Robot đưa cơm, thuốc cho bệnh nhân Covid-19
“Xin mời bệnh nhân phòng 308 ra nhận đồ ăn”, robot y tế Vibot thế hệ thứ hai phát thanh khi di chuyển đến trước cửa phòng bệnh nhân Covid-19.
Sau lời thông báo, người bệnh ra cửa phòng nhận cơm, canh. Lấy xong khẩu phần cho cả phòng, bệnh nhân vẫy tay 3 lần trước thiết bị ở góc phải Vibot để báo hiệu Robot có thể tiếp tục hành trình. “Xin cảm ơn! Hẹn gặp lại”, Robot y tế phát thanh trước khi tiến đến phòng bệnh nhân tiếp theo.
Khi hoàn thành việc phát cơm cho hàng trăm bệnh nhân ở tất cả các phòng, Vibot quay về vị trí tập kết, nhả giá đựng đồ nhiều tầng ra và lùi về trạm sạc điện, chờ nhận nhiệm vụ mới.
“Vibot tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm Covid-19, làm thay công việc của nhân viên trong bệnh viện. Chúng làm việc hai ca, sáng từ từ 8h đến 12h và chiều từ 15h đến 18h, chưa kể những việc đột xuất”, Trung tá, TS Nguyễn Anh Văn, Phó chủ nhiệm bộ môn Robot đặc biệt và Cơ điện tử, Khoa Hàng không vũ trụ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, cho hay.
Trong khu điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang, ngoài vận chuyển đồ ăn, hai Robot của Học viện Kỹ thuật Quân sự còn đưa thuốc men, nhu yếu phẩm… từ ngoài vào khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết bên ngoà
Robot vận chuyển cơm canh đến buồng bệnh nhân đang điều trị Covid-19. Video: Quân Tiến
Ngoài chức năng vận chuyển, Robot còn có đường truyền thông tin giao tiếp riêng với trung tâm giám sát, điều khiển . Qua đó, người bên ngoài khu vực cách ly như y, bác sỹ, người thân, có thể giao tiếp, thăm bệnh, tư vấn, động viên… với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao.
“Trung tâm giám sát, điều khiển kết nối với các robot qua hệ thống truyền thông không dây nội bộ, gồm màn hình, micro, loa để các y bác sĩ giám sát, điều khiển các Robot cũng như để thực hiện chức năng giao tiếp từ xa với người bệnh”, Trung tá Văn giải thích.
Các nhân viên y tế có thể giám sát, điều khiển robot từ thiết bị cầm tay có kết nối wifi như laptop, máy tính bảng, điện thoại thông minh… hoặc điều khiển trực tiếp trên màn hình của Vibot.
Thiếu tá, Thạc sỹ Hoàng Văn Tiến và Đại úy, TS Nguyễn Đình Quân (mặc đồ bảo hộ trắng) điều khiển Vibot và hướng dẫn bệnh nhân F0 ở bệnh viện đa khoa Bắc Giang tương tác với Robot những ngày đầu mới đưa vào hoạt động. Ảnh: Nhân vật cung cấp
10 ngày trước, khi đang làm nhiệm vụ trực điều khiển Robot y tế tại bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam, Trung tá Văn nhận được chỉ đạo “chi viện gấp cho tâm dịch Bắc Giang”. Sau khi cùng các đồng đội khảo sát địa hình, anh Văn vội về nhà lấy ít đồ dùng, rồi vào trường cùng hai giảng viên khác của khoa Hàng không vũ trụ là Thiếu tá, Thạc sỹ Hoàng Văn Tiến và Đại úy, TS Nguyễn Đình Quân gấp rút lên đường.
Ngày 1/6, anh cùng đồng đội lắp đặt Robot, thiết lập hệ thống. Công việc hoàn thành vào đêm cùng ngày, và Robot được đưa vào hoạt động ngay hôm sau. Trung tá Văn ở trung tâm điều khiển vòng ngoài, còn Thiếu tá Tiến và Đại úy Quân trực tiếp ở vòng trong, hướng dẫn bác sĩ và các F0 làm quen với Robot.
Vibot thế hệ thứ 2 được thiết kế, chế tạo với nhiều tính năng thông minh như khả năng tự xây dựng đường đi theo bản đồ khu vực làm việc; nạp trước hoặc tự xây dựng, di chuyển an toàn vào, ra nơi được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ bên ngoài. Tuy nhiên, do bệnh nhân Covid-19 không được ra khỏi phòng (chỉ ra khi lấy đồ ăn rồi vào luôn) nên tư thế dừng của Robot trước cửa phòng cũng phải thay đổi tuỳ thuộc vào nhiệm vụ, như: Chuyển đồ ăn thì xe cơm phải dừng ngay giữa cửa phòng; còn trong chế độ thăm khám, màn hình (mặt trước robot) phải hướng vào cửa ra vào để bệnh nhân chỉ cần đứng ở cửa nói chuyện.
Hành lang di chuyển của Robot có một mặt toàn song sắt, gây khó cho hệ thống cảm biến quét laser để dựng lại môi trường xung quanh. Vì vậy, các sĩ quan phải điều chỉnh, bổ sung tấm chắn dọc hành lang và hướng dẫn để nhân viên y tế dễ thao tác, người bệnh tương tác với Robot thuận tiện.
“Cứ mỗi lần cập nhật chương trình thì sẽ phải test lại liên tục để sửa lỗi phát sinh. Hơn nữa, chỉ khoảng 80% bệnh nhân có thể tương tác tốt với Robot vì mỗi ngày đều có F0 mới nhập viện cần hướng dẫn, hoặc một số là người Trung Quốc không hiểu rõ nội dung mình truyền đạt”, Đại úy Quân nói.
Vibot-2 tiến gần giá đựng đồ ăn nhiều tầng để vận chuyển đến các buồng bệnh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thiếu tướng, GS Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, từ cuối tháng 4, hệ thống Robot y tế vận chuyển Vibot-2 đã được lắp đặt, vận hành thử nghiệm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Đến giữa tháng 5, Học viện tiếp tục lắp đặt hệ thống Vibot-2 gồm một Trung tâm giám sát, điều khiển và 5 robot tại Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai (tại Phủ Lý, Hà Nam) để thay thế nhân viên y tế phục vụ trong các khu cách ly bệnh nhân Covid-19.
“Sau thế hệ Vibot-1 thử nghiệm tại bệnh viện Bắc Thăng Long từ tháng 4/2020, chúng tôi đã nghiên cứu, hoàn thiện các Vibot-2 vận động linh hoạt trong nhiều môi trường làm việc, không chỉ bệnh viện mà còn phân xưởng, nhà máy, sân bay, triển lãm…”, Thiếu tướng Hồng cho hay. Theo ông, nhóm nghiên cứu cũng có thể phát triển Vibot-2 thành các Robot quân sự phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.
Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo Hệ thống robot y tế vận chuyển trong khu cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao – Vibot”, do Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng) triển khai khi đại dịch Covid -19 bùng phát vào tháng 4/2020.
Khoảng cách từ robot tới trung tâm giám sát, điều khiển có thể đến 150 m trong điều kiện có vật cản kiến trúc thông thường. Robot có khả năng mang tải 60 kg, tốc độ di chuyển cao nhất 30 m mỗi phút, hoạt động liên tục 12 giờ, tự động giám sát tình trạng năng lượng và tìm nguồn sạc khi cần.
Hà Nội thêm 6 F1 dương tính với COVID-19
Sáng 30/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thông báo 6 trường hợp F1 đang được cách ly có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
6 trường hợp dương tính mới có 3 trường hợp thuộc chùm ca bệnh tại Bắc Ninh, 2 thuộc chùm ca bệnh tại 2A Phạm Sư Mạnh và 1 thuộc chùm Đà Nẵng.
Cụ thể, liên quan đến chùm ca bệnh tại Bắc Ninh có 3 bệnh nhân, gồm 2 người ở Sóc Sơn và 1 ở Thanh Oai.
2 bệnh nhân ở Quang Tiến, Sóc Sơn cùng là F1 của BN3140 (Mão Điền, Bắc Ninh) là N.V.S, nam, sinh năm 1988 và N.V.T, nam, sinh năm 1993. Cả hai trường hợp này được lấy mẫu và chuyển cách ly tập trung ngày 8/5, với kết quả xét nghiệm âm tính.
Đến ngày 29/5, xuất hiện triệu chứng của bệnh nên cả hai bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân ở Kim Thư, Thanh Oai, là T.Q.K, nam, sinh năm 1986 và là F1 của BN3173 (liên quan đến ổ dịch Mão Điền, Bắc Ninh, dương tính ngày 8/5) đã được cách ly tập trung từ ngày 8/5. Ngày 29/5, bệnh nhân có triệu chứng của bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
2 bệnh nhân thuộc chùm ca bệnh tại 2A Phạm Sư Mạnh là N.L.H.A, nữ, sinh năm 2009 và N.T, nam, sinh năm 1978 đều có địa chỉ tại Thịnh Quang, Đống Đa, cùng là F1 của BN5469 (BN5469 là nữ, sinh năm 1981, dương tính ngày 25/5).
Cả hai bệnh nhân này đều được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày 25/5 cho kết quả âm tính.
Ngày 29/5, hai bệnh nhân xuất hiện triệu chứng của bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân liên quan đến chùm Đà Nẵng có địa chỉ tại xã Thống Nhất, huyện Thường Tín là P.T.D, nữ, sinh năm 1986.
Bệnh nhân là F1 của BN3105 và đã được cách ly tập trung từ trước đó (BN3105 là nữ, sinh năm 1983, tại Tô Hiệu, Thường Tín được xác định dương tính ngày 7/5).
Ngày 28/5, bệnh nhân có triệu chứng của bệnh và được lấy mẫu xét nghiệm và kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
TP HCM thêm 2 điểm 'nóng' Covid-19 vào diện cách ly tập trung HCDC thêm người từng đến Công ty phát triển giải pháp tầm nhìn IDS, quận Tân Phú và Công ty đầu tư dịch vụ Thiên Tú, quận Tân Bình, vào diện cách ly tập trung 21 ngày. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), người đến công ty Thiên Tú (Tầng 4, tòa nhà số 1 Hoàng Việt), quận Tân...