Rủ nhau bỏ phố lên núi nuôi gà, trồng bưởi, xây nhà lầu, sắm ô tô
Đó là kết quả sau 20 năm bỏ phố lên núi đổ công, đổ sức vào kinh tế vườn đồi của vợ chồng anh Nguyễn Quang Huy và chị Khiếu Thị Mai, ở bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương (huyện Yên Thế, Bắc Giang).
Lập nghiệp chốn “rừng thiêng nước độc”
Dưới tán bưởi râm mát, đàn gà thả rông hơn 2000 con đua nhau chạy nhảy trông rất thích mắt.
Anh Nguyễn Quang Huy cho biết, gia đình anh vốn quê ở thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế), bản thân rất mê làm nông nghiệp mà chẳng có đất để “dụng võ”. Năm 1999, hai vợ chồng anh quyết định rời bỏ quê lên xã miền núi Đồng Vương để phát triển kinh tế.
Nhiều người bảo họ hâm vì chọn mua mảnh đất để lập nghiệp nằm tận vùng “rừng thiêng nước độc”, đồi núi hoang vu. Thế nhưng đến nay tất cả mọi người đều phải trầm trồ bởi nhờ cái sự “hâm” ấy mà vợ chồng anh Huy có thu nhập hơn nửa tỉ đồng mỗi năm.
Sau hai mười năm lập nghiệp, vợ chồng anh Nguyễn Quang Huy đã trở thành tỉ phú nơi vùng cao. Đây là căn nhà khang trang của họ, thành quả này đều từ cây bưởi Diễn và nuôi gà.
Anh Huy kể, hai vợ chồng vét sạch vốn liếng để mua 1,5ha đất đồi, đầu tư cải tạo thành vườn rồi trồng toàn bộ vài trăm gốc vải thiều xen với chuối. Tuy nhiên đến khi vải cho thu hoạch thì giá lại rất rẻ do loại cây này đang thoái trào, không cạnh tranh được vải ở huyện Lục Ngạn, Tân Yên…, nên hiệu quả kinh tế thấp.
Anh Nguyễn Quang Huy kiểm tra bưởi ra hoa.
Không nản chí, anh chịu khó tìm hiểu các mô hình kinh tế mới, phù hợp với vườn đất địa phương. Trong một dịp được người thân giới thiệu, cho đi tham quan một số vườn bưởi Diễn ở tỉnh bạn, anh Huy đặc biệt say mê mô hình này. Về nhà, anh bàn với vợ rồi mạnh dạn chặt bỏ toàn bộ vải thiều để chuyển sang trồng 100 cây bưởi Diễn.
Chịu khó nghiên cứu, học hỏi, sau gần ban năm, vườn bưởi sinh trưởng, phát triển tốt, lứa quả đầu tiên anh Huy thu về hơn 50 triệu đồng. Thành công bước đầu đã khích lệ anh tiếp tục mở rộng diện tích, đến nay vườn bưởi Diễn của gia đình đã lên đến trên 500 cây cho thu quả.
Nhờ hợp với thổ nhưỡng của địa phương và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên từ năm thứ 5 trở đi, bưởi ra quả nhiều, đều. Xung quanh vườn, anh Huy lắp đặt hệ thống tưới nước để chủ động điều tiết độ ẩm cho cây và tiết kiệm công lao động. Hằng ngày, anh theo dõi tình hình sinh trưởng của cây, bón phân theo chu kỳ; cắt tỉa cành thừa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả.
Video đang HOT
Từ tháng 10 đến tháng 12 (âm lịch) là thời điểm quả bưởi chín rộ. Anh Huy không phải đem ra phố bán như vải thiều trước đây mà thương lái đến tận vườn đặt mua. Bưởi Diễn là loại quả có thể bảo quản được lâu, thời gian thu hoạch dài ngày, quả càng héo càng ngọt đậm nên được nhiều người ưa chuộng.
“Bưởi Diễn thu quả vào cuối năm và dịp Tết nên nhu cầu của thị trường rất cao, mấy năm gần đây bưởi luôn được giá, bình quân từ 15-20 nghìn đồng/quả. Người mua tự hái, tự xếp, mình chỉ việc kiểm đếm quả và thu tiền, nhàn hơn rất nhiều so với trồng vải thiều”, anh Huy cho biết.
Xung quanh vườn, anh Huy lắp đặt hệ thống tưới nước để chủ động điều tiết độ ẩm cho cây và tiết kiệm công lao động.
Những năm 2014 – 2017, mỗi năm vườn bưởi nhà anh cho trên 3 vạn quả, thu nhập trên 500 triệu đồng. Năm 2018, dù mất mùa nhưng gia đình anh vẫn thu hoạch được trên 1 vạn quả. “Thời điểm này, vườn bười đang ra hoa, thời tiết ấm nên lượng hoa của mỗi cây rất nhiều, nếu thời tiết thuận lợi chắc chắn bưởi sẽ rất sai quả”, anh Huy chia sẻ.
Trên bưởi, dưới gà, xây nhà tiền tỉ
Bưởi trồng thẳng hàng, được cắt tỉa đều đẹp như dáng cây cảnh.
Vườn bưởi của anh Huy được trồng theo hàng thẳng tăm tắp, dù cây to nhưng anh vẫn đảm bảo tán có khoảng trống thoáng khí và cho ánh sáng chiếu đến. Thú vị nhất là việc anh rất tỉ mỉ cắt tỉa nên nhìn cây nào cây nấy đều, dáng đẹp như cây cảnh, trông rất thích mắt.
Bên cạnh trồng bưởi Diễn, gia đình anh Huy còn phát triển chăn nuôi gà đồi với số lượng từ 5.000 – 6.000/năm. Mỗi năm, riêng nuôi gà cũng cho gia đình anh thu nhập 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Lượng phân gà được anh tận dụng, đem ủ với chế phẩm sinh học tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho cây bưởi.
Chỉ sau 3 vụ bưởi được mùa, gà được giá, năm 2013, vợ chồng anh Huy đã xây được ngôi nhà hai tầng khang trang ngót một tỉ đồng. Chủ nhân còn rất giỏi trong việc bài trí với sân gạch, cây cảnh cùng nội thất tiện nghi, khiến nhà đẹp như một căn biệt thự, nổi bật giữa vườn cây ăn quả. Vợ chồng anh Huy có điều kiện lo con cái học tập đầy đủ; mua ô tô bán tải để phục vụ đi lại và chở hàng hóa.
Theo Danviet
Vừa thoát án phạt, Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang lại tiếp tục "hành" dân
Mỏ than Bố Hạ của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang hoạt động trở lại cũng là lúc hàng nghìn hộ dân các xã Đồng Hưu, Hương Vỹ, thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế tiếp tục sống trong màu đen kịt của than rơi ra từ xe chở than thuộc doanh nghiệp này.
Sau một thời gian bị UBND tỉnh Bắc Giang đình chỉ hoạt động khai thác tại mỏ than Bố Hạ do đổ chất thải trái phép, Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang đã được hoạt động trở lại. Kể từ đây, hàng nghìn hộ dân ven tỉnh lộ 242 thuộc các xã Đồng Hưu, Hương Vỹ và thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế rơi vào cảnh sống chung với ô nhiễm.
Cả tuyến đường là một mầu đen sì do hoạt động vận chuyển than của công ty CP Khoáng sản Bắc Giang gây ra
Đáng sợ nhất là vào những ngày mưa, nước trộn với bụi than thành thứ bùn sệt đen kịt khiến việc đi lại vô cùng khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Có mặt tại tuyến đường 242, anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Hương Vỹ bức xúc cho biết: "Tôi thường đi xuyên qua lại trục đường này để đưa đón con đi học. Ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì mặt đường đen sì mầu than. Tôi phải đi ra giữa đường vì hai bên là bùn đặc sệt, xe máy đi lại rất khó khăn. Biết là nguy hiểm cho tính mạng nhưng vẫn phải chấp nhận."
Xe trọng tải lớn chạy cuốn theo bụi, bẩn cả một đoạn đường
Anh Tân - nhà ngay mặt đường 242 cũng bức xúc khi mà ngày ngày từng đoàn ô tô trọng tải lớn chở than qua lại nhưng không be bịt cẩn thận, thường xuyên để rơi vãi. Chưa kể tới nhiều tài xế chạy tốc độ cao, làm bùn đất bắn tung tóe sang hai bên đường, nhà dân hứng chịu cả.
Không chỉ khốn khổ vì ô nhiễm, người dân nơi đây còn quan ngại tình trạng này kéo dài dễ gây tai nạn giao thông, đe dọa tính mạng con em của họ.
Cháu Quang Chương - (học sinh THCS trên địa bàn) lo lắng: "Mỗi ngày qua đoạn đường bằng xe đạp cháu rất sợ, vừa đi vừa ngó xem có ô tô không vì cháu phải đi ra giữa đường. Đi sát mép đường thì bùn, đất dính vào bánh xe khó đi lắm.
Người dân vô cùng khiếp sợ khi phải đi lại trên tuyến đường này
Những bức xúc, lo lắng khi đi trên tuyến đường này của người dân và các cháu học sinh cũng là bức xúc chung của hàng nghìn hộ dân nơi đây.
Theo quan sát của PV, sở dĩ tuyến đường này bụi, bẩn như vậy do những đoàn xe ô tô vào trong mỏ lấy than. Sau khi quay ra thì bánh xe dính bùn, đất rơi ra, bên cạnh đó là tình trạng rơi vãi than dọc đường cũng khiến cho tuyến đường này bẩn càng thêm bẩn.
Mỗi khi trời mưa, mặt đường được bao phủ bởi lớp bùn đen sì
Để hạn chế bùn, đất bắn vào nhà, người dân hai bên đường đã phải dùng "hạ sách" là mang đá, chướng ngại vật ra chắn trước cửa nhà để ô tô đi chậm lại. Tuy nhiên, việc làm này vô cùng nguy hiểm cho người tham gia giao thông vào buổi tối.
Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp này, trước đó Tuổi trẻ và Pháp luật đã phản ánh về việc Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang trong quá trình khai thác than lộ thiên tại mỏ than Bố Hạ, huyện Yên Thế đã đổ thải trái phép gây thiệt hại cho người dân.
Người dân phải lấy đá để ra mép đường để ô tô đi chậm lại
Bên cạnh đó, công ty này còn không nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khoáng sản. Xe tải chở than của doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường, khiến đường xá xuống cấp nghiêm trọng... làm người dân vô cùng bức xúc.
Ngay sau đó, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã thành lập đoàn kiểm tra và chỉ ra hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang. Tuy nhiên, không hiểu sao mà doanh nghiệp này chỉ bị... nhắc nhở.
Nguyên nhân khiến môi trường ô nhiễm, bụi bẩn bắt nguồn từ hoạt động khai thác và vận chuyển than của công ty CP Khoáng sản Bắc Giang
Trao đổi với PV về việc này, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) sau khi nghiên cứu hồ sơ đã đặt ra nghi vấn: Vì sao Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhiều năm nhưng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lại xử lý đầy "ưu ái" như vậy? Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang có đang buông lỏng quản lý, để cho doanh nghiệp mặc sức cày nát tỉnh lộ?
Câu hỏi đặt ra là chuỗi ngày sống chung với ô nhiễm của người dân nơi đây bao giờ kết thúc? Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý như thế nào?
Được biết, trước đó tại mỏ Barit Lang Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên cũng thuộc sự quản lý của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang: Công ty TNHH Khoáng sản Linh Trung (đơn vị được Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang thuê thực hiện san gạt, vận chuyển đất dư thừa) đã thi công vượt ra ngoài ranh giới khu vực cho phép với diện tích 1.020m2, độ sâu bình quân 3,5m. Ngoài ra, đơn vị còn vận chuyển đất đi san lấp không đúng địa điểm cho phép.
(Còn nữa)
Theo TTTĐ
Vườn bưởi chi chít trái chín vàng ruộm ở vùng đất Yên Châu Chỉ trồng có 50 cây bưởi Diễn trên diện tích 400 m2 nhưng ông Đào Văn Hân, bản Chiềng Thi (xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) ung dung "bỏ túi" 50 triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Đến thăm mô hình trồng bưởi Diễn của ông Đào Văn Hân ở bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, mọi người ai cũng...