Rớt nước mắt với cô bé mồ côi sống cực nhọc bên bìa rừng
Mái tóc rối hoe vàng, móng tay cáu bẩn, đứng khép nép bên cây cột nhà sàn là hình ảnh đầu tiên về cô bé mồ côi nghèo khó Bùi Thị Khánh hiện đang học lớp 3A, Trường Tiểu học Thiết Ống 1 – huyện vùng cao Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Hai bà cháu cô bé Khánh.
Khánh lớn lên trong một hoàn cảnh đặc biệt, sinh ra em được vài tháng, mẹ bỏ đi biệt xứ, đêm đêm đứa trẻ còn đỏ hỏn thiếu hơi ấm, thiếu sữa mẹ khóc đến tím tái người khiến ai trong bản cũng chạnh lòng thương cảm. Số phận vẫn chưa buông tha khi em mới hơn một năm bố lại mất vì bệnh tật. 14 tháng tuổi, đứa bé vô tội mới tập nói ê a những chữ đầu tiên này đã mất đi một gia đình.
Hiện tại, em ở cùng bà nội là Bùi Thị Ơn (74 tuổi) ở bản Nán – xã Thiết Ống. Bà già yếu không thể đưa cháu đi học được nên từ lúc còn học mẫu giáo cho đến bây giờ, Khánh đã phải tự đi bộ đến trường.
Ngày mới của đứa trẻ mồ côi này bắt đầu từ lúc 5h sáng, không một hạt cơm bỏ bụng, cô bé đi bộ 6km đến trường. Bản Nán nằm trũng sâu giữa các quả đồi nên con đường đến trường của em vất vả thêm bội phần khi phải vượt qua 2km đường dốc đứng lởm chởm toàn đất đá. Đứng từ đỉnh dốc có thể nhìn thấy cả dòng sông Mã mùa mưa nước đỏ ngầu ráo xiết chảy, có đoạn một bên là núi sạt lở bên kia là vực sâu.
Những buổi sáng sớm sương mù lạnh lẽo, trong đôi dép tổ ong mòn vẹt, bước chân nhỏ của Khánh như người chập chững tập đi vì đường trơn như bôi mỡ. Chỉ lơ đễnh một chút thôi là em sẽ trượt xuống vực sâu hun hút.
Dù cẩn thận bao nhiêu đi chăng nữa thì với sức vóc của một cô bé cao chưa tới 4 bậc thang nhà sàn này vẫn không ít lần phải ngã gục, chuyện quay về nhà thay quần áo rồi tiếp tục đến trường với Khánh không còn xa lạ nữa. Thế nhưng suốt những năm học qua, trừ ngày mưa to gió lớn còn lại em luôn chăm chỉ đến trường không thiếu một buổi. Những ngày hè nóng nực, những ngày mưa dầm dề em về đến nhà lúc 12h30. Ăn vội bát cơm trắng không kịp ngủ trưa, lại theo bà lên rừng chặt củi hoặc chăn dê cho bác.
Quay mặt đi chỗ khác, bà Ơn nâng vạt áo lao động cũ rách lau giọt nước mắt nghèo khó kể lại câu chuyện xảy ra trước ngày khai giảng năm học trước: “Để có tiền mua bút cho con bé, tôi đã cùng với nó lên rừng chặt một cây luồng. Sức yếu tôi không thể vác qua con dốc của bản đi bán cho cháu được. Khánh dù mới học lớp hai đã phải tự mình vác cây cọc luồng dài 2,5m, gấp đôi chiều cao cơ thể từ nhà ra đường quốc lộ bán với giá 2.500 đồng, số tiền vừa vặn để mua một cây bút bi”. Suốt hai năm trời đi học cặp không có, Khánh bỏ sách vở vào trong một cái túi nylon nhàu nhĩ…
Video đang HOT
Một người phụ nữ ngay gần nhà Khánh kể thêm: “Bà cái Khánh già lắm rồi, không kiếm được tiền nuôi cháu. Mỗi tuần con bé thường phải vác 2-3 cái cọc luồng xuống bán, tuần nào vác được 5 cây cọc luồng giá 17.500 đồng đủ tiền cho nó ăn cả tuần đấy”.
Trong khi bạn bè cùng lớp đi học mang cơm vào cặp lồng thì Khánh bỏ một nắm cơm chỉ bằng quả trứng vịt vào một cái túi nilon, lẫn vào túi nylon sách vở. Cô Lê Thị Vân – chủ nhiệm Khánh lớp 1, 2 cho biết: “Những ngày đầu, thấy trong đáy túi em đựng cơm có màu vàng vàng, nghĩ đó là muối vừng. Lúc lại gần cô mới biết, đó là do chiếc túi quá bẩn, những vết đất còn đọng dưới đáy túi lâu ngày ngả thành màu vàng”.
Hiếm khi Khánh được một bữa cơm no, ngoài nắm cơm nhỏ bằng nắm tay em ra thì thỉnh thoảng em mới có một tí thức ăn là quả trứng hoặc con cá khô. Thấy vậy, cô Vân đã chủ động đi xin các bạn có nhiều thức ăn san sẻ cho Khánh một ít. Ngay cả quần áo cũng thế, rất hiếm khi em được biết đến mùi thơm tho của bộ quần áo mới, mà chủ yếu mặc lại quần áo cũ các bạn cùng lớp cho.
Mỗi lần thấy các bạn có bố mẹ, ông bà đưa đón, Khánh cũng ao ước mình có một gia đình đầy đủ, khi vấp ngã có bố đỡ dậy, mái tóc xác xơ có mẹ âu yếm chải chuốt cho. Đêm đêm, đứa trẻ mồ côi vẫn mơ một ngày được đứng trên bục giảng làm cô giáo. Nhưng ước mơ của em có thể sẽ là dang dở khi trên lưng em không chỉ là cặp sách.
Liệu rằng, bà nội già cả của em còn có thể lên rừng được mấy năm nữa để chặt cọc luồng cho cháu. Và em sẽ còn phải vác trên đôi vai thơ gầy bao nhiêu cọc luồng nữa mới đủ tiền mua một cây bút, một chiếc cặp mới, thì ai dám nói đến ước mơ xa vời kia…
Theo Mai Phương
Học trò 10 tuổi cõng em vượt núi tới lớp
Để vượt qua chặng đường 2 km tới trường, anh em Sơn phải đi bộ mất cả tiếng đồng hồ, có những lúc phải đi chân đất để khỏi trơn ngã.
Điểm trường Thành Công là khu lẻ xa nhất, sâu nhất của trường Tiểu học Lũng Cao 2, thuộc xã Lũng Cao (Bá Thước, Thanh Hóa). Nhà Vi Văn Sơn (10 tuổi) ở ngay đầu con dốc cao, khó đi của bản Thành Công. Cậu em Vi Văn Xứng bị liệt chân từ nhỏ, hàng ngày đến trường trên lưng của anh. Cõng em trai 7 tuổi, bàn chân Sơn bám chặt xuống mặt đường đất đỏ và đá lổn nhổn. Đến đoạn đường trơn, cậu phải bỏ dép, đi đất để khỏi trượt ngã. Đi được một quãng, Sơn vừa xốc cho em ngồi gọn trên lưng, vừa kéo quần để khỏi tuột.
Bóng trường thấp thoáng phía xa, Sơn mím chặt môi rồi bước nhanh hơn. Qua khỏi cánh đồng với con đường bùn đất lầy lội là tới điểm trường Thành Công. Gần cổng trường có những vũng nước nhỏ, em dừng lại rồi vội nhúng bàn chân, rửa bớt bùn đất, xỏ dép rồi mới vào lớp. Nghe tiếng trống, Sơn nhanh chân đưa em vào phòng học lớp Một rồi ù chạy về lớp Năm trước khi thầy giáo bước vào.
Hàng ngày Sơn đi bộ 2 km bùn lầy đưa em tới trường. Ảnh: Hoàng Phương.
Bố mẹ lên nương cả ngày, việc học của hai anh em do Sơn đảm nhận. Buổi sáng, cả hai ăn vội bát cơm nguội rồi sửa soạn tới trường. Năm học mới bắt đầu được ít ngày, cậu học trò có thêm nhiệm vụ đưa đón em đi học. "Xứng nhẹ cân nên em cõng không mệt lắm. Thế này đã nhằm nhò gì so với mỗi lần đi rừng kiếm củi", Sơn gãi đầu cười.
Trong lớp, Sơn học khá, luôn giành danh hiệu học sinh tiên tiến. Môn học tốt nhất của em là Toán. Sơn bảo, học lớp Năm rồi nhưng em chưa có ước mơ gì to lớn, chỉ mong trước mắt được đi học rồi mới tính sau.
Cậu học sinh nổi tiếng láu cá, hay đầu têu những trò nghịch ngợm trong lớp nhưng lại rất thương em trai. Ra chơi, Sơn thường chạy xuống lớp Một thăm em, rồi cùng các bạn cõng Xứng ra ngoài chơi. Hôm nào anh không xuống, Xứng được bạn học bế ra gần cửa lớp, ngồi nhìn các anh chị chơi đánh đáo, đánh cù, nhảy dây. Xứng có khuôn mặt thông minh, đôi chân buông thõng lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Em được thầy giáo chủ nhiệm Hà Quản đánh giá tiếp thu bài khá nhanh.
"Việc Xứng cố gắng đến lớp đã là một nỗ lực rất lớn rồi. Nếu duy trì đến lớp đều đặn, không nghỉ học thì em có thể theo học lâu hơn nữa", thầy Quản cho hay. Thầy có ý định đến tận nhà kèm thêm để các em không bỏ trường lớp. Bố mẹ không biết chữ nên buổi tối, Sơn thường kèm Xứng học bài tập viết và đếm số tự nhiên.
Bố bị tâm thần, mẹ bận công việc, hai chị em Vân tự bảo ban nhau học hành. Ảnh: Hoàng Phương.
Cùng lớp với Sơn có em Lê Thị Vân (14 tuổi) cũng hàng ngày cõng em tới lớp. Vân người xóm Ho, ở tận trong núi sâu thuộc bản Thành Công. Hàng ngày, Vân cõng theo em gái Lê Thị Nhiệt 6 tuổi bước chân ra khỏi nhà lúc 5h30. Quãng đường 4 km phải băng qua 3 con suối nhỏ cùng nhiều đoạn dốc khúc khuỷu. Hai chị em đi bộ khoảng 1 tiếng rưỡi thì đến. Nhiều lúc mỏi lưng, gặp đoạn bằng phẳng, Vân lại cho Nhiệt xuống đi bộ một đoạn.
Vân cho hay, trong xóm Ho có nhiều bạn học cùng trường. Sáng sớm, bạn í ới gọi, rồi chờ hai chị em ở con dốc đầu xóm cùng đi học. Suốt chặng đường, các em ríu rít nói chuyện nên không thấy mệt, quãng đường đi học dường như ngắn lại rất nhiều.
Dù hai chị em cầm ô che nhưng sương núi dày đặc vẫn thấm ướt vai cô chị, ướt tóc cô em. Những ngày mưa bất chợt, hai chị em bẻ tạm cành cọ che cho đỡ ướt cặp sách. Ấy vậy mà đến được trường thì quần áo vẫn ướt. "Lúc đó, hai chị em lại cùng nhau hát bài Đi học, có đoạn cọ xòe ô che nắng ấy ạ", Vân cười hồn hậu.
Các em nhỏ rất chịu khó học hành nên được thầy cô quý mến. Ảnh:Hoàng Phương.
Bố bị bệnh tâm thần, mẹ quanh quẩn với rẫy và nương nên hai chị em tự bảo ban nhau học. Bản Ho không có điện, hai chị em tranh thủ học ban ngày. Buổi tối thắp đèn dầu đọc lại bài một lúc rồi đi ngủ sớm, dành sức ngày mai đến trường. Vân và Nhiệt thường mang theo một vắt cơm nhỏ ăn cho đỡ đói để có sức về nhà.
Cô học trò 14 tuổi cao tồng ngồng, còn rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Gặng hỏi mãi, Vân mới chịu trả lời: "Em Nhiệt còn bé, lại không biết gì, đường đi học xa nên em phải cõng". Cô bé Nhiệt có đôi mắt to tròn, cả buổi chỉ bẽn lẽn cười, nép sau vai chị mà không nói câu nào.
Cùng học lớp Một với Xứng và Nhiệt còn có em Vi Văn Hảo (7 tuổi), cũng bị liệt chân từ nhỏ. Hàng ngày, bố mẹ phải cõng em đến trường, hoặc nhờ bạn bè dìu đi. Hảo học trước quên sau nhưng rất ham đến lớp.
Thầy Ngân Văn Thoa, điểm trưởng khu Thành Công cho biết, hai học trò Vi Văn Sơn và Lê Thị Vân là những học sinh khá nhất khu lẻ này. Từ lớp Hai đến nay, 2 em luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. "Việc học ở đây còn quá vất vả, học sinh tiên tiến đã là một sự phấn đấu rất lớn của các em rồi", thầy Thoa trăn trở.
Cả điểm lẻ Thành Công có 54 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5, chủ yếu là dân tộc Mường. Thầy dạy chữ cho trò, trò lại dạy tiếng Mường cho thầy để thầy cô có thể nói chuyện được với người dân. Nhiều thầy cô cắm bản tâm sự: "Học sinh nơi đây có những trường hợp nghỉ học chỉ vì cái đói, cái nghèo bắt phải lên nương, lên rẫy, chứ thực lòng các em rất ham học".
Hoàng Phương
Theo VNE
Mở rộng một số tuyến đường trọng điểm UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu mở rộng đường quốc lộ 70 (đoạn Hà Đông - Văn Điển) theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao, báo cáo thành phố trong tháng 10. UBND TP cũng chỉ đạo các sở ngành đẩy nhanh tiến độ mở rộng tuyến đường Lê Trọng Tấn, quận Thanh...