Rộn ràng bán đồ ăn tự chế
Tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đang làm việc tại một ngân hàng ở thủ đô nhưng Q.Đ bất ngờ nghỉ việc, cùng với một người bạn mở quán bán thức ăn do chính cô làm đầu bếp. Câu chuyện của Q.Đ khá điển hình cho một xu hướng mới của bạn gái hiện nay: Kinh doanh đồ ăn tự chế biến.
Bé Bống khởi nghiệp từ khi 7 tuổi với món chè bưởi
Đừng nghĩ chỉ những mẹ bỉm sữa do thói quen làm bạn với bếp núc, lại muốn có thêm thu nhập mới nghĩ đến chuyện kinh doanh món ăn tự làm. Đây còn là mảnh đất được nhiều bạn nữ lựa chọn. Có những bạn nữ khó khăn trong tìm việc làm, quay ra bán đồ ăn. Như bà mẹ đơn thân lấy nick name Cô Cô bán chân gà sả tắc nuôi con trai nhỏ ăn học. Vì nguồn thực phẩm an toàn, giá cả phải chăng nên đồ ăn của cô luôn cháy hàng.
Nhưng không ít bạn trẻ có bằng cấp, đã tìm được việc làm ổn định như Q. Đ vẫn quyết định bỏ tất cả, để khởi nghiệp bằng kinh doanh đồ ăn tự chế biến. Q.Đ chưa từng kinh qua khóa học nấu ăn bài bản nào. Cô chia sẻ với chúng tôi, vì tham gia nhiều hội thích nấu ăn trên mạng xã hội nên học được rất nhiều công thức nấu nướng. Sau đó, cô tự làm tại nhà rồi tìm ra công thức của riêng mình. Hiện nay, cô thuê một cửa hàng bán cơm gà dành cho dân văn phòng: “Không phải cơm gà Hội An, mà cơm gà “made by me”, với nước sốt không lẫn đâu được”, Q. Đ khoe. Quán của cô còn bán bánh cuốn Cao Bằng vào buổi sáng. Không thuê nhân viên, cô gái trẻ tự ngồi tráng bánh cuốn phục vụ “thượng đế”.
Khởi nghiệp không đợi tuổi
Nhưng không phải ai muốn kinh doanh cũng đủ điều kiện tài chính để mở cửa hàng. Song so với việc sở hữu một cửa hàng ở mặt đất thì sở hữu một cửa hàng online dễ dàng hơn nhiều. Việt Nam đứng thứ 7 trong top 10 quốc gia sử dụng facebook nhiều nhất thế giới, theo bảng xếp hạng năm 2017. Đây là cơ hội thuận lợi để những người trẻ thiếu vốn trải nghiệm buôn bán. Ngay cả những đứa trẻ cũng có thể làm chủ một cửa hàng online, trong sự kiểm soát của cha mẹ. Câu chuyện khởi nghiệp được nhiều người nhắc đến để minh chứng: Khởi nghiệp không đợi tuổi, chính là chuyện của bé Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc (sinh năm 2007, tại Tuyên Quang) có tên gọi ở nhà là Bống.
Bống khởi nghiệp từ năm 7 tuổi với món chè bưởi tự nấu. Duyên khởi nghiệp như sau: Khi học lớp 2, được ăn chè bưởi ở nhà hàng, bé rất thích vì cảm nhận hương vị chè bưởi thật đặc biệt. Vì thế, bé Bống tìm tòi học nấu chè bưởi từ công thức trên mạng. Qua khoảng 15 lần thất bại, cô bé đã thành công, có thể nấu chè ngon như ở nhà hàng. Từ đó, Bống nghĩ đến chuyện kinh doanh chè bưởi. Ban đầu lượng khách hàng khiêm tốn, loanh quanh hàng xóm, đồng nghiệp của bố mẹ. Sau khi quán chè bưởi online hình thành, lượng khách hàng tăng lên đáng kể, ngày ít khách cũng bán được 50 cốc chè, ngày lễ bán được 400 cốc chè, mỗi cốc giá 8 ngàn đồng.
Theo chia sẻ của Bống với báo chí thì bán chè không ảnh hưởng đến việc học tập, cô bé vẫn tham gia đầy đủ các buổi học chính khóa, thành tích học tập tốt, vẫn học thêm tiếng Anh, vẫn học võ vào cuối tuần, tham gia các hoạt động thiện nguyện…
Video đang HOT
Bé Bống với nhà báo Lại Văn Sâm trong một chương trình truyền hình. Ảnh: Internet
Đương nhiên, cô bé bận bịu hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Sau thời gian dành cho học tập, Bống vào vai cô chủ nhỏ, không chỉ bán chè, Bống còn bán sách, bán đồ chơi nên phải tranh thủ chụp ảnh các mặt hàng để đăng lên trang, tìm nguồn hàng, viết quảng cáo… rồi đọc những cuốn sách về các doanh nhân nổi tiếng để mở rộng tầm mắt… Nhờ khởi nghiệp thuận buồm xuôi gió, bé Bống đã tự lập kinh tế từ khi mới học lớp 2. Bé cũng tự thưởng cho mình một số món đồ đắt tiền, thí dụ mua đôi giày 1,9 triệu đồng, tự mua laptop v.v..
“Cao lương mĩ vị” thua ngon, lạ, rẻ ?
Những người khởi nghiệp bằng kinh doanh thức ăn tự chế biến phần đa là những người yêu công việc bếp núc. Bởi nếu nhảy vào lãnh địa này chỉ nhằm mục đích kiếm tiền, ắt sẽ thất bại. Bé Bống trong câu chuyện trên không chỉ biết nấu món chè bưởi mà có khả năng làm nhiều món ngon khác như gà xé phay, tôm chiên xù, mì Ý, sườn xào chua ngọt.
Nhưng biết nấu ăn và có khả năng nấu ăn ngon cũng chỉ là một trong những điều kiện cần thiết để dẫn đến thành công khi kinh doanh ẩm thực tự chế biến. Yếu tố bình dân, mới lạ sẽ giúp món ăn có sức cạnh tranh trên thị trường ẩm thực phong phú như hiện nay. Thí dụ chè bưởi vốn là một món ăn tráng miệng phổ biến ở miền Tây Nam Bộ, nhất là Cần Thơ nhưng vẫn là món ăn ít phổ biến tại một tỉnh vùng cao như Tuyên Quang. Chè bưởi của bé Bống ăn khách một phần cũng nhờ yếu tố lạ miệng.
Hay như câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi 60 của cụ bà Nguyễn Thị Vân, người tiên phong bán thạch dừa đầu tiên ở Hà Nội cũng vậy. Khoảng 15 năm về trước, trong một lần vào Sài Gòn chơi với con bà đã thử làm thạch dừa, được nhiều người khen ngon nên quyết định bán thạch dừa tại Sài Gòn. Sau một thời gian, bà ra Hà Nội, tiếp tục bán món ăn tự sáng tạo này, khi đó ở Hà Nội chưa ai làm thạch dừa. Vài năm sau, nhiều thực khách biết tiếng, cửa hàng của bà bước vào thời kỳ cực thịnh, có khi bán được cả ngàn quả dừa một ngày, bận rộn đến mức không kịp ăn cơm, trong khi đã có đến 5-6 người phục vụ. Hiện nay, món thạch dừa không còn độc, lạ ở thủ đô thì quán của bà cũng giảm nhiệt hơn trước.
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh ẩm thực đã không ngại mang đặc sản quê ra thành phố thi thố. Trở lại câu chuyện của bạn trẻ Q.Đ. Cô là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng, sau đó theo gia đình chuyển về thủ đô. Lựa chọn kinh doanh món bánh cuốn Cao Bằng đã được cô suy nghĩ từ lâu. Bởi đây là món ăn mới lạ, đang chứng tỏ sức hút với người thành phố.
Đừng ngại hạ “cái tôi”
Kinh doanh món ăn tự chế biến vất vả tứ bề: Vừa làm đầu bếp, vừa lo lãi lời. Từ ngày bỏ công việc ở ngân hàng, mở quán bán hàng, Q.Đ thành người khác, cô đi ngủ sớm để sáng dậy sớm đến quán chuẩn bị tráng bánh cuốn phục vụ khách. Ngày nào cũng một lịch trình như vậy, dịp cuối tuần càng bận rộn hơn. Với một người trẻ chưa lập gia đình thì lựa chọn khởi nghiệp của Q.Đ là một thách thức. Cô không còn thời gian để rong chơi hoặc đi tìm “một nửa”.
Trong khi nhiều bạn trẻ chạy theo xu hướng sống ảo, cố gắng khoe cuộc sống tươi đẹp trên mạng xã hội thì những bạn trẻ như Q.Đ lúi húi với bếp núc, bán buôn, để lộ cuộc sống chân thực, không chút màu mè. Muốn khởi nghiệp bằng kinh doanh món ăn tự chế biến trước hết cần “hạ “cái tôi” xuống mức thấp nhất”, Q.Đ thú nhận. Nhưng cô không có ý định quay trở lại công việc của một viên chức, cô thích lựa chọn hiện nay. Vì nó thỏa mãn sở thích nấu ăn của cô, giúp cô có những trải nghiệm, biết đâu lại có cơ hội để đổi đời?
Người trẻ bây giờ không muốn đứng yên, không bằng lòng với đồng lương ít ỏi, không che giấu khát vọng làm giàu. Như cô bé Bống bán chè đã trải lòng một cách thành thật trên một trang báo về ý nghĩa của tiền bạc đối với mình: “Nếu mọi người có nhiều tiền thì mọi việc sẽ tốt hơn, bệnh viện trường học sẽ đẹp hơn, chắc chắn cuộc sống sẽ hạnh phúc vui vẻ hơn. Em nghĩ điều quan trọng là phải kiếm tiền chân chính, vì vậy em luôn mong muốn trở nên giàu có”.
ĐÀO NGUYÊN
Theo Laodong
Bỏ ngỏ lao động ngư phủ
Cuối tháng 7, Trịnh Hoài T và Danh Thanh H cùng ngụ tại huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng đến Bạc Liêu. Ăn nhậu thả ga với bạn bè, cuối cùng cả hai trở thành con nợ.
Ngư phủ. Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Một chủ quán nhậu giới thiệu T và H đi "làm cá" tại Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu để vừa có tiền trả nợ, vừa có thu nhập hằng tháng từ 5 - 7 triệu đồng. T là người tâm thần, tưởng vậy là thật. Nào ngờ bước đường đổi đời của cả hai là những ngày tháng hãi hùng nơi biển cả.
Sự việc đến mức gia đình phải nhờ công an địa phương can thiệp hai ngư phủ bất đắc dĩ mới được về nhà. Câu chuyện trên là một trong rất nhiều trường hợp thanh niên Miền Tây Nam Bộ, rơi vào đường dây cung cấp lao động cho các chủ tàu cá. Người lao động làm ngư phủ không ai được đào tạo; không có tổ chức nào bảo vệ; lao động trong môi trường khắc nghiệt...
Chính vì thế hàng loạt đường dây "cò" ngư phủ xuất hiện một cách công khai để lắp vào chỗ trống tuyển dụng lao động này.
Đã có không ít những điều tiếng về những ngư phủ làm việc trên các chuyến tàu sau khi cặp bến. Đó là những "Việt kiều biển" khi cặp bến họ có "ba cọc ba đồng" nướng hết vào những quán nhậu, những tụ điểm ăn chơi. Chơi sang đến mức mà Việt kiều cũng phải nể.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách khách quan cho các ngư phủ là họ sống lênh đênh trên mặt biển từ 3 - 6 tháng trời không thấy đâu là bờ, bến. Những chàng trai 6 tháng trời chưa thấy "một bóng hồng", khi lên bờ rủng rỉnh vài triệu đồng cho chơi hết cũng là điều dễ hiểu.
"Tiên trách kỷ hậu trách nhân". Câu ông bà đã đúc kết. Trước khi trách những đối tượng "cò" ngư phủ, trách những chủ tàu bất chấp những quy định để tìm ngư phủ, cần phải nhìn nhận rằng hiện tại chưa có tổ chức nào đào tạo ngư phủ. Trong khi đó, các chủ tàu cá lại đang khổ sở với việc tìm ngư phủ (có nơi gọi là bạn ghe) do thiếu người.
Ngư phủ đã là một nghề như bao nhiêu nghề khác. Đó là thực tế. Nhưng có thực tế đắng lòng hơn là nghề này chưa có ai đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều người trong độ tuổi LĐ bỏ làng quê để đi Bình Dương, TPHCM làm công nhân.
Làm ngư phủ với thời gian 3 - 6 tháng để có 30 - 40 triệu đồng liệu có cao so với công nhân? Đã đến lúc cần quan tâm đến nhu cầu lao động trên biển, cùng các quyền lợi của họ như một lao động trên đất liền.
NHẬT HỒ
Theo LĐO
Đường phố TP.HCM tắc cứng sau lễ Quốc khánh 2/9 Sau 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, người dân ở các tỉnh miền Tây Nam bộ và các tỉnh lân cận đã đội mưa ùn ùn đổ về TP.HCM để trở lại làm việc. Chiều 3/9, hàng nghìn người dân từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận đã mang theo đồ đạc lỉnh kỉnh ùn ùn...