Rộng cửa cho nông dân sang Nhật làm việc
Nhật Bản đang có phương án mở rộng việc tiếp nhận lao động người nước ngoài nhằm giải quyết việc thiếu hụt nghiêm trọng lao động trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, đóng tàu… Đây là cơ hội lớn cho lao động Việt Nam.
Hướng đến lao động phổ thông
Nguồn tin của Bộ LĐTBXH Việt Nam cho biết, Nhật Bản đang đứng trước sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng, bởi vậy nước này đã phải sử dụng người lớn tuổi, phụ nữ trong nhiều nhóm ngành công nghệ thông tin, dịch vụ.
Vì vậy, tháng 6 vừa qua, Hội đồng kinh tế và chính sách tài chính của Nhật Bản đã thông qua một loạt chính sách liên quan đến việc tiếp nhận lao động nhập cư. Trong đó, đối tượng điều chỉnh của chính sách này hướng đến các lao động kỹ năng thấp, lao động phổ thông ở một số lĩnh vực thiếu hụt lao động.
Điều dưỡng Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Minh Nguyệt
Chính sách mới sẽ cho phép các thực tập sinh sau khi kết thúc chương trình thực tập kỹ năng 3 năm vẫn có thể tiếp tục ở lại Nhật lấy visa (thị thực) lao động thêm tối đa 5 năm nữa. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết đang xem xét cho phép những người có visa lao động có thể ở lại Nhật vô thời hạn nếu vượt qua các kỳ thi điều kiện trong 5 năm sống tại Nhật. Những người xin cấp visa mới này sẽ phải vượt qua kỳ thi kiểm tra kỹ năng liên quan và đáp ứng trình độ thành thạo tiếng Nhật nhất định để được phê duyệt hồ sơ.
Ngoài việc nới lỏng thời gian lưu trú, chính sách mới còn giảm bớt yêu cầu về ngoại ngữ cho lao động làm trong các ngành xây dựng, nông nghiệp, đánh bắt cá và nhiều ngành “khát” lao động khác. Người lao động không cần thiết phải đạt tới trình độ N4 mà chỉ cần ở mức có thể nghe được những câu hiệu lệnh đơn giản. Dự kiến, tháng 4.2019, các hiệp hội ngành nghề của 5 ngành gồm: Xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, khách sạn và đóng tàu sẽ đưa ra một bài kiểm tra chi tiết của ngành để đánh giá các lao động muốn xin visa việc làm trong ngành đó.
Cùng với việc mở rộng ngành nghề thì tư cách lưu trú của lao động làm trong 18 ngành hiện tại cũng sẽ được nới rộng thêm một bậc để thu hút lao động dễ dàng. Nhật Bản sẽ tăng số lượng người tiếp nhận, nới lỏng điều kiện đánh giá chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế. Một số ngành thiếu nhiều lao động có thể được ưu tiên đầu tiên là nông nghiệp, hộ lý.
Với việc đưa ra những thay đổi trong chính sách nhập cư, mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản hướng tới là đến năm 2025 sẽ thu hút được 500.000 lao động nước ngoài có trình độ tương đối thấp được làm việc tại 5 lĩnh vực nêu trên. Cụ thể, theo tính toán chỉ riêng ngành xây dựng, dự kiến đến năm 2025, Nhật Bản sẽ thiếu hụt khoảng 780.000 – 930.000 lao động; ngành nông nghiệp thiếu hụt 46.000 – 103.000 lao động vào năm 2023. Ngành điều dưỡng kỳ vọng thu hút thêm 1 vạn điều dưỡng nước ngoài mỗi năm.
Ưu đãi lao động nông nghiệp
Theo ông Nguyễn Gia Liêm – Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), năm 2015 Việt Nam chỉ đưa 27.010 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc. Đến năm 2017 có 54.504 lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.
Video đang HOT
Ông Liêm cho biết, trong khi các thị trường khác vẫn có nhu cầu tiếp nhận ổn định, thì nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề. Với việc điều chỉnh chính sách mới cho phép lao động được ở lại làm việc 5 năm, ông Liêm nhận định đây sẽ là cơ hội cho các lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này.
“Bên cạnh việc dành cơ hội cho những lao động phổ thông thì Nhật Bản cũng sẽ có nhiều vị trí làm việc cho những lao động trí thức, tuyển dụng theo chương trình kỹ sư, kỹ thuật viên với nhiều ưu đãi đặc biệt. Đây là những điểm chính làm cho thị trường lao động Nhật Bản sẽ rất sôi động trong thời gian tới” – ông Liêm chia sẻ.
Đặc biệt, thời gian tới Nhật Bản cũng có chính sách khuyến khích tiếp nhận lao động làm trong ngành nông nghiệp như gỡ bỏ lệnh cấm đối với nông dân người nước ngoài tại các khu chiến lược quốc gia đặc biệt và chỉ định ở 3 khu vực là Niigata, Kyoto, Aichi. Việc này nhằm làm giảm thiểu tình trạng thiếu nhân lực trong ngành nông nghiệp do sự già hóa dân số tại các khu vực này.
Không giống như chế độ Thực tập sinh kỹ năng vừa làm vừa học hỏi kỹ thuật hiện nay, chế độ này chỉ tiếp nhận những nhân lực có chuyên môn kinh nghiệm thực tế. Qua thời gian thí điểm, xem xét những thành tích đạt được tại các khu vực này, sẽ triển khai việc tiếp nhận trên toàn quốc.
Theo đó, kể từ năm 2018, các công ty phái cử sẽ bắt đầu ký kết và phái cử nguồn nhân lực chủ yếu đến từ châu Á cho các công ty nông nghiệp. Tuy nhiên, ứng cử viên không chỉ là người có kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp mà cũng cần phải có khả năng tiếng Nhật nhất định.
Thời hạn lưu trú của nông dân làm việc tại Nhật là 3 năm, tuy nhiên, trường hợp làm theo mùa vụ ở những vùng đặc khu, sau khi qua Nhật vẫn có thể làm hơn 3 năm. Ví dụ, họ có thể làm việc tại Nhật khoảng 6 tháng mỗi năm, thời gian còn lại sẽ quay về nước và tự do làm công việc của mình, như vậy có thể đi đi về về trong suốt 6 năm. Mức lương có thể còn cao hơn lương của lao động bản địa.
Theo ông Liêm, ngoài ngành nông nghiệp, lao động giúp việc nhà cũng được cân nhắc vào làm việc tại tỉnh Aichi, Tokyo, Kanangawa… Riêng thành phố Niigata cũng đề xuất việc tiếp nhận nhân lực trong lĩnh vực khách sạn và nhân lực chuyên về truyện tranh, phim hoạt hình, thẩm mỹ viện.
Cần có kỷ luật lao động
Mặc dù Nhật Bản đang rộng cửa tiếp nhận lao động, nhưng theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, thì đây cũng là thách thức lớn buộc người lao động và doanh nghiệp phải khắc phục được những hạn chế trong thời gian vừa qua. Ông Tân bày tỏ: “Thị trường Nhật Bản rộng cửa cho tất cả lao động nước ngoài, nhưng còn tùy thuộc vào khả năng của người lao động. Để cạnh tranh được với các lao động nước khác, lao động Việt Nam cũng phải trang bị kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn nhất định và quan trọng nhất là kỷ cương, kỷ luật lao động”.
Thêm vào đó, Bộ LĐTBXH cũng phải tập trung giám sát, kiểm tra để doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật trong đào tạo và chi phí. Các doanh nghiệp cũng đã tập trung, chú trọng đầu tư nhiều hơn trong việc nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác xuất khẩu lao động. Đồng thời có chiến lược xây dựng thị trường Nhật thành thị trường trọng điểm của Việt Nam.
Ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, cho biết nhu cầu đi làm việc tại Nhật thời gian tới có thể tăng lên ở một số ngành nghề. Đầu tháng 6, Bộ LĐTBXH đã cho phép 6 doanh nghiệp phía Bắc thí điểm tuyển lao động trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Bộ đang đàm phán giảm nhẹ các điều kiện về ngoại ngữ, tăng phúc lợi bằng hoặc cao hơn với người lao động bản xứ. Trong tháng 8, khi đàm phán xong, sẽ mở rộng cho các doanh nghiệp phía Nam.
“Dân số Nhật Bản đang già hóa, ngoài ngành nghề điều dưỡng, hộ lý, tới đây một số nhóm ngành nghề Nhật rất cần lao động và Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt như nông nghiệp, dịch vụ khách sạn, bảo dưỡng nhà cao tầng… Đặc biệt, Bộ sẽ cho phép các tập đoàn nhân sự của Nhật hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu lao động tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin sang làm việc” – ông Diệp nói.
Theo Danviet
XKLĐ tại Hàn Quốc: Tăng hỗ trợ để kêu gọi LĐ về nước đúng hạn
Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, đơn vị này sẽ tổ chức hội nghị đánh giá về các giải pháp tuyên truyền chống bỏ trốn của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Liên quan vấn đề này, phóng viên Báo NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Thưa ông, năm nay chỉ tiêu tuyển dụng của Hàn Quốc dành cho lao động phía Việt Nam là bao nhiêu?
- Trong năm 2018, phía Hàn Quốc có nhu cầu tuyển chọn 7.900 lao động Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã gửi công văn cho các địa phương tiến hành nhận hồ sơ của lao động có nhu cầu thi tiếng Hàn.
LĐ đăng ký dự thi tiếng Hàn tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnn: K.B
Dự kiến kỳ thi tiếng Hàn EPS-TOPIK dành cho lao động Việt Nam có nguyện vọng sang Hàn Quốc làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo sẽ được tổ chức vào tháng 6, và tới tháng 8 sẽ tổ chức kỳ thi trong lĩnh vực ngư nghiệp. Cụ thể sẽ tuyển khoảng 6.300 lao động lĩnh vực sản xuất chế tạo và 1.300 lao động trong lĩnh vực ngư nghiệp.
Tuy nhiên, năm nay sẽ có 49 quận/huyện trong cả nước bị dừng tuyển chọn do có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao.
Thỏa thuận MOU mới được Hàn Quốc và Việt Nam ký kết có điểm mới nào đáng chú ý?
- Thỏa thuận MOU được ký vào tháng 3.2018 vừa qua có được nhiều điểm mới. Đầu tiên có thể kể tới cách thức tuyển lao động. Thay vì chỉ tuyển qua thi tiếng Hàn thì năm nay phía bạn còn chú trọng vào thi kỹ năng nghề. Do vậy, với những ngành nghề đặc thù như ngư nghiệp, nếu không thi tay nghề thì khả năng lao động sang Hàn Quốc làm việc sẽ bỏ trốn rất nhiều. Sau khi trao đổi, thì phía Hàn Quốc cũng thống nhất thay đổi cách thức tuyển dụng, chú trọng vào việc thi tay nghề với những ngành nghề đặc thù.
Liệu có phải tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn quá cao đang là nguyên khiến Hàn Quốc tuyển lao động dè dặt?
- Đúng là việc có quá đông lao động Việt Nam bỏ trốn trong thời gian qua đã tác động rất lớn tới việc thực hiện chương trình EPS của Việt Nam trong thời gian trước. Cũng vì lý do này mà một thời gian dài chương trình bị gián đoạn, phía bạn cũng tuyển lao động khá dè dặt.
Mặc dù vậy, thời gian gần đây, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đã giảm đáng kể, từ tỷ lệ trên dưới 50% (năm 2000) xuống còn 34% vào thời điểm hiện tại. Nhờ vậy, phía Hàn cũng đã tiếp tục ký thỏa thuận MOU với Việt Nam trong việc tiếp nhận lao động trở lại làm việc.
Thưa ông có ý kiến cho rằng những giải pháp tuyên truyền, chống trốn của chúng ta đang không hiệu quả. Việc dừng tuyển lao động ở 49 quận/huyện trong cả nước là rất bất công với nhiều lao động. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi cho rằng, nhiều năm qua chúng ta đã nỗ lực và làm tốt công tác tuyên truyền. Trong suốt năm 5 năm thực hiện các giải pháp tuyên truyền, ý thức của người dân nói chung và lao động được nâng lên rõ rệt. Lao động hiểu được điều kiện khi tham gia chương trình, tình trạng cò mồi lao động đã không còn. Những năm 2000 - 2012, tỷ lệ lao động bất hợp pháp của Việt Nam luôn trên dưới 50%, đến hiện tại chỉ còn 34%, tức từ khoảng 30.000 xuống dưới 15.000 lao động.
Có được kết quả này là vì chúng ta đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Riêng việc dừng tuyển với lao động một số địa phương, chúng tôi đã có bàn bạc với phía bạn, phía bạn đồng ý và mong muốn chúng ta làm điều này. Tuy nhiên, thời gian tới chúng tôi đang nỗ lực để giảm tỷ lệ quận/huyện bị dừng tuyển.
Tới đây cần phải có thêm giải pháp để giảm tỷ lệ lao động bỏ trốn, thưa ông?
- Thời gian qua chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện một loạt các giải pháp đã ban hành từ năm 2013. Đầu tiên là tiếp tục thực hiện ký quỹ với mức 100 triệu đồng với tất cả lao động đi lần đầu hay đi lần 2. Thứ hai là khi ký hợp động sẽ có những điều kiện ràng buộc lao động. Thứ ba là thực hiện tuyên truyền xuyên suốt cho lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.
Hiện nay chúng ta có nhiều văn phòng, cộng tác viên tuyên truyền trực tiếp cho lao động ở từng khu ở Hàn Quốc giúp lao động về nước đúng hạn. Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc với phía bạn để có các chính sách hỗ trợ cho người lao động yên tâm về nước, bởi tất cả lao động đi làm việc là có thời hạn. Khi hết hạn, lao động cũng rất băn khoăn về cơ hội quay trở lại Hàn Quốc làm việc hoặc tìm việc ở trong nước.
Ngoài tuyên truyền vận động, hai bên phối hợp thực hiện chính sách nhằm chống trốn. Đồng thời phía Việt Nam cũng đang tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho lao động sau khi về nước. Đầu tiên là hỗ trợ cho lao động về nước đúng hạn được quay lại thị trường Hàn Quốc làm việc tiếp. Nếu lao động không có nhu cầu đi làm việc Hàn Quốc, chúng tôi cũng phối hợp với Trung tâm giới thiệu việc làm các địa phương tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm chuyên biệt dành cho lao động EPS về nước.
Đặc biệt, thời gian tới chúng tôi sẽ xem xét lại các giải pháp vận động tuyên truyền, cùng địa phương đưa ra cách làm hay, giải pháp tốt để nhân rộng mô hình nhằm giảm quận huyện bị cấm xuất cảnh xuống dưới 49 quận/huyện như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4 Chung cư, bệnh viện phải mua bảo hiểm cháy nổ; thêm trường hợp được tuyển thẳng vào đại học... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 4. Cơ sở sản xuất ngành xây dựng phải báo cáo việc bảo vệ môi trường Có hiệu lực từ ngày 1/4, thông tư 02 của Bộ Xây dựng quy định về bảo...