Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì
Thấy con trai đã 20 tuổi mà giọng nói cứ eo éo như con gái, thường mất tập trung, không năng động như các bạn cùng trang lứa, chị P.T.Đ. (Trà Vinh) lo lắng tìm… thầy bói xem thử.
Sau khi chị kể sự tình, thầy phán con trai chị có “người cõi âm” dựa, mà “người” này là nữ nên giọng nói như vậy, muốn hết phải mua đồ cúng và uống phép của thầy. Sau một tuần ngày nào cũng uống phép, con trai chị càng xanh xao, mệt mỏi nhưng giọng nói vẫn không thay đổi. Chị liền đưa con đến bác sĩ khám, mới biết con mình bị rối loạn giọng tuổi dậy thì.
“Lỗi giọng” vì sao?
TS-BS Trần Việt Hồng – Trưởng khoa Tai mũi họng bệnh viện nhân dân Gia Định – cho biết, khi chưa đến tuổi dậy thì, giọng nam và nữ đều giống nhau do dây thanh quản có cùng kích thước là 9,5mm. Vào tuổi dậy thì, nồng độ testosteron ở nam tăng cao hơn nữ, làm cho dây thanh quản, dây thanh âm phát triển dài ra (dài thêm 10mm) và dày lên theo bề ngang nên có giọng trầm xuống. Sự thay đổi giọng này kéo dài từ ba-sáu tháng, sau đó ổn định và thành giọng đàn ông. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp đã qua tuổi “ vỡ giọng” nhưng giọng nói vẫn chưa “chuẩn men”, vẫn thanh, cao, rè, thường xuyên vót lên như nữ và đôi khi tắt ngấm không thành lời. Biểu hiện này được xem là hiện tượng rối loạn giọng nói. Sự “lỗi giọng” này cũng xảy ra ở các em nữ, khiến giọng các em trầm, khàn và gặp khó khăn khi hát những nốt cao… nhưng quá trình diễn ra chậm hơn và không rõ ràng như các em nam.
Nguyên nhân rối loạn giọng là do khi đang nói giọng trẻ con mà chuyển đột ngột sang giọng trầm ồ ồ (ở nam) khiến nhiều em thấy ngại. Các em cố “níu kéo” giọng cũ của mình nên làm mất khả năng chủ động chính xác về độ cao của giọng. Ngoài ra, khi các em nam sống trong gia đình có nhiều chị em gái hoặc thiếu hụt chất dinh dưỡng, viêm nhiễm đường hô hấp… đến tuổi dậy thì cũng dễ bị rối loạn giọng.
Một nguyên nhân khác khiến có người thậm chí đến độ tuổi 30 mà vẫn bị rối loạn giọng, là do không được chia sẻ, không điều trị kịp thời lúc ở tuổi dậy thì, hoặc do dây thanh không kín, phát triển không đều. Ngoài ra, sự tăng (nữ nói giọng ồ ồ như nam), giảm (nam nói giọng eo éo như nữ) nội tiết tố testosteron cũng là nguyên nhân gây rối loạn giọng kéo dài. Hoặc rất có thể bệnh nhân mắc một số bệnh về nội tiết, bởi âm sắc và độ cao của giọng phụ thuộc trực tiếp vào nội tiết sinh dục, thượng thận và tuyến yên.
Video đang HOT
Tìm lại giọng nói chuẩn?
Khi bị rối loạn giọng, trẻ có tâm lý e ngại tiếp xúc với người xung quanh, vì vậy nhiều em không tự tin, học hành sa sút, ít năng động. Không ít trường hợp thấy con trai có giọng như con gái, nhiều phụ huynh không có kiến thức đã tìm cách chữa trị, như trường hợp chị P.T.Đ., nên đã làm giảm kết quả điều trị do để quá lâu.
Khi trẻ bị rối loạn giọng, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là chia sẻ để trẻ hiểu, rối loạn là một quá trình tự nhiên trong phát triển, ai cũng từng trải qua. Bước tiếp theo cần làm là đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa khám để tìm hiểu nguyên nhân gây rối loạn, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.
Luyện thanh âm đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị rối loạn giọng ở tuổi dậy thì. Phương pháp này đơn giản, ít tốn kém, khả năng thành công cao bằng cách được nhà chuyên môn tại các khoa thanh âm hướng dẫn để nói ra được giọng chuẩn. Nếu không được điều trị, rối loạn giọng có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống. Lứa tuổi tốt nhất để luyện giọng là nên trước 20 tuổi, bởi càng lớn, giọng nói đã ổn định và thành thói quen, việc điều chỉnh sẽ khó khăn.
Nếu rối loạn giọng do rối loạn hoóc-môn sinh dục ở nam, có thể đến khám tại các bệnh viện nam khoa để làm xét nghiệm testosteron. Nếu nồng độ testosteron giảm, kết hợp với việc thiểu năng các đặc tính sinh dục phụ thứ phát, bệnh nhân sẽ được bổ sung hoóc-môn để cải thiện tình trạng bệnh. Song song đó là phối hợp với luyện giọng.
TS-BS Việt Hồng cho biết thêm, với những trường hợp rối loạn giọng do dây thanh không kín, phát triển không đều, liệt dây thanh… thì có thể phẫu thuật ở cổ để cấy vật liệu đẩy dây thanh bên liệt vào trong, hoặc bơm mỡ tự thân vào dây thanh để giúp dây thanh khép kín lại khi phát âm. Bơm mỡ tự thân là một phương pháp dễ, đáp ứng sinh học tốt, phục hồi nhanh, chi phí thấp, không tai biến trong và sau mổ.
Theo PNO
Tại sao dậy thì xong, tiếng vẫn "bể"?
Rối loạn giọng tuổi dậy thì là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn.
Nói cách khác, bệnh nhân có thanh quản trưởng thành nhưng lại không có giọng nói trưởng thành. Điều này khiến cho một số người mặc cảm và hạn chế giao tiếp trong xã hội, để khỏi tổn thương bởi những lời chọc ghẹo của người xung quanh và bị hiểu lầm giới tính khi nói chuyện qua điện thoại.
Dậy thì xong, tiếng vẫn "bể"
Khi mới sinh, kích thước của thanh quản trẻ em chỉ bằng 1/3 thanh quản người lớn. Chiều dài của dây thanh là 4 - 4,5 mm. Thanh quản ở rất cao. Trong suốt thời kỳ thiếu niên, giọng nền của thanh quản xuống thấp rất chậm, từ từ theo sự phát triển của thanh quản và sự hạ thấp của thanh quản trong vùng cổ.
Trước tuổi dậy thì, đã có sự khác nhau giữa giọng nói nam và nữ nhưng rất kín đáo, chủ yếu là khác ở cường độ và âm sắc. Ở tuổi dậy thì, có sự biến đổi đột ngột của giọng nói, dưới tác động của những yếu tố nội tiết. Ở trẻ vị thành niên nam, sự thay đổi giọng thường xuất hiện ở 12 - 14 tuổi, cùng lúc với sự phát triển nhanh của cơ thể và hệ lông mao. Nó kéo dài từ sáu tháng đến một năm. Kích thước thanh quản sẽ lớn lên và dây thanh dài thêm 1/3, nghĩa là thêm khoảng 1cm.
Trước tuổi dậy thì, đã có sự khác nhau giữa giọng nói nam và nữ nhưng rất kín đáo
Về phương diện sinh lý, sự thay đổi kích thước của thanh quản kéo theo sự thay đổi về giọng nói. Trước khi dậy thì, trẻ thường sử dụng giọng đầu. Sau khi dậy thì, trẻ sẽ sử dụng cơ chế giọng ngực. Như vậy, nó không những làm giảm âm độ xuống một bát độ mà âm sắc còn trở nên sâu hơn, trầm hơn. Đôi khi, trong giai đoạn dậy thì, hai cơ chế này cùng tồn tại và trẻ thành niên sẽ nói giọng lúc cao, lúc trầm một cách tự phát, không kềm chế được. Thông thường, giai đoạn này chỉ kéo dài vài tháng.
Về mặt tâm lý, có nhiều trẻ thành niên bị mất phương hướng vì sự thay đổi quá đột ngột và quá khác biệt của giọng nói nên trong vô thức không chấp nhận giọng nói mới này. Từ đó kéo dài thời gian "bể tiếng" mà ở đây chúng tôi gọi là rối loạn giọng tuổi dậy thì.
Điều trị thế nào?
Hiện nay, khoa thanh học của nhiều nước đã áp dụng phương pháp luyện giọng để giúp bệnh nhân tìm lại giọng nói trầm của đàn ông.
Nhiều thầy thuốc giả thuyết rằng rối loạn giọng tuổi dậy thì là do sự xung đột tâm lý tiềm tàng của một người muốn giữ giọng nói cao và từ chối giọng nói trầm của nam giới do sự thay đổi quá đột ngột ở tuổi dậy thì.
Kỹ thuật để tạo ra giọng nói trầm gồm những phần sau: ho và phát ra nguyên âm; phát nguyên âm với thanh nôn đóng mạnh (glottal attack); giảm sự căng thẳng của các cơ; hạ thanh quản xuống khỏi vị trí cao bất thường; tằng hắng giọng lên xuống; dùng ngón tay ấn nhẹ vào sụn giáp khi bệnh nhân phát nguyên âm.
Đôi khi chỉ cần chứng tỏ cho bệnh nhân biết họ có thể phát ra âm trầm là đủ để họ có lại giọng nói nam nếu người ấy sẵn sàng để đổi giọng. Nếu bệnh nhân có biểu hiện không đáp ứng tốt với luyện giọng, cần tìm hiểu thêm các yếu tố khác, thói quen sinh hoạt trong đời thường và lúc đó phải giải thích và tư vấn cho họ.
Phác đồ luyện giọng có những bước cơ bản như sau: thư giãn; tập thở bụng; tằng hắng, phát âm; tập thở và phát âm; tập đọc: nhỏ lớn, thấp cao, kể chuyện; tập động tác môi miệng; tập phong cách; tập hát và phát âm theo đàn.
Qua đánh giá năm năm luyện giọng cho những bệnh nhân rối loạn giọng tuổi dậy thì tại bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, chúng tôi nhận thấy: tỷ lệ thành công cao: 78% (35/40 ca); bệnh nhân không tốn kém nhiều về tiền bạc, chỉ cần có thời gian để luyện giọng; ngoài việc tìm lại được giọng nói nam cố định, bệnh nhân còn thay đổi phong cách và lối sống, mạnh mẽ hơn, tự tin hơn.
Ngoại trừ những trường hợp có bệnh lý kèm theo, kết quả luyện giọng tuỳ thuộc nhiều vào nhận thức của bệnh nhân, sự nỗ lực và độ kiên trì.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Dung (Sài gòn & Tiếp thị)
Những điều thú vị về giới tính Có những điều thú vị về giới tính mà rất nhiều người chưa biết. Mọi người đều bắt đầu từ nữ giới Mô hình tiêu chuẩn não bộ con người trước tiên mang tính nữ giới. Mãi đến tuần thứ tám thai kỳ, trong trường hợp phôi thai có cặp nhiễm sắc thể nam giới XY, một gien nhất định gửi mệnh lệnh...