Rộ tin ông chủ Lầu Năm Góc cản quyết định tấn công Syria của ông Trump
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được cho là đã hối thúc Tổng thống Donald Trump tìm kiếm sự chấp thuận của Quốc hội trước khi tiến hành không kích Syria hôm 14/4, song ông chủ Lầu Năm Góc đã thất bại.
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
New York Times dẫn các nguồn tin từ quan chức chính quyền và quân đội Mỹ ngày 18/4 cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã hối thúc Tổng thống Donald Trump xin ý kiến Quốc hội trước khi tiến hành cuộc không kích nhằm vào 3 mục tiêu tại Syria hôm 14/4. Ông chủ Lầu Năm Góc được cho là đã gặp nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần và kêu gọi ông tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội cho kế hoạch tấn công này.
Theo New York Times, Bộ trưởng Mattis lo ngại rằng cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria sẽ dẫn tới nguy cơ leo thang xung đột với Nga. Ông Mattis xem đây là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra vì các binh sĩ Nga đang đồn trú tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Syria. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tin rằng sự ủng hộ của dư luận đối với các chiến dịch quân sự là yếu tố cần thiết trước khi chính quyền Trump tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào.
Trong cuộc họp kín tại Nhà Trắng với các quan chức quốc phòng Mỹ hồi tuần trước, Bộ trưởng Mattis được cho là đã đề cập tới sự cần thiết của việc thu thập thêm các bằng chứng cho thấy chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Cáo buộc về vụ tấn công hóa học này cũng là lý do khiến Tổng thống Trump phát lệnh tấn công Syria với sự hỗ trợ của hai đồng minh là Anh và Pháp.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết những nỗ lực của Bộ trưởng Mattis đã không thành công khi Tổng thống Trump vẫn muốn một hành động nhanh chóng và quyết liệt nhằm vào chính quyền Syria. Phản ứng này của Tổng thống Trump được cho là phù hợp với những tuyên bố cứng rắn trước đó của ông trên mạng xã hội.
Lầu Năm Góc lên tiếng
Video đang HOT
Trong thông báo ngắn gọn phát đi hôm qua, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Danna White cho biết thông tin do New York Times đăng tải về Bộ trưởng Mattis là “hoàn toàn không chính xác”. Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với AFP rằng không hề có cuộc tranh cãi nào liên quan tới quyết định tấn công Syria của Tổng thống Trump. Vị quan chức này cũng khẳng định “tất cả mọi người” đều nhất trí với ông chủ Nhà Trắng về thẩm quyền ra lệnh tấn công Syria.
Về phần mình, Bộ trưởng Mattis cũng bác bỏ thông tin của New York Times, khẳng định ông không biết thông tin đó từ đâu.
“Tôi không biết câu chuyện đó xuất phát từ đâu”, ông Mattis nói với các phóng viên khi đón Bộ trưởng Quốc phòng Qatar tại Nhà Trắng.
Nếu thông tin trên New York Times là chính xác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không phải người duy nhất bày tỏ quan ngại về quyết định tấn công Syria vội vàng của chính quyền Trump. Nhiều nghị sĩ Mỹ thuộc cả hai đảng cũng chỉ trích Nhà Trắng vì đã phớt lờ quyền thông qua quyết định tấn công của Quốc hội Mỹ, vốn được đề cập tới trong Hiến Pháp. Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ cũng có những cuộc tranh luận về việc liệu ông Trump có thẩm quyền để tiến hành các cuộc tấn công vào Syria hay không.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tranh cãi việc Syria bắn hạ thành công 71 tên lửa của Mỹ và đồng minh
Trong khi Syria được cho là đã đánh chặn thành công 71 tên lửa hành trình trong cuộc không kích của liên quân sáng 14/4, Mỹ khẳng định tất cả các tên lửa của họ đều đánh trúng mục tiêu. Thực hư về năng lực phòng không của Syria đến nay vẫn là một điều bí ẩn.
Tên lửa trên bầu trời Syria rạng sáng 14/4. (Ảnh: Getty)
"71 tên lửa bị đánh chặn"
Rạng sáng 14/4, các tàu khu trục, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của liên minh Mỹ-Anh-Pháp đã đồng loạt nã tổng cộng 105 tên lửa vào 3 mục tiêu ở Syria.
Ngay sau cuộc không kích, phía Nga cho biết, Không quân Syria đã bắn hạ thành công 71 tên lửa hành trình, tương đương 70% số tên lửa liên quân dội xuống Syria. Moscow cũng khẳng định các hệ thống phòng không của họ không kích hoạt do tên lửa liên quân không đi vào khu vực phòng không gần căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus của Nga ở phía tây Syria.
Trước đó, truyền thông quốc gia Syria dẫn nguồn tin từ quân đội Nga nói rằng, Không quân Syria đã bắn hạ thành công 13 tên lửa. Con số này tăng dần lên 20 tên lửa trước khi Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga nói rằng Syria đã bắn hạ 71 tên lửa hành trình bằng các hệ thống phòng không do Liên Xô sản xuất cách đây hơn 30 năm.
Trong một tuyên bố trên truyền hình, tướng quân đội Syria Ali Mayhoub cũng nói rằng: "Các hệ thống phòng không của chúng tôi đã bắn hạ thành công hầu hết tên lửa (của liên quân)". Quan chức này thừa nhận, trung tâm nghiên cứu khoa học Barzeh ở ngoại ô thủ đô Damascus đã trúng tên lửa và một trong các tên lửa bị đánh chặn đã làm thương 3 người ở Homs.
Theo Sputnik, Syria tuy sở hữu những hệ thống phòng không hiện đại như Pantsir-S1 với tên lửa đất đối không SAM và hệ thống pháo phòng không, nhưng Damascus đã bắn hạ các tên lửa hành trình của liên quân chủ yếu bằng các hệ thống đã có trên 30 năm tuổi như các biến thể của hệ thống tên lửa tự hành Buk, hệ thống phòng không S-125 và S-200.
Một cuộc không kích "hoàn hảo"?
Trong khi đó, phương Tây đã bác bỏ những tuyên bố của Nga và Syria về số lượng tên lửa bị đánh chặn. Tại cuộc họp báo ngày 14/4, quan chức Lầu Năm Góc, Trung tướng Kenneth McKenzie, nói rằng liên quân đã phóng đồng thời 105 tên lửa từ tàu chiến, máy bay nhằm vào 3 mục tiêu ở Syria. Ông khẳng định, không tên lửa nào của liên quân bị đánh chặn và rằng cuộc không kích là "chính xác và áp đảo".
Ông McKenzie cho biết, hệ thống phòng không Syria đã bắn 40 tên lửa đánh chặn trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của liên quân, song không tên lửa nào trúng mục tiêu. Hơn nữa, các tên lửa này được phóng đi sau khi cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp kết thúc.
"Suyria đã bắn 40 tên lửa cỡ lớn lên không trung, các tên lửa này đã rơi ở đâu đó", ông McKenzie nói.
Lầu Năm Góc cũng công bố các hình ảnh cho thấy Trung tâm nghiên cứu Barzeh của Syria bị san phẳng sau cuộc không kích. Trung tâm này bị tấn công bởi 76 tên lửa, trong đó gồm 57 tên lửa hành trình phóng từ biển, số còn lại phóng từ hai máy bay B-1B Lancer của Mỹ.
"Chúng tôi đã tính toán tỉ mỉ mục tiêu tấn công và chúng tôi đã đánh trúng tất cả các mục tiêu", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White cho biết.
Trong khi đó, giới chức quân sự Anh và Pháp được cho là đang thu thập dữ liệu qua ảnh vệ tinh để đánh giá mức độ thiệt hại mà cuộc không kích gây ra cho Syria cũng như để xác định liệu tên lửa của họ có bị hệ thống phòng không Syria đánh chặn hay không. Mặc dù vậy, họ vẫn khẳng định, cuộc không kích đã thành công. Tổng thống Trump tối 14/4 tuyên bố, cuộc không kích của liên quân đã thành công hoàn hảo và "kết quả không thể tốt hơn".
Minh Phương
Theo Dantri
Tranh cãi chưa hồi kết về cáo buộc Syria dùng vũ khí hóa học Mỹ và các nước đồng minh đã tấn công Syria với cáo buộc chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi khi tính xác thực của bằng chứng do các bên đưa ra đều chưa được kiểm chứng. Một người dân bị nghi hít phải khí độc tại Đông Ghouta, Syria (Ảnh:...