Rolls-Royce: Lợi nhuận trước thuế đạt 2,18 tỷ USD
Theo báo cáo kết quả kinh doanh vừa được công bố, lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn Rolls-Royce đạt 1,4 tỷ bảng (2,18 tỷ USD) trong năm 2012, tăng 24% so với năm trước.
Máy bay Airbus A380.
Đây là năm thứ 10 liên tiếp Rolls-Royce đạt tăng trưởng về lợi nhuận, chủ yếu nhờ vào thành tích kinh doanh tốt của bộ phận chế tạo động cơ máy bay dân dụng.
Năm ngoái, doanh thu của Rolls-Royce – hãng chế tạo động cơ máy bay lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Tập đoàn General Electric của Mỹ – tăng 8% lên 12,2 tỷ bảng (khoảng 19,5 tỷ USD).
Trong khi đó, giá trị các đơn đặt hàng của tập đoàn cũng tăng 4% lên 60,1 tỷ bảng (96,1 tỷ USD) do nhu cầu đối với động cơ máy bay tiên tiến Trent tăng mạnh.
Các động cơ máy bay Trent XWB và Trent 1000-TEN được các hãng hàng không trên thế giới tín nhiệm sử dụng cho các máy bay thế hệ mới như Airbus A350, A380 hay Boeing 787 Dreamliner.
Trong một thông cáo, Giám đốc điều hành Rolls-Royce John Rishton khẳng định giá trị các đơn đặt hàng tăng mạnh cho thấy niềm tin của các khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của tập đoàn.
Video đang HOT
Ông Rishton bày tỏ tin tưởng rằng Rolls-Royce sẽ đạt mức tăng trưởng tốt về lợi nhuận trong năm nay mặc dù doanh thu có thể sẽ khiêm tốn và tập đoàn này vẫn tiếp tục đầu tư cho tương lai.
Giám đốc điều hành Rolls-Royce cũng bác bỏ những lo ngại cho rằng hoạt động kinh doanh của tập đoàn có thể sẽ bị ảnh hưởng sau khi loại máy bay thế hệ mới Dreamliner của Tập đoàn Boeing đang gặp phải hàng loạt trục trặc kỹ thuật trong quá trình chế tạo.
Quan chức này cũng khẳng định Rolls-Royce sẽ tập trung vào việc chế tạo động cơ cho thị trường hàng không dân dụng và quốc phòng, cũng như tua bin cho ngành hàng hải và năng lượng.
Tuy nhiên, Rolls-Royce sẽ rút khỏi lĩnh vực chế tạo tua bin điện thủy triều sau khi bán lại bộ phận kinh doanh này cho tập đoàn Alstom từ hồi tháng trước.
Theo Vietnamplus
Vụ Boeing 787 Dreamliner "trùm mền": Ắc quy hoạt động ở điện áp cao hơn giới hạn?
Những phần bên trong bị cháy của hệ thống ắc quy trên chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner của Nhật, vốn đã dẫn đến việc "trùm mền" hàng loạt máy bay này trên khắp thế giới, cho thấy nó hoạt động ở mức điện áp cao hơn giới hạn thiết kế.
Theo hãng tin AP, thông tin trên do một chuyên viên điều tra Nhật đưa ra khi giới chức Mỹ quyết định tham gia cùng Nhật làm sáng tỏ vụ việc.
Chiếc máy bay của hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống miền Tây của Nhật Bản vào sáng 16.1 do các vấn đề liên quan đến hệ thống ắc quy. Gần như toàn bộ 50 chiếc Dreamliner đang sử dụng khắp thế giới đã bị ngừng hoạt động.
Các nhà điều tra Nhật, Mỹ và hãng Boeing kiểm tra máy bay gặp sự cố của ANA - Ảnh: Reuters
Các bức ảnh chụp hệ thống ắc quy lithium ion nằm bên dưới buồng lái chiếc Dreamliner do Ban An toàn Vận tải Nhật cung cấp cho thấy một đống dây điện cháy đen và các cấu kiện khác bên trong một hộp bảo vệ màu xanh đã bị biến dạng.
Điều tra viên của Bộ Giao thông vận tải Nhật Hideyo Kosugi nói rằng tình trạng của hệ thống ắc quy cho thấy điện áp đã vượt giới hạn thiết kế được áp dụng với nó.
Ông nói sự tương đồng giữa phần bên trong bị cháy của chiếc máy bay Dreamliner của ANA với hệ thống ắc quy trong một chiếc máy bay Dreamliner của hãng Japan Airlines (JAL) bị bốc cháy hôm 7.1 khi đang đậu tại sân bay quốc tế Logan ở Boston (Mỹ), cho thấy có một nguyên nhân chung.
"Tôi đã so sánh dữ liệu vụ việc mới nhất ở Nhật và vụ ở Mỹ, chúng tôi có thể làm sáng tỏ đáng kể điều gì đã xảy ra", ông Kosugi cho biết.
So với các loại máy bay hiện đại khác, chiếc Dreamliner phụ thuộc nhiều hơn vào những tín hiệu điện tử để giúp nạp năng lượng cho gần như mọi thứ máy bay làm. Nó cũng là loại máy bay đầu tiên của Boeing sử dụng hệ thống ắc quy lithium ion có thể tái sạc cho hệ thống điện chính. Những hệ thống ắc quy như thế dễ bị tình trạng quá nhiệt và có những thiết bị an toàn bổ sung được lắp đặt nhằm kiểm soát vấn đề và ngăn chặn hỏa hoạn.
GS Yuasa Corp, nhà sản xuất ắc quy lithium ion được sử dụng trên các máy bay Dreamliner, ngày 17.1 cho biết họ đang hợp tác với cuộc điều tra nhưng nguyên nhân vấn đề chưa được xác định rõ ràng. Hãng này nói rằng vấn đề có thể ở hệ thống ắc quy, nguồn điện hoặc hệ thống điện tử.
Giới chức an toàn vận tải Mỹ và các thanh tra viên của hãng Boeing hôm 18.1 đã tham gia cuộc điều tra của Ban An toàn Vận tải Nhật.
Điều tra ban đầu của giới chức Nhật cho thấy chất điện phân đã bị rò rỉ từ hệ thống ắc quy chính của máy bay bên dưới buồng lái. Họ cũng phát hiện những dấu cháy xung quanh ắc quy.
Giới chức hàng không Nhật đã yêu cầu ANA, vốn sở hữu 17 chiếc Dreamliner, và JAL, với bảy chiếc, ngừng hoạt động các máy bay này cho đến khi các vấn đề liên quan đến an toàn của chúng được giải quyết.
Mỹ và một số nước khác cũng đã ra đưa ra yêu cầu tương tự đối với các hãng hàng không có sử dụng máy bay Boeing 787 Dreamliner.
Theo TNO
Thêm nhiều Boeing 787 Dreamliner bị "trùm mền" Ngày 17.1, AFP đưa tin Hãng hàng không United Airlines thuộc Mỹ, Air India ở Ấn Độ và LAN Airlines của Chile vừa quyết định ngừng hoạt động toàn bộ máy bay Boeing 787 Dreamliner. Trước đó, 2 hãng hàng không Nhật All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines cũng đưa ra quyết định tương tự do sự cố hệ thống ắc quy...