Rối với bồi thường chi phí đào tạo
Được luật quy định nhưng chuyện bồi thường hay không chi phí đào tạo khi chấm dứt hợp đồng vẫn gây ra nhiều tranh cãi
“Khoản 3 điều 43 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) quy định khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trái pháp luật thì người lao động (NLĐ) phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động (NSDLĐ). Tôi chấm dứt HĐLĐ đúng quy định mà vẫn bị công ty buộc phải bồi thường. Rõ ràng, công ty đã ép người quá đáng”. Đây là nội dung khiếu nại mà anh Phan Văn Cường, nhân viên công nghệ thông tin Công ty TNHH M.T (quận 3, TP HCM), gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.
Làm đúng vẫn bị kiện
Anh Cường cho biết kết thúc thời gian thử việc, tháng 3-2016, anh được công ty đưa đi đào tạo tại Thái Lan 2 tháng. Khi về nước, ngoài HĐLĐ không xác định thời hạn, giữa anh và công ty còn ký thêm bản cam kết đào tạo. Theo đó, anh Cường phải đồng ý làm việc ở công ty ít nhất 5 năm, nếu không sẽ bồi thường 100 triệu đồng.
Tháng 4-2018, vì lý do cá nhân, anh Cường xin nghỉ việc và báo trước 45 ngày. Dù lá đơn không được giám đốc công ty duyệt nhưng anh vẫn nghỉ việc sau khi kết thúc thời hạn báo trước. Cho rằng anh Cường phá vỡ thỏa thuận về thời gian làm việc trong bản cam kết đào tạo, tháng 7-2018, công ty đã kiện ra tòa, đòi bồi thường chi phí đào tạo. “Theo quy định của BLLĐ, NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo cho NSDLĐ biết trước ít nhất 45 ngày. Tôi đã báo trước 45 ngày chứ không nghỉ ngang, vậy công ty căn cứ vào đâu để buộc tôi bồi thường chi phí đào tạo?” – anh Cường thắc mắc.
Người lao động (bìa trái) đến tòa soạn nhờ can thiệp, bảo vệ quyền lợi
Tương tự, trước khi được cử đi đào tạo tại Nhật 6 tháng, anh Hồ Minh Thuận cùng Công ty TNHH N.S (quận 7, TP HCM) đã ký HĐLĐ có ký hợp đồng đào tạo và cam kết sẽ làm việc cho công ty 2 năm sau khi trở về Việt Nam. Bản cam kết chỉ có 1 bản do công ty giữ và trong nội dung không ghi cụ thể NLĐ phải bồi thường thế nào khi chấm dứt HĐLĐ trước hạn. Kết thúc thời gian đào tạo, anh được công ty ký HĐLĐ xác định thời hạn 2 năm. Tuy nhiên, sau 5 tháng làm việc, bức xúc vì bị công ty tự ý hạ lương cơ bản để bù vào phần phụ cấp mà không báo trước, anh Thuận nộp đơn xin nghỉ việc, báo trước 30 ngày. Sau khi nghỉ việc, anh Thuận không những không được công ty trả sổ BHXH và lương tháng cuối (tháng 1-2018) mà còn bị buộc phải bồi thường 220 triệu đồng chi phí đào tạo. Cho rằng cơ sở để tính số tiền bồi thường chi phí đào tạo không thỏa đáng, anh Thuận không đồng ý trả tiền, do đó tranh chấp giữa hai bên đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Một trường hợp khác là vụ tranh chấp giữa anh Lê Việt Pháp với một trung tâm Anh ngữ tại quận Tân Bình, TP HCM. Cụ thể, cùng lúc với việc ký HĐLĐ xác định thời hạn 3 năm (từ tháng 9-2017 đến tháng 9-2020) ở vị trí nhân viên hành chính – nhân sự, anh và trung tâm cũng ký hợp đồng đào tạo. Theo đó, trong suốt thời gian làm việc, Pháp sẽ được đào tạo về hành chính cơ bản, phí đào tạo 20 triệu đồng và đào tạo hành chính chuyên sâu với mức phí 40 triệu đồng. Nếu nghỉ việc khi chưa hết hạn hợp đồng, Pháp sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo. Tháng 6-2018, vì muốn nâng cao trình độ nhưng thời gian làm việc quá nhiều, Pháp xin nghỉ việc và được công ty chấp thuận. Song, khi làm thủ tục thanh lý HĐLĐ, công ty buộc anh phải bồi thường nửa tháng tiền lương vì đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật và 60 triệu đồng chi phí đào tạo. “Cam kết là vậy nhưng công ty chưa hề đào tạo tôi ngày nào. Hơn nữa, thời gian đào tạo theo cam kết là suốt quá trình làm việc, tôi mới đi được 1/3 quảng đường sao bắt tôi bồi thường toàn bộ chi phí?” – anh Pháp bức xúc.
Luật còn mập mờ
Video đang HOT
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng lý do dẫn đến các tranh chấp trên một phần xuất phát từ quy định chưa rõ ràng của luật. Cụ thể, theo khoản 3 điều 43 BLLĐ, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, NLĐ phải bồi thường chi phí đào tạo cho NSDLĐ. Nhưng tại điều 62 của bộ luật này yêu cầu trong hợp đồng đào tạo nghề phải có nội dung về trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo mà không có giới hạn nên các DN đã gom luôn toàn bộ các trường hợp nghỉ việc (đúng và cả trái luật) phải bồi thường vào hợp đồng đào tạo cho “chắc ăn” dẫn đến tranh chấp. Hơn nữa, hiện nay NLĐ và NSDLĐ vẫn đang mơ hồ về việc chấm dứt HĐLĐ đúng quy định pháp luật có phải bồi thường chi phí đào tạo theo thỏa thuận trong hợp đồng đào tạo hay không vì luật không quy định điều này.
Theo ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động – Tiền lương – BHXH Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM, NSDLĐ được quyền tuyển người vào học nghề, tập nghề để làm việc cho mình nhưng hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề. Hợp đồng này phải có đầy đủ các nội dung như: nghề đào tạo; địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo; chi phí đào tạo; thời hạn NLĐ cam kết phải làm việc cho NSDLĐ sau khi được đào tạo; trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo; trách nhiệm của NSDLĐ… Hợp đồng đào tạo càng chi tiết, cụ thể càng dễ xác định trách nhiệm của mỗi bên khi tranh chấp xảy ra, đặc biệt trong việc đòi bồi thường chi phí. Ông Năm cho rằng hợp đồng đào tạo là một thỏa thuận dân sự khác, tách biệt với HĐLĐ. Khi ký hợp đồng đào tạo, hai bên đều tự nguyện và không trái quy định của pháp luật nên có tính ràng buộc trách nhiệm. Khi vi phạm điều khoản trong cam kết đào tạo thì NLĐ lẫn NSDLĐ buộc phải thực hiện bồi thường theo thỏa thuận hai bên mà không phụ thuộc vào việc NLĐ chấm dứt HĐLĐ đúng hay không đúng quy định.
“Vì những vướng mắc trên, tôi cho rằng trong đợt sửa đổi BLLĐ lần tới, cần quy định chi tiết, cụ thể hơn về vấn đề này để tránh gây ra những vụ tranh chấp lao động không đáng có như thời gian qua” – ông Phúc kiến nghị.
Bài và ảnh: MAI CHI
Theo nld
Án hành chính: 'Quan' không ra tòa!?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu hàng loạt câu hỏi khó: Vì sao chủ tịch, phó chủ tịch cấp tỉnh không ra tòa, không đối thoại trước khi xét xử...
Ngày 22-8, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự thảo báo cáo của đoàn giám sát của ủy ban về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính (TTHC).
Hàng loạt vấn đề được các đại biểu (ĐB) chỉ ra nhưng chưa có cách gỡ.
Không đủ người dự tòa?
Theo khoản 3 Điều 60 Luật TTHC 2015, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện...
Tuy nhiên, theo Thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy, sau khi luật 2015 có hiệu lực thi hành, có những địa phương, chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng. Sau đó, phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha thông tin: Trong ba năm qua, TAND TP.HCM đã thụ lý hơn 2.100 vụ khiếu kiện hành chính (số lượng cực lớn so với các địa phương khác). Có 411/1.679 vụ TAND không tổ chức được đối thoại do chủ tịch UBND hoặc đại diện vắng mặt. Đặc biệt, năm 2017 có 260/260 vụ không thể đối thoại được cũng với lý do tương tự. "Khi làm việc với chúng tôi, phó chủ tịch UBND thành phố đề nghị cho phép được đối thoại trực tuyến, vừa đỡ vất vả cho lãnh đạo TP, vừa cùng lúc đối thoại được với nhiều người dân" - ông Pha nói.
Còn theo số liệu của dự thảo báo cáo giám sát, trong ba năm, TAND TP Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội tham gia tố tụng.
Phát biểu về việc này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình "đánh giá cao sự thẳng thắn của đoàn giám sát" nhưng cũng có ý kiến chia sẻ. Theo ông Bình, mỗi năm ở TP.HCM, Hà Nội có khoảng 2.000 vụ án hành chính. "360 ngày, ngày nào cũng xử thì mỗi ngày phải xử ba vụ, mỗi ngày phải có ba ông chủ tịch, phó chủ tịch ra tòa. Rõ là không đủ người" - chánh án TAND nói và cho rằng "ngoài trách nhiệm thì phải có sự hợp lý của luật".
Cũng theo ông Bình, nhiều đoàn ĐB Quốc hội (QH) chất vấn chánh án TAND Tối cao như đoàn Hà Nội, TP.HCM, đề nghị chánh án có nghị quyết riêng về quy định có mặt tại ra tòa của lãnh đạo thành phố. "Chúng tôi trả lời không được vì vượt luật và sau đó đã phải báo cáo UBTVQH..." - ông Bình cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Điều 60 Luật TTHC được biểu quyết thông qua khi có đa số ĐBQH tán thành. Ngay khi mới bắt đầu thi hành, một số địa phương đã yêu cầu phải sửa ngay.
Bà Nga đặt câu hỏi: Có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt, như vậy có tôn trọng luật? Có đúng nguyên nhân do không đủ cấp phó không? "Chẳng lẽ trong ba năm trời ở một thành phố lớn không cử được một phó nào cả? Chúng tôi xem tivi thấy các ông ấy đi khởi công, động thổ, đi dự hội nghị ngành nọ, ngành kia, sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi, cho gọi là có... Nói 260/260 vụ không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không?" - bà Nga nêu hàng loạt câu hỏi.
Theo ông Nguyễn Mai Bộ, có thẩm phán bị tòa cấp trên sửa án hành chính họ không buồn mà rất vui. Ảnh: thu nguyệt
Làm rõ việc "nể nang trong xét xử"
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị các ĐB trao đổi một vấn đề khá nhạy cảm: Vì sao nhiều năm nay chúng ta có một đánh giá "thường trực" là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên ngại va chạm, nể nang trong xét xử, kiểm sát và thi hành loại án này? "Nguyên nhân ở đâu, tại sao ngại va chạm, tại sao nể nang? Ở đây tính lệ thuộc của hệ thống tư pháp vào hành pháp ở chỗ nào? Có người nói lâu lâu VKS, tòa án phải xin tiền ủy ban để có một số hoạt động, không biết có đúng không? Hay lệ thuộc ở quyết định, nhận xét của cấp ủy trong quá trình bổ nhiệm lại? Thi hành án có lệ thuộc như thế không? Tưởng là ở huyện nể nang nên khó làm nhưng lên tỉnh cũng nể nang... Lý do vì sao?..." - bà Nga hỏi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương cho rằng hầu hết viện trưởng VKS và chánh án TAND cấp tỉnh là ủy viên (thành ủy, tỉnh ủy), đến khi bổ nhiệm xem xét phải xin ý kiến của thường vụ. "Các anh ngại là đúng thôi, thậm chí còn sợ. Tôi còn dùng thêm từ là "mong được yên thân" - ông Cương nói.
"Thẩm phán xử án hành chính, khi bị tòa cấp trên sửa án, nhiều người không buồn, thậm chí họ còn vui vì tòa án cấp trên sửa án của họ. Họ bất lực trước cơ quan hành chính. Do lệ thuộc nên bất lực..." - Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Mai Bộ, người có thời gian dài công tác trong ngành tòa án tâm tư.
Cũng theo ông Bộ, dù Đảng và Nhà nước không có chủ trương can thiệp nhưng cá nhân cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, làm khó anh em tòa án xét xử án hành chính là có. "Nếu không chấn chỉnh thì án hành chính vẫn cứ trì trệ mãi... Về phương diện tiền, kinh phí, tha thiết đề nghị QH phân bổ ngân sách thế nào để ngành kiểm sát, tòa án không phải đi xin nữa thì mới độc lập được" - ông Bộ kiến nghị.
Phó Trưởng ban Nội chính Nguyễn Thái Học cho rằng thực tế là ở các địa phương có chuyện các cấp ủy đảng can thiệp sâu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của các cơ quan tư pháp. "Vấn đề này chúng ta phải nói rõ ràng, Đảng không buông lỏng sự lãnh đạo đối với các cơ quan tư pháp nhưng không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan tư pháp" - ông Học khẳng định.
Các con số đáng chú ý
Theo dự thảo báo cáo của đoàn giám sát, trong ba năm (2015-2017), cả nước có 11.180 quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện đến tòa án (chiếm gần 10% trên tổng số khiếu nại hành chính).
Tổng số quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tòa án tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần là 1.194 (chiếm 10,67% tổng số khiếu kiện thụ lý).
Đến ngày 30-4-2018, theo báo cáo của Chính phủ, còn 36 bản án, quyết định chưa được chủ tịch UBND, UBND thi hành.
Theo báo cáo của TAND Tối cao, tổng số các quyết định hành chính, hành vi hành chính của chủ tịch UBND và UBND được thụ lý, giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm là hơn 13.400 vụ, trong đó số bản án, quyết định bị sửa, hủy là 1.096 vụ; tỉ lệ hủy, sửa là 8,17% (cao nhất trong các loại án).
ĐỨC MINH
Theo PLO
Tuổi nghỉ hưu nam được đề xuất nâng lên 62, nữ 60 Theo Bộ Lao động, nếu giữ nguyên quy định thời gian và mức đóng - mức hưởng thì về lâu dài quy hưu trí sẽ mất cân đối. Tuổi nghỉ hưu nam được đề xuất nâng lên 62, nữ 60 Theo Bộ Lao động, nếu giữ nguyên quy định thời gian và mức đóng - mức hưởng thì về lâu dài quy hưu...