Rủ nhau lên núi trồng thứ sâm này, bán được cả củ lẫn lá
Từ khi “Tổ hợp tác phụ nữ DTTS trồng sâm dây” tại 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong do Hội LHPN tỉnh Kon Tum phối hợp cùng Hội LHPN huyện Đăk Glei thành lập đi vào hoạt động, đến nay, nhiều chị em hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng và mở rộng diện tích vườn sâm dây của gia đình.
Dẫn chúng tôi băng qua nhiều ngọn đồi đến tham quan vườn sâm dây của chị em thành viên “Tổ hợp tác phụ nữ DTTS trồng sâm dây” ở làng Tân Rát của xã Ngọc Linh, chị Phạm Thị Mây – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Glei kể lại quá trình thành lập và phát triển của Tổ hợp tác.
Chị Mây chia sẻ, giữa năm 2017, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng Hội LHPN huyện Đăk Glei tổ chức ra mắt mô hình Tổ liên kết “Phụ nữ DTTS trồng sâm dây” tại 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong với sự tham gia của 59 chị (29 chị làng Tân Rát, 10 chị làng Kon Tua thuộc xã Ngọc Linh; 10 chị làng Mới, 10 chị làng Mô Po thuộc xã Mường Hoong).
Hầu hết vườn sâm dây của các chị ở thôn Tân Rát đều nằm trên sườn đồi, sườn núi nên việc trồng và chăm sóc cần nhiều công sức. Ảnh: ĐT
Từ số tiền 30 triệu đồng do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ, Tổ liên kết hỗ trợ cây giống cho 6 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của 2 xã, mỗi chị được hỗ trợ 50kg giống (tương đương số tiền 5 triệu đồng); 53 chị còn lại dùng tiền tiết kiệm, chủ động vay, mượn từ người thân để có kinh phí mua giống.
Bên cạnh việc hỗ trợ cây giống ban đầu cho 6 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Liên minh Hợp tác xã và Sở Khoa học và Công nghệ mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm dây cho tất cả các chị tham gia Tổ liên kết.
Sau khi được tập huấn kỹ thuật, các chị đồng loạt làm đất và hoàn tất việc xuống giống trên tổng diện tích 6,3ha trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2017. Thời điểm đó, nhờ thực hiện trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây sâm dây mọc khỏe, tỷ lệ sống đạt 80%.
“Lần đầu trồng, dù chăm sóc đúng kỹ thuật nhưng do chưa có kinh nghiệm, cùng với việc bị ảnh hưởng từ thời tiết không thuận lợi và bị bệnh nấm, sau vài tháng, diện tích trồng sâm dây của các chị ở xã Mường Hoong (trong đó có 3 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ giống ban đầu là Y Diên, Y Jul và Y Mé) bị héo lá, thối củ và chết dần.
Video đang HOT
Đây là quãng thời gian thật sự khó khăn, bởi các chị đều đặt nhiều niềm tin và dành nhiều công sức cho vườn sâm dây của mình”, chị Mây cho biết.
Thấy được hiệu quả cùng giá trị kinh tế từ cây sâm dây mang lại, nhiều hội viên, phụ nữ ở 2 xã Ngọc Linh và Mường Hoong bắt đầu chủ động tìm hiểu và xin tham gia, nâng tổng số thành viên Tổ liên kết lên 102 chị với diện tích trồng sâm dây hiện tại là 12,3ha.
Để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện, Hội LHPN huyện Đăk Glei thay đổi, nâng cấp “Tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng sâm dây” thành “Tổ hợp tác phụ nữ DTTS trồng sâm dây”, đồng thời tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cho 23 chị vay 586 triệu đồng để đầu tư phát triển diện tích sâm dây.
Trong mùa thứ 2, các cấp Hội LHPN của địa phương cùng với Hội nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ cho Tổ hợp tác 230 triệu đồng.
Với số tiền này, Tổ hợp tác tiến hành hỗ trợ cho 46 chị có hoàn cảnh khó khăn, mỗi chị 50kg giống (tương ứng số tiền 5 triệu đồng). Cùng với đó, Hội LHPN huyện Đăk Glei tiến hành việc mở gian hàng trưng bày sản phẩm tại thị trấn Đăk Glei và tìm đầu ra, giúp các thành viên Tổ hợp tác sau khi thu hoạch bán được sâm dây với giá tốt nhất.
“Rút kinh nghiệm trong mùa vụ đầu tiên, Hội LHPN huyện Đăk Glei chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề và Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức theo dõi, kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện sâu bệnh, hướng dẫn các chị xử lý đất, trồng lại mới để đảm bảo kịp mùa vụ.
Để đến vườn sâm dây, phải băng qua nhiều ngọn đồi. Ảnh: ĐT
Đến nay, hầu hết diện tích vườn sâm dây của các thành viên trong Tổ hợp tác sinh trưởng ổn định, nhiều chị đã mở rộng được diện tích trồng sâm dây của gia đình như Y Mom, Y Bôr, Y Chớ, Y Nu (xã Ngọc Linh); Y Bia, Y Thí, Y Ny, Y Liên (xã Mường Hoong). Từ thực tế trên, chúng tôi có thể khẳng định mùa vụ sâm dây thứ 2 của Tổ hợp tác (thu hoạch vào cuối năm 2020) sẽ cho năng suất cao”, chị Mây nói.
Say sưa với câu chuyện chị Phạm Thị Mây kể, chúng tôi quên cả mệt nhọc khi phải liên tục leo dốc gần 2 tiếng đồng hồ để đến vườn sâm dây của các chị thành viên Tổ hợp tác ở làng Tân Rát, xã Ngọc Linh.
Trước mắt chúng tôi hiện ra vườn sâm dây xanh tốt của các chị ở Chi hội phụ nữ thôn Tân Rát. Chị Y Mom – Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Rát chia sẻ, trước đây ở Tân Rát không có nhiều chị em hội viên mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Từ khi mô hình “phụ nữ DTTS cùng nhau trồng sâm dây” do Hội cấp trên thành lập và sau mùa vụ thu hoạch đầu tiên đạt hiệu quả, nhiều chị bắt đầu mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn để có kinh phí trồng sâm dây. Với mô hình này đã góp phần nâng cao thu nhập cho chị em phụ nữ trong thôn Tân Rát. “Tôi cho rằng đây là hướng đi phù hợp giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước xóa nghèo bền vững trong thời gian tới.” – chị Y Mom nhận định.
Chị Y Mia – hội viên Chi hội phụ nữ thôn Tân Rát cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các cấp hội cùng sự chia sẻ, động viên lẫn nhau, vườn sâm dây các chị phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Các chị trong Chi hội phụ nữ thôn trao đổi cách chăm sóc sâm dây, giúp đỡ nhau trong việc làm cỏ và thu hoạch.
Tận mắt nhìn thấy vườn sâm dây trên những sườn đồi đang phát triển xanh tươi, cùng nụ cười của các chị thành viên Tổ hợp tác ở làng Tân Rát khi cầm trên tay những củ sâm dây do mình trồng ra, chúng tôi thấu hiểu được sự nỗ lực và cả niềm tin vào một ngày mai gia đình mình sẽ thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang thành hình trong suy nghĩ của phụ nữ đồng bào DTTS ở đây.
Trồng thứ sâm dây, chị em ở đây đổi đời
Trong chuyến công tác mới đây, tôi có dịp được đến thăm mô hình trồng sâm dây của chị em hội viên phụ nữ xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum). Chứng kiến các chị cần mẫn, nâng niu chăm bẵm từng luống sâm dây, tôi có thể cảm nhận được kỳ vọng của chị em ở đây đối với mô hình kinh tế này.
Triển khai Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được xây dựng, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định đời sống cho các hộ gia đình phụ nữ vùng biên. Điển hình như mô hình trồng sâm dây của các hội viên phụ nữ xã Đăk Blô (huyện Đăk Glei).
Hơn 10h trưa, giữa cái nắng cháy da của mùa khô Tây Nguyên, dù khuôn mặt đã đỏ bừng, ướt đẫm mồ hôi, chị Y Hường (thôn Pênh Lang, xã Đăk Blô) vẫn đang miệt mài chăm sóc từng luống sâm dây. Chị rất vui khi rẫy sâm dây phát triển tươi tốt, nhiều cây đã cho củ đạt chất lượng, hứa hẹn sẽ mang đến nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình.
Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô giúp dân trông sâm dây. Ảnh: TT.
Chị chia sẻ: Trước đây, chị em phụ nữ trong xã cũng đã nhiều lần muốn thử trồng sâm dây để vươn lên thoát nghèo, nhưng chưa thể thực hiện được. Bởi để gây dựng được một vườn sâm là chuyện không hề dễ dàng, đặc biệt là nguồn vốn mua cây giống và cả kỹ thuật chăm sóc.
Thật may khi giữa năm 2019 vừa qua, Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã tạo điều kiện cho 20 hộ gia đình chị em phụ nữ trên địa bàn xã xây dựng mô hình trồng sâm dây. Đến nay, vườn sâm dây của chị em đều phát triển tốt, ai cũng mừng bởi tương lai chắc chắn có một nguồn thu nhập đáng kể, ổn định nhờ mô hình này.
Cảm nhận được niềm vui cùng hi vọng của chị em, chị Phạm Thị Mây - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Glei hồ hởi cho biết: Để xây dựng được vườn sâm dây như thế này, bên cạnh sự cần mẫn, chăm chỉ của chị em hội viên, không thể không nhắc đến sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả giữa các đơn vị.
Theo Trung tá Đặng Nguyên Hương - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đăk Blô, thời gian qua, đơn vị đã phân công 18 đảng viên phụ trách 70 hộ gia đình ở xã Đăk Blô, bao gồm cả 20 hộ đang triển khai mô hình trồng sâm dây. Những đảng viên này hàng ngày đều bám sát địa bàn, hướng dẫn cho các hộ gia đình phát triển kinh tế và đặc biệt là chăm sóc vườn sâm dây đúng kỹ thuật.
Mô hình trồng sâm dây được triển khai, đã góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong đời sống thường nhật của các hội viên phụ nữ xã Đăk Blô. Điển hình như chị Y Ải (thôn Pênh Lang), hàng ngày, bên cạnh việc lên rẫy, chị còn cố gắng tìm hiểu thêm các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm dây thông qua sách vở và những kiến thức thực tiễn từ các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.
Khi được hỏi về chuyện trồng sâm dây, chị Y Ải tươi cười: Hiện tại mình chỉ trồng 1 sào sâm dây thôi, nhưng thời gian tới mình dự định sẽ mở rộng thêm diện tích. Bởi mình thấy cây sâm dây tuy trồng có vất vả, nhưng có giá trị kinh tế cao và đầu ra cũng ổn định.
Hiện tại, tuy chưa đến lúc thu hoạch, nhưng đã có một số thương lái đến hỏi mua và đặt trước. Chính vì vậy, mình cảm thấy rất vui và phấn khởi. Mình rất biết ơn Hội LHPN tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và Hội LHPN thành phố Hà Nội đã cho mình có cơ hội tiếp cận với mô hình trồng sâm dây này.
Quan sát từng luống sâm dây phát triển tươi tốt, chị Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội vui mừng: Trong chuyến công tác này, tôi và các chị em trong đoàn đều rất phấn khởi, bởi nguồn kinh phí của mình hỗ trợ bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực giúp chị em phụ nữ xã biên giới Đăk Blô. Tôi hi vọng mô hình trồng sâm dây này sẽ ngày càng được nhân rộng, góp phần giúp các hội viên phụ nữ xã Đăk Blô xây dựng đời sống ổn định và ngày càng phát triển.
Tất Thành
Đổi đời nhờ trồng thứ sâm trên rẫy, bán giá cao mà ít phải chăm Chị Y Hlạng, Người có uy tín của làng Pu Tá, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) là người tiên phong đưa cây sâm dây về trồng tại vườn nhà. Đồng thời, chị vận động người dân cùng tham gia trồng loài cây có giá trị kinh tế cao này. Nhờ đó đã giúp dân làng Pu Tá tăng...