Rủ nhau bán thận… để thoát nghèo?
Trong thời gian gần đây có hàng chục người dân ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vì hoàn cảnh khó khăn, âm thầm đi bán thận để lấy tiền, nhưng lại giả vờ làm đơn trình bày chính quyền địa phương là “hiến” thận cho người thân.
Vết mổ của một nông dân sau khi đã bán thận với giá hơn 100 triệu đồng (ảnh Phạm Tâm)
Đã 2 tháng nay người nhà Anh Lê văn Giòn, ngụ ở ấp 6, xã Thạnh Phú không liên lạc được với anh dù đã cố gắng bằng mọi phương tiện. Người nhà của anh Giòn tâm sự: “Nó đã có vợ, con. Con lớn năm nay 17 tuổi, nhưng nó thôi vợ 8 năm rồi. Mấy năm nay nó cũng đi làm tới lui, tết có về, cũng có liên lạc với gia đình, nhưng từ ra tết tới nay thì bặt vô âm tín”.
Cũng theo lời người nhà, chuyện anh Giòn làm làm đơn hiến thận gửi lên chính quyền địa phương, gia đình không biết gì, chỉ biết mồng 4 tết Anh Giòn được anh Tẹt (anh Tẹt là em rể của anh Giòn) chở đón xe đi đâu đó. Đến nay gia đình không liên lạc được với anh Giòn, và cũng không thấy anh Giòn liên lạc về nhà mà chỉ nghe anh Tẹt nói lại là anh Giòn lên Sài Gòn rồi đi Hà Nội và gặp người thân cũ để đi làm ăn.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Bí thư Chi bộ ấp 6 cho biết: “Anh Lê Văn Giòn có làm đơn trình lên địa phương với nội dung là đi ra Bắc hiến thận cho người nhà, nhưng không được địa phương xác nhận, sau đó chúng tôi đã làm trình bày vụ việc gửi lên cấp trên báo cáo tình hình vụ việc”.
Video đang HOT
Anh Hồ Văn Tranh cũng ở ấp 6, xã Thạnh Phú là một trong những trường hợp đã bán thận cho biết: “Sau một thời gian đi làm ở TPHCM tôi quen biết với anh Nguyễn Quốc Lợi (37 tuổi) ở quận Nhà bè, TP HCM. Anh Lợi bị hư 2 quả thận. Thấy người ta cần thận, còn tôi để giải quyết nợ nần trước mắt nên quyết định “hiến” thận cho anh Nguyễn Quốc Lợi.
Anh Hồ Văn Tranh, một trong những trường hợp “hiến thận” tiếp xúc với PV chiều 4/4 (ảnh Phạm Tâm)
Anh Hồ Văn Tranh cho biết thêm: “Sau khi có quyết định “hiến” thận thì tự một mình âm thầm lên TP HCM, trong thời gian 3 tháng chờ bác sĩ thử máu, khám, xét nghiệm… toàn bộ chi phí nhà trọ, ăn uống đều có người ta lo hết. Họ cũng bảo sau khi “hiến” một quả thận xong, tôi sẽ nhận được số tiền 120 triệu đồng”
Tháng 1/2014 anh Tranh được đưa vào bệnh viện để mổ. Thời gian mổ và sau mổ anh ở lại bệnh viện một tuần, thời gian đó có người chăm sóc, nhưng anh không biết người đó là ai. “Lúc mới mổ xong, đang nằm ở phòng hồi sức thì có người lạ đến thăm tôi, họ giục tôi về quê vận động thêm người đi hiến thận”- Anh Tranh nói.
“Trước khi mổ họ còn động viên tôi là cứ yên tâm mổ đi, sau khi về họ sẽ tác động đến địa phương cấp cho tôi cái bảo hiểm… Bây giờ tôi chỉ làm được mấy việc nhẹ nhàng, đi đứng cũng chậm hẳn so với ngày trước”- Anh Tranh tâm sự.
Tiếp xúc với PV, chị Nguyễn Thị Kim Duyên, hàng xóm của anh Tranh cho biết: Trước khi anh Tranh đi bán thận thì anh Bình (là em rể của anh Tranh) củng đã bán thận vào khoảng đầu tháng 9, anh Bình không phải dân địa phương ở đây, lâu lâu mới thấy ghé nhà anh Tranh. Còn anh Tranh là người An Giang mới nhập hộ khẩu về đây mấy năm nay. Hai vợ chồng anh Tranh chủ yếu làm mướn, xịt thuốc… Cũng theo lời chị Duyên từ ngày anh Tranh mổ thận về thì ít thấy anh ở nhà, mà thường xuyên đi TPHCM.
Tương tự, anh Tranh là trường hợp anh Danh Lang, do không có đất canh tác, không có việc làm nhưng nhà có tới 5 miệng ăn, nợ nần chồng chất, nên cách đây hơn 2 năm, anh Danh Lang cũng ở xã Thạnh Phú, đã bán đi một quả thận với giá 100 triệu đồng, hy vọng sẽ thoát nghèo, nhưng sau khi bán thận sức khỏe anh giảm sút, tiền hết, còn cái nghèo thì vẫn đeo bám.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa – Bí thư Chi bộ ấp 6 cho biết thêm: Trên địa bàn Ấp 6 đã có 3 trường hợp, 2 trường hợp đã bán và 1 trường hợp đã đi Hà Nội 2 tháng rồi. Trước tết Giáp ngọ 2014 có người làm đơn trình lên địa phương với nội dung là hiến thận cho người nhà, nhưng chúng tôi biết, họ không hiến mà là đi bán thận. Nguy hiểm hơn là những người đi bán thận bị tác động từ “cò” đã lỡ bán rồi không báo cáo với chính quyền địa phương mà còn lôi kéo thêm người khác”- Ông Hòa nói.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thực tế không chỉ 3 trường hợp mà ở ấp này đã có hàng chục người lén lút đi bán thận (mỗi quả 100 đến 150 triệu đồng) mà chính quyền địa phương chưa kiểm soát được. Cụ thể gia đình ông Lê Văn Thành cũng ở xã Thạnh Phú, có 2 con trai đều đã bán thận nhưng gia đình và chính quyền địa phương không biết mà đến khi những người đi bán thận chung về kể thì gia đình mới giật mình. Vấn đề đặt ra là ai đứng đằng sau các vụ mua bán thận này?
Trao đổi với báo chí, ông Võ Hải Triều – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, cho biết: “Những người bán thận là những người nghèo, thiếu kiến thức về pháp luật. Mặt khác, những người bán thận thường là những người sống tạm trú không có đất. Chính vì nhà của họ là nhà tạm nên các hội, đoàn thể không thể đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn để làm ăn được. Tình trạng này chúng tôi phát hiện cách đây vài tháng và đã có báo cáo với cấp trên để có hướng xử lý”.
Phạm Tâm – Viết Bắc
Theo Dantri
Đề nghị kỷ luật cán bộ đưa nước mặn vào ruộng dân
Là Ủy viên thường trực UB MTTQVN huyện Thới Bình (Cà Mau), ông Đặng Hoàng Nam đã ngang nhiên làm trái với chủ trương của huyện, đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm, gây ảnh hưởng uy tín của đơn vị và địa phương.
Chiều ngày 20/3, ông Lê Thanh Bằng- Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy huyện Thới Bình- cho biết, Chi bộ Ủy ban MTTQVN huyện này vừa có cuộc họp đột xuất để xử lý vụ ông Đặng Hoàng Nam (UVTT UB MTTQ huyện) đã tự ý đưa nước mặn vào vùng sản xuất lúa khép kín để nuôi tôm. Việc làm của ông Nam đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nông nghiệp của hàng chục hộ dân lân cận. Tại cuộc họp, tập thể chi bộ đã đề nghị kỷ luật khiển trách về mặt Đảng đối với ông Nam.
Liên quan đến vụ việc này, báo Dân trí đã có nhiều tin, bài phản ánh. Trong đó có nêu, gần 6 năm qua, hàng chục hộ dân ở ấp 5, xã Tân Lộc Bắc và một số hộ dân ở huyện Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu, có đất cạnh đất của ông Nam) đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu đến ngành chức năng từ huyện đến tỉnh mong được xử lý. Tuy nhiên, ngần ấy năm người dân chỉ nhận được những lời hứa suông của lãnh đạo địa phương. Cụ thể là vào năm 2012, ông Huỳnh Quốc Hoàng- Chủ tịch UBND huyện Thới Bình, đã hứa với người dân: "Trong vòng 7 ngày, nếu ông Nam không khắc phục hậu quả, UBND huyện sẽ lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền...". Song, vụ việc đã kéo dài đến ngày nay.
Quá bức xúc, từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 3/2014 (tức chưa đầy 2 tháng) người dân đã 2 lần kéo đến trụ sở UBND và Huyện ủy huyện Thới Bình yêu cầu xử lý dứt điểm vụ việc trong năm 2014.
Tuấn Thanh
Theo Dantri
Vụ cán bộ huyện nuôi tôm trái phép: Dân lại "đội đơn" đi kiện Liên quan đến vụ cán bộ UB MTTQ huyện Thới Bình (Cà Mau) đưa nước mặn vào đất trồng lúa khép kín để nuôi tôm trái phép, làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, ngày 18/3, hàng chục người dân lại tiếp tục kéo đến huyện khiếu kiện. Được biết, lý do mà người dân tiếp tục kéo đi khiếu kiện...