Rồi chị lại một mình
Chị nghỉ học rất sớm để ở nhà bế em cho má đi làm thuê. Lớn lên, chị cũng đi làm thuê phụ giúp ba má kiếm tiền nuôi em ăn học.
Cha mẹ nghèo, chị là chị hai của đàn em sáu đứa.
Chị nghỉ học sớm, rất sớm, từ khi mới đi học được mấy tháng, để ở nhà bế em cho má đi làm thuê. Lớn lên, chị cũng đi làm thuê phụ giúp ba má kiếm tiền nuôi em ăn học. Thời đó con gái lấy chồng sớm, 17 tuổi chị gật đầu với một người. Vợ chồng lục đục hoài vì chị chậm có con, anh lý lẽ không phải vì chị không có khả năng sinh đẻ mà vì chị lao lực quá nên không thể có con được. Mà có phải anh bắt chị làm lụng khổ cực đâu, chị cố làm thêm để có tiền đưa cho cha mẹ nuôi em.
Sau năm năm chị vẫn không có thai và cũng không chịu đổi tính, chồng giận dữ đưa ra tối hậu thư, hoặc là gia đình nhỏ (là chồng và chị), hoặc là gia đình lớn (là ba má chị và sáu đứa em). Chị cắn răng, sự chọn lựa nào cũng đau đớn. Thôi thì để anh chọn. Anh chọn ly hôn.
Chị khóc mấy trận, rồi tiếp tục bươn chải nuôi đàn em. Buồn tình duyên nên chị lao vào công việc. Ba má chị vô tư, thấy con gái giỏi giang, giàu đức hy sinh thì cứ vậy mà chìa tay nhận tiền chị đưa về. Lại còn sợ chị đi bước nữa hết nhờ nên mỗi khi có ai đó ngấp nghé bắn tiếng ngỏ lời, ba má chị ra sức chê bai người đó. Chị thì nghĩ trong lòng, mình không sinh cho người ta được đứa con thì thế nào người ta cũng kiếm con nơi khác, đằng nào cũng khổ. Thôi thì mai mốt già mình nương dựa mấy đứa em, lấy cháu làm con cũng được.
Sáu đứa em của chị nhiều mơ ước, đứa mơ thành bác sĩ, đứa mơ thành kiến trúc sư, đứa mơ thành hướng dẫn viên du lịch, đứa mơ thành diễn viên… Lắm khi mệt lử mà nghe các em dệt tương lai, chị như được tiếp thêm sức, lại cố gắng làm gấp đôi gấp ba để có đủ tiền nuôi những giấc mơ xa. Trong những giấc mơ đó luôn thấp thoáng một chỗ cho chị.
Video đang HOT
“Mai mốt em thành bác sĩ em sẽ đón chị về chăm sóc tuổi già”, đứa em kế nói vậy. “Mai mốt thành kiến trúc sư em sẽ xây cho chị một căn nhà thật đẹp”, đứa em khác nói. “Mai mốt thành hướng dẫn viên du lịch em sẽ đưa chị đi khắp thế giới”, đứa em khác nữa nói… Chị thích nhất là được đi khắp thế giới.
Lời hứa pha mời mọc đó khiến chị đâm ra mơ mộng. Suốt bao năm tháng dài chị chỉ biết mỗi con đường từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà, dân buôn bán nghỉ một ngày cũng sợ mất khách nên đau ốm chị không dám nghỉ. Cứ như bao năm tháng miệt mài đó là để dồn một kỳ nghỉ phép thật đích đáng, một chuyến du lịch vòng quanh thế giới cho chị được mở mày mở mặt với đời. Rồi sau đó an phận tuổi già với bầy cháu.
Ảnh minh họa
Cuộc đời kể cũng không đến nỗi.
Những giấc mơ đưa đàn em của chị đi xa. Chị ở lại thị trấn nhỏ tiếp tục làm lụng gửi tiền lên thành phố nuôi em học đại học. Đồng tiền mặn chát mồ hôi chốn quê gửi lên thành phố bỗng như bọt biển. Chị thức khuya hơn, dậy sớm hơn, tự nguyện cực khổ hơn trong niềm vui nghĩ tới tương lai. Chị mân mê những tấm bằng khen của các em gửi về mà tràn trề tự hào, chị, một người mù chữ mà nuôi đàn em đứa nào cũng nhiều chữ.
Đứa em trai kế học xong bác sĩ trở về quê lấy vợ cũng là bác sĩ. Vợ chồng em bàn bạc thôi chị già rồi, nắng mưa giữa chợ dễ sinh bệnh, về phụ giúp phòng khám của tụi em cho vui.
Bệnh nhân đi vô đi ra, chị chuẩn bị sẵn cây lau nhà vừa đủ độ ẩm chờ nhìn thấy dấu giày dép là dọn sạch liền, không để lại nước trơn trợt, mùa gió bụi mà bức tường kính lúc nào cũng trong veo. Ở quê mà có phòng khám sạch sẽ cỡ đó thì người dân tin tưởng lắm. Phòng khám ngày càng đông, em dâu bận bịu với bệnh nhân nhờ chị kiêm luôn việc nấu nướng, dọn dẹp bếp núc. Rồi em dâu sinh em bé…
Chị ước được an phận tuổi già với bầy cháu thì nay đã thành sự thật, mấy đứa em ở lại thành phố điện thoại ríu rít giành nhau mời chị về ở với mình. Đứa này sinh con so, đứa kia sinh con rạ… Ở với đứa này được vài tháng thì chị tới nhà đứa kia, cứ vậy, vòng quanh nhà của mấy đứa em để bồng ẵm hôn hít từng đứa cháu từ khi mới chào đời… Cuốn album của gia đình nào cũng đầy những tấm hình chụp cảnh chị tắm em bé, chị bồng em bé trong lễ đầy tháng, chị nựng cháu trong lễ thôi nôi…
Người ta nói dân quê ra thành phố thường buồn vì nhớ, chị không buồn, đang ở với đứa này mà đứa kia cũng đem con tới gửi luôn cho tiện, chị bận bịu tít mù với bầy cháu chẳng có thời gian để buồn. Nếu cố tìm ra một lý do để phàn nàn thành phố thì chị sợ nhất khi cúp điện phải leo cầu thang bộ, cặp chân mỏi rã rời. Đứa em út hướng dẫn viên du lịch nhiều lần nhắc tới lời hứa ngày xưa của mình và hẹn đợi khi bầy cháu lớn thêm tí nữa, cả nhà sẽ cùng đi một chuyến, vé giá rẻ bây giờ đâu có tốn bao nhiêu.
Đến một ngày kia, đang đẩy cháu ngồi xe nôi dạo quanh hoa viên, chị bỗng cứng đờ người té nhào…
Nhà có người làm bác sĩ thì khi đau ốm về với bác sĩ là đúng rồi. Mấy đứa em ở thành phố bàn bạc thu xếp cho chị về quê ở với vợ chồng bác sĩ.
Em dâu bác sĩ nói với chồng mà cố ý cho chị nghe: “Khi chị khỏe mạnh, đang ở với mình thì tụi nó giành nhau nhờ, giờ già rồi lấy cớ đau ốm tống về lại đây mà được à?”. Chị đợi nghe em trai mình nói với vợ: “Chị hai nuôi nấng anh từ nhỏ…” nhưng chỉ nghe tiếng “suỵt”. Tối đó, em dâu buồn bực dắt hai đứa nhỏ về ngoại, còn lại hai chị em ngồi nhìn nhau thở dài. Lâu lắm rồi chị mới sực nhớ ra mình cũng đã có lần lấy chồng, lâu lắm rồi chị mới nhớ lại những trận vợ chồng lục đục mà lý do chẳng phải tại vợ tại chồng.
Chị về lại căn nhà gỗ mục nát của ba má để lại từ lâu hương tàn khói lạnh vì chị cứ đi hoài. Nhúc nha nhúc nhắc, cái gì làm được thì làm, cái gì nặng quá không làm được thì chịu, từng chút từng chút rồi chị cũng thu dọn lại căn nhà tươm tất để tự làm ấm cho mình. Chị nuôi một con mèo và một con chó, hàng xóm khen chị mát tay vì mèo với chó mà chịu ăn chung một tô.
Tôi là y sĩ trạm xá ở thôn của chị.
Có em là bác sĩ phố huyện mà tới trạm xá thôn nằm một mình, chị không nói ra mà ai cũng hiểu.
Trái tim chị đập lộn xộn lắm, mỗi lần khám cho chị, tôi muốn hỏi lỡ có bề gì thì chị muốn báo tin cho ai. Mà tôi không dám hỏi, sợ chị khóc.
Theo Nguyên Hương/Baophunu