã quá muộn màng.
Từ tò mò, thiếu hiểu biết, tôi đã mắc nghiện
Quê tôi nghèo nổi tiếng xứ Thanh. Người dân quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vẫn chẳng đủ no cái bụng. Tôi cũng giống như những người con gái Quảng Xương, hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, dành hết tuổi thanh xuân của mình cho đồng ruộng, nương dâu. Đến tuổi yên bề gia thất cũng chỉ mong gửi gắm phận mình cho một gia đình tử tế làm chốn nương tựa phần đời còn lại. Chồng tôi là một người đàn ông chất phác, được cái nết làm ăn. Công việc của anh là tài xế xe khách đường dài. Những chuyến xe vướng đầy bụi bặm đường sá xa xôi, phủ đầy gương mặt anh màu khắc khổ, nhưng chưa bao giờ anh nặng lời với vợ con dù chỉ nửa lời, dù cuộc sống muôn vàn vất vả. Ai cũng bảo tôi tốt số, lấy được một người chồng biết chiều vợ, thương con, lo toan cho gia đình. Tôi cũng tự cảm thấy mình may mắn.
Trong tiềm thức của tôi, gương mặt mệt mỏi của anh trong cơn ngủ mệt mỏi, khét nồng mùi xăng xe, dầu mỡ trở thành nỗi xót xa quay quắt. Thi thoảng, anh nhờ tôi xoa đầu, xoa lưng vì ngồi cả ngày trên xe đường dài quá căng thẳng. Thương chồng, tôi cũng chỉ biết quan tâm tới anh bằng những lời hỏi han, săn sóc. Có lẽ, vì quá thương, quá tin tưởng một người đàn ông chín chắn, sâu sắc như anh đủ tĩnh táo để tránh xa những cạm bẫy chết người của cuộc sống xã hội xô bồ, nên khi biết anh nghiện ma túy, tôi ngạc nhiên lắm. Thú thực, đối với một người đàn bà quê mùa, cục mịch, ngoài thời gian đồng áng, vườn tược còn bận lê la sáng nơi đầu chợ, tối nơi cuối chợ như tôi, ma túy là một thứ gì đó vô cùng mơ hồ. Tôi chỉ loáng thoáng nghe mọi người thi thoảng bàn tán đó là một chất kích thích tạo ảo giác, có khả năng tăng hưng phấn trong làm việc, nhưng ai dùng nó sẽ phải phụ thuộc vào nó cả đời. Tôi cũng chỉ ậm ừ biết vậy, nào đâu tỏ tường, sự ngạc nhiên ban đầu dần trở thành cực sốc và nỗi ám ảnh tột độ.
Tận mắt chứng kiến chồng lên cơn vật vì thiếu thuốc, bọt mép anh sùi ra, chân tay run lẩy bẩy, xô toàn bộ mâm cơm xuống đất, tôi và đứa con trai chỉ biết ôm nhau thu mình trong góc nhà bật khóc vì sợ hãi. Nhưng, cũng chính anh, chỉ vài phút sau đó, kịp châm liều thuốc và hít hà nó, lại trở nên hoạt bát, nhanh nhẹn như bình thường. Anh lại trở về danh phận một người chồng thương vợ, một người cha lo toan, trách nhiệm. Sự thay đổi kì lạ từ ma túy mang lại cho chồng tôi thực sự kích thích trí tò mò của tôi. Câu hỏi, thực chất ma túy là gì bắt đầu lởn vởn trong đầu tôi từ ngày hôm ấy.
Bi kịch thực sự bắt đầu khi chồng tôi bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Án của anh 2 năm. Trong khoảng thời gian 2 năm ấy, cuộc đời tôi đã có biết bao biến cố xảy ra. Câu hỏi cũ luôn ám ảnh tâm trí, thiết nghĩ, chẳng thể tìm được câu trả lời nếu như bản thân không thử nó. Tôi không tin chuyện sử dụng ma tuý sẽ phải lệ thuộc vào nó. Người dùng ma tuý sẽ trở thành con nghiện và không thể từ bỏ “kẻ giết người vô hình” ấy. Sự tò mò kích thích, cùng với sự tự tin vào sức mạnh bản thân, tôi hút thử cái chất bột màu đen kia. Còn nhớ cảm giác khi ấy, khi thứ hương kia len lỏi tràn tới đâu, một cảm giác lạ lùng ùa theo tới đó. Quả thực, đó là cảm giác rất kì lạ mà một người phụ nữ quê mùa như tôi chưa từng biết đến. Tôi bắt đầu cảm thấy thích thú và càng phấn khích hơn trong việc dùng thuốc. Không biết rằng, tôi đã trở thành con nghiện từ lúc nào.
Sau này, mỗi lần lên cơn vật thuốc, đầu óc tôi căng như dây đàn sẵn sàng đứt phụt bất cứ lúc nào, bụng dạ cồn cào như núi lửa chuẩn bị tuôn trào và cảm giác “thèm” đập phá đồ đạc trong nhà hối thúc. Tôi thử thách sức mạnh khước từ cám dỗ của bản thân bằng cách không hút thuốc, nhưng bản thân tôi không vượt qua được cám dỗ mê hoặc của thứ hương ma mị kia cùng cơn vật vã xói lở từng tế bào trong cơ thể. Để thỏa mãn cơn vật, tôi lại hút thuốc. Con đường trở thành con nghiện của tôi bắt đầu như thế. Lúc này, tôi nhận ra mình quá dại dột, nhưng hỡi ôi, mọi sự đã quá trễ tràng.
Chồng tôi ra tù, không bao lâu sau anh cũng bập vào nghiện trở lại. Hai vợ chồng cùng nghiện. Bao nhiêu của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi, đến mức nhà cửa chúng tôi trống hoác, chẳng còn lại bất cứ thứ gì đáng giá. Tội nghiệp nhất đứa con trai, mỗi lần tôi hoặc chồng tôi lên cơn, không muốn con chứng kiến cảnh tưởng khốn khổ ấy, chúng tôi đẩy cháu ra cổng đợi bố mẹ hút chích xong xuôi rồi mới được trở vào nhà. Tôi biết, nhiều đêm cháu ôm bụng đói đi ngủ vì gạo không đủ nấu bữa ăn no, thức ăn cũng chẳng có gì ngoài mấy cọng rau héo rũ còn sót lại cắt vội ngoài vườn. Khi không, tôi thương con tới đứt ruột, nhưng khi đã lên cơn vật rồi, tôi chẳng còn biết đắn đo thiệt hơn, chẳng còn nhớ tới đứa con trai đang méo mó ôm chiếc bụng sôi ùng ục.
Video đang HOT
Vẫn nhận được tình yêu thương từ gia đình sau giông gió
Bản án tử hình chính thức giáng xuống đầu tôi khi chồng tôi báo tin anh ấy bị nhiễm HIV. Không lâu sau đó, anh qua đời mang theo bao nhiêu hối hận và tiếc nuối. Lúc này, tôi không thể kiểm soát hành vi của mình nữa. Tôi trở thành nô lệ của ma túy. Nhiều người khuyên nhủ tôi nên đi xét nghiệm máu, vì chồng tôi đã nhiễm H, họ sợ tôi cũng chung số phận tai ương đó. Nhưng, tôi khinh khi coi thường lời nhủ của mọi người. Sức khoẻ tôi vẫn tốt. Tôi vẫn ăn uống, hút hít đều đặn, vẫn đi làm quần quật ngoài đồng, trên bãi, vẫn lo lắng cho con trai đủ bữa cơm, giấc ngủ. Chẳng có bất cứ thay đổi nhỏ nào trong cơ thể.
Kẻ nghiện giống như bị ma đưa lối, quỷ soi đường, bản thân dùng thuốc, hơn ai hết tôi hiểu rằng ma túy mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ. Tôi nhập ma túy về bán lẻ cho đám thanh niên nghiện ngập tại địa phương, thậm chí, đường dây của tôi còn vươn ra vài xã lân cận. Cho tới một lần, khi đang giao dịch hàng trắng, tôi bị công an tóm sống. 23 năm là mức án dành cho kẻ buôn cái chết trắng.
Bước vào trại cải tạo, thủ tục đầu tiên của công tác nhập phạm là kiểm tra sức khỏe phạm nhân. Khi được báo tin tôi nhiễm căn bệnh thế kỉ, tôi bán tín bán nghi không tin đó là sự thật. Bởi, cơ thể này là của tôi, sức vóc này là của tôi. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ nó. Tôi chưa mất ngủ, không đau nhức bao giờ, không có lý gì lại nhiễm căn bệnh quái ác kia. Hình ảnh chồng tôi những năm tháng liệt giường vì căn bệnh AIDS chợt ùa về, tôi rùng mình kinh sợ. Cái mùi tanh lợm của những vết mủ đông đặc, trắng toét từ đâu sực xói vào khứu giác, đầu óc tôi quay cuồng. Cho tơi tận bây giờ, tôi cũng không rõ mình nhiễm HIV từ đâu. Có thể do quan hệ tình dục với chồng, lây nhiễm từ chồng mà không hề hay biết. Hay tôi và anh ấy cùng nghiện ngập, cùng dùng chung kim tiêm hòng thoả mãn cơn vật vã trước kia. Điều ấy chẳng còn quan trọng nữa, chung quy lại, tôi đã bị nhiễm HIV – căn bệnh mà cả thế giới kinh sợ và người đời xa lánh.
Chỉ tới khi bị bệnh tật hành hạ, giày vò, tôi mới bắt đầu thấy hối hận tột cùng cho những nông nổi, ấu trĩ của mình trước đây. Tôi ngây ngấy sốt, chân tay bắt đầu lở loét, rồi đầu tôi bị nấm do vệ sinh không sạch sẽ. Khi cán bộ y tế của trại giam báo tôi buộc phải cạo tóc để chữa bệnh nấm da và giữ gìn vệ sinh, tôi oà khóc. Nhìn từng lọn tóc dài bao năm gắn bó rũ từng đợt xuống nền đất, tôi ứa nước mắt xót xa. Lúc ấy, tôi từng nghĩ rằng mình là người phụ nữ xấu xí và đáng thương nhất thế gian.
Thụ án được hơn 8 năm, bệnh tình của tôi ngày càng trầm trọng và có khả năng không qua khỏi, tôi được trích xuất cho về với gia đình. Đoàn tụ con trai, cha mẹ già trong nước mắt và nỗi tủi hờn, tôi không còn mặt mũi nào để nhìn họ. Cha mẹ tôi, con trai tôi không ghê tởm, trách cứ tôi. Trái lại, họ ôm tôi vào lòng, ru yên những hoang mang, tuyệt vọng của tôi. Gia đình – tổ ấm thiêng liêng nơi tận cùng đã vực tôi dậy trong cơn khốn khó nhất cuộc đời. Một thời gian sau, sức khỏe tôi bất ngờ ổn định trở lại, tôi lại có yêu cầu nhập trại tiếp tục thi hành án, tôi vui vẻ từ biệt cha mẹ và đứa con trai duy nhất. Lần này, tôi bước đi với một tâm thế thanh thản và nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Có lẽ, qua không ít giông gió cuộc đời, tôi biết mình vẫn nhận được yêu thương, được vỗ về, được thứ tha từ gia đình, dường như bấy nhiêu là quá ưu ái, nâng niu tôi, giúp tôi yên tâm cải tạo và ra đi một cách thanh thản.
Ghi theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Thị Linh (Trại Thanh Phong)
Theo 24h
Người 2 lần phải xa "giọt máu" của mình
Trong bóng chiều nhập nhoạng phủ kín trại giam, bóng Hiền rủ dài lê thê, não nề in mờ ảo góc tường. Đôi mắt trũng sâu, thâm quầng nói lên rằng đã mấy đêm nay Hiền không ngủ được. Nỗi nhớ con cuộn trào trong lòng chị.
Vì chỉ mấy ngày trước thôi, con trai của Hiền đã được gửi về cho gia đình chăm sóc. Dẫu biết đó là cách tốt nhất đối với tương lai của con; dẫu đã chuẩn bị tinh thần cho cái ngày xa cách này, nhưng thực tế diễn ra vẫn bóp nghẹt trái tim người mẹ thổn thức của chị. Hai mẹ con, cách trở sẽ là 15 năm, xa cách vô vàn là song sắt chắn ngang lối giữa một bên là tự do, một đằng là tù tội. Nghĩ tới đây, Hiền lại khóc.
1. Nguyễn Thị Hiền không xinh nhưng ở chị toát lên vẻ chân chất, thật thà, gương mặt hiền lành dễ gây thiện cảm đối với bất kỳ ai. Vậy mà, có ai ngờ con người khoác trên mình vẻ dịu dàng ấy dám đi buôn hàng trắng - thứ độc dược chết người mang lại giá trị siêu lợi nhuận khủng khiếp. Hiền tham. Chị thừa nhận. Nhưng, cũng chỉ bởi khát khao thoát khỏi cuộc sống nghèo hèn, thoát khỏi cơn ác mộng về những năm tháng tận cùng khổ cực. Cơm không có mà ăn. Chỉ có thể cầm hơi nhờ củ mài, củ sắn đào được trên rừng.
Nói về cuộc đời Hiền, chẳng ngờ cũng sóng gió, lao đao đến tội nghiệp. 18 tuổi, Hiền mang thai và sinh con. Có điều, cha đứa trẻ không thừa nhận giọt máu. Không chồng mà chửa - ấy là nỗi sỉ nhục lớn nhất đối với gia đình Hiền. Bố mẹ bắt Hiền phải lánh mặt ở nhà bà cô ruột mãi tận sát bìa rừng. Thi thoảng họ lên thăm mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết cho một bà bầu sắp tới ngày trở dạ.
Theo như kế hoạch của bố mẹ Hiền, sau khi đứa trẻ chào đời, họ sẽ gửi nó cho một người bà con xa ở tận Huế. Hai vợ chồng họ hiếm muộn, mãi không có con nên rất thèm tiếng bi bô trẻ nhỏ. Hiền biết toàn bộ kế hoạch, cô khóc rưng rức, xin bố mẹ cho cô giữ lại đứa trẻ. Xin bố mẹ không chia lìa mẹ con Hiền.
Nhưng, chính những giọt nước mắt của mẹ, nỗi đau của bố cùng những lời khuyên can hết lời của anh chị, Hiền ngậm ngùi xác định trước ngày chia tay giọt máu của mình dù nó chưa thực sự chào đời.
Hiền vừa mong chờ ngày con chào đời, vừa sợ hãi thời khắc phải tạm biệt giọt máu của mình. Suy nghĩ ấy khiến Hiền lúc nào cũng buồn rượi. Không biết, có phải vì thế mà sau này, khi nhìn đứa con đỏ hỏn trên tay, nhìn đôi mắt của con, Hiền cũng thấy phảng phất nỗi buồn ấy. Bàn tay bé xíu, mềm mại đỏ hỏn áp vào má Hiền, những giọt nước mắt mặn chát đã kịp nóng hổi trên má người mẹ trẻ.
Hiền vừa mong chờ ngày con chào đời, vừa sợ hãi thời khắc phải tạm biệt giọt máu của mình (ảnh minh họa)
Bố mẹ Hiền bế đứa trẻ đi mất. Họ bảo rằng, đó là sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của Hiền và cho cả đứa trẻ. Bởi, Hiền còn quá trẻ. Hiền còn cả một tương lai phía trước. Ở mảnh đất xứ Mường này, chuyện không chồng mà chửa đã đủ động trời, lại thêm việc ôm đứa trẻ, thử hỏi tương lai của Hiền sẽ chảy về đâu? Có ai dám sống cả đời với một người đàn bà đèo bòng đứa trẻ không có bố?
Khi bóng bố mẹ Hiền và đứa trẻ mất hút vào chiều nhập nhoạng, Hiền bảo, chưa bao giờ cô cảm nhận trọn vẹn nỗi đau như thế. Có gì đó rất sâu, rất đau cứa vào ruột gan. Buốt nhói từng cơn không dứt. Ngay lúc ấy và cho tới sau này, cô luôn tự trách bản thân đã không giữ con lại. Cô nhận mình là người mẹ tồi. Người mẹ nhẫn tâm cho người ta khúc ruột, giọt máu của chính mình.
2. Hết ngày ở cữ, lánh mặt xóm giềng, Hiền trở về làng với bộ dạng xanh xao, mỏi mệt. Sự biến mất của Hiền vài tháng trời được hợp lý hoá bởi lý do làm ăn xa dưới Hà Nội. Ai cũng tin. Và trong mắt của người làng, Hiền vẫn là cô bé ngoan ngoãn, hiền lành, củ mỉ cù mì như chính cái tên của cô ấy vậy.
Một thời gian dài, Hiền không ngủ được. Hễ nhắm mắt là nghe thấy tiếng trẻ thơ ỉ ôi thấp thoáng bên tai. Sự ám ảnh quá lớn khiến Hiền gầy rộc hẳn đi. Cô cầu xin bố mẹ nói cho cô biết địa chỉ người bà con xa ở Huế nhận nuôi đứa trẻ. Nhưng, bố cô giận dữ khẳng định: "Đứa trẻ đã có cuộc sống tốt. Đừng đảo lộn mọi thứ. Hãy bắt đầu cuộc sống mới của chính mình".
6 năm không phải quá lâu, nhưng đủ để bố mẹ Hiền tin tưởng cô con gái đã nguôi ngoai với kí ức. Họ nghĩ Hiền đã thôi ý định tìm đứa trẻ sớm lìa mẹ từ khi mới lọt lòng, nhưng tận sâu trong đáy tim, Hiền tự thề với lòng: Phải tìm lại đứa con, hoặc chí ít cũng phải biết tình hình cuộc sống hiện tại của con như thế nào.
Với bản tính của bố và sự sợ hãi của mẹ, chắc chắn Hiền không thể có thông tin gì từ họ. Chỉ tới khi mắc cơn bệnh nặng, biết không thể qua khỏi, trước lúc từ giã cõi đời bố Hiền mới gọi cô tới bên và đặt vào tay cô mẩu giấy nhỏ. Nói rằng, chỉ cần tìm đến đúng địa chỉ này, sẽ nhìn thấy giọt máu của mình. Nhưng, hãy cân nhắc, liệu Hiền có đủ khả năng nuôi dạy con nên người, mang lại cho con một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hay không. Nói rồi ông ra đi, nặng trĩu muộn phiền.
Hiền tìm theo đúng địa chỉ, nhìn thấy một đứa trẻ đang chơi đùa với quả bóng nhựa trong sân. Một cảm giác vừa xốn xang, vừa ngậm ngùi len lỏi trong từng tế bào. Bóng một người phụ nữ chạy tới lau những giọt mồ hôi đọng trên đầu, trên trán thằng bé và nựng nó những lời âu yếm.
Hiền đứng ngoài cổng nhìn vào, cứ thế khóc nấc từng hồi. Rõ ràng đứa trẻ đã có cuộc sống tốt đẹp. Nó được yêu thương, chăm sóc, quan tâm như chính con ruột của gia đình đó. Điều ấy an ủi phần nào nỗi ám ảnh tội lỗi trong trái tim người mẹ trẻ này.
28 tuổi, Hiền yêu. Đó là một người đàn ông đang đứng bên bờ vực của hôn nhân tan vỡ. Sự dùng dằng trong mối quan hệ chưa dứt điểm của anh ta và vợ cũ lôi Hiền vào trận chiến mệt mỏi. Người ta bảo Hiền là loại đàn bà hư hỏng, quyến rũ đàn ông, phá hoại gia đình người khác. Chỉ Hiền hiểu trái tim cô thực sự run rẩy trước người đàn ông đó.
Mẹ Hiền phản đối quyết liệt, nhưng Hiền sợ, thêm một lần nghe theo sự sắp đặt của gia đình, cô sẽ để vuột mất tình yêu lớn lao của đời mình giống như giọt máu năm xưa, Hiền như con thiêu thân lao vào trận chiến ái tình. Mù quáng và điên rồ, Hiền bỏ nhà theo không người đàn ông đó. Bỏ mặc người mẹ vò võ mong ngóng, xót xa cho cô con gái dại dột, ngu ngốc.
3. Đi theo người đàn ông này, không lâu sau Hiền cảm nhận được một nhựa sống cựa mình trong bụng cô. Hiền và người đàn ông tên Quang hạnh phúc lắm. Dường như, sau quá nhiều đau khổ, mất mát, cuối cùng hạnh phúc đã tìm tới cô. Nhưng, Hiền không thể ngờ, đây mới là bi kịch thực sự chờ đón người đàn bà nhẹ dạ này.
Anh ta không giấu giếm công việc đổi hàng trắng vô lương của mình. Nhưng bằng lý lẽ dẻo quẹo của một gã đàn ông, anh ta nói rằng muốn lo cho cuộc sống của hai mẹ con Hiền thật tươm tất. Hiền tin và ngoan ngoãn nghe theo mọi sự sắp đặt của gã chồng hờ.
Trong một phi vụ làm ăn, lợi dụng Hiền bụng mang dạ chửa, Quang nhờ Hiền "đi" cho một mối. Hiền đồng ý, không hề hay biết mọi đường đi nước bước, kế hoạch, toan tính của vợ chồng Hiền đều không qua nổi mắt lực lượng điều tra. Khi bị bắt với chiếc làn chứa heroin trên tay, Hiền đã biết tương lai của mình chấm hết.
Hiền sinh con trong tù. Bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn dồn dập bủa vây cuộc sống hai mẹ con. Cũng may được cán bộ quản giáo thương, chị em cùng phòng chia sẻ, khi dành cho tấm vải nhỏ, chiếc áo cũ bạc màu làm tã cho con. Lúc này, hơn ai hết, Hiền mới thấm thía nỗi đau, nỗi ân hận cho sai lầm của mình.
Ròng rã hơn 3 năm nuôi con trong tù, Hiền luôn tự trách bản thân là người mẹ tồi tệ nhất thế giới. Đứa con đầu thì cho người ta. Đứa con thứ hai thì nuôi nó trong bần hàn, thiếu thốn nơi tù tội. Các cán bộ quản giáo và chị em phạm nhân cùng phòng khuyên Hiền nên gửi đứa trẻ về ở với bà ngoại. Bởi nó cũng gần 4 tuổi, cũng phải đi học, đến trường như chúng bạn.
Trong này khó khăn đã đành, nhưng không nên vì thương con mà giam cầm tuổi thơ của nó sau song sắt giống như mẹ nó. Hiền ngậm ngùi chia tay con. Lúc bà ngoại ôm con đi, Hiền khóc ngất. Mấy ngày trời Hiền bỏ bê cơm nước, cả đêm chong chong không ngủ nổi vì nhớ thương con. Ví như đêm nay, thêm một canh dài người mẹ này thao thức mơ về hình hài, vóc dáng, giọng nói bi bô thơ trẻ của con. Cái giá phải trả cho sự sinh ly này sao mà đắng đót quá?
Theo 24h
5 "bóng hồng" buôn ma túy lãnh án TAND TP.Đà Nẵng ngày 19.12 xét xử sơ thẩm, tuyên phạt: Nguyễn Thị Tiền (22 tuổi, Krông Buk, Đắk Lắk) 16 năm tù 8 năm tù đối Đặng Thị Ngọc Yến (20 tuổi, Krông Păk, Đắk Lắk), Nguyễn Thị Thu Thủy (21 tuổi), Hoàng Thị Tuyết Nga (29 tuổi, cùng trú tại Đà Nẵng) 2 năm tù cho Nguyễn Thị Diễm My (18...