Rò rỉ hóa chất tại bể bơi, 40 người Anh phải nhập viện
Cảnh sát nước Anh ngày 21/6 thông báo, hàng chục người phải điều trị y tế sau vụ rò rỉ hóa chất tại một bể bơi ở miền Đông nước này.
Khoảng 40 người buộc phải nhập viện để điều trị chứng khó thở sau sự cố xảy ra ở bể bơi của công viên Wild Duck ở Belton, gần Great Yarmouth, hạt Norfolk miền Đông nước Anh.
Các nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng được điều động tới hiện trường vụ việc. Khu vực này ngay lập tức được tiến hành sơ tán, với hàng rào 20m được dựng lên xung quanh.
Chiều muộn cùng ngày, cảnh sát địa phương xác nhận bể bơi đã an toàn trở lại sau sự cố nói trên.
Những người bị ảnh hưởng từ vụ rò rỉ hóa chất cũng đã được đưa tới các bệnh viện gần nhất để điều trị. Rất may không có ai trong số những người bị thương hiện trong tình trạng nguy kịch.
Giới chức trách đang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc./.
Phương Anh Theo Tân Hoa xã
Video đang HOT
Theo_VOV
Công ty hóa chất Mỹ tìm cách trì hoãn vụ kiện chất độc da cam ở Pháp
Việc luật sư của các công ty hóa chất của Mỹ gây ra một "sự cố" về giấy tờ cho thấy phía bị đơn đang tìm cách kéo dài và làm phức tạp vụ kiện.
Ngày 18/6, tại Tòa đại hình Pháp ở thành phố Evry, đã diễn ra phiên điều trần thứ hai về mặt thủ tục vụ nạn nhân chất độc da cam mang quốc tịch Pháp Trần Tố Nga kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất diệt cỏ có chứa dioxine cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.
Luật sư Bertrand Repolt trả lời phỏng vấn phóng viên VOV
Việc luật sư của các công ty hóa chất của Mỹ gây ra một "sự cố" về giấy tờ cho thấy phía bị đơn đang tìm cách kéo dài và làm phức tạp vụ kiện. Tuy nhiên, cả luật sư lẫn nguyên đơn bà Trần Tố Nga đều bày tỏ niềm tin và quyết tâm đi đến cùng trong cuộc đấu tranh đòi công lý.
Phiên điều trần diễn ra tại phòng xử dân sự số 11 thuộc Tòa Đại hình Pháp ở thành phố Evry, trong khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ giữa luật sư Bertrand Repolt đại diện cho bà Trần Tố Nga và các luật sư đại diện cho 19 công ty hóa chất của Mỹ phía bị đơn.
Đây là phiên điều trần mang tính chất thủ tục thứ hai để xem xét các giấy tờ liên quan trước khi tòa đưa ra quyết định về lịch xử vụ kiện trong thời gian tới. Do đó, trong hai phiên điều trần đầu tiên này, luật sư các bên chưa đưa ra các lập luận hay tranh cãi để bào chữa cho các thân chủ của mình.
Trao đổi với PV VOV ngay sau khi phiên điều trần kết thúc, luật sư Bertrand Repolt, trợ lý của luật sư William Bourdon, người bào chữa chính cho bà Trần Tố Nga, cho biết có hai điểm mới đáng chú ý trong phiên điều trần thứ hai.
Thứ nhất là có thêm một công ty hóa chất phía Mỹ cử luật sư tham gia vụ kiện, nâng tổng số bên bị lên 19 công ty.
Thứ hai, luật sư phía các công ty của Mỹ đã gây ra một sự cố về giấy tờ và yêu cầu tòa phải cho giải quyết sự cố đó trước khi ấn định một ngày làm việc tiếp theo.
Đây là hành động đầu tiên cho thấy ý đồ đã được dự báo trước của phía các công ty của Mỹ là muốn kéo dài thời gian tranh tụng để làm cạn kiệt sức lực và khả năng tài chính của nạn nhân Trần Tố Nga - người nay đã 73 tuổi và mang trong mình nhiều bệnh tật do ảnh hưởng của chất độc da cam.
Luật sư Bertrand Repolt cho biết: "Chúng tôi đã có những kết luận về sự cố giấy tờ này, và chúng tôi cho rằng đây hoàn toàn là một việc được cố tình dựng nên nhằm kéo dài, trì hoãn việc tiến tới tranh tụng. Họ đòi hỏi chúng tôi phải cung cấp thêm một số giấy tờ dựa trên những lập luận hoàn toàn không thuyết phục. Lịch trình của chúng tôi khá gấp nhưng sự cố này cũng không thể cản trở được. Chúng tôi hy vọng đến đầu mùa Thu năm nay sẽ có thể bước vào các tranh tụng để đi đến phán quyết, đặc biệt là phiên tranh tụng vào giữa tháng 10".
Dù không được tòa yêu cầu đến tham dự, nạn nhân Trần Tố Nga vẫn có mặt sau phiên điều trần để cảm ơn luật sư Bertrand Repolt đại diện cho nhóm 3 luật sư nhận bào chữa miễn phí cho bà.
Bà Trần Tố Nga bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ trong vụ kiện dù phía bên bị có tìm cách trì hoãn và kéo dài: "Như lời giải thích của luật sư, những sự cố trước tòa như thế là bình thường, khi người ta cố tình gây ra sự cố để kéo dài vụ kiện. Vì thế, thay vì tiếp tục trình tự là sau hai phiên điều trần là tòa quyết định thời hạn để tranh tụng, thì giờ tòa phải dành thời gian để giải quyết sự cố đó trước rồi mới đi đến thời gian tranh tụng. Nhưng có nghĩa họ coi trọng vụ kiện này, họ mới phá. Thành ra tôi nghĩ mình vẫn cứ tràn đầy lòng tin để mà đi tới thôi".
Các phóng viên Đức, Pháp phỏng vấn luật sư Repolt
Có mặt bên ngoài phòng điều trần, một số phóng viên báo chí Pháp và Đức chia sẻ sự quan tâm của họ đối với vấn đề mà theo họ còn rất ít được biết đến trong dư luận Pháp và châu Âu.
Phóng viên trẻ Felix Klickermnn đến từ Đức cho biết anh quan tâm đến vấn đề chất độc da cam từ lâu do mang trong mình một nửa dòng máu Việt và đã về thực tập một năm tại Việt Nam về vấn đề chất độc da cam. Anh tới phiên điều trần để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Trần Tố Nga và giới thiệu cuộc hội thảo sắp được tổ chức tại Đức vào cuối tháng 6 này về chất độc da cam tại Việt Nam và bộ phim tài liệu mà anh tham gia biên tập có tên "Sáng hơn chất độc da cam- Di chứng của dioxine tại Việt Nam".
Anh Felix Klickermnn nói : "Công chúng tại Đức còn rất ít quan tâm đến vấn đề này. Không có mấy bài báo viết về chất độc da cam cũng như về vụ kiện tại Pháp lần này. Tôi tin rằng rất cần phải thúc đẩy hiểu biết và sự quan tâm của công chúng đến vấn đề này nhiều hơn, bởi những di chứng còn để lại rất nặng nề và dai dẳng đối với các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Về vụ kiện lần này, tôi tin rằng bà Trần Tố Nga có nhiều cơ hội chiến thắng, giành lại công lý không chỉ có cá nhân bà mà cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam".
Một nữ nhà báo Pháp đang triển khai dự án làm phim tài liệu về vụ kiện này cho biết: "Vì sao tôi quan tâm đến vụ kiện này ? Vì các công ty hóa chất như Monsanto được biết nhiều không chỉ ở Việt Nam mà cả châu Âu, là công ty sản xuất nhiều loại hóa chất, chất diệt cỏ ... Và câu hỏi đặt ra là các tập đoàn lớn phải chịu trách nhiệm về các sản phẩm mà họ làm ra gây hại cho con người. Họ không thể chỉ coi trọng doanh thu thương mại mà bất chấp tất cả. Vì thế chúng tôi quyết định làm phim tài liệu về vụ kiện da cam này"./.
Thùy Vân
Theo_VOV
Công chúa Tây Ban Nha mất tước hiệu, đối mặt án tù vì bê bối trốn thuế Vua Felipe VI của Tây Ban Nha đã tước bỏ tước hiệu "Công tước thành Palma" dành cho em gái của mình - Công chúa Cristina vì cáo buộc trốn thuế, biển thủ công quỹ và tham nhũng. Sự việc bắt đầu vào năm 2010, khi ngành tư pháp Tây Ban Nha cho mở cuộc điều tra Quận công Inaki Urdangarin, cựu ngôi...