‘Room’ – Bộ phim nhỏ, cảm xúc lớn
Tác phẩm độc lập kinh phí thấp xoay quanh chuyện hai mẹ con Ma và Jack bị một gã biến thái giam giữ suốt 7 năm trời. Hành trình đến với tự do của họ hoàn toàn không hề đơn giản.
Năm 2008, cả thế giới rúng động vì vụ án Elisabeth Fritzl tại thị trấn Amstetten, Áo. Sau 24 năm trời, người phụ nữ 42 tuổi rốt cuộc cũng tìm thấy tự do, thoát ra khỏi sự giam cầm trái phép dưới căn hầm của cha đẻ là Josef Fritzl.
Trong quãng thời gian đen tối ấy, Elisabeth nhiều lần bị Josef hành hung, lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp. Hậu quả là bảy đứa trẻ đã được sinh ra từ mối quan hệ loạn luân kinh tởm ấy.
Có bốn đứa con của Elisabeth bị giam cầm cùng với cô, một trong số chúng qua đời chỉ ba ngày sau khi sinh ra. Ba đứa còn lại, may mắn hơn một chút, được Josef đem lên trên nhà và nhận làm con nuôi từ khi còn bé xíu. Chúng không hề biết sự thật kinh hoàng, còn Josef nói dối vợ mình rằng đây vốn là những đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng.
Bộ phim Room được thực hiện dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên lấy cảm hứng từ một bi kịch có thực, từng gây chấn động thế giới.
Câu chuyện đó trở thành nguồn cảm hứng để nữ nhà văn Emma Donoghue viết nên cuốn tiểu thuyết Room, lần đầu xuất bản hồi 2010 và lọt vào danh sách rút gọn giải thưởng Man Booker Prize danh giá năm đó. Bước sang năm 2015, tác phẩm văn học được đạo diễn Lenny Abrahamson đưa lên màn bạc, với kịch bản do chính nhà văn Donoghue xây dựng.
Bi kịch từ góc nhìn trẻ thơ
Cũng giống như nguyên tác, bộ phim Room được kể từ góc nhìn của cậu bé 5 tuổi tên Jack ( Jacob Tremblay). “Chào cây. Chào bồn rửa. Chào ghế. Chào bàn nhé…”, đó là những lời chào quen thuộc đến từ Jack mỗi buổi sáng cậu thức dậy. Cả thế giới của Jack chỉ gói gọn trong căn phòng rộng chưa đầy 10 m2 không có cửa sổ, nơi cậu bị giam cầm cùng Ma – mẹ ( Brie Larson) bởi “lão” Nick (Sean Bridgers).
Ma đã bị “lão” Nick giam cầm 7 năm trời, và Jack là kết quả của những màn cưỡng hiếp mỗi khi màn đêm buông xuống. Hàng tối, ngay trước khi Nick xuất hiện, Jack lại chui vào tủ, cố gắng bịt tai bởi những tiếng động lạ phát ra từ phía giường của mẹ.
Trong nửa đầu của Room, khán giả được chứng kiến tình mẫu tử và sức sống mãnh liệt của Ma và Jack, dù họ bị giam cầm trong căn phòng nhỏ của một kẻ biến thái.
Mẹ giải thích với Jack rằng cả thế giới chính là căn phòng đó, còn bên ngoài giếng trời bé xíu trên cao là vũ trụ bao la. Chỉ có ba cư dân Trái đất tồn tại, là Ma, Jack và “lão” Nick. Còn đám người xuất hiện trên chiếc TV lúc mờ, lúc tỏ là những “sinh vật tưởng tượng”.
Nhưng sự hiếu động và tò mò của một cậu bé 5 tuổi khiến Jack bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa hơn dành cho Ma. “Lão” Nick thì ngày một quá quắt và trở nên nguy hiểm, nhất là sau khi bị đuổi việc. Lo sợ bị giết hại, Ma lập ra kế hoạch táo bạo giúp cậu con trai thoát ra ngoài, cầu cứu sự giúp đỡ của những người xung quanh. Chuyện có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của cậu bé 5 tuổi trong lần đầu tiên “bước chân ra ngoài không gian”.
Trong nửa đầu bộ phim, khán giả được làm quen với Ma và Jack, cũng như thấp thoáng trông thấy gã đàn ông đang giam giữ hai mẹ con trong căn phòng nhỏ xíu. Ma đã có 7 năm ở đó, thi thoảng lại giận dữ trước sự tò mò đến khó chịu của Jack, hoặc những đòi hỏi có phần quá quắt của cậu con trai trong thế giới ấy. Nhân vật lộ rõ nét mệt mỏi, thậm chí là buông xuôi, trước tình cảnh đáng buồn.
Nhưng cũng chỉ cần thoáng thấy nụ cười của bé con, hay ngắm cậu con trai Jack nghịch ngợm trong giây lát, Ma lại như được tiếp thêm sức sống, để có thể cố gắng kéo dài chuỗi ngày “địa ngục trần gian”. Hay nói cách khác, Jack giờ chính là lý do sống duy nhất của Ma, bởi nếu không có cậu bé, cô gái hoàn toàn đã có thể tự sát từ lâu.
Ma chỉ nghĩ đến Jack mà quên đi cả bản thân, như lúc cô bị đau răng và phải tới khi rụng răng mới thực sự nhận ra. Để rồi, chiếc răng sâu trở thành kỷ vật mà cậu bé 5 tuổi lúc nào cũng mang theo mình. Thoạt nhìn, Jack trông không khác một đứa trẻ bình thường, ngoại trừ mái tóc dài mà cậu không chịu cắt ngắn vì cho rằng đó là nguồn sức mạnh biến mình thành siêu nhân.
Điều đó cho thấy nỗ lực của Ma trong việc cố gắng giúp Jack lớn lên trong không gian chật hẹp, thiếu thốn ra sao. Khán giả có thể cảm thấy run sợ và giận dữ mỗi lần “lão” Nick xuất hiện, nhưng tình mẫu tử mà Ma dành cho Jack mới là điều tuyệt vời nhất mà nửa đầu của Room đem lại.
Quyết định táo bạo của đạo diễn Lenny Abrahamson
Liệu kế hoạch giúp Jack trốn thoát ra ngoài của Ma có thuận buồm xuôi gió? Đoạn trailer của Room đã dũng cảm tiết lộ kết quả thành công. Nhưng không vì thế mà cảm xúc người xem mất đi khi Jack lần đầu “bước ra ngoài không gian”, trông thấy vạn vật xung quanh bằng ánh mắt đầy tò mò, ngạc nhiên. Cũng ánh mắt ấy, mới đây thôi còn giận dỗi mẹ khi Ma cố gắng phủ nhận mọi lời dối trá của cô từ trước tới nay, nhằm giúp chuẩn bị tinh thần cho con mình khi cậu bé ra ngoài.
Lần đầu tiên Jack được ra thế bên ngoài là một trong những trường đoạn điện ảnh cảm xúc nhất 2015.
Chính quyết định táo bạo của đạo diễn Lenny Abrahamson, khi anh tiết lộ kết quả của kế hoạch chạy trốn từ trước khi người xem theo dõi Room, đã giúp tác phẩm trở nên đáng nhớ hơn. Bởi với nửa sau, bộ phim đặt ra câu hỏi rằng Jack và Ma đã được tự do, nhưng liệu tinh thần của họ có thực sự cảm thấy tự do hay không, sau những chuỗi ngày dài bị giam cầm tù túng và bạo hành như thế?
Câu thoại quan trọng từ một vị bác sĩ tâm lý, “Jack is plastic” (Jack còn dễ uốn nắn), giống như lời tổng kết đầy đủ cho những gì diễn ra tiếp sau. Ma và Jack được trở về bên gia đình. Cậu bé 5 tuổi có chút khó khăn và ngập ngừng ban đầu, nhưng sự ngây thơ và tò mò của con trẻ mau chóng giúp Jack trở nên thân thiết với bà ngoại (Joan Allen) và người chồng mới thân thiện của bà (Tom McCamus).
Ở phía ngược lại, Ma ban đầu cảm thấy hạnh phúc thấy rõ khi được trở về bên gia đình. Nhưng hậu chấn tâm lý, cảm giác nuối tiếc tuổi trẻ đã qua khiến cô gái gặp khó khăn hơn rất nhiều trong việc quay trở lại cuộc sống cũ so với con trai. Ma liên tục giận dữ vô cớ với mẹ và dượng, thậm chí bỏ bê cả Jack. Nhưng đó trở thành cơ hội để cậu con trai Jack thể hiện tình cảm với mẹ, giúp mẹ “trốn thoát” khỏi những ký ức kinh hoàng, tạo ra vòng tròn hoàn hảo cho mối quan hệ đầy cảm xúc giữa hai nhân vật.
Như thế, Room không chỉ kể lại bi kịch mà Jack và Ma phải trải qua. Ngoài chủ đề tình mẫu tử xuyên suốt, tác phẩm còn giúp người xem đặt ra câu hỏi về mục đích sống, cũng như khiến người ta phải cảm thấy bất ngờ về sức mạnh đến từ nỗi tò mò và thơ ngây rất đỗi bình dị của con trẻ.
Hai màn diễn xuất đầy cảm xúc
Để Room có thể chạm tới trái tim của khán giả, Brie Larson và diễn viên nhí Jacob Tremblay cùng nhau xuất sắc hóa thân thành hai mẹ con Ma và Jack. Ma là một vai diễn đầy thách thức và người đẹp 26 tuổi đã thể hiện được những biểu cảm phù hợp, thuyết phục xuyên suốt cả bộ phim, đủ để giúp cô trở thành ứng cử viên nặng ký cho các giải thưởng điện ảnh 2015-2016.
Brie Larson và Jacob Tremblay phối hợp ăn ý với nhau trong từng cảnh quay, giúpRoom chạm đến trái tim của khán giả.
Còn cậu bé sinh năm 2006 thì mang đến sự tự nhiên cần thiết đến cho Jack. Thật khó để những ai xem Room có thể quên được ánh mắt của Jacob Tremblay khi nhân vật của cậu lần đầu thoát ra khỏi căn phòng, hay trong buổi sáng đầu tiên thức dậy mà không bị giam giữ. Room chắc chắn là tác phẩm bản lề, giúp sự nghiệp cậu bé có thể tiến xa hơn nữa trong tương lai, nếu được những bàn tay phù hợp dìu dắt.
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua Joan Allen trong vai Nancy – mẹ của Ma, người xuất hiện với thời lượng rất ít nhưng đủ ghi dấu ấn mạnh mẽ với người xem. Đây thực tế là một vai diễn phức tạp. Nỗi đau mất con – điều khiến bà phải đi thêm bước nữa, đã chấm dứt sau 7 năm. Nhưng giờ Nancy phải đối mặt với sự thật đằng sau bi kịch của con gái, đồng thời giúp đỡ cậu cháu Jack sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Một câu chuyện phi thường, sự tinh tế của đạo diễn Lenny Abrahamson, diễn xuất tuyệt vời của Brie Larson, Jacob Tremblay và Joan Allen… Có rất nhiều lý do giúp Room nhận được giải khán giả bình chọn tại LHP Quốc tế Toronto 2015, bước đi đầu tiên của tác phẩm trong mùa giải thưởng điện ảnh năm nay. Đây có thể coi là sự tưởng nhớ đến những nạn nhân như Elisabeth Fritzl, đồng thời ca ngợi sức sống mãnh liệt của con người, sức mạnh của tình mẫu tử và sự thơ ngây.
Phim nhận ba đề cử Quả cầu vàng 2016, tại các hạng mục Phim truyện xuất sắc – Thể loại chính kịch, Nữ diễn viên chính xuất sắc (cho Brie Larson) và Kịch bản xuất sắc (cho Emma Donoghue).
Zing.vn đánh giá: 5/5
Video đang HOT
Theo Zing
Phim đồng tính nữ dẫn đầu đề cử giải Tinh thần Độc lập 2016
Independent Spirit Awards là giải thưởng điện ảnh quan trọng thứ ba trong năm sau Oscar và Quả cầu vàng. Năm nay, "Carol" dẫn đầu danh sách đề cử khi tranh tài ở năm hạng mục.
Trong ngày 25/11, ban tổ chức Independent Spirit Awards công bố danh sánh đề cử các hạng mục tranh tài tại giải thưởng năm nay. Theo đó, bộ phim đồng tính nữ Carol của đạo diễn Todd Haynes và hai ngôi sao Cate Blanchett - Rooney Mara dẫn đầu danh sách khi tranh tài ở năm hạng mục với sáu đề cử.
Bộ phim mang đề tài đồng tính nữ Carol dẫn đầu danh sách đề cử giải thưởng Tinh thần Độc lập 2016.
Theo sát Carol là tác phẩm mang đề tài chiến tranh Beasts of No Nation với năm đề cử. Các bộ phim gây tiếng vang trong thời gian qua là Spotlight,Tangerine và Anomalisa đều nhận được bốn đề cử.
Năm tác phẩm kể trên cũng chính là năm cái tên ở hạng mục Phim truyện xuất sắc, đồng thời đem đến cho năm đạo diễn Tood Haynes, Cary Fukunaga, Tom McCarthy, Sean Baker và Charlie Kaufman cơ hội chiến thắng tại hạng mụcĐạo diễn xuất sắc. Ngoài ra, tác giả bộ phim kinh dị It Follows, David Robert Mitchell, cũng có tên ở hạng mục dành cho các nhà làm phim.
Carol là tác phẩm chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết The Price of Salt của nhà văn Patricia Highsmith. Chuyện phim xoay quanh mối tình trái ngang giữa hai người phụ nữ có xuất thân khác biệt tại thành phố New York trong thập niên 1950.
Cả Cate Blanchett và Rooney Mara đều có cơ hội tranh giải Nữ diễn viên chính xuất sắccủa Tinh thần Độc lập 2016.
Sắm hai vai chính Carol và Therese Belivet, Cate Blanchett và Rooney Mara có tên trong hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc của giải thưởng Tinh thần Độc lập lần thứ 31. Carol lần đầu ra mắt công chúng tại Liên hoan phim Cannes 2015 và được giới phê bình nước Pháp đánh giá rất cao. Tại sự kiện diễn ra hồi tháng 5, Rooney Mara là người được trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhờ bộ phim.
Trong khi đó, Beast of No Nation là bộ phim mang đề tài chiến tranh, theo chân Agu sau khi cậu bé lạc khỏi gia đình trong lúc quê hương rơi vào cảnh nội chiến. Cậu bất đắc dĩ trở thành cỗ máy giết người cho lực lượng phiến quân tại một quốc gia châu Phi không được nêu tên.
Không phải là một diễn viên chuyên nghiệp, nhưng cậu bé 13 tuổi Abraham Attah người Ghana đã chinh phục người xem bằng diễn xuất chân thực, gai góc. Qua đó, cậu được ban tổ chức Tinh thần Độc lập trao cơ hội ở hạng mụcNam diễn viên chính xuất sắc. Ngoài ra, đạo diễn Cary Fukunaga không chỉ có tên ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc, mà còn có cơ hội thắng giải Quay phim xuất sắc với Beasts of No Nation.
Room được giới truyền thông và phê bình Bắc Mỹ đánh giá cao trong thời gian qua. Tuy nhiên, phim lại không có tên ở các hạng mục quan trọng của Tinh thần Độc lập 2016, trừNữ diễn viên chính xuất sắc cho Brie Larson.
Danh sách đề cử giải thưởng Independent Spirit 2016 đem đến bất ngờ khiRoom - tác phẩm độc lập được đánh giá cao của hãng A24, chỉ có tên ở các hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc (cho Brie Larson), Dựng phim và Kịch bản đầu tay xuất sắc.
Phim là câu chuyện về hai mẹ con bị giam giữ trái phép trong suốt 5 năm trời trong một căn phòng kín, trước khi họ quyết định tìm cách thoát ra ngoài. Trong thời gian qua, giới phê bình Bắc Mỹ đánh giá Room rất cao và cho rằng tác phẩm có thể là "ngựa ô" tại Oscar 2016.
Năm ngoái, Birdman là tác phẩm thắng giải Phim truyện xuất sắc của Independent Spirit Awards và sau đó lên ngôi cao nhất tại Oscar 2015. Ba diễn viên cũng giành chiến thắng kép giống như vậy hồi đầu năm là J.K. Simmons (giải Nam phụ với Whiplash), Partricia Arquette (giải Nữ phụ với Boyhood) và Julianne Moore (giải Nữ chính với Still Alice).
Theo truyền thống, lễ trao giải thưởng Tinh thần Độc lập sẽ được trao đúng một ngày trước Oscar, tức 27/2/2016, tại một khu lều lớn ở bãi biển Santa Monica, Mỹ.
Danh sách đề cử giải thưởng điện ảnh Independent Spirit Awards 2016
Phim truyện xuất sắc
Anomalisa
Beasts of No Nation
Carol
Spotlight
Tangerine
Đạo diễn xuất sắc
Sean Baker, Tangerine
Cary Joji Fukunaga, Beasts of No Nation
Todd Haynes, Carol
Charlie Kaufman & Duke Johnson, Anomalisa
Tom McCarthy, Spotlight
David Robert Mitchell, It Follows
Kịch bản xuất sắc
Charlie Kaufman, Anomalisa
Donald Margulies, The End of the Tour
Phyllis Nagy, Carol
Tom McCarthy & Josh Singer, Spotlight
S. Craig Zahler, Bone Tomahawk
Phim đầu tay xuất sắc
The Diary of a Teenage Girl
James White
Manos Sucias
Mediterranea
Songs My Brothers Taught Me
Kịch bản đầu tay xuất sắc
Jesse Andrews, Me and Earl and the Dying Girl
Jonas Carpignano, Mediterranea
Emma Donoghue, Room
Marielle Heller, The Diary of a Teenage Girl
John Magary, Russell Harbaugh, Myna Joseph, The Mend
Nam diễn viên chính xuất sắc
Christopher Abbott, James White
Abraham Attah, Beasts of No Nation
Ben Mendelsohn, Mississippi Grind
Jason Segel, The End of the Tour
Koudous Seihon, Mediterranea
Nữ diễn viên chính xuất sắc
Cate Blanchett, Carol
Brie Larson, Room
Rooney Mara, Carol
Bel Powley, The Diary of a Teenage Girl
Kitana Kiki Rodriguez, Tangerine
Nam diễn viên phụ xuất sắc
Kevin Corrigan, Results
Paul Dano, Love & Mercy
Idris Elba, Beasts of No Nation
Richard Jenkins, Bone Tomahawk
Michael Shannon, 99 Homes
Nữ diễn viên phụ xuất sắc
Robin Bartlett, H.
Marin Ireland, Glass Chin
Jennifer Jason Leigh, Anomalisa
Cynthia Nixon, James White
Mya Taylor, Tangerine
Phim tài liệu xuất sắc
(T)error
Best of Enemies
Heart of a Dog
The Look of Silence
Meru
The Russian Woodpecker
Phim quốc tế xuất sắc
A Pigeon Sat on a Branch Reflecting on Existence (Thụy Điển)
Embrace of the Serpent (Colombia, Venezuela, Argentina)
Girlhood (Pháp)
Mustang (Thổ Nhĩ Kỳ, Đức)
Son of Saul (Hungary)
Quay phim xuất sắc
Beasts of No Nation
Carol
It Follows
Meadlowland
Songs My Brothers Taught Me
Dựng phim xuất sắc
Heaven Knows What
It Follows
Manos Sucias
Room
Spotlight
Giải thưởng John Cassavetes (cho phim có kinh phí dưới 500.000 USD hay nhất)
Advantageous
Christmas, Again
Heaven Knows What
Krisha
Out of My Hand
Theo Zing
4 lý do không thể bỏ qua bộ phim về khủng hoảng tài chính Mỹ Bộ phim hài đen của Hollywood "The Big Short" kể lại cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 trong lòng nước Mỹ và câu chuyện kỳ lạ về những kẻ "ngược dòng" giữa biết bao rối ren ấy. Từ một trong hai sự kiện ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Mỹ thế kỷ XXI Cho đến nay, hai sự kiện được coi là...