Robot – lời giải thần kỳ cho nền kinh tế Nhật Bản
Nếu như ở Mỹ và châu Âu, sự gia tăng của máy móc được dự báo sẽ nghiêm trọng hóa tình trạng thất nghiệp và sụt giảm lương, thì tại Nhật Bản, robot là cách xử lý êm đẹp cho tình trạng lão hóa dân số, suy giảm lực lượng lao động và rào cản với dân nhập cư.
Nhân viên vận hành máy móc tại một nhà máy – Ảnh: Bloomberg
Vốn dĩ, Nhật Bản đã là một cường quốc về robot. Song Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn nhiều hơn thế và đã kêu gọi một cuộc “cách mạng robot”.
Theo Bloomberg hôm 14.9, chính quyền của ông bắt đầu kế hoạch thúc đẩy sử dụng máy móc thông minh trong sản xuất, các chuỗi cung ứng, xây dựng và chăm sóc sức khỏe trong vòng 5 năm. Trong lúc đó, thị trường robot cũng sẽ được mở rộng từ 660 tỉ yen, tương đương 5,5 tỉ USD, lên 2.400 tỉ yen vào năm 2020.
“Sự thiếu hụt lao động là một vấn đề cấp bách đến nỗi các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng hiệu suất”, Hajime Shoji, trưởng bộ phận thực hành công nghệ châu Á – Thái Bình Dương tại tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) nói.
BCG cho rằng đến năm 2025, robot có thể thay thế đến 25% chi phí lao động cho các nhà máy ở Nhật Bản.
Tự động hóa đang ngày càng gia tăng tại Nhật Bản. Trung tâm phân phối 10 tỉ yen của hãng thuốc Toho Holdings vừa đi vào hoạt động hồi tháng 1 đã tuyển 130 công nhân, chỉ một nửa số lượng so với số nhân công của một trung tâm có kích thước tương tự. Năng suất của công nhân tăng 77% và robot xử lý 65% hoạt động chọn lọc sản phẩm.
“Chúng tôi muốn giảm nhân công bằng cách sử dụng robot vì chúng tôi cảm thấy khó khăn trong việc tuyển nhân sự, kể cả lao động bán thời gian”, Mitsuo Morikubo, giám đốc điều hành công ty nói.
16 robot hoạt động tại Toho Holdings có sự khéo léo đáng nể với khả năng chọn đến 10.000 sản phẩm mỗi giờ với sự chính xác gần như tuyệt đối. Công việc mà con người phải xử lý trở nên nhẹ nhàng hơn. “Phụ nữ dễ dàng làm việc ở đây. Bạn không phải khuân vác vật nặng và hệ thống giúp bạn hạn chế lỗi”, công nhân Asuka Arai nói.
Video đang HOT
Robot hỗ trợ nhân viên y tế nâng đỡ bệnh nhân tại tỉnh Chiba, Nhật Bản – Ảnh: Bloomberg
Trong nhiều thập niên, Nhật Bản dẫn đầu trong lĩnh vực robot sản xuất, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xe ô tô.
Hiện tại, với việc Trung Quốc và Hàn Quốc đã tự sản xuất được máy móc sản xuất tự động riêng, Nhật Bản lại chuyển sự tập trung vào robot dịch vụ. Robot dịch vụ là thị trường được chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng 20 lần đến mức 1.200 tỉ yen năm 2020.
Đơn cử, công ty Cyberdyne có sản phẩm bộ đồ cơ năng học HAL, phát hiện các tín hiệu từ não truyền đi cơ bắp của người mặc, hỗ trợ họ di chuyển và giảm sự gắng sức vật lý. Trong nhà máy sản xuất và xây dựng, HAL giúp công nhân ít căng thẳng hơn. Đối với bệnh nhân, nó góp phần hỗ trợ vật lý trị liệu.
“Trong tương lai, mọi sự chú ý đều đổ dồn về sự thiếu hụt lao động”, Tanikawa, 49 tuổi, người đang săn lùng nhân sự tại các trường học, hội chợ việc làm nói. Công ty của Tanikawa có 65 nhân công, 2 nhà máy và dựa vào trợ cấp của chính phủ để giải quyết 2/3 chi phí 90.000 yen/tháng thuê mướn một robot HAL.
Robot cũng ngày càng hiện diện nhiều hơn trong ngành chăm sóc sức khỏe. Tại viện dưỡng lão Good Time Living ở Chiba, đông Tokyo, điều dưỡng Yuki Yuki mang theo chiếc máy tính bảng hiển thị hình ảnh một người bệnh. Máy tính bảng này kết nối với một camera trong phòng bệnh nhân, quan sát mọi chuyển động của họ và sẽ báo hiệu nếu người bệnh cần sự hỗ trợ. Hệ thống này có giá 500.000 yen Nhật.
Để nâng đỡ một người bệnh khỏi giường bệnh, cô Yuki, dùng một chiếc máy nâng tự động có giá 400.000 yen. Như nhiều nhân viên điều dưỡng, cô mắc chứng đau lưng mãn tính và chiếc máy này hỗ trợ cô rất nhiều trong công việc. “Tôi đã phải nghỉ việc nếu không có chiếc máy này”, Koriyama nói.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Kinh tế Nhật Bản sẽ lao đao nếu băng mafia số một tan rã?
Yamaguchi-gumi, băng mafia lớn nhất Nhật Bản, tổ chức tội phạm giàu nhất thế giới, đang trên bờ vực chia rẽ. Theo giới chuyên gia, chuyện băng đảng được so sánh là 'tập đoàn tư nhân lớn nhất Nhật Bản' chia rẽ chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
"Bố già" Shinobu Tsukasa, hay còn gọi là Kenichi Shinoda - thủ lĩnh băng mafia lớn nhất Nhật Bản - Ảnh: AFP
Theo CNBC, băng mafia (hay còn gọi là yakuza) Yamaguchi-gumi là tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản, giàu nhất thế giới với hơn 23.000 thành viên, chiếm 43,7% thành viên băng nhóm tội phạm có tổ chức ở quốc gia Đông Á.
Hiện tại, băng Yamaguchi-gumi do Kenichi Shinoda, 73 tuổi, cầm đầu. Ở khoảng thời gian đánh dấu 100 năm hoạt động, tổ chức này đối mặt với mâu thuẫn nội bộ gay gắt.
The Japan Times cho hay bất đồng nội bộ băng xã hội đen này hiển hiện khi 3.000 thành viên đã rời khỏi nhóm Yamaguchi-gumi. Phe cánh mới xuất hiện là Kobe Yamaguchi-gumi vừa tuyên bố hoạt động hôm 7.9. Dẫn đầu nhóm mới là Kunio Inoue, người được cho là đã bày tỏ sự thất vọng của mình với cách cầm đầu "cực kỳ ích kỷ" của thủ lĩnh 73 tuổi.
Bên cạnh các mối nguy về chuyện "nội chiến tắm máu", căng thẳng nội bộ của nhóm mafia khét tiếng Nhật Bản còn làm dấy lên lo ngại về việc các nguồn thu nhập của nhóm này sẽ bị gián đoạn, ảnh hưởng đến thế giới doanh nghiệp khổng lồ của Nhật Bản. Yamaguchi-gumi nổi tiếng với việc sở hữu và kiểm soát vô số công ty.
Nhật Bản hiện lo ngại về "nội chiến tắm máu" của xã hội đen - Ảnh: AFP
Eric Messersmith, giảng viên tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc tế Florida nhận định: "Một tổ chức lớn như Yamaguchi-gumi chắc chắn có một số tác động nhất định đến nền kinh tế Nhật Bản nói chung".
Ngay lúc này, Messersmith cho rằng nếu tình hình không leo thang, các tranh chấp nội bộ có thể chỉ gián đoạn nhỏ đến lợi nhuận của Yamaguchi-gumi.
"Đa số các công ty đa quốc gia lớn có truyền thống cách ly với các hoạt động của băng đảng, nhưng điều này cũng còn tùy. Các hãng lớn sở hữu nhiều văn phòng thương mại quốc tế, như Marubeni chẳng hạn, đã tiếp xúc với các công ty bình phong của yakuza, dù họ có biết điều đó hay không", ông Messersmith nói.
Có một điều chắc chắn với cơ số các doanh nghiệp lớn nhỏ trong nhiều ngành nghề từ giải trí, tài chính đến công nghệ thông tin, bất động sản, Yamaguchi-gumi thống trị nền kinh tế lớn thứ ba thế giới một cách không chính thức.
Tạp chí Fortune ước tính doanh thu ròng của băng xã hội đen này lên đến 80 tỉ USD trong năm ngoái, cao nhất trong thế giới tội phạm có tổ chức và hơn hẳn đế chế ma túy khét tiếng Mexico Sinaloa Cartel.
Trang web của băng Yamaguchi-gumi - Ảnh: AFP
"Chỉ tính riêng hoạt động rửa tiền, các thành viên Yamaguchi-gumi ước tính đã tạo ra 10 tỉ yên trong năm ngoái. Và đó mới chỉ là con số khi báo cáo đang trong tiến trình thực hiện. Khó mà xác định Yamaguchi-gumi thật sự kiểm soát bao nhiêu tài sản. Rất khó để thống kê chính xác", Jake Adelstein, chuyên gia quốc tế về các yakuza ở Tokyo cho biết.
Còn Robert Alan Feldman, nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley MUFG Securities, thì từng gọi Yamaguchi-gumi là tập đoàn cổ phần tư nhân lớn nhất Nhật Bản.
Căng thẳng xảy ra ở nhóm xã hội đen lớn nhất đến vào thời điểm không hề thích hợp cho Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe. Hồi tuần trước, hàng nghìn người dân đã xuống đường phố Tokyo để phản đối sự thay đổi trong chính sách an ninh.
Thành lập vào năm 1915, băng Yamaguchi-gumi sẽ kỷ niệm 100 năm hoạt động vào năm nay. Như 20 băng xã hội đen khác trên khắp đất nước, Yamaguchi-gumi có logo tổ chức, văn phòng và danh thiếp để chứng minh công khai hoạt động của họ gắn chặt với nền kinh tế quốc gia.
Những năm gần đây, sau khi ra tù, "bố già" 73 tuổi Kenichi Shinoda đã và đang thực thi các quy tắc đạo đức trong tổ chức, cấm các thành viên sử dụng hoặc buôn bán ma túy. Thông tin này được đăng tải trên trang web chính thức của băng Yamaguchi-gumi.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Kinh ngạc robot tự lắp ráp như trong phim viễn tưởng Robot tự lắp ráp này có thể lật nhảy và tự lắp ráp thành nhiều hình dạng Robot tự lắp ráp này có thể lật, nhảy và tự lắp ráp thành nhiều hình dạng. Các chuyên gia của Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ) vừa cho ra mắt một loại robot hình khối có thể lật, nhảy và tự lắp ráp thành...