Rôm sảy mùa hè
Vào mùa hè nóng, trẻ hay mắc rôm sảy, một bệnh da đơn giản, tự khỏi khi trời mát, nhưng nếu không biết chăm sóc, chữa trị có thể có biến chứng nặng hơn như viêm nang lông, mụn nhọt…
Da của trẻ bị viêm nên trẻ thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa
Tại sao bị rôm sảy?
Nhiệt độ nóng làm cơ thể phải điều nhiệt bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi làm giảm nhiệt độ cơ thể, khi mồ hôi tiết ra quá nhiều, thêm vào việc các lỗ chân lông bị tắc do bụi bẩn, do nhiễm khuẩn làm cho mồ hôi bị ứ đọng trong ống tuyến bài tiết mồ hôi ở da gây rôm sảy (heat rash hay prickly heat). Chúng ta có thể thấy rõ rôm sảy thường hay xuất hiện vào mùa hè nóng nực, oi bức và ở các vùng da như trán, đầu cổ, ngực lưng…
Tuy nhiên, một số trường hợp lại bị rôm khi trời mát mẻ. Tại sao? Đó là do các bậc cha mẹ quá cẩn thận nên mặc nhiều quần áo, quấn tã lót nhiều cho trẻ, do vậy trẻ bị ra mồ hôi nhiều và bị rôm sảy. Chúng ta cần biết rằng hoạt động chuyển hóa của trẻ rất mạnh, thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn, chúng ta cảm thấy lạnh nhưng chúng lại bị nóng. Hơn nữa, chức năng điều hòa thân nhiệt của trẻ chưa hoàn thiện như người trưởng thành.
Biểu hiện của rôm sảy như thế nào?
Rôm sảy thường thành đám, thành mảng lớn ở các vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán…, đôi khi có cả ở vùng kẽ lớn như nách, bẹn. Một số trường hợp nặng có thể bị gần như toàn thân. Thương tổn là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn. Da của trẻ bị viêm nên trẻ thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa. Khi đó trẻ gãi làm da sây sát dễ bị bội nhiễm vi khuẩn. Trẻ nhỏ thường quấy khóc, ngủ không ngon do ngứa.
Tụ cầu trùng vàng là vi khuẩn thương gây bội nhiễm, gây viêm nang lông, nhọt. Khi trời mát, rôm sẽ tự lặn đi và để lại các đám vẩy da bong mỏng, màu trắng, ít ngày sau da trở lại bình thường không để lại sẹo. Khi gặp nóng bức trở lại, rôm sảy lại có thể xuất hiện ngay. Các điều kiện thuận lợi làm rôm xuất hiện là nhiệt độ cao, vì khí hậu nóng ẩm, không thoáng khí, trẻ mặc quần áo bí hơi, mặc quá nhiều quần áo, ít tắm rửa.
Khi bị rôm sảy thì phải xử trí như thế nào?
Phản xạ thường xảy ra là gãi, đôi khi các bà mẹ hoặc trẻ lớn hay giết rôm cho nhau. Việc này làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu lúc đó, nhưng hậu quả có thể gây biến chứng “cái sảy nảy cái ung”, nặng hơn nữa trẻ có thể bị biến chứng viêm cầu thận, nhiễm trùng lan rộng. Cho nên khi trẻ ngứa ta có thể xoa nhẹ để cho chúng đỡ ngứa, không nên gãi, hay giết rôm.
Video đang HOT
Nguyên tắc xử trí là cho cơ thể mát mẻ, thoáng khí, chống viêm da.
Xử trí:
- Cho trẻ ở nơi thoáng mát, thông gió. Tránh những nơi đông đúc, ngột ngạt, nơi nóng bí gió. Quần áo, tã lót dùng loại vải sợi, mỏng, rộng thoáng, thấm mồ hôi, không dùng các loại sợi tổng hợp, bí mồ hôi.
- Tắm thường xuyên cho trẻ giúp cho cơ thể mát, da sạch sẽ, các lỗ chân lông không bị bịt kín. Tắm bằng thuốc tím pha loãng, sữa tắm cho trẻ, không sử dụng loại xà phòng hay sữa tắm có độ pH không phù hợp với da. Có một số loại lá, quả dùng tắm rất tốt như mướp đắng, rau má, sài đất, vỏ dưa hấu, lá đào, lá dâu…
- Xoa phấn rôm cũng làm cho da được khô, chống viêm và thoáng mát. Tuy nhiên, nên xoa ngay sau khi tắm, không xoa khi mồ hôi nhiều vì như vậy sẽ làm bịt lỗ chân lông lại .
- Trường hợp da bị viêm nhiều, lâu khỏi cần bôi kem có corticoid nhẹ, trong kem có thể có kháng sinh chống nhiễm khuẩn, tuy nhiên nên đi khám bác sĩ để được chỉ định đúng, tránh các biến chứng xảy ra và đặc biệt không nên lạm dụng thuốc. Bôi các loại mỡ, thuốc mỡ kháng sinh không những làm cho da bị bít mà còn có thể gây dị ứng.
- Khi có nhiễm trùng nang lông với biểu hiện các mụn mủ, mụn to cần bôi cồn iod hữu cơ như betadin nhiều lần trong ngày.
- Uống đủ nước, có thể uống nước sắn dây, nước sài đất, đỗ đen, quả cam, chanh…Hạn chế các loại nước có nhiều đường.
- Ăn: đủ vitamin, hạn chế ăn các thức ăn nhiều đường.
Phòng tránh rôm sảy như thế nào?
Để phòng tránh rôm sảy cho trẻ mùa hè thì việc đầu tiên là luôn để cho trẻ ở nơi thoáng mát, tránh nơi nóng nực ngột ngạt và bí gió. Tránh cho trẻ ra ngoài vào những giờ nắng gắt từ 10h đến 15h, nếu cần ra ngoài vào lúc đó thì phải đội nón mũ rộng vành, mặc áo che kín da của trẻ. Tắm rửa hàng ngày bằng nước mát cho da dẻ luôn sạch sẽ, các lỗ tuyến được thông thoáng. Quần áo, tã lót mặc rộng thoáng, chất liệu cotton và thay thường xuyên. Chế độ ăn uống hợp lý, đủ lượng nước, có nhiều vitamin, hạn chế các đồ ăn có nhiều đường .
Theo SKDS
Chữa mụn nhọt bằng thảo dược
Theo y học cổ truyền, nguyên nhân sâu xa của mụn nhọt là do chứng tích nhiệt trong cơ thể gây nên và phải điều trị đúng căn nguyên gây mụn nhọt mới cho hiệu quả.
Với quan niệm đơn giản mụn nhọt là do nóng trong người sinh ra và là bệnh lành tính, nên phần lớn người bị mụn nhọt thường tự chữa trị. Việc tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kem bôi da, dưỡng da đôi khi không mang lại hiệu quả mà càng làm mụn nhọt bị nhiễm nặng hơn.
Không mấy người biết đến hậu quả của mụn, khi bị biến chứng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng. Đối với phụ nữ, việc lo lắng thái quá khi bị mụn làm khí huyết uất kết, không thông, dẫn đến rối loạn kinh nguyệt và làm mụn nổi nhiều hơn trong giai đoạn hành kinh. Nếu gan không đảm bảo được vai trò thải độc và chuyển hóa tốt thì hiện tượng tích độc càng tăng.
Do đó để điều trị đúng căn nguyên gây mụn nhọt, cần phối hợp sử dụng các nhóm thực phẩm hoặc thảo dược có tác dụng bổ can, thanh nhiệt giải độc, lương huyết, kháng viêm và tăng cường hành khí hoạt huyết.
Tuân thủ các điều sau đây để phòng chống mụn: - Uống nước đầy đủ và nên uống nhiều nước để tăng cường thải độc cho da. - Ăn uống đủ chất (không kiêng khem quá, không dùng các chất kích thích, thức ăn cay nóng, ngọt), nên ăn nhiều loại rau củ quả có nhiều chất xơ, sinh tố, đặc biệt là các chất chống oxy hóa tế bào, tránh để bị táo bón. - Ngủ đủ giấc vì giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp da phục hồi cấu trúc nhanh. - Rèn luyện thân thể, tăng sức đề kháng chống nhiễm khuẩn. - Không lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc tự ý sử dụng các loại mỹ phẩm khi chưa có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. - Không gãi và nặn mụn nhọt, vì nặn làm tổn thương da và tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu.
1. Thanh nhiệt giải độc, kháng viêm: các loại thảo dược như bồ công anh, sài đất, kim ngân, liên kiều, bèo cái, thương nhĩ tử (ké đầu ngựa), cỏ mực, cam thảo đất là những vị thuốc chứa nhóm hoạt chất flavonoid có tác dụng chống viêm và có tính kháng sinh thực vật, dùng chữa mụn nhọt sưng đỏ gây đau nhức khó chịu, hoặc mụn ở giai đoạn mưng mủ và vỡ mủ.
- Dùng các vị thuốc trên sắc uống với liều lượng: bồ công anh 15g, sài đất 10g, kim ngân hoa 5g, ké đầu ngựa 10g, cam thảo đất 2g, tất cả gộp lại sắc chung với 500ml nước, chia nhiều lần uống trong ngày hoặc bào chế ở dạng trà uống mỗi ngày.
- Nếu mụn đang viêm và sưng tấy, dùng 100g sài đất tươi sắc với nước thêm ít đường chia hai lần uống trong ngày. Hoặc dùng 100g sài đất tươi giã nhỏ hòa với 200ml nước đun sôi để nguội, thêm ít muối lọc uống ngày hai lần.
- Bài thuốc sài đất, cỏ xước, ké đầu ngựa, cam thảo đất, mỗi vị 20g, sắc còn khoảng 200ml uống ngày 2-3 lần.
2. Nhuận gan mật: atisô, nhân trần, rau má, râu bắp, râu mèo, dành dành... Các vị thuốc này có tác dụng thông tiểu tiện, tăng cường hoạt động của các tế bào gan và gia tăng thải độc cho cơ thể, chữa mụn nhọt viêm nhiễm ngoài da. Sử dụng các loại trà atisô, trà nhân trần, trà nhuận gan hoặc các bài thuốc nhuận gan mật gồm nhân trần 12g, dành dành 12g, mã đề 8g, sắc uống ngày một lần có tác dụng tốt cho việc điều trị mụn.
3. Thanh nhiệt lương huyết (làm mát huyết): các thảo dược hay được dùng như sinh địa, huyền sâm, cỏ mực, mạch môn, đơn bì, bạch thược có tác dụng làm mát huyết, nhuận huyết. Dùng bài thuốc gồm cỏ mực 20g, sài đất 10g, hạ khô thảo 8g, mạch môn 10g, sinh địa 10g, sắc trong 600ml nước, đun cạn còn 300ml chia nhiều lần uống trong ngày.
4. Hành khí, hoạt huyết tiêu ứ (làm khí huyết lưu thông): hồng hoa, đào nhân, đan sâm, hương phụ, ích mẫu, ngải cứu, nghệ vàng... Trong trường hợp kinh nguyệt không đều, có thể sử dụng các bài thuốc như sau:
- Ích mẫu 12g, cỏ xước 8g, nghệ 8g, sắc với 300ml nước còn khoảng 150ml, uống ngày một lần.
- Hương phụ chế 10g, ích mẫu 10g, ngải cứu 8g, đan sâm 8g, sắc lấy 150ml uống ngày một lần.
Song song việc uống đôi khi cũng cần sử dụng một số thuốc để bôi hoặc đắp ngoài da nhưng phải tuân thủ yếu tố vệ sinh, vô trùng vì khi mụn nhọt đang giai đoạn có mủ nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ có thể bị bội nhiễm.
- Dùng một ít bột quế hòa trong vài giọt chanh tươi chấm vào chỗ mụn, ngày 2-3 lần.
- Một muỗng nước ép ngò rí tươi trộn thêm một nhúm bột nghệ, rửa mặt sạch rồi chấm hỗn hợp này lên chỗ mụn bọc, mụn trứng cá mỗi tối trước khi đi ngủ, sáng dậy rửa sạch.
- Để mụn nhọt dễ rút mủ, dùng lá dâm bụt giã đắp, rễ cây hoa phấn giã đắp, hoặc dùng bài thuốc gồm lá khoai lang non 40g, muối ăn 3g, đậu xanh 10g, tất cả giã nhuyễn, trộn đều và đắp lên mụn, để khoảng một giờ rồi rửa mặt sạch với nước ấm.
Đông y có nhiều bài thuốc chữa mụn nhọt được bào chế ở dạng thành phẩm, có thể tham khảo và sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc. Thuốc đông y tuy lành tính nhưng cần chú ý để tránh mua nhầm các loại dược liệu giả trên thị trường có thể gây độc hại như sài đất giả, hồng hoa giả, kim ngân giả...
Theo DS LÊ KIM PHỤNG
Tuổi trẻ