Rosatom: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vận hành vào năm 2023 – 2024
Theo định hướng đã được phê duyệt của chính phủ Việt Nam, tới năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành 13 tổ máy phát điện của nhà máy điện hạt nhân, với tổng công suất 15GW, chiếm 10% tỉ trọng sản xuất điện quốc gia.
Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (Rosatom) – đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 – cho biết: Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam Ninh Thuận 1 do Nga thiết kế ấn định thời điểm đi vào vận hành vào năm 2023 – 2024. Đây là một phần trong thời gian biểu đã được thống nhất bởi Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga và Bộ Công Thương Việt Nam, thông qua các cơ quan hữu quan trực thuộc, từ tháng 2/2013.
“Quyết định dời thời điểm bắt đầu vận hành nhà máy được đưa ra theo yêu cầu của phía Việt Nam vào tháng 2/2013, bởi việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi một khối lượng công việc lớn cần phải hoàn thành để thiết lập khung pháp lý tương ứng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, và cụ thể là đào tạo nguồn nhân lực đạt yêu cầu cho việc thi công và vận hành nhà máy điện hạt nhân”, thông tin từ Rosatom nhấn mạnh.
Theo định hướng đã được phê duyệt của chính phủ Việt Nam, tới năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành 13 tổ máy phát điện của nhà máy điện hạt nhân, với tổng công suất 15GW, chiếm 10% tỉ trọng sản xuất điện quốc gia.
Hiện nay, những hạng mục liên quan tới việc thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 theo thiết kế của Nga vẫn đang được triển khai, bao gồm: thiết kế kỹ thuật, tái định cư, thi công cơ sở hạ tầng. Công trình nhà máy trong khi đó sẽ khởi công vào năm 2017.
Ngoài nhà máy điện hạt nhân, Rosatom còn hỗ trợ xây dựng một trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân ở Việt Nam, bao gồm một lò phản ứng nghiên cứu mới và các phòng thí nghiệm, cũng như các khu phức hợp chuyên môn.
Lớp sinh viên Việt Nam đầu tiên học chuyên ngành “Nhà máy và trạm điện nguyên tử” tại Trường Đại học Năng lượng nguyên tử Obninsk, chụp trước tượng Viện sỹ I.V. Kurchatov.
Video đang HOT
Cũng theo thông tin từ Rosotom, Liên bang Nga nói chung và tập đoàn này nói riêng hiện đã và đang đem lại những hỗ trợ về giáo dục đào tạo cho Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp phát triển công nghệ năng lượng của đất nước. Trong năm 2013 đã có hơn 240 sinh viên Việt Nam học tập tại các viện nghiên cứu và đại học của Nga về công nghệ hạt nhân. Rosatom cũng tổ chức các đợt thực tập tới các cơ sở điện hạt nhân đang thi công tại Nga cho các chuyên viên của Việt Nam.
Song song đó, trong năm 2013, 51 thực tập sinh đã hoàn thành nhiệm vụ tại các địa điểm thi công tổ máy số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân Rostov. Bên cạnh kinh nghiệm chuyên môn thực tiễn trong thi công nhà máy điện hạt nhân, việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ còn bao gồm kỹ năng làm việc với tài liệu kỹ thuật, làm chủ công nghệ an toàn, và lĩnh hội các tiêu chuẩn chất lượng của Nga trong vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Vào đầu tháng 1 năm 2014, đã có một đợt thực tập sinh mới với 100 chuyên viên có mặt tại nhà máy điện hạt nhân Rostov để bắt đầu chương trình tập huấn nâng cao nghiệp vụ kéo dài một năm.
Khôi Bùi
Theo Dantri
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có khả năng chậm lại... 6 năm
Năm 2013, UB KH-CN&MT của Quốc hội dự báo dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ chậm tiến độ 3 năm. Tuy nhiên theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ, dự án có thể chậm... 6 năm.
Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, trong đó có dự án điện hạt nhân Ninh Thuận của UB Khoa học - Công nghệ & Môi trường (KH-CN&MT) đưa ra trình Quốc hội xem xét vào cuối tháng 10/2013, sau khi có báo cáo của Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng về việc triển khai dự án này.
Về tiến độ tổng thể của nhà máy số 1, UB KH-CN&MT cho biết, liên danh tư vấn E4 (Nga) - KIEP (Ucraina) - EPT (Nga) đã hoàn thành công tác khảo sát giai đoạn 1 để lựa chọn vị trí nhà máy; đang triển khai công tác khảo sát giai đoạn 2 để lập Hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) va Dự án đầu tư (FS). Sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản, Chính phủ đã yêu cầu rà soát, bổ sung các giải pháp bảo đảm an toàn chống động đất nên dự án phải điều chỉnh lại địa điểm đã lựa chọn, từ đó phát sinh nhiều công việc nên quá trình chuẩn bị phải kéo dài thêm.
Địa điểm dự kiến để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
Cụ thể, đối với nhà máy số 1, Hội đồng thẩm định Nhà nước cần ít nhất 1 năm để thẩm định và phê duyệt FS. Sau khi FS được duyệt, chủ đầu tư mới có thể đàm phán ký hợp đồng thiết kế với tư vấn thiết kế (cần ít nhất 18 tháng cho việc lập thiết kế kỹ thuật, theo phía Nga dự kiến). Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định và phê duyệt Thiết kế kỹ thuật cần ít nhất 8 tháng để thẩm định. Sau khi thiết kế kỹ thuật được duyệt, chủ đầu tư mới có thể tiếp tục đàm phán và ký kết EPC. Tổng thầu EPC sẽ chịu trách nhiệm lập báo cáo phân tích an toàn và hồ sơ xin cấp phép xây dựng (thời gian cho phép là 15 tháng).
Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ chỉ được khởi công chính thức sau khi được cấp phép. Như vậy, đến năm 2014 sẽ chỉ có thể khởi công các công trình hạ tầng phục vụ thi công như đường giao thông, điện, nước. Và mẻ bê tông đầu tiên cho tâm lò phản ứng chỉ được đổ sớm nhất vào cuối năm 2017, đầu năm 2018 khi thiết kế kỹ thuật được duyệt và có giấy phép xây dựng.
Theo đó, so với tiến độ đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội là năm 2014 sẽ khởi công nhà máy số 1, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020, thì dự án sẽ phải chậm lại đến 3 năm.
Giữa tháng 10, báo chí Nhật Bản cũng đưa tin, Việt Nam và Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận từ tháng 9/2011. Nhà máy có tổng công suất lắp đặt khoảng 2.000 MW, dự kiến được khởi công trong năm 2014 và hoàn thành vào cuối năm 2020. Phía Nhật Bản sẽ hợp tác về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cũng như tài trợ chi phí cho dự án.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng của Nhật cho biết, khả năng thực hiện tiến độ dự án sẽ bị chậm do nhiều yếu tố khách quan, mà lý do cơ bản nhất được Tokyo đưa ra là nước này đang đang thiếu một cơ quan hệ thống quản lý về vấn đề xuất khẩu công nghệ hạt nhân và xử lý các vấn đề thủ tục liên quan trong trường hợp xảy ra những cuộc khủng hoảng hạt nhân ngoài dự kiến.
Hơn 10 ngày trước đó, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng có báo cáo về việc triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho biết, phía Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Nga về các biện pháp rút ngắn thời gian làm nhà máy số 1.
Theo đó, sau khi dự án được Quốc hội phê duyệt chủ trương cuối năm 2009 với tổng mức đầu tư của dự án khoảng 200.000 tỷ đồng, cuối năm 2011, hiệp định liên chính phủ Việt - Nga về việc cung cấp tín dụng xuất khẩu của Nga để tài trợ xây dựng dự án nhà máy 1 đã được ký kết.
Đến cuối năm 2012, tại Matxcova (Nga), UB liên Chính phủ Việt - Nga đã tổ chức trao đổi, thảo luận các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Hai bên đã thống nhất việc triển khai sớm một số công tác chuẩn bị và giao các cơ quan, doanh nghiệp liên quan trao đổi, rà soát để thống nhất tiến độ thực hiện dự án.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (diễn ra ngày 15/1 vừa qua), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại lưu ý tập đoàn phải đảm bảo nguồn khí đốt để làm cụm nhà máy điện 5.000 MW thay thế cho 4.000 MW điện nguyên tử, bởi nhà máy điện nguyên tử có thể sẽ phải hoãn đến năm 2020 mới khởi công.
Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng thì dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có thể chậm tiến độ... 6 năm so với mốc khởi công trong năm 2014 này mà Quốc hội đã đề ra.
Về việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện 2 đề tài độc lập cấp nhà nước với mục tiêu là làm sáng tỏ có hay không đứt gãy hoạt động trong vòng bán kính 8km tính từ tâm khu vực dự kiến xây dựng nhà máy, đồng thời đánh giá tính chất và tác động của các đứt gãy hoạt động phát hiện được. Kết quả ban đầu cho thấy các đới đứt gãy này hầu như không có biểu hiện hoạt động. Duy chỉ có đứt gãy Đèo Dinh Bà là có biểu hiện hoạt động, có chiều dài 10,3km, cách vị trí xây dựng 7-8 km; đứt gãy Cam Ranh cũng có biểu hiện đang hoạt động. Hoạt động động đất xảy ra trong khu vực dự kiến xây dựng theo thống kê không có nhiều, các động đất lớn đã quan sát có magnitude không quá 5,5 độ. Tuy nhiên, cơ quan nghiên cứu cảnh báo, các trận động đất này lại xảy ra tại các vùng lân cận khu vực Vĩnh Hải và Phước Dinh (vào các năm 1877, 1882, 1923) và có liên quan đến hoạt động núi lửa hằng năm. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận, địa điểm dự kiến xây dựng nhà máy số 1 đáp ứng các tiêu chí an toàn mà Việt Nam và cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đề ra. Tại khu vực dự kiến xây dựng nhà máy số 2 cần có thêm các nghiên cứu để làm sáng tỏ bản chất của khu vực phong hóa sâu và khả năng và mức độ sinh chấn của đứt gãy.
P.Thảo
Theo Dantri
Không xây dựng nhà máy điện hạt nhân kiểu "chìa khóa trao tay" Công tác triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân là một trong những nội dung chính được nêu ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ninh Thuận vào chiều 27/11. Trong cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận...