Rộn ràng Tết độc lập khắp cả nước
Từ phố huyện vùng cao Mường Lát, Thanh Hóa đến các huyện của Nghệ An, các phố phường của Đà Nẵng, các buôn làng Tây Nguyên…, người dân đều phấn chấn, hồ hởi trong không khí cả nước kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9
Ngay từ sáng sớm ngày 2/9, các ngả đường của thị trấn phố núi Mường Lát, Thanh Hóa rộn ràng cờ hoa, băng rôn, biểu ngữ… Những nam thanh, nữ tú và bà con các dân tộc thiểu số rực rỡ trong bộ trang phục truyền thống tạo cho không khí ngày Tết độc lập nơi đây càng thêm rộn rã.
Mường Lát được biết đến là huyện vùng cao biên giới nằm ở tận cùng phía Tây bắc tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa gần 250km; phía Bắc giáp huyện Xốp Bâu; phía Tây giáp huyện Viêng Xay (Nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) với đường biên giới 110km; phía Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La; phía Đông giáp huyện Quan Hóa. Nơi đây là địa bàn sinh sống của 6 dân tộc anh em như: Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Kinh, Mường.
Ngay từ sáng sớm ngày 2/9, phố huyện Mường Lát đã bắt đầu đông người
Những ngày này, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số từ khắp các bản làng xa xôi cũng hòa chung trong không khí rộn ràng mừng ngày Tết độc lập của dân tộc. Hai bên đường rực rỡ cờ hoa, những ánh mắt, nụ cười hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người, một không khí rộn ràng như khơi bừng sức sống nơi phố huyện vùng cao vốn còn nhiều khó khăn này.
Để được hòa mình vào không khí của ngày Tết độc lập, có những người đến trung tâm huyện từ ngày hôm trước, và cũng có những người từ các bản làng xa xôi dậy từ mờ sáng về trung tâm của huyện để mua sắm, giao lưu và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống…
Bà con từ các bản vùng cao về phố huyện mừng Tết độc lập
Riêng với đồng bào dân tộc Mông, năm nào bà con cũng tổ chức ăn mừng Tết độc lập và đây là một trong 2 cái Tết quan trọng nhất của người Mông. Đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái dân tộc hẹn hò, tìm hiểu nhau trao cho nhau những lời yêu thương. Năm nào cũng vậy, những người phụ nữ Mông chăm chỉ cần cù, may cho mình và gia đình những bộ váy áo truyền thống trước đó gần 1 năm.
Chị Giàng Thị Lúa, ở xã Trung Lý chia sẻ: “Tôi cùng gia đình lên đây trung tâm huyện từ ngày 1/9 để vui Tết độc lập và cùng mua sắm những thứ cần thiết phục vụ sinh hoạt của gia đình. Vui lắm, cả năm mới có một ngày Quốc khánh nên dù bận mấy cũng phải sắp xếp để đưa các con đi chơi nữa chứ”.
Thời tiết tại phố núi Mường Lát trong ngày này rất thuận lợi, càng tăng thêm không khí rộn ràng, vui chơi, mua sắm cho bà con các dân tộc thiểu số nơi đây. Ai ai cũng cảm nhận được không khí của ngày Tết độc lập dân tộc thật rộn ràng, náo nức…
Phố huyện Mường Lát rộn ràng trong không khí mừng Tết độc lập
Các em bé được mẹ đưa đi chơi
Dòng người tấp nập đi chơi Tết độc lập
Tham gia các hoạt động văn hóa
Thời tiết tại huyện Mường Lát rất thuận lợi cho các hoạt động vui chơi
Sáng 2/9, nhiều tuyến phố chính của Đà Nẵng như Bạch Đằng, Nguyễn Văn Linh, Trần Phú… đều khoác một màu đỏ rực của cờ Tổ quốc.
Từ các công sở đến nhà người dân, cờ Tổ quốc tung bay đỏ thắm trong gió. Bên cạnh đó là băng-rôn, khẩu hiệu cũng đỏ rực trên nhiều tuyến phố chính.
Thời tiết ngày Tết Độc lập ở Đà Nẵng thật dễ chịu, trời nắng nhẹ và có gió nên thích hợp cho người dân đi chơi lễ.
Video đang HOT
Đường phố Đà Nẵng cũng vắng hơn ngày thường bởi đa số người dân đều về quê, sum họp với gia đình trong ngày lễ trọng đại của dân tộc.
Trong ngày Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, Đà Nẵng tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng ngày trọng đại này. Sáng ngày 2/9, cuộc đua thuyền truyền thống đã được tổ chức trên sông Hàn. Buổi chiều là chương trình lướt ván trên sông Hàn và buổi tối là chương trình bắn pháo hoa chào mừng ngày Tết Độc lập.
Hình ảnh đường phố Đà Nẵng trong ngày Quốc khánh 2/9:
Đường phố thoáng đoãng trong ngày Tết Độc lập
Chương trình đua thuyền truyền thống trên sông Hàn mừng Ngày Quốc khánh diễn ra vào sáng 2/9
Chương trình đua thuyền truyền thống trên sông Hàn mừng Ngày Quốc khánh diễn ra vào sáng 2/9
Tại Đắk Lắk, tất cả các tuyến phố, những con đường nông thôn mới cho đến những buôn làng đều treo Quốc kỳ. Mọi tuyến đường rợp cờ đỏ sao vàng khiến người dân lại nao nức như được sống lại thời khắc lịch sử cách đây 70 năm.
Ông Nguyễn Văn Nghĩnh (61 tuổi, ngụ TP. Buôn Ma Thuột), xúc động cho biết: “Mỗi năm cứ đến ngày Quốc khánh tôi đều cảm thấy rất bùi ngùi và xúc động, ngày này như để nhắc nhở mọi người dân Việt Nam giữ được sự tự hào của dân tộc và cũng để thế hệ mai sau ý thức được trách nhiệm để bảo vệ dân tộc mãi bền vững”.
Cùng chung tâm trạng vui mừng, ông Y Klốc Êban (74 tuổi, người dân tộc Ê đê) – cho biết, vào ngày Quốc khánh ông đều mang Quốc kỳ ra treo trước cửa nhà, để nhớ về ngày đất nước được độc lập. “Ngày 2/9 là ngày trọng đại nhất của cả nước, tôi vui mừng lắm và cũng nhắc con cái trong nhà cũng phải treo cờ để chung vui với tổ quốc trong ngày này.”, ông Y Klốc nói.
Ông Y Klốc luôn nhắc nhở con cháu phải treo Quốc kỳ trong ngày 2/9
Trước đó, vào chiều ngày 1/9, nhân Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức lễ trao tặng Tượng Bác Hồ cho Trường Đại học Tây Nguyên và thăm, tặng quà đối với lão thành cách mạng Nông Quốc Tuấn (91 tuổi, ngụ huyện Cư Jút, Đắk Nông) – nguyên là cận vệ của Bác Hồ những năm trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã có 70 năm tuổi Đảng.
Tặng quà cho lão thành cách mạng
Tại Đắk Nông đã tổ chức hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh lần thứ 5 – 2015 để chào mừng Kỷ niệm 70 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cũng như chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hội diễn thu hút hơn 500 diễn viên không chuyên của 13 đoàn nghệ thuật quần chúng trong tỉnh tham gia/ Các đoàn đã trình diễn hơn 80 tiết mục gồm nhiều thể loại như ca, múa, kịch… xoay quanh các nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước… Đêm diễn quy tụ nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Trong ngày 2/9, khác với cả nước, công nhân viên chức thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp của tỉnh Đắk Nông vẫn làm việc bình thường và sẽ được bố trí nghỉ bù sau.
Nghệ nhân Thị Ai (xã Đắk Rtih, huyện Tuy Đức) vẫn miệt mài bên khung dệt chia sẻ: “Ngày Quốc khánh dường như ai nấy cũng phấn khích hào hứng hơn ngày thường. Ai nấy cũng mang một niềm vui khó tả lắm, tự hào dân tộc lắm!”.
Nghệ nhân Thị Ai quân quần bên con cháu và kể những câu chuyện đầy tự hào về ngày 2/9
Quốc kỳ được treo long trọng trên khắp mọi nẻo đường TP. Buôn Ma Thuột
Có mặt tại huyện Yên Thành và Diễn Châu, Nghệ An PV Dân trí ghi nhận tại các xã đều tổ chức các hoạt động cắm trại, hát múa tập thể, đồng diễn thể dục, thi nghi thức đội cho các em thiếu niên, nhi đồng.
Thông qua hoạt động này, giáo dục, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho Đoàn viên thanh niên, các em thiếu niên nhi đồng trước khi bước vào năm học mới.
Một số hình ảnh rộn ràng không khí mừng Tết Độc lập ở xứ Nghệ:
Nghi thức rước ảnh Bác Hồ
Nghi thức duyệt đội
Các tiết mục văn nghệ đầy đặc sắc mừng Quốc khánh 2-9.
Hàng ngàn người tham dự lễ mừng Quốc khánh
D. Tuyên – C. Bính – N. Duy- V.Hòa- Diễm – Đ.Cường
Theo Dantri
15 phút bên linh cữu Người và một đời làm theo lời Bác dạy
45 năm sau ngày đứng bên linh cữu Bác Hồ trong ngày Người mất, mỗi khi nhắc lại những giây phút ấy, ông Phú Thang lại dâng trào một niềm xúc động, xót xa...
Mở đầu câu chuyện về những hồi ức, kỷ niệm về Bác Hồ, ông Phạm Phú Thang (82 tuổi) ở thành phố Thanh Hóa đọc hai câu thơ: Mười lăm phút ấy bao la/ Lòng con túc trực bên cha trọn đời.
Ông Phạm Phú Thang bồi hồi khi nghĩ về Bác.
Hai câu thơ trên ông Phạm Phú Thang viết ngày 8/9/1969, đúng vào giây phút ông cùng đoàn đại biểu của tỉnh Thanh Hóa ra viếng Bác Hồ và được đứng trực bên linh cữu của Bác. Đây là hai câu thơ cuối trong bài thơ "Bên linh cữu Bác" của tác giả Phạm Phú Thang.
Kỷ niệm 2 lần gặp Bác Hồ
Nhà thơ Phạm Phú Thang sinh năm 1933, quê ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông rời quê đến mảnh đất xứ Thanh dạy học vào năm 1955 và lập nghiệp tại đây. Trong những năm làm giáo viên, ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ vào năm 1959. Năm đó, ông cùng 1.000 giáo viên toàn miền Bắc đi dự hội nghị "Chỉnh huấn giáo viên toàn miền Bắc" tại trường Bổ túc Công - Nông Trung ương.
Dịp đó, Hội nghị vinh dự đón Bác Hồ về dự. Kỷ niệm được gặp Bác Hồ lần đầu tiên này, ông vẫn còn nhớ như in. Ông kể: "Hôm đó, cả hội trường lớn của trường Bổ túc Công - Nông Trung ương chật kín người. Bác từ cuối hội trường đi lên, mọi người vỗ tay rầm rầm chào mừng Bác. Bác vẫy tay chào mọi người, giọng Bác nhỏ nhẹ, những bước đi rất nhẹ nhàng, chậm rãi khiến ai cũng kính mến Bác.
Hôm đó Bác mặc một chiếc áo bà ba, trên cổ Bác quàng chiếc khăn len, chân Bác đi đôi dép cao su. Trong buổi gặp các giáo viên hôm đó, Bác mở đầu câu chuyện bằng câu hỏi: Ai là người cao tuổi nhất ở đây? Có một anh đứng lên trả lời: Dạ thưa Bác là cháu ạ. Bác hỏi tiếp: Anh đã học "Tam tự kinh" chưa? Anh ấy trả lời là có...
Rồi Bác bắt đầu cùng mọi người đọc từng câu trong cuốn Tam tự kinh: Nhân chi sơ/Tính bản thiện... Giáo bất nghiêm/Sư chi nọa...
Đọc xong Bác dẫn giải ý nghĩa của các câu trên cho mọi người nghe: Cuộc đời mỗi con người khi sinh ra giống như một trang giấy trắng. Thầy cô là những người đầu tiên đặt nền tảng cho con trẻ. Vì thế nhân cách của người thầy phải làm cốt lõi và trong sáng để cho học trò noi theo. Người thầy phải nghiêm thì đào tạo trò mới giỏi...", ông Phú Thang bồi hồ nhớ lại lời dạy của Bác.
Cũng trong hội nghị này, Bác Hồ đã nói hai câu nổi tiếng mà cho tới bây giờ người người đều biết: "Muốn hạnh phúc mười năm phải trồng cây. Muốn hạnh phúc trăm năm phải trồng người". Từ lời nói của Bác, ông Phú Thang đã sáng tác hai câu thơ làm kim chỉ nam cho cuộc đời làm giáo viên của mình: Mười năm tính chuyện trồng cây/ Muốn trăm năm phải khéo tay trồng người.
Trong ngày Tết Độc lập, ông Phạm Phú Thang tìm lại những bài thơ kỷ niệm mình đã viết về Bác Hồ.
Kỷ niệm lần thứ hai ông được gặp Bác là vào năm 1961, lúc này Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ 2. Trong buổi diễn văn nghệ chào mừng Bác Hồ ở hội trường 25B của tỉnh Thanh Hóa, ông cùng hàng nghìn người dân xứ Thanh đã được gặp Bác. Bác vẫn giản dị với bộ quần áo ấy, đôi dép cao su ấy... chẳng khác gì lần gặp đầu tiên.
Mười lăm phút và cả cuộc đời
Năm 1962, ông Phú Thang nghỉ dạy học, chuyển về làm biên tập tại tạp chí Người bạn văn hóa (tạp chí Xứ Thanh ngày nay) của Ty Văn Hóa (Sở VH-TT&DL Thanh Hóa ngày nay). Năm 1969, nghe tin Bác Hồ mất, trong lòng ông tiếc thương vô hạn.
Một điều vô cùng bất ngờ với ông là vào sáng ngày 5/9/1969, khi ông đang làm việc thì nhận được tin báo ông là một trong những người đại diện cho lớp văn nghệ sĩ ở Thanh Hóa ra Hà Nội dự lễ tang Bác.
"Lúc này, tôi rất xúc động bồi hồi như hai lần trước mỗi khi được gặp Bác. Nhưng tôi cũng rất buồn, vì lần này khác hai lần trước là ra viếng Bác, gặp Bác lần cuối cùng khi Bác đã đi xa, không được nghe Bác trò chuyện nữa. Nhưng tôi vẫn mong sao giấy phút được ra gặp Bác đến thật nhanh", ông Phú Thang nghẹn ngào kể.
Ngay trong chiều tối ngày 5/9/1969, Đoàn đi dự lễ tang Bác Hồ của Thanh Hóa lên đường ra Hà Nội. Trong đoàn đi có các vị lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, một số ban ngành và những tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, chiến đấu được Bác Hồ gửi thư khen tặng.
"Tôi vinh dự và tự hào, bản thân sinh ra ở Quảng Bình, lập nghiệp ở Thanh Hóa nhưng lại được đại diện cho hơn 2 triệu người dân Thanh Hóa ra viếng Bác trong ngày đại tang. Là những người đại diện dâng lên Bác những tấm lòng của người dân Thanh Hóa khiến ai trong đoàn đi cũng bồi hồi xao xuyến nhưng vẫn mang một nối buồn vô hạn", ông tâm sự.
Tối ngày 8/9, đoàn Thanh Hóa được đến túc trực bên linh cữu của Bác. Đêm hôm đó, từ 23h45 ngày 8/9 - 0h ngày 9/9 là đoàn của ông được đứng trực bên linh cữu của Bác. Vì là đoàn cuối cùng trong ngày nên đoàn của ông Thang may mắn được đứng cạnh Bác thời gian nhiều hơn (15 phút so với các đoàn khác là 6 phút).
Những câu đầu trong bài thơ "Bên linh cữu Bác" do tác giả Phú Thang sáng tác khi đứng trực bên linh cữu Bác.
Giây phút đứng cạnh trực linh cữu Bác cho đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại, người ông lại run lên xúc động. Ông Phú Thang nhớ lại: "Tôi được nhìn thấy hình hài của Bác, hai tay Bác đặt trên bụng, hai chân duỗi thẳng, đôi bàn chân Bác vẫn đi đôi dép cao su. Trong tiềm thức của tôi nghĩ, Bác đang nằm ngủ một giấc ngủ vĩnh hằng, Bác vẫn đang dõi theo đồng bào cả nước".
Với ông Phú Thang, 15 phút bên linh cữu Bác khi người đã mất là cả một vinh dự và tự hào lớn lao. Chỉ 15 phút ngắn ngủi nhưng đã thôi thúc ông cả phần đời còn lại phải làm theo tấm gương của Bác.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trực bên linh cữu Bác Hồ, đêm hôm đó (8/9), ông đã hoàn thành bài thơ "Bên linh cữu Bác", nói lên nỗi lòng của hàng triệu người dân xứ Thanh dâng lên Bác Hồ ngày Bác đi xa; cũng như quyết tâm hoàn thành tốt mọi lời dặn của Người...
Sau này, ông có nhiều lần ra Hà Nội vào lăng viếng Bác. Với ông, lần nào cũng vẹn nguyên nỗi xúc động như cái đêm 8/9 năm ấy...
Thái Bá
Theo Dantri
Mai vàng nở trên khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp dịp 2/9 Có mặt tại Vũng Chùa - Đảo Yến vào dịp Tết Độc lập năm nay, hàng ngàn du khách vào viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp thực sự bất ngờ khi hai cây mai vàng trong khuôn viên khu mộ bỗng nhiên nở rộ. Nhân kỉ niệm 70 năm ngày Quốc Khánh 2/9, hàng ngàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc...