Rợn mình với phim kinh dị về dân nhập cư: Quỷ dữ hiện hình từ nỗi đau thực tại, câu chuyện về cái nghèo đáng xem nhất sau Ròm
Phim kinh dị Nhà Của Hắn với chủ đề người nhập cư đã thêu chặt sự rối ren, bất ổn của xã hội vào những con quỷ kinh hoàng.
Bài viết không tiết lộ nội dung phim!
Chỉ vừa mới được ra mắt, bộ phim kinh dị Nhà Của Hắn (tựa gốc: His House) đã chứng tỏ khả năng của mình khi thu hút rất nhiều sự chú ý của khán giả trên Netflix. Tác phẩm đầu tay của đạo diễn Remi Weekes cũng được đánh giá số điểm 100% tròn trĩnh trên hệ thống Rotten Tomatoes, nhận về vô số lời ca ngợi ở cả cách làm phim rùng rợn cho đến nội dung sâu sắc, ám ảnh về cuộc sống của những người dân nhập cư.
Nếu như Get Out hay Us – 2 bộ phim kinh dị có nhân vật chính là người da đen từng khiến khán giả phải khiếp sợ với thông điệp xã hội thấm đẫm trong những chi tiết kinh dị, thì Nhà Của Hắn cũng mang phong cách tương tự. Bộ phim kể về một cặp đôi người Nam Sudan vất vả vượt biên, vượt biển để đến được Luân Đôn bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, họ lại bị hành trong nỗi ám ảnh, tội lỗi về sinh mạng của đứa con gái nhỏ bị tước đi trên thuyền.
Poster của bộ phim
Với bối cảnh chật hẹp, tù túng và bẩn thỉu của một căn nhà trợ cấp xã hội ở vùng hẻo lánh trong thành phố, các nhân vật chính của phim loay hoay giữa những giằng xé: phải xóa bỏ quá khứ của mình để thích nghi cùng cuộc sống mới, hay phải nhìn lại về cội nguồn và chấp nhận rằng có những thứ mãi mãi không dành cho mình? Nhà Của Hắn không những khiến khán giả phải đau tim với những bóng ma, hồn quỷ mà còn là sự phản ánh mạnh mẽ của nỗi đau, sự dằn vặt của những sinh mệnh kém may mắn trong thế giới này.
Câu chuyện của những mạng người thấp bé trong xã hội quay quắt tìm đường sinh tồn
Nỗi sợ hãi trong Nhà Của Hắn không xuất phát từ một căn nhà ma ám, hay một kẻ ác nhân ác độc nào đó rình mò để đoạt mạng người. Thay vào đó, khán giả sẽ đi cùng nhịp tâm lý của nhân vật để cảm nhận “con quỷ” xuất phát từ sự dày vò, đau đớn cùng cực của những người có thể nói là dưới đáy xã hội, sống mòn vào đồng tiền trợ cấp và bị coi như kẻ “ăn mày nền văn minh” không hơn không kém.
Chính vì vậy, sự đáng sợ của phim có phần dai dẳng, đeo bám hơn những “hồn ma bóng quế” lờ đờ ở góc nhà trong các bộ phim kinh dị khác. Mỗi hồn ma trong phim đều là nạn nhân, và sự độc ác của chúng cũng được nuôi dưỡng bởi sự ăn năn, hối hận của cặp đôi nhân vật chính. Cặp đôi ấy không phải những người ác độc, nhưng họ đã phải nhắm mắt mà đạp lên mạng sống của người khác để với tay được đến sự sinh tồn cho bản thân mình. Số phận sinh ra giữa chiến tranh, loạn lạc không chấp nhận cho tất cả cùng được sống, và kẻ sống thì quay quắt nhìn vào cái chết của những người lẽ ra đã có thể được hít thở thay vì mình.
Bộ phim chịu khó tìm hiểu và lồng ghép những thần thoại ma quỷ của người châu Phi vào câu chuyện chính, và điều này cũng khiến khán giả phải sợ thót tim. Dù đã rời bỏ đất nước Nam Sudan, cặp đôi trong phim vẫn bị đày đọa bởi con quỷ đến từ cội nguồn của mình. Một người tìm cách rũ bỏ, một người ráo hoảnh nhìn về quê hương. Nhưng cả hai đều bị khóa chặt trong chiếc lồng của quá khứ.
Nội dung Nhà Của Hắn không được sắp xếp gọn gàng theo trình tự thời gian. Thay vào đó, người xem sẽ bóc tách câu chuyện theo đúng từng mảng ký ức của nhân vật. Nếu như ban đầu, phim có phần hơi lộn xộn, nhảy qua nhảy lại giữa nhiều phân đoạn thì đến gần cuối phim, tất cả sẽ vỡ òa và câu chuyện bất ngờ trong Nhà Của Hắn sẽ càng như một con dao sắc lẹm để cứa vào cảm xúc của người xem.
Những kinh hoàng của thực tại, của xã hội được thêu chặt vào cốt chuyện
Thưởng thức Nhà Của Hắn không phải là một trải nghiệm thư thái. Các nhân vật chính, vừa là người da đen vừa là dân nhập cư trái phép, phải chịu đựng sự ghét bỏ, thù hằn từ cả chính quyền cho tới những đứa trẻ bản địa cùng màu da. Họ cắn răng chấp nhận sự độc đoán ấy vì không có cách nào khác. Chọn danh dự hay chọn mạng sống? Những con người ở tầng lớp này không có tiếng nói, không có quyền và hẳn nhiên là không được coi trọng bởi bất kỳ ai.
Với những người đưa ra quan điểm: “Ai bắt người ta phải nhập cư trái phép?”, thì Nhà Của Hắn cũng đưa ra câu trả lời. Khi được sinh sống ở một xã hội không có chiến tranh, chúng ta dễ quên đi sự đáng quý, đắt đỏ của hòa bình. Ở một đất nước xa xôi nào đó, vẫn có những cuộc bạo loạn, xả súng tàn sát người dân diễn ra, và họ chẳng còn cách nào khác để có thể sinh tồn ngoài vượt biên, chòng chành trên biển cả để chạm đến bờ một xứ “thiên đường” xa lạ được tô vẽ trong trí tưởng tượng. Tất cả được thể hiện đầy xót xa trong Nhà Của Hắn, và đó cũng là thứ gây ra thảm kịch còn mãi gặm nhấm tâm trí của hai nhân vật chính.
Cặp đôi diễn viên chính xứng đáng nhận được sự tán thưởng với phần thể hiện ám ảnh
Hai ngôi sao của phim là Wunmi Mosaku và Sope Dirisu đều xứng đáng nhận được sự tán dương nhờ phần thể hiện của mình. “Cặp vợ chồng trẻ” đã từng có kinh nghiệm diễn xuất, nhưng có lẽ phải đến Nhà Của Hắn thì họ mới thực được đưa ra ánh hào quang. Từng biểu cảm, từng động tác của hai ngôi sao đều vẽ nên những nhân vật xa lạ với thế giới mới, bị đẩy vào là do không có lựa chọn nào khác. Trong khi một người vội vã tìm cách thích nghi thì người khi đau đáu nỗi đau còn đó, đến mức quên mất cả thực tại.
Câu chuyện càng được triển khai sâu hơn thì khán giả càng phải ngưỡng mộ diễn xuất của hai gương mặt này. Để có thể thực sự chiêm nghiệm khả năng của họ, có lẽ khán giả phải tự mình xem phim.
Tạm kết
Ghê rợn, giật gân và ám ảnh là những cảm giác Nhà Của Hắn mang lại trong quá trình xem phim. Thế nhưng, khi phim kết thúc cũng là thời điểm người xem cảm nhận được sự chông chênh, đau đớn của những mảnh đời bất hạnh sinh ra giữa chiến tranh. Bộ phim kết hợp hoàn hảo những vấn đề nóng của xã hội với tình tiết kinh hoàng siêu nhiên của phim kinh dị đại chúng, khiến nỗi sợ trở nên có ý nghĩa và dai dẳng hơn rất nhiều.
Trailer phim Nhà Của Hắn (His House)
Nhà Của Hắn hiện đã lên sóng từ ngày 30/10.
ANTEBELLUM: Bẫy thực tại ấn tượng đấy nhưng kinh dị chỗ nào?
Bộ phim kinh dị Antebellum sở hữu ý tưởng mới lạ và nhiều ý nghĩa về người da màu nhưng cách triển khai lại kém hiệu quả.
(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Bạn hãy cân nhắc trước khi đọc nhé!)
Những năm qua, Jordan Peele đã cho ra mắt liên tiếp hai tác phẩm kinh dị-giật gân rất ấn tượng để nói lên sự bất công mà người da màu phải gánh chịu trong xã hội hiện đại là Get Out (2017) và Us (2019). Antebellum (Tựa Việt: Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng) có sự góp mặt của nhà sản xuất Sean McKittrick từ hai tác phẩm trên. Tuy nhiên, phim chỉ mạnh về mặt thông điệp do thiếu bàn tay của vị đạo diễn từng đoạt giải Oscar.
Nội dung Antebellum lấy bối cảnh Nội chiến Hoa Kỳ với Eden (Janelle Monáe) là một nô lệ da đen thuộc Liên quân miền Nam. Tại đây, cô phải lao động trên cánh đồng bông do Đại úy Casper (Jack Huston) quản lý và bị đối xử một cách tệ bạc. Họ phải phục vụ mọi nhu cầu của quân lính và không được lên tiếng nếu chưa được hỏi.
Chuyển đến thời hiện tại, Veronica Henley cũng do Janelle Monáe thủ vai là một nhà hoạt động chính trị vì quyền lợi của phụ nữa da màu nổi tiếng. Cô có sự nghiệp thành công, cuộc sống hạnh phúc bên cạnh chồng và con gái. Tuy nhiên, vì bất đồng chính kiến với một nam Nghị sĩ da trắng nên Veronica bị rơi vào tầm ngắm. Hai bối cảnh và mốc thời gian có sự liên kết để dẫn đến cái kết bất ngờ.
Thông điệp ấn tượng về sự phân biệt chủng tộc giữa lòng nước Mỹ
Những bộ phim để nói về số phận của người da màu tại Hollywood là không mới, đơn cử như 12 Years a Slave (2013) từng thắng Oscar giòn giã. Tuy nhiên, ở Antebellum có sự kết hợp giữa quá khứ và hiện đại để nói lên những gì đã và vẫn đang âm ỉ trong lòng nước Mỹ. Ở thời kỳ nội chiến, họ bị đối sử không khác gì thú vật, không được mở lời với chủ nô khi chưa được phép, thậm chí cũng chẳng được nói chuyện với nhau.
Antebellum mở đầu ấn tượng với bối cảnh Nội chiến Hoa Kỳ
Nam giới thì buộc phải làm việc nặng nhọc từ sáng đến đêm khuya và ăn đòn tùy sở thích của chủ nô. Trong khi đó, số phận của nữ giới càng thê thảm hơn khi vừa phải làm việc vừa phải phục vụ nhu cầu ham muốn của lính tráng. Nếu họ mang thai thì đó sẽ là một cực hình. Mọi hành động trái lời chỉ không vừa ý chủ nô sẽ dẫn đến loạt hình phạt đau đớn và vô nhân tính.
Phim nói lên được nỗi đau của người da màu qua hàng trăm năm
Dù Liên bang miền Bắc thắng trận và loại bỏ chế độ nô lệ, sự phân biệt chủng tộc vẫn kéo dài dai dẳng cho đến hiện tại. Chỉ cách đây vài chục năm thôi, người da màu còn không được phép đi học hay ngồi vào quán ăn "dành riêng" cho da trắng. Chính những nỗi đau đó khiến họ sinh ra tâm lý phản kháng hay "dữ dằn" vì sợ lại phải rơi vào sự thiệt thòi khi xưa.
Ấy vậy mà trong Antebellum, một bộ phận người da trắng ở thời điểm hiện tại vẫn giữ tư tưởng bài trừ khủng khiếp. Chúng mong mỏi sự phân biệt đối xử từ thời Nội chiến hay chế độ nô lệ quay trở lại chỉ để có thể làm bất kì những gì mình thích lên người da màu. Bộ phim đã cho người xem thấy sự thật bên trong lòng nước Mỹ và những suy nghĩ kì thị ăn sâu đến mức nhói lòng.
Nội dung triển khai nghèo nàn và dễ đoán, ai mà mắc mưu để rơi vào bẫy cho nổi?
Dù mang nhiều ý nghĩa, Antebellum lại khó lòng trở thành một Get Out hay Usthứ hai vì nội dung tương đối dễ đoán. Ngay từ giữa phim, người xem đã lờ mờ nhận thấy tác phẩm có gì đó tương đồng với loạt phim Westworld hay Dark City (1998) năm xưa. Song, bộ phim lại không thể tận dụng tốt ý tưởng này bởi một kịch bản vô cùng lan man.
Antebellum quá lan man khi khai thác cuộc sống của Veronica
Phim dành quá nhiều thời lượng cho bối cảnh hiện đại của Veronica với hàng loạt tình tiết chẳng hề liên quan. Thay vì tập trung vào thời gian Nội chiến và cài cắm các tiết bí ẩn, khó hiểu thì Antebellum lại như hai mảnh ghép hoàn toàn riêng lẻ với chút ít kết nối vào đoạn cuối. Dù muốn thể hiện cuộc sống hoàn hảo và bình thường như bao người của Veronica, đạo diễn Gerard Bush lại làm quá dài dòng đến mức khán giả quên luôn nội dung trước đó hay chẳng đủ kiên nhẫn để chờ xem cái gì đang diễn ra.
Cảnh hù dọa trong phim khá nhạt nhẽo và lỗi thời
Yếu tố kinh dị - giật gân cũng chẳng được hiển thị rõ ràng. Cụ thể, Antebellum không mang đến bất kì cảnh kịch tính hay hù dọa nào. Biểu cảm của các nhân vật đều vô cùng bình thường, không tạo được cảm giác lạnh xương sống cho người xem. Những gì mà tác phẩm này có chỉ là phần âm nhạc ấn tượng và âm thanh gây giật mình mà thôi. Thậm chí, những đoạn cắt ấn tượng trong trailer cũng không mang đến hiệu quả trong phim.
Bẫy thực tại nhưng chẳng kinh hoàng mấy, Antebellum liệu có đáng xem?
Antebellum chỉ nặng thông điệp mà phô diễn sự yếu ớt đến từ nội dung
Cuối cùng, Antebellum giải quyết mọi mâu thuẫn một cách quá đỗi dễ dàng. Phim để lộ loạt sơ hở về mặt logic và ít nhiều tạo nên cảm giác gượng ép chỉ để nói lên thông điệp mà thôi. Trên thực tế, phim chỉ nên dừng lại ở một tác phẩm tâm lý chứ đừng nên hướng khán giả kỳ vọng theo màu sắc kinh dị - giật gân làm gì. Thế nhưng, đây là một tác phẩm điện ảnh khá ổn, đáng xem trong thời điểm gần đây, cam đoan sẽ khiến bạn phải suy nghĩ khá nhiều sau khi bước chân ra khỏi rạp đấy!
Rợn tóc gáy với 16 phim kinh dị Âu Mỹ siêu ám ảnh, tranh thủ mùa ở nhà "đóng bỉm" cày ngay còn kịp! List phim kinh dị sau đây có thể giúp bạn tận hưởng những giây phút kịch tính, rùng rợn ngay tại nhà mà không cần đi đâu xa trong thời gian tránh dịch này. Nếu đã chán với những bộ phim tình cảm lãng mạn hay những khoảnh khắc đời thường giản dị trong các bộ phim gia đình, tại sao bạn không...