Roma – Kiệt tác hình ảnh của dòng phim nghệ thuật.
Sau kiệt tác Gravity năm 2013 đại thắng ở trường đấu Oscar danh giá, lần này, đạo diễn Alfonso Cuarón tìm về cội nguồn bản thân, về mái nhà thân thương, và tìm lại tình thương vô bờ ông dành những người phụ nữ đã nuôi dạy ông trong mái nhà ấy để tìm lại cảm hứng cho một tác phẩm khác.Từ đó, Roma ra đời.
Từ một kiệt tác về hình ảnh…
Cuarón tạo nhịp điệu và không khí cho Roma ngay từ đầu. Bộ phim chỉ bắt đầu khi đoạn credit kết thúc theo đúng chuẩn điện ảnh, tức là toàn bộ tên của đội ngũ hậu cần phải được chiếu hết. Mở đầu với hình ảnh nước xà phòng được đổ từng đợt lên nền gạch men, rồi những dòng nước vỗ từng hồi, từng hồi như sóng biển. Phản chiếu trên mặt nước là bóng nhỏ xíu của chiếc máy bay bay ngang qua. Mọi thứ thật từ tốn, chậm rãi như một điềm báo rằng Roma là một bộ phim hết sức khiêm tốn. Đồng thời, phân cảnh này còn gợi cho người xem Roma là một phim nghệ thuật sâu sắc và giàu tính biểu tượng.
(Nguồn: Long Room)
Với Roma, màu sắc được coi là một một yếu tố phân tán sự chú ý của khán giả và ảnh hưởng đến cảm nhận của họ với khả năng gợi ý của nó (chẳng hạn như màu đỏ làm ta liên tưởng đến sự giận dữ). Dù được coi là một nhân tố thường được tận dụng để tăng độ chân thật của cảnh quay, ông vẫn lượt bỏ hết thảy, chỉ chừa lại ba gam màu trắng-xám-đen, như một cách để cô đọng con người – chủ thể chính mà ông hướng tới. Những cảm xúc của họ, biểu cảm của họ sẽ làm thay nhiệm vụ của màu sắc. Trên hết, ông muốn truyền đạt cảm xúc chân thật và để khán giả cảm nhận nhân vật, cũng như hồi ức của ông, một cách khách quan nhất có thể, tránh xa khả năng chi phối của màu sắc.
(Nguồn: Netflix)
Cuarón luôn sử dụng những cảnh quay rộng và dài. Ngoài nhân vật chính, cảnh quay luôn bao gồm luôn môi trường xung quanh, những âm thanh mà chúng ta hay gọi là âm thanh nền, và cả những sự kiện ngoài lề đang diễn ra xung quanh những nhân vật. Các cú lia máy từ tốn cũng áp dụng yếu tố trên và không bao giờ lia cận cảnh những chủ thể, tạo một khoảng cách nhất định giữa khán giả và câu truyện. Trên tông nền trắng đen, kết hợp với cách đạo diễn sử dụng ánh sáng và tạo độ tương phản giữa ba gam màu trên, những cảnh phim của Roma trở nên rất nên thơ. Sẽ không có một bộ phim nào khiến thị giác của khán giả được thõa mãn bởi chất “nghệ”, chất “thật” như Roma.
Bên cạnh sự giàu có về mặt nghệ thuật, bộ phim trắng đen này còn có khâu nội dung với những cung bậc cảm xúc sâu lắng qua sự thể hiện xuất thần của Yalitza Aparicio.
… đến một bức tranh mà Cuarón chỉ muốn khắc cốt ghi tâm.
Roma tập trung vào Cléo (Yalitza Aparicio), một nữ giúp việc người bản địa làm việc cho một gia đình người da trắng – Sofia và Antonio – giàu có tại khu Colonia Roma, Mexico. Nhưng mọi người đừng hiểu lầm. Đây không phải là bộ phim về cuộc đấu tranh giữa sắc tộc, giai cấp, hay nữ quyền. Roma không có khía cạnh gai góc nào để lột tả, không có lý tưởng nào để truyền bá. Nó chỉ đơn thuần là một bộ phim để Alfonso Cuarón dành tặng cho một người phụ nữ rất đặc biệt trong đời ông. Đó là một nữ giúp việc đã gắn bó với ông từ thời còn thơ bé. Dựa vào đó, Cléo được hình thành.
Cléo – Yalitza Aparicio (Nguồn: Business Insider)
Cléo lặng lẽ và cần mẫn với công việc: nhặt đồ của lũ trẻ để đem đi giặt, đi rước một đứa trẻ về từ trường, chuẩn bị bữa tối cho bà chủ Sofia và những đứa trẻ, đưa bọn trẻ về phòng, hôn lên trán chúng, hát cho chúng nghe và, thật trìu mến, cô sẽ bảo chúng đi ngủ, về phòng, tập thể dục và đi ngủ. Ngày mai khi mặt trời lên, cô sẽ làm đồ ăn sáng, chuẩn bị đồ đi học cho lũ trẻ và tiễn chúng đến trường. Về sau, ông khắc họa một Cléo nhẹ nhàng, mạnh mẽ với thân hình bỗng tròn lên, và vào một ngày, cô yếu đuối gục khóc như một đứa trẻ.
Alfonso Cuarón không che dấu được những xúc động, hoài niệm, và nỗi nhớ nhung bùi ngùi mỗi khi Cléo lọt vào ống kính. Bằng chứng là ông dành cho nhân vật này những cảnh quay đắt giá nhất, để tâm trạng của cô lèo lái cả bộ phim, và để cả câu truyện của cô bao hàm cả tuyến truyện đại diện cho sự đỗ vỡ của chính cha mẹ ông – được thể hiện qua hai nhân vật Sofia và Antonio.
Một trong những cảnh quay rộng (Nguồn: CNet)
Từ cách di chuyển, hành động, nói năng (cô hay chuyển ngôn ngữ tùy theo đối tượng. Đối với người khác, cô sử dụng quốc ngữ là tiếng Tây Ban Nha, nhưng nói chuyện với đồng hương, cô sử dụng bản ngữ của dân tộc cô là tiếng Mixteco), đạo diễn Cuarón đều không bỏ sót chi tiết nào. Thậm chí, ông khiến khán giả cảm thấy bản thân ông rất nhẫn nại trong những cảnh Cléo làm việc nhà. Lúc ấy, ông như một người con đang dõi theo mẹ làm việc.
Đạo diễn Cuarón đã rất may mắn khi tìm ra một diễn viên như Yalitza Aparicio. Chính ánh mắt biết nói và tài năng diễn xuất tự nhiên, Aparicio đã khiến khán giả cảm nhận được sự đặc biệt của Cléo đối với ông, làm họ cảm nhận được nét chân thật của nhân vật này.
(Nguồn: The Pitt News)
Điều thú vị là Aparicio vốn không phải là một diễn viên. Cô vốn là một cô giáo mang dòng máu Mexico bản địa. Roma là bộ phim đầu tiên cô tham gia cũng như đóng chính. Vậy mà Aparicio đã làm người xem phải đắm chìm vào cách cô thể hiện nhân vật đòi hỏi khả năng diễn xuất nội tâm tinh tế như Cléo. Xem ra, không chỉ mang lại một kiệt tác đỉnh cao về hình ảnh và nghệ thuật quay phim, Alfonso Cuarón còn mang lại cho môn nghệ thuật thứ bảy một viên ngọc thô cực kì quý giá.
Roma nhẹ nhàng. Roma tinh tế. Roma giản dị. Đối với những ai đam mê dòng phim nghệ thuật, nếu không thể cuốn hút bạn với nội dung, thì bộ phim sẽ chiêu đãi bạn một bữa tiệc thị giác thịnh soạn với những kĩ thuật quay phim điêu luyện.
Theo moveek.com
'Bird Box': Khi đôi mắt sáng trở thành tử huyệt
Có được ý tưởng tốt và dàn diễn viên ấn tượng, thế nhưng bộ phim sinh tồn của Netflix - "Bird Box" không làm được gì nhiều ngoài việc bị so sánh với một phim quái vật tương tự trong năm nay là "A Quiet Place".
Với Roma của Alfonso Cuarón và The Ballad of Busker Scruggs từ anh em Coen được đánh giá rất cao gần đây, Netflix đang khiến những studio đình đám nhất cũng phải dè chừng với tagline "một bộ phim gốc của Netflix". Cũng được ra mắt trong tháng 12 đầy "bão tố" là bộ phim sinh tồn rất được mong chờ Bird Box (tạm dịch: Lồng chim) của đạo diễn Susanne Bier cùng sự tham gia của Sandra Bullock. Thế nhưng dù có kha khá ý tưởng hay ho cài cắm, Bird Box vẫn chỉ là hơn 2 tiếng điện ảnh với độ giật gân trung bình.
Trailer phim "Bird Box".
Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Josh Malerman xuất bản năm 2014, bộ phim có mở đầu rất hứa hẹn. Một bà mẹ dữ dội nói với hai đứa trẻ, rằng chúng sắp dấn thân vào chuyến hành trình nguy hiểm và không bao giờ (nhấn mạnh), không bao giờ được gỡ tấm bịt mắt ra.
Năm năm về trước, bà chị này - tên là Malorie - chán nản với việc mang thai ngoài ý muốn tới mức chẳng thèm quan tâm đó là trai hay gái. Trong một lần đi siêu âm, Malorie và chị gái Jessica gặp ngay đại hoạ. Thế giới bị tấn công bởi những con quái vật mà chỉ cần nhìn thấy chúng là con người tức khắc mất trí và tự tử theo cách tàn bạo nhất. Jessica đã không may nhìn thấy chúng và trở nên hoảng loạn rồi lao đầu vào ô tô mà chết. Malorie được cưu mang bởi một nhóm người lẩn trốn trong ngôi nhà trên phố. Họ sau đó đã đi tới ý tưởng bịt mắt lại để khỏi phải thấy lũ quái vật, thế nhưng điều đó cũng khiến bản thân phơi mình trước những nguy hiểm rình rập.
Ý tưởng về một loại thực thể khiến người ta đờ đẫn và tự tử không còn mới. Nó từng được M. Night Shyamalan đưa lên màn ảnh trong The Happening 10 năm trước. Bird Box dầu vậy đã đi theo hướng khai thác ít "chợ búa" hơn, không nhấn mạnh vào thảm hoạ rùng rợn, mất mát mà tập trung vào câu chuyện của ba mẹ con nhà Malorie. Đạo diễn Susanne Bier đã cố gắng tập hợp rất nhiều chất liệu vào một mạch truyện thống nhất với tâm điểm là một bà mẹ bất đắc dĩ cùng sự lớn lên của tình mẫu tử trong cô giữa muôn vàn đe doạ. Trong chuyến hành trình sinh tồn đó, con người bị tước đi thị lực - thứ giác quan quan trọng nhất khiến chúng ta ý thức được mối nguy hiểm. Giúp đỡ cho Malorie và các con chỉ là vài con chim nhỏ - những sinh vật dường như cảm nhận được khi nào có quái vật lại gần.
Việc bị mất đi thị giác trong Bird Box khiến nhiều người liên tưởng tới việc bị tước đi thính giác của A Quiet Place. Không chỉ có vậy, hai bộ phim cũng tập trung vào nỗ lực cứu sống cả gia đình của một bà mẹ, sự hy sinh của người cha và tất nhiên, cao trào là cảnh vượt cạn giữa hiểm nguy. Bird Box không bắt chước A Quiet Place, nhưng chắc chắn đã không thể làm được nhiều như những gì tác phẩm của Paramount tác động tới khán giả.
Đầu tiên phải kể tới sự tham gia của khán giả vào bộ phim - càng khiến khán giả tin rằng họ cũng hoảng loạn và mất phương hướng như các nhân vật thì câu chuyện càng trở nên thuyết phục. Với A Quiet Place, người xem chúng ta chẳng hơn gì các nhân vật - cũng bị buộc phải nín lặng và hồi hộp dõi theo trừ một vài chi tiết "ăn gian" được thấy trước lũ quái vật từ góc nhìn thứ ba. Trong khi đó Bird Box khai thác một ý tưởng khó hơn: làm sao để làm một bộ phim mà tối thui chẳng thấy gì đây? Kết quả là phần lớn thời lượng khán giả thấy các nhân vật mò mẫm trong khi khung cảnh ngoài trời mây xanh nắng vàng - một đặc quyền bất khả đã làm giảm đi rất nhiều sự căng thẳng cho tác phẩm. Cảnh căng thẳng nhất hoá ra lại không đến từ lũ sinh vật gớm ghiếc ngoài kia, mà là chi tiết Malorie buộc phải lựa chọn một trong hai đứa trẻ - để một đứa được sống.
Hơn nữa, những mối nguy hiểm đến từ lũ quái vật lẫn con người trong Bird Box không thực sự nguy hiểm như những gì người ta nghĩ. Mặc dù dường như chúng có sức mạnh bất khả xâm phạm "nhìn phát chết luôn", ít nhất có lẽ chúng ta nên được thấy chút gì phản kháng từ con người chứ nhỉ? Thực thể trong Bird Box quá trừu tượng và khó hiểu tới mức khán giả chẳng còn thấy sợ. Điều này không đổ lỗi cho biên kịch Eric Heisserer ( Arrival) được bởi nguyên tác tiểu thuyết cũng chỉ có thế. Dầu vậy, việc người mẹ (Emily Blunt) phát hiện ra thứ vũ khí chống lại lũ quái vật trong A Quiet Place giống như gỡ được gánh nặng đè nghiến khán giả trong 2 tiếng đồng hồ - thứ mà Sandra Bullock đã không làm và không có cơ hội làm được trong Bird Box.
Bộ phim của Netflix dầu vậy vẫn có được phần hình ảnh lôi cuốn, chủ đề mang hơi hướng kinh Thánh và diễn xuất thuyết phục từ Sandra Bullock trong vai một bà mẹ bất đắc dĩ, một người đi từ chỗ chối bỏ sự hiện diện của cái thai trong bụng mình để trở thành người sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho con. Đặc biệt cặp diễn viên nhí trong vai hai đứa trẻ vô danh cũng là điểm sáng của bộ phim. Bird Box hiện đang được chiếu trên hệ thống truyền hình Netflix.
Theo saostar
Phim cung đấu của Emma Stone dẫn đầu danh sách đề cử BAFTA Bộ phim "The Favourite" của đạo diễn Yorgos Lanthimos nhận tới 12 đề cử tại giải thưởng điện ảnh danh giá ngang Oscar tại xứ sở sương mù. Trailer bộ phim 'The Favourite' Tác phẩm lịch sử mang đậm tính châm biếm về cung cấm nước Anh cùng cuộc chiến giành ngôi sủng phi vào thế kỷ XVIII. The Favourite chiếm ưu thế...