Rớt đại học: Ừ buồn đấy, nhưng chẳng có gì ghê gớm cả!
Mới bước qua ngưỡng cửa của sự trưởng thành đã gặp ngay cú ngã đầu đời, bạn lựa chọn cho mình cách đứng lên hay chỉ mãi ngồi đó và dằn vặt bản thân?
1.
Đừng bao giờ từ bỏ
Hồi lên 7, một hôm, mẹ tôi chưa đi làm về, chiếc bụng của tôi réo inh ỏi vì đói. Nhìn quanh nhà, tôi thấy một gói mì và nảy ra ý định nấu mì như cách mà mẹ làm.Tôi đặt nồi lên bếp từ trước, đổ đầy nước vào rồi nhấn công tắc. Sau 5 phút không thấy nước sôi nhưng tôi vẫn để đó thêm 5 phút nữa. Lần này, tôi mới để ý, tôi chỉ mới bật công tắc những chưa chọn chế độ để bếp khởi động. Thế là tôi hiểu ra và bắt đầu biết làm thế nào để bật bếp. Sau khi nước sôi, tôi cho mì vào và chạy đi làm bài.
Một lúc sau, không thấy có động tĩnh, tôi chạy ra xem thì thấy nước đã tràn ra lênh láng kệ bếp, tôi hốt hoảng chạy lại kéo phích cắm và lấy cây lau nhà. Tôi thầm nghĩ: “Xem ra, nấu ăn không đơn giản như vây!”
Vì nước đã tràn ra một phần nên lúc này tôi phải đổ thêm nước cùng gói gia vị vào. Rút kinh nghiệm, tôi học được cách phải đứng bên cạnh và chờ đợi đến khi mì chín. Được ít phút, tôi ngửi được mùi thơm tỏa ra từ nồi mì. Những tưởng mọi thứ đang suôn sẻ, tôi lại gặp thêm một khó khăn khác. Tôi lựa một chiếc bát nhỏ để dọn mì nhưng không để ý tới việc nó quá nhỏ so với lượng mì trong nồi. Đổ ra bát đến nổi đầy ắp nước khiến tôi không thể nào di chuyển được cái bát.
Tôi đã tự nghĩ sẽ bỏ cuộc vì kiếm miếng ăn thôi sao mà khó khăn quá, nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi tìm cách để trèo lên bếp và thưởng thức tô mì đầu tiên do chính tay mình nấu. Tôi tự ngẫm rằng mình cũng khéo léo vì đã làm ra tô mì khá ngon. Sau khi bố mẹ về nhà, tôi đã kể điều này cho họ nghe, không những không trách mắng và còn khen tôi vì tôi đã tự học cách nấu mì dù có vất vả đôi chút.
Đó là chông gai mà một đứa trẻ 7 tuổi đã trải qua và ở độ tuổi đó, có lẽ chỉ những điều nhỏ nhặt như thế cũng đủ to lớn. Khi nhớ lại, tôi thầm mừng vì mình đã từng là một đứa trẻ không buông bỏ lúc gặp thử thách, không từ chối khó khăn khi bị đưa vào thế bí. Tôi đã học cách chấp nhận những gì mà cuộc sống đã trao cho mình như thế, kể cả thất bại để tôi lớn lên từng ngày.
2.
Đừng bao giờ chủ quan
Khi học lớp 5, điểm Tiếng Anh của tôi tương đối tốt, tôi còn là đại diện tiêu biểu cho môn Tiếng Anh của lớp. Tôi nhớ trong một lần thi thi giữa kỳ, tôi đứng nhất lớp và cảm thấy hơi tự hào. Niềm kiêu hãnh bao lấy tôi khiến tôi dù làm thế nào cũng không thể dứt bỏ được. Hơn nữa, trên bục giảng được cô giáo khen ngợi, nghe xong tôi mừng đến phát điên.
Điều này khiến tôi càng ngày càng tự phụ về bản thân, tôi có vẻ “ra oai” và này nọ với các bạn vì học giỏi. Chẳng mấy chốc, bài kiểm tra Tiếng Anh tiếp theo đến, những người khác thì hồi hộp chuẩn bị ôn tập trước khi kiểm tra, nhưng tôi thậm chí còn không xem qua cuốn sách, vì nghĩ rằng bài kiểm tra này chắc chắn sẽ khả quan như lần trước. Tôi làm bài trong sự tự tin đầy mình và luôn nghĩ mình nắm chắc kết quả cao.
Ảnh minh họa
Trong những ngày tiếp theo, tôi luôn cảm thấy rằng các bạn cùng lớp đang nói về tôi sau lưng nhưng tôi không quan tâm. Chuông vào lớp vang lên, thầy giáo Tiếng Anh bước vào lớp, trên tay cầm bảng điểm. Tự dưng tôi thấy nặng nề và thầm nghĩ nếu không thi đậu thì bị các bạn trong lớp chê cười, trong lòng có một cảm giác khó chịu không tả nổi, quả nhiên tôi chỉ đạt 77 điểm trong kỳ thi.
Lúc đó, tôi như rơi từ vách núi xuống, tôi chỉ biết trốn vào một góc và khóc. Tôi trở về nhà và ở trong phòng của mình và suy nghĩ về những gì đã trải qua. Hóa ra lần trước tôi đã bị mất điểm vì sự kiêu ngạo quá mức. lần đó tôi đã biết thất bại là như thế nào. Tôi biết lòng kiêu hãnh, chí tự đắc sẽ khiến người ta tụt lại phía sau.
3.
Thất bại là mẹ thành công
Hôm đó, tôi tràn đầy kỳ vọng và quyết tâm phải đạt từ 98 điểm trở lên trong bài kiểm tra, nhưng hóa những gì tôi nghĩ lại không thành hiện thực, tôi chỉ đạt 87 điểm. Lúc ấy, tôi như một trái bóng bị ném ra khỏi cửa sổ với đầy đủ sự thất vọng và nước mắt. Sau khi tan học, tôi mang tâm trạng nặng trĩu về đến nhà, đôi chân như gánh lấy hai cục tạ mà trở nên mỏi nhừ, tôi đưa bài kiểm tra cho mẹ xem, mẹ chẳng giận giữ nhưng nghiêm giọng: “Thất bại là mẹ của thành công, đừng bỏ cuộc!”
Trở lại phòng ngủ, tôi leo lên bệ cửa sổ với tâm trạng phức tạp và nhìn ra ngoài: Những bông hoa vừa chớm nở đã héo trước khi rộ, những chiếc lá tưởng chừng tươi xanh kia đã bắt đầu vàng và rụng xuống, những điều này đâu phải là do bản thân của nó gây ra. Quay sang mình tôi tự nhủ: Tất cả những gì đã xảy đến không hoàn toàn phải do mình.
Ảnh minh họa
Với sự động viên của mẹ, một tia hy vọng đã bùng lên trong lòng tôi, vì vậy tôi tràn đầy năng lượng để làm bài tập cho ngày hôm sau. Chẳng mấy chốc, kỳ thi lại đến, tôi bước vào phòng với tư thế sẵn sàng, ngẩng cao đầu và nghĩ thầm: Lần này nhất định mình sẽ đạt kết quả tốt! Hôm sau có kết quả, đạt điểm 99 trong kỳ thi, tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng và háo hức về nhà cho mẹ xem thành quả.
Khi đó, bầu trời trong xanh đến lạ thường, ánh nắng rực rỡ tràn ngập khắp mặt đất, những bông hoa như ngọn lửa đang nở rộ, và những chiếc lá bừng lên những tia sáng mới, trông thật đáng yêu. Tôi hiểu sâu sắc những gì mẹ tôi nói ngày hôm đó. Thất bại sẽ trở thành động lực và đẩy bạn đến với thành công, vì vậy tôi nghĩ thất bại cũng là điều đẹp đẽ.
4.
Rớt đại học, ừ buồn đấy, nhưng chẳng có gì ghê gớm, thành công sẽ đến với ai biết đứng lên từ thất bại
Hôm nay, hàng loạt trường đại học trên cả nước đã công bố điểm trúng tuyển sau gần 2 tháng kỳ thi lịch sử được diễn ra. Trước đó, ai nấy cũng đều rạng rỡ và đầy niềm hy vọng cho một cái kết đẹp như mơ để thực sự khép lại 12 năm học trọn vẹn bằng tin vui đỗ đại học. Ấy thế mà năm nào cũng thế, có người vui thì cũng có kẻ buồn. Những cô cậu vừa bước vào tuổi trưởng thành chưa kịp nếm trỉa những vị ngọt của tuổi 18 thì ngay lập tức bị tạt một gáo nước lạnh vì điểm thi không đủ để theo học ngôi trước mơ ước.
Nhưng các bạn ơi, sau kỳ thi này, còn rất nhiều điều đang đợi chúng ta phía trước. Có thể kết quả của kỳ thi làm chúng ta hụt hẫng, làm chúng ta bi quan và luôn suy nghĩ rằng chúng ta đã thực sự thất bại ngay khi mới bắt đầu. Hãy cứ buồn, hãy cứ bung xõa cảm xúc đang dồn nén trong lòng, hãy cứ rơi nước mắt nếu chúng ta muốn. Sau đó hãy nhanh gạt lấy nó, gạt đi phiền muộn mà chúng ta cứ cố dằn vặt để hướng đến những điều mới mẻ phía trước.
Ảnh minh họa
Ngựa có bốn chân cũng có lúc ngã , một cuộc sống không có thất bại thì không phải là một cuộc sống trọn vẹn. Kỳ thi vào đại học giống như một chướng ngại trên đường đời vốn dĩ rất dài, thành công hay không, có lẽ bây giờ không còn quan trọng, điều quan trọng là các bạn đúc kết được gì sau kỳ thi cam go ấy. Thất bại lần này chỉ là một bước lùi trong cuộc đời để lấy đà cho những bước tiến dài hơn, rộng hơn phía trước. Đường thành công không chỉ có mỗi lối đi là cố vào một trường đại học để lấy được tấm bằng cử nhân, mà còn rất nhiều cơ hội hay ngã rẽ đang đợi ta.
Những kẻ thất bại thực sự là người gặp biến cố liền nản lòng mà không hề hay biết chính điều ấy mới là động lực để ta cố gắng. Con người ai cũng xuất phát từ thất bại, thi vào đại học không đạt yêu cầu chỉ là một trong số những lần thất bại trong cuộc đời. Điều kỳ diệu sẽ không bao giờ xảy ra trên một con đường bằng phẳng, chỉ có bước qua những khúc cua đầy bùn lầy mới để lại cho chúng ta một dấu ấn sâu đậm.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có "một nửa" khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn
Nỗi đau năm 6 tháng tuổi đeo bám cuộc đời Hảo đến tận bây giờ và cả sau này. Thay vì oán hận số phận, cô gái 26 tuổi học cách chấp nhận và yêu thương, mong muốn gieo mầm sự sống tươi đẹp cho những hoàn cảnh không may mắn như mình.
Đến buổi hẹn đúng giờ, cô gái trẻ gây thiện cảm với người đối diện bằng phong thái tự tin và đầy năng lượng. Cô nói rằng chưa bao giờ mặc váy trắng và chụp ảnh theo phong cách nhẹ nhàng, mọi người đã quá quen hình ảnh mạnh mẽ và cá tính của cô.
"Mình tên là Hà Bích Hảo, 26 tuổi, quê Nam Định, mọi người thương gọi là Mầm. Hiện tại mình là giáo viên dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ", cô dõng dạc giới thiệu bản thân. Câu chuyện của Hảo bắt đầu từ năm 6 tháng tuổi, khi khuôn mặt đứa trẻ vốn xinh xắn và đáng yêu, bỗng xuất hiện một vết bớt màu đỏ của căn bệnh u máu ngoài da.
Câu chuyện cô gái Nam Định chỉ có "một nửa" khuôn mặt: Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn. Thực hiện: Minh Nhân.
Cô gái chỉ có "nửa" khuôn mặt
Bố mẹ Hảo đưa con gái đến bệnh viện để điều trị, nhưng trong quá trình phẫu thuật, đứa trẻ bị bỏng laser, kéo lệch một bên mặt, cổ, tai, mắt và mũi.
Từ đó đến 3 tuổi, Hảo không thể bú sữa mẹ. Cô được nuôi sống bằng nước cơm của bà nội. Những viên thuốc kháng sinh chất đầy trong cơ thể cô đến tận năm lớp 4, hiện tại 2 bên đùi vẫn còn những vết lõm của kim tiêm.
Lần đầu tiên soi gương, Hảo hồn nhiên nghĩ đến một lúc nào đó, da của cô sẽ trở lại bình thường, giống như con người lớn lên vậy. Cho đến khi cô bắt đầu đi học và đón nhận ánh nhìn kì thị của những người xung quanh.
"Mình ý thức được rằng bản thân không giống mọi người, nhưng vẫn hy vọng, khoảng 5-10 năm nữa da thịt sẽ thay đổi", Hảo nói.
Trường học là một nỗi sợ hãi "khủng khiếp" với cô bé tiểu học. Mọi người đều bất ngờ và hoảng sợ khi gặp Hảo. Lũ trẻ thời đó cầm giẻ lau bảng, bút, sách, phấn, hoặc bất kể thứ gì bẩn thỉu nhất ném vào mặt cô. "Đấy là những khủng hoảng đầu đời mà mình không đủ mạnh mẽ để tự đứng lên chống chọi".
Hà Bích Hảo của ngày hôm nay, tự tin và tràn đầy năng lượng sau những biến cố của cuộc sống.
May mắn thay, bên cạnh Hảo luôn có bố mẹ, người thân, đặc biệt là cô Hiệu phó. Trong suốt những tháng ngày, cô là người đồng hành, kề cận và sẵn sàng giúp đỡ Hảo mỗi khi bị các bạn khác trêu chọc. Cô nói với Hảo rằng, "Nếu ai đó bắt nạt, con hãy lên gặp cô, cô sẽ giúp con tất cả mọi điều".
Lên cấp 2, Hảo ý thức được sự khác biệt của mình sẽ không bao giờ thay đổi được, cô phải gắn bó với khuôn mặt này suốt cuộc đời. Cô trở thành một con người hoàn toàn khác, giống như cái tên mọi người hay gọi, là "sói hoang". Không còn cảnh cam chịu, cô mang trong mình tính chất và bản năng của một con sói, sẵn sàng cầm gậy đánh trả mỗi khi bị bắt nạt.
Trong 4 năm ròng, Hảo rất hay được "mời" lên Ban giám hiệu viết bản kiểm điểm. Lực học của cô không bao giờ vượt quá trung bình. Nhà trường không ủng hộ cô thi cấp 3, bố mẹ lo lắng liệu cô con gái hay đánh nhau, lại nghịch ngợm, liệu có thể đỗ cấp 3 không?
Hảo đã nhờ chị gái giúp đỡ ôn thi, kết quả cô đỗ một trường dân lập của huyện, nơi rất nhiều bạn từ các vùng khác nhau cùng tề tựu.
Những ngày đầu tiên, bạn học ghét bỏ và đối xử với Hảo rất tệ. Họ cầm giày thể dục ném vào mặt cô, rồi vứt cặp sách của cô xuống hồ nước trước cổng trường. Họ nói rằng "không đồng ý việc Hảo học trong lớp, vì cô là kẻ không xứng đáng".
Chấp nhận chịu đựng cũng không được, gồng mình như con mãnh thú cũng không xong, Hảo đã từng nghĩ sẽ bỏ cuộc. Cô nghỉ học một tuần, không nói với gia đình. Nhưng cô giáo đã gọi bố mẹ Hảo lên nói chuyện. Nhìn những giọt nước mắt của mẹ và nỗi buồn trong ánh mắt của cha, Hảo biết rằng mình phải cố gắng để sống tốt hơn và trở thành người con có hiếu.
"Bố là người đàn ông ít khóc, nhưng trong cuộc đời, ông khóc 3 lần thì 2 lần dành cho mình. Còn mẹ là người tình cảm, bà ôm mình và nói: "Nếu như mẹ có thể thay con chịu đựng tất cả điều này, thì mẹ sẵn sàng, kể cả chấp nhận cái chết".
Khuôn mặt dù không hoàn thiện, nhưng Hảo không oán hận, cô thương "nó" nhiều hơn.
Hảo nói, chưa bao giờ cô chụp bộ ảnh nhẹ nhàng như thế này, khác với hình ảnh mạnh mẽ vốn có.
Câu nói của mẹ thay đổi suy nghĩ của Hảo, giúp cô sống khác đi và nỗ lực học tập, vì chỉ có tri thức là điều duy nhất mọi người công nhận và nể phục con người mình. 3 năm cấp 3, Hảo luôn là học sinh tiên tiến, thuộc top tốt nhất trong lớp. Các bạn học dần đón nhận và cởi mở hơn với Hảo. Cô bắt đầu có những người bạn thân đầu tiên. Khi đi đường, có người sẵn sàng giúp đỡ khi cô bị hỏng xe, điều mà trước đây cô chưa từng được nhận.
"Mình cảm thấy mọi thứ bắt đầu hé mở và cuộc đời đã có thể bước sang một trang mới. Và chắc mình sẽ không phải nghĩ nhiều, đau buồn về những gì mình không có như mọi người".
Hảo ước mơ trở thành nhà văn, luật sư hay một nhà công tác xã hội, để đến những nơi chưa từng đến, trải nghiệm những khó khăn và chia sẻ với mọi người. Nhưng bố mẹ mong muốn con gái trở thành giáo viên, vì nghề sư phạm sẽ phù hợp nhất. Bố mẹ thuyết phục nhiều, và sau đó Hảo đã đồng ý đăng ký vào ĐH Sư phạm Hà Nội.
Khi các trường ĐH khác lần lượt công bố điểm, thì trường của Hảo vẫn chưa. Người dân trong làng nghĩ cô không thể đỗ, gợi ý bố mẹ cô "hay mua cho nó đôi bò", có khi lại hay, cuối năm sẽ có khoản tiền tiết kiệm bán bò. Nhưng Hảo nói với bố mẹ, nếu năm nay không đỗ, sang năm cô sẽ ôn thi lại. "Con đã cố gắng, nỗ lực thì sẽ không bao giờ để mình dừng lại tại đây".
2 ngày trước khi đi nhập học, Hảo nhận được giấy thông báo trúng tuyển. Lúc đấy, cô "cao ngạo" lắm. Đi đâu cũng "vênh" mặt lên, khoe với mọi người bằng giọng hào hứng. "Tôi đã đỗ ĐH, nghĩa là tôi có thể làm được những điều mong muốn, không ai được phép coi thường, khinh thường tôi nữa".
Đấy là suy nghĩ của một đứa trẻ năm 18 tuổi.
Rời quê lên Hà Nội, Hảo theo học 1 năm tại khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau đó, cô nhận thấy không hợp, dù trước đó là dân chuyên văn. Thời gian này, Hảo bắt đầu nghiên cứu về khoa Giáo dục đặc biệt, và bắt đầu suy nghĩ lại.
Cô không nói với bố mẹ mà quyết định ôn thi ĐH một lần nữa, rồi tiếp tục đỗ. Lúc này, cô nghĩ, "chắc rằng sư phạm chọn mình chứ không phải mình chọn sư phạm nữa". Kết thúc năm nhất, Hảo đi phỏng vấn và đỗ vào một trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ, cô trở thành tình nguyện viên. Được 2 tháng, người quản lý gọi cô ra trước tất cả giáo viên khác và nói: "Từ mai, em không cần phải đến đây nữa. Vì nếu em đến sẽ 'lây' cho các con". Hảo rất sốc, cô không hiểu một tai nạn y học có thể lây bệnh cho những đứa trẻ.
Điều thứ 2, người quản lý kia nói: "Tất cả phụ huynh đều không thích có mặt em ở trong trường". Hảo rơi vào tuyệt vọng khi mọi nỗ lực, cố gắng và cống hiến đều không thể thay đổi được cái nhìn của xã hội. Họ không chấp nhận cô. Nếu vậy, cô chỉ còn cách giải thoát cho chính mình và kết thúc tất cả, từ nỗi đau thể xác đến tổn thương tinh thần.
Những hoạt động tình nguyện mà Hảo đã và đang tham gia. Ảnh: NVCC.
Hảo đạp xe một mình lên cầu Vĩnh Tuy. Cô đứng trên cầu, đầu óc trống rỗng. Cô nhắn tin cho chị gái, "nếu chị không kịp nghe điện thoại của em, thì ngày mai chị và mọi người sẽ phải lên Hà Nội nhặt xác của em về". Rồi cô trèo lên thành cầu, toan chấm dứt cuộc sống.
Lúc ấy, Hảo nghĩ nhiều đến bố mẹ. Chắc hẳn họ sẽ rất đau lòng và sẽ sống như thế nào trong những năm tháng tiếp theo, khi chính họ đã đồng ý và chấp nhận để con gái rời xa vòng tay yêu thương đến với những ước mơ mà nó từng mơ ước.
"Mình sẽ trở thành một kẻ thất bại, tồi tệ và bất hiếu nếu như nhảy xuống dưới kia. Mình dừng lại và quay về", Hảo kể.
Suốt quãng thời gian sau, Hảo không tham gia bất cứ chương trình tình nguyện, xã hội nào nữa. Cô biết dù có tham gia, thì mọi người và xã hội cũng không chấp nhận và đánh giá đúng nỗ lực của mình.
Trong suốt 1 năm đấy, Hảo chỉ đi học, lên thư viện, về phòng kí túc, nghe nhạc và thêu tranh. Cho đến khi cô xem một chương trình truyền cảm hứng, kể về câu chuyện của một cô gái khuyết tật người nước ngoài. Nhân vật ấy nói, "Nếu bạn có thể đi trên đôi chân của mình, làm được mọi thứ bằng đôi tay của mình, đó là bạn đã tốt hơn và hạnh phúc hơn những người như chúng tôi".
Cùng năm đó, Hảo may mắn được gặp gỡ Nick Vujicic khi anh sang Việt Nam. Từ giây phút ấy, Hảo biết rằng nhất định cô sẽ trở thành một diễn giả, một người đứng ở cao nhất, toả sáng nhất, để mọi người phía dưới đều ngước nhìn và công nhận cô.
Đúng vào ngày sinh nhật thứ 20, Hảo quay lại tham gia các hoạt động xã hội. Công việc đầu tiên, cô đã tình nguyện giúp đỡ một nhóm người khuyết tật từ Đà Nẵng ra Hà Nội tham quan và trải nghiệm. Cô giúp họ đẩy xe lăn, tìm nhà ở, hỗ trợ họ những việc nhỏ nhặt nhất. Khi về, họ có nói với Hảo, "Em cười rất đẹp. Anh chị rất bất ngờ vì ở 1 nơi rất xa lạ, với những người như anh chị, lại gặp được người rất thân thiện, nhiệt tình như em. Hãy luôn cố gắng bởi vì có nhiều người khác như anh chị đang cần những người như em giúp đỡ".
Nhờ lời động viên đó, Hảo cảm thấy cô vẫn có giá trị, ít nhất là với cộng đồng yếu thế của mình.
Nụ cười dù là một nửa hay trọn vẹn, đều đáng được trân trọng.
Sau tốt nghiệp, Hảo công tác tại Bắc Ninh một năm trước khi quay lại Hà Nội. Cô tham gia một chương trình thiện nguyện dành cho trẻ tự kỷ. Tại đây, cô gặp gỡ nhiều phụ huynh, có người nhận ra và đồng cảm với cô. Một trong số họ đã giới thiệu cô đến dạy cho con của một người bạn mà nhờ đó, sau này nhiều người khác biết đến Hảo nhiều hơn. Họ nhận xét cô là một người rất tốt, dù ngoại hình không được hoàn thiện. May mắn mỉm cười, Hảo được nhận vào làm ở trung tâm dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
"Đôi khi mình tự nghĩ bản thân là 1 người rất tham, tham học nhiều, được biết nhiều, tham được đi đến nhiều nơi, trải nghiệm nhiều hơn, tham được ôm tất cả mọi người, được giúp rất cả những người kém may mắn", Hảo hy vọng chuỗi bi kịch cuộc đời sẽ chấm dứt tại đây, mở ra một tương lai mới và đầy tươi sáng hơn.
Mầm và những người bạn
Nhiều năm về trước, nếu cô Hiệu phó tiểu học không trao cho Hảo cơ hội được đi học và không gieo xuống đất cái mầm sống đó, thì nay không có một cái cây đẹp đẽ mọc lên. Rừng cây bao la muốn phát triển thì phải bắt đầu từ 1 mầm giống rất nhỏ. Nhà cao như nào cũng phải xây lên từ những viên gạch. Một con người dù trưởng thành, tài giỏi, thành đạt bao nhiêu đi chăng nữa, cũng bắt đầu từ mầm sống của cha và mẹ. Nên Hảo tự gọi bản thân là Mầm, dù là một mầm cây không hoàn thiện, nhưng luôn biết cố gắng để sống đẹp.
Hảo nhớ tới một câu nói, "Hãy sống cách bạn yêu và yêu cách bạn sống vì không ai trong mỗi chúng ta là hoàn hảo. Chặng đường chúng ta đi không ai là không gặp khó khăn". Nhìn ra ngoài kia, mọi thứ trong cuộc sống thật vô thường, phía trước là mưa và đằng sau là sấm chớp. Cách đây 3 năm, Hảo đã làm hồ sơ đăng ký hiến tạng nếu như chẳng may một ngày nào đó cô chết não hoặc gặp tai nạn không thể cứu chữa.
"Mình dành tất cả những gì còn lại cho những người khác. Trái tim sẽ lại được đập 1 lần nữa, người nhận sẽ giúp mình hoàn thiện ước mơ còn dang dở. Con mắt này sẽ lại được nhìn ngắm cuộc đời, những điều tuyệt vời và thay mình lan toả điều tích cực tới cộng đồng".
Cách đây 1 năm, Hảo thành lập quỹ "Mầm và những người bạn", với mong muốn hỗ trợ những "hạt giống" không tốt như cô. Đến nay, cô đã giúp đỡ 5-6 đứa trẻ, với sự bảo trợ dài lâu để các con được đến trường, tìm kiếm con chữ.
Hảo hy vọng sau khi tốt nghiệp cao học, sẽ trở thành diễn giả như cô hằng mong ước.
Hảo từng nhận được cơ hội phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng cô đã nhường lại cho một đứa bé khác ít tuổi hơn. Cô hiểu những điều trải qua đã giúp tôi luyện một cá thể mạnh mẽ đến nhường nào.
Một lần khác, người đàn ông Hàn Quốc quen trong trung tâm thương mại, người mà Hảo gọi là ba nuôi, đã đưa cô qua Hàn để phẫu thuật. Sau khi hội chẩn với các bác sĩ, được biết vết bỏng đã quá lâu nên rất khó có thể hoàn thiện, hành trình này có thể kéo dài 5 năm, thậm chí 10 năm. Hảo nghĩ, "cuộc đời này có bao nhiêu cái 10 năm đâu". Cô quyết định dừng lại hoàn toàn và cho đến bây giờ, không còn nghĩ đến việc phẫu thuật thẩm mỹ, thay vào đó là hoàn thiện tri thức và nhân cách.
"Số phận mình, nếu nhìn tích cực, là 1 điều may mắn, bởi vì nếu mình xinh đẹp, toàn diện rồi, thì không bao giờ nghĩ đến điều tuyệt vời hơn là sống cho người khác, vì người khác và yêu thương người khác. Nếu phẫu thuật, trở thành một người xinh đẹp hơn, thì lúc đấy, mình không muốn níu kéo những điều từng theo đuổi và biết đâu lại chà đạp lên những điều tốt đẹp đấy".
Tất cả người con gái đều mong muốn mình ngày một xinh đẹp hơn, nhưng Hảo nghĩ rằng khuôn mặt đã tồn tại cùng với cô 26 năm cuộc đời, nó như một người bạn. Khi những người xung quanh bỏ rơi cô, thì người bạn duy nhất đó vẫn sẽ đồng hành, bên cạnh cô. Thay vì trách hờn, oán hận và căm phẫn nó, Hảo học cách yêu thương như tất cả những gì vốn có.
"Những gì chưa phải cuối cùng thì chưa phải là những điều tuyệt vời nhất"
Hiện tại Hảo đang theo học cao học để hoàn thành ước mơ trở thành diễn giả trong tương lai và thành lập một doanh nghiệp xã hội cho trẻ tự kỷ về giáo dục hướng nghiệp. Cô muốn truyền tải tới mọi người thông điệp hãy mạnh mẽ đấu tranh, nói lên tiếng nói của mình, mạnh mẽ bước qua nỗi đau cuộc đời. Không ai trong chúng ta có quyền chọn nơi mình sinh ra, nhưng có quyền chọn cách sống. Do đó, đừng bi quan, đừng dừng lại những ước mơ. Những gì chưa phải cuối cùng thì chưa phải là những điều tuyệt vời nhất.
Với Hảo, nụ cười một nửa hay trọn vẹn, không có ý nghĩa gì nếu đó chỉ là một nụ cười cơ học. Nếu trong trái tim mình luôn nở những nụ cười và cuộc sống thật tươi đẹp, thì một nửa hay trọn vẹn đều đáng quý và đáng trân trọng.
Đến bây giờ, Hảo nghĩ rằng bố mẹ cô vẫn chưa nguôi ngoai mặc cảm tội lỗi khi để con gái lớn lên trong hình hài không được hoàn thiện. Khi cô quyết định cắt tóc ngắn để thay đổi bản thân, người đầu tiên biết chuyện là mẹ. Bà đã rất sốc. Nếu người khác trong hoàn cảnh của Hảo luôn muốn có mái tóc dài để che đi những khuyết điểm trên khuôn mặt, thì cô chọn cách "đương đầu" với nó.
Cô biết, họ không phải là người gây ra đau đớn này cho mình. Nếu cô đau 1, thì họ còn đau hơn gấp ngàn lần, đau tận trong thâm tâm.
"Đến bây giờ, bố mẹ vẫn mang mặc cảm tội lỗi. Mình cũng từng oán hận mẹ, tại sao sinh ra đứa con như mình, tại sao bà không bóp chết mình đi. Nhưng mình hiểu, mình mãi là con của bố mẹ, theo họ đến hết cuộc đời. Mỗi ngày, mình vẫn luôn nỗ lực sống đẹp, sống tốt để bố mẹ không còn cảm thấy có lỗi trong chuyện đứa con của họ là một cô gái xấu xí".
"Những gì chưa phải cuối cùng thì chưa phải là những điều tuyệt vời nhất", Hảo nói và không ngừng tiến về phía trước.
Mẹ cũng thường canh cánh trong lòng, khi những người bằng tuổi Hảo ở quê, đều đã yên bề gia thất. Bà vẫn hay nói, "nếu con là một người bình thường, thì mẹ sẽ không cần phải lo. Nhưng nếu một ngày nào đó, đôi chân của con không còn mạnh mẽ nữa, con sẽ già đi mà không có người đồng hành, bố mẹ sẽ rất lo".
Hảo đắn đo, một mình mãi cũng chênh vênh, nhưng cô biết, mọi chuyện đều có duyên. Điều quan trọng hãy sống tốt và hoàn thiện bản thân, cô sẽ luôn chờ một người bạn đời hiểu cô và thấu cảm với những điều cô đang làm.
"Khi họ thấu cảm được rồi thì tình yêu mới bền vững, còn nếu đến với nhau vì sự tò mò bởi cá tính thì tình yêu đó rất mong manh", Hảo nói.
Góc khuất sau các kênh Youtube gia đình nổi tiếng: Phía sau hào nhoáng là nỗi tủi hờn của những đứa trẻ bị cha mẹ biến thành công cụ kiếm tiền Tôi không tin là công bằng khi chính cha mẹ lại cướp đi tuổi thơ bình thường của những đứa trẻ, lợi dụng sự trưởng thành của chúng để biến chúng thành "cái máy in tiền". Từ Myka Stauffer đến 8 Passengers - khủng hoảng đến từ những kênh Youtube gia đình Nếu theo dõi tin tức trên các phương tiện truyền thông,...