Rời HAGL sau 10 năm, Phan Thanh Hậu trăn trở điều gì?
Rời HAGL để cứu vãn sự nghiệp của mình, Phan Thanh Hậu đang cho thấy sự hòa nhập khá tốt trong màu áo CLB TP.HCM khi được trao cơ hội ở trận giao hữu với Sài Gòn.
Phan Thanh Hậu đang dần tìm lại nguồn cảm hứng chơi bóng khi được ra sân trong màu áo CLB TP.HCM. Anh chơi ở vị trí tiền vệ cánh trong trận thắng Gia Định 3-2 vào tuần trước. Ở trận giao hữu với CLB Sài Gòn vào chiều 19/12, Phan Thanh Hậu tiếp tục được ra sân và chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm sở trường.
Phan Thanh Hậu đã trăn trở rất nhiều khi rời HAGL.
Chia sẻ sau trận đấu, Phan Thanh Hậu cho biết: “Tôi mới về đội nên cũng cần thời gian. Anh em trong đội thân thiện, giúp đỡ tôi hòa nhập. Thời gian qua, CLB chủ yếu tập thể lực nên chưa có thể trạng tốt, nhưng mọi người đã cố gắng.
Tôi đã ở HAGL gần 10 năm, trong khi chỉ mới chuyển về CLB TP.HCM. Trước khi quyết định ra đi, tôi cũng đã trăn trở nhiều năm rồi. Lần này, tôi muốn xin đi để tìm cơ hội cho bản thân. Có nhiều thứ giữ chân mình ở Gia Lai, nhưng tôi muốn bản thân mình phát triển hơn” .
Phan Thanh Hậu chuyển tới CLB TP.HCM theo một bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 2 năm từ HAGL. Trong màu áo mới, anh sẽ làm việc với HLV Mano Polking, người cực kỳ ưa thích lối đá tấn công và ban bật bóng ngắn. Ngoài ra, anh sẽ sát cánh cùng Lee Nguyễn, tân binh mới nhất của CLB TP.HCM.
Phan Thanh Hậu - sao trẻ HAGL bị lãng quên sau 5 năm
Tiền vệ của HAGL từng được vào top 40 cầu thủ trẻ hàng đầu thế giới do The Guardian bình chọn vào năm 2014. Tuy nhiên, sự nghiệp của anh đang đi xuống.
Năm 2015, bầu Đức thanh lý hàng loạt cầu thủ ở đội một Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) để nhường chỗ cho các tài năng trẻ, hướng tới mục tiêu giành huy chương vàng SEA Games. Khi đó, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng hay Nguyễn Tuấn Anh là những cái tên nổi bật của học viện HAGL Arsenal JMG. Họ cũng "làm mưa làm gió", khiến người hâm mộ phát cuồng ở các giải đấu dành cho lứa tuổi U19.
Video đang HOT
Phan Thanh Hậu cũng được điền tên vào danh sách đội một HAGL tham dự V.League 2015. Điều đó chứng tỏ rằng tài năng của tiền vệ quê Quảng Ngãi là không cần bàn cãi. Tuy nhiên, những gì anh thể hiện trên sân chỉ có thể gói gọn trong 2 chữ: "nhạt nhòa".
Thanh Hậu (số 22) không thể giành vị trí tiền vệ trung tâm ở HAGL khi phải "đối đầu" Châu Ngọc Quang, Tuấn Anh, Xuân Trường. Ảnh: Minh Chiến.
Mất hút
Trong 5 mùa giải qua, Thanh Hậu chỉ có 15 trận đá chính, trung bình 3 trận mỗi mùa. Tổng cộng, anh được ra sân 1.620 phút và ghi được đúng một bàn thắng. Đó là pha lập công trong trận hòa 2-2 giữa HAGL và Đồng Nai ở vòng 10 V.League 2015.
Những con số đó cho thấy Thanh Hậu đang khiến người hâm mộ, huấn luyện viên thất vọng. Với cái chân trái khéo léo và nhãn quan chiến thuật khá ổn, cầu thủ thuộc học viện HAGL Arsenal JMG khóa 2, được chờ đợi làm được nhiều điều hơn thế.
Trong những bài kiểm tra kỹ thuật tại học viện, Thanh Hậu luôn là một trong những cầu thủ đạt điểm cao nhất. Chân trái của cầu thủ này rất khéo, thực hiện dễ dàng những động tác kỹ thuật rất khó.
Thanh Hậu có thể chơi tốt ở vị trí tiền vệ trung tâm, tiền vệ tấn công hoặc tiền vệ cánh. Anh có những cú chạm bóng rất tinh tế, chơi một chạm hay, tạo ra khoảng trống cũng như các cơ hội cho đồng đội.
Trong suốt những năm qua, ở HAGL, Thanh Hậu không cạnh tranh được vị trí đá chính với những đàn anh như Xuân Trường, Tuấn Anh. Khi đặt lên bàn cân với các bạn hay các em như Trần Thanh Sơn, Triệu Việt Hưng... anh cũng tỏ ra lép vế.
Thanh Hậu là một phần của đội hình U19 Việt Nam vào đến bán kết Vòng chung kết U19 châu Á 2016 diễn ra tại Bahrain. Một năm sau, anh cũng có mặt ở Vòng chung kết U20 World Cup trên đất Hàn Quốc.
Tuy nhiên, giống như điều Thanh Hậu phải chịu ở HAGL, anh không là sự lựa chọn số một của HLV Hoàng Anh Tuấn ở trung tâm hàng tiền vệ. Lương Hoàng Nam, Nguyễn Trọng Đại, Bùi Tiến Dụng hay Trương Văn Thái Quý mới là những người được tin dùng.
Thậm chí, Thanh Hậu không phải là sự ưu tiên của HLV Hoàng Anh Tuấn trước khi U19 Việt Nam bay sang Hàn Quốc ngay cả khi Bùi Tiến Dụng bị gãy xương quai xanh. Tiền vệ của HAGL được điền tên sau khi hậu vệ Đặng Văn Tới bị rách dây chằng cổ chân trái.
Năm 2017, Thanh Hậu cũng không được HLV Nguyễn Hữu Thắng điền tên vào danh sách dự SEA Games 30. Hai năm sau, anh tiếp tục vắng mặt ở sân chơi trẻ được quan tâm nhất Đông Nam Á khi bị HLV Park Hang-seo gạch tên trước giờ U22 Việt Nam lên đường sang Philippines.
Trong giai đoạn 2015-2020, bóng đá Việt Nam dần chiếm lại tình cảm của người hâm mộ nhờ những cột mốc ấn tượng như giành vé dự U20 World Cup, á quân U23 châu Á 2018, vô địch AFF 2018, vào bán kết ASIAD 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019...
Những thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của các cầu thủ HAGL. Đội bóng phố núi luôn thuộc nhóm câu lạc bộ đóng góp nhiều tuyển thủ quốc gia nhất.
Tuy nhiên, Thanh Hậu không nằm trong số này. Đó là một kịch bản đáng buồn với một cầu thủ trẻ tài năng nhưng chưa bao giờ thực sự lớn.
Con đường lên các đội tuyển quốc gia của Thanh Hậu dần khó khăn hơn. Ảnh: Việt Linh.
Mấu chốt nằm ở đâu?
Thanh Hậu được đánh giá có nền tảng thể lực khá tốt. Anh là một trong số ít những cầu thủ có thể nuốt trọn giáo án tập luyện khắc nghiệt mà HLV Hoàng Anh Tuấn dành cho U19 Việt Nam trước thềm Vòng chung kết U20 World Cup.
Đó là một lợi thế, nhưng nó cũng không thể giúp Thanh Hậu giành suất đá chính ở câu lạc bộ cũng như các đội tuyển quốc gia. Thể hình mỏng cơm khiến anh gặp bất lợi trong những pha tranh chấp tay đôi. Bên cạnh đó, tâm lý bị xem là một điểm yếu của Thanh Hậu.
Ngoài ra, kỹ thuật tốt cũng là một con dao hai lưỡi đối với Thanh Hậu. Anh có thể xử lý bóng tốt trong phạm vi hẹp, nhưng khi lạm dụng nó, pha bóng sẽ trở nên rườm rà, làm chậm nhịp triển khai của cả đội.
"Khi tôi lên tuyển, nhiều đàn anh ở HAGL đã có những lời khuyên. Một số ý kiến khuyên tôi về các vấn đề như vị trí, cải thiện khả năng phòng ngự. Trong đó, anh Xuân Trường khuyên tôi phải giải quyết bóng nhanh hơn", Thanh Hậu chia sẻ hồi tháng 3/2019.
Không chỉ Thanh Hậu, khả năng phòng ngự cũng bị coi là điểm yếu chung của các cầu thủ HAGL.
"Qua theo dõi, tập luyện..., tôi cho rằng mặt hạn chế của HAGL là cách tiếp cận với nền bóng đá. Bóng đá Việt Nam đòi hỏi giàu thể lực, sự ứng biến về chiến thuật cá nhân. Cầu thủ HAGL được đào tạo kỹ thuật cá nhân rất giỏi nhưng chiến thuật cá nhân ko giỏi", HLV Nguyễn Đức Thắng, một trong những ngươi có bằng cấp cao nhất Việt Nam, chia sẻ với Zing.
"Khi cầu thủ HAGL được lên tuyển làm việc với những HLV giỏi, có trình độ thì họ có được bước tiến. Họ cũng sẽ tiến bộ khi ra nước ngoài. Vì với những phẩm chất kỹ thuật như vậy thì họ sẽ tiến xa. Nếu trang bị thêm về chiến thuật phòng ngự cá nhân, nhóm, hàng, đội thì HAGL sẽ là đội bóng đáng xem hơn nhiều và có thành tích cao", thuyền trưởng của CLB Bình Định nói thêm.
Năm nay, Thanh Hậu mới bước sang tuổi 23. Sự nghiệp của anh vẫn còn rất dài nhưng không dễ để tiền vệ này trở lại, tìm được chỗ đứng ở HAGL chứ chưa nói đến việc chiếm suất ở ĐTQG.
Tìm một đội bóng mới để được ra sân thường xuyên, như cách mà Lê Phạm Thành Long, Lương Hoàng Nam, những tiền vệ trưởng thành từ HAGL, đã làm có thể là một giải pháp tốt dành cho Thanh Hậu.
Lee Nguyễn - Kiatisak: Oan gia ngõ hẹp! Việc có cả Kiatisak và Lee Nguyễn khiến cho V-League 2021 trở nên hấp dẫn và đáng xem hơn bao giờ hết nếu biết được những mâu thuẫn hai người từng có trong quá khứ. VIDEO: Bàn thắng của Lee Nguyễn giúp HAGL đánh bại 'ông lớn' Thể Công (Nguồn: BLV Quang Huy) Sáng ngày 18/12, HLV Mano Polking đã lên tiếng xác...