Rình rập dịch cúm chết người từ gia cầm
Một loạt chủng cúm gia cầm trong nước, kể cả virus cúm chết người A/ H5N1 đã tái phát thời gian gần đây. Trong khi đó, loại virus cúm gia cầm mới A/H7N9 đang gây dịch tại Trung Quốc cũng có thể tràn sang bất cứ lúc nào, khiến cho diễn biến các dịch cúm gia cầm chưa bao giờ trở nên dồn dập như hiện nay.
Gia cầm giống nhập lậu tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch cúm.
Cúm H7N9 có hay chưa?
Trước diễn biến hết sức nóng bỏng của các loại dịch bệnh cúm gia cầm đe dọa đến kinh tế và sức khỏe người dân, cuối tuần qua, trực tiếp Bộ trưởng 2 Bộ Y tế và NN&PTNT đã chủ trì cuộc họp với 33 tỉnh, thành trọng điểm (có đường biên giới) để bàn phương án phòng dịch. Tại cuộc họp này, ông Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế đã gây bất ngờ khi nhận định: “Biết đâu, ở Việt Nam, virus cúm A/H7N9 đã có trên gia cầm mà chúng ta chưa biết”. Ông Phu lý giải, vấn đề vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc hết sức phức tạp, khó có khả năng ngăn chặn. Cùng đó, đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, lại có tính thích nghi rất cao.
Nhận định trên càng có cơ sở hơn khi báo cáo tại hội nghị, đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù lượng gia cầm nhập lậu từ đầu năm 2013 đến nay đã giảm so với cùng kỳ năm 2012 nhưng lại đang nổi lên tình trạng nhập lậu giống gia cầm, đặc biệt là vịt giống. Nguyên nhân vì giá vịt giống nhập lậu từ Trung Quốc rất rẻ, chỉ 2.000-2.500 đồng/con, trong khi trong nội địa là 8.000 đồng/con. Thống kê của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, từ đầu năm 2013 đến nay, cả nước đã ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm tại 4 tỉnh làm trên 28.000 gia cầm mắc bệnh chết phải tiêu hủy. Gần đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N1 trên 177 con chim nuôi tại Tiền Giang và trên 4.000 con chim yến nuôi tại Ninh Thuận.
TS. Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y – Bộ NN&PTNT cho biết, qua khảo sát năm 2012, có đến 29/30 tỉnh được khảo sát phát hiện virus cúm A trên gia cầm và 20/30 tỉnh có virus H5N1 trên gia cầm. Đặc biệt, Cục Thú y phát hiện 2 mẫu vịt dương tính với virus cúm A tuýp H7 tại An Giang, Đồng Tháp và 6 mẫu virus H7 khác tại Cần Thơ và Hậu Giang. Dù kết quả phân tích gene cho thấy chưa có mẫu virus nào ở nước ta giống với virus H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc hiện nay nhưng đó là do tại thời điểm xét nghiệm chúng ta chưa chú ý đến việc tìm virus cúm H7N9. Do đó, Cục Thú ý dự kiến sẽ xét nghiệm lại khoảng 500 mẫu gia cầm (các mẫu có kết quả dương tính với cúm A) đã lấy trước đây để xem virus H7N9 có tồn tại hay không. Theo ông Đông, việc xét nghiệm này hiện đang được tiến hành và sẽ có kết quả trong vài ngày tới. Bên cạnh đó, Cục Thú y sẽ chủ động lấy mẫu xét nghiệm virus H7N9 từ các nhóm gia cầm có nguy cơ gồm: gà đẻ thải loại, gà con giống, lợn và chim bồ câu… tại các chợ, điểm tập kết trung chuyển động vật, tại các địa phương khu vực biên giới để tiến hành xét nghiệm.
Vừa truy tìm, vừa phòng chống
Trong khi dịch cúm A/H7N9 vẫn rình rập xâm nhập bất cứ lúc nào thì các dịch cúm gia cầm trong nước, đặc biệt là cúm A/H5N1 đã tái xuất với hàng loạt ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Điện Biên, Kiên Giang được ghi nhận. Đặc biệt, đầu tháng 4, lần đầu tiên Việt Nam phát hiện các ổ dịch cúm gia cầm do virus này gây bệnh trên chim yến tại Ninh Thuận và chim trĩ tại Tiền Giang. Các chuyên gia dự báo, số ca mắc cúm A/H5N1 trên người có thể sẽ tiếp tục gia tăng do ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm và chim vẫn xảy ra rải rác, việc xử lý triệt để ổ dịch ở các loài chim là khó khăn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, chúng ta đang đứng trước nguy cơ dịch đến từ nhiều phía, trong đó cả dịch cúm A/H7N9 lẫn cúm A/H5N1 đều được xác định là dịch cúm gia cầm. Do đó, để không có người bị bệnh thì mục tiêu quan trọng là phải phòng chống ngay trên đàn gia cầm, để không có gia cầm bị bệnh. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong trường hợp thấy cần thiết, Việt Nam sẽ thực hiện khuyến cáo của tổ chức thú y thế giới về việc tiêm phòng virus cúm H7 cho gia cầm.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam hiện chưa phát hiện ca mắc cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Tuy vậy, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch này tại Trung Quốc, Bộ Y tế đã kích hoạt toàn bộ hệ thống y tế dự phòng, nhằm đảm bảo phát hiện sớm các ca mắc. Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi, để đối phó với các dịch bệnh này thì không chỉ ngành y tế, NN&PTNT mà toàn hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc.
Theo ANTD
Buôn gà lậu lãi ngang... ma túy
Một kg gà thải loại nhập lậu giá chỉ có 5.000 - 10.000 đồng. Nếu vận chuyển trót lọt vào sâu trong nội địa có thể bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Một chuyến như vậy, chủ hàng thường chở 1.000- 1.200 con...
Có thể nói trong thời gian qua, nhiều địa phương ở giáp biên giới với Trung Quốc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai... đã ra sức ngăn chặn buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc, nhưng nhìn chung việc ngăn chặn triệt để là rất khó thực hiện. Lý do đơn giản là việc buôn bán gà lậu đang cho lợi nhuận rất cao.
Gà thải được cho không
Sáng 14/4, chúng tôi dạo một vòng quanh các chợ ở Móng Cái (Quảng Ninh) thì lác đác vẫn thấy các lồng gà không được kiểm dịch, gà trọc đầu (còn gọi là gà thải loại Trung Quốc) được các chủ hàng bày bán. Giả vờ mua một con gà ở chợ giáp biên ở đây, chúng tôi giật mình khi biết được đường đi tỉ mỉ một con gà lậu được đưa về từ Trung Quốc vào Việt Nam như thế nào.
Theo lời chủ buôn gà lậu này, từ gà thải có ý nghĩa rất rõ là loại gà bỏ đi như phế thải các trại nuôi phải tiêu hủy sau khi con gà không còn cho năng suất trứng. Cái gọi là phế thải này khi đưa vào Việt Nam trở thành hàng quý, mang lại nguồn lợi nhuận cao, do vậy người người, nhà nhà rủ nhau mang gà về Việt Nam tiêu thụ.
Lý giải việc tại sao đất nước đông dân như Trung Quốc với nhu cầu dùng thực phẩm rất cao lại bỏ phí nguồn gà thải có thể giết thịt, chủ hàng này trả lời ngay: Không phải cơ quan chức năng của Việt Nam thông báo mới biết trong gà thải có chất độc hại tồn dư mà hầu hết những người buôn gà đều hiểu rất rõ. Nhấn mạnh việc người người quyết tâm đưa gà thải vào Việt Nam, chủ buôn gà này cho hay: Vì siêu lợi nhuận.
Lợi nhuận được chủ buôn này phân tích như sau: Vận chuyển 1 con gà thải đưa qua biên giới chỉ mất từ 5.000-8.000 đồng. Khi đưa sang Việt Nam thì bán được ít nhất 50.000 đồng/con gà thải. Còn các loại gà giống tổng chi phí mua và vận chuyển chỉ khoảng 5.000 đồng/con trong khi được bán buôn tại Móng Cái với giá từ 13.000-15.000 đồng/con.
CSGT Công an Quảng Ninh bắt giữ 1 xe ôtô chở gà lậu trên Quốc lộ 18
Cũng theo chủ buôn gà này, thời điểm đầu, dân buôn gà lậu ai cũng giàu bởi lực lượng chức năng không kiểm soát. "Chỉ cần 1 tuần đánh 2-3 chuyến gà lậu là thu được vài chục triệu đồng như bỡn"- chủ gà này kể.
Thực tế này cũng được ông Đàm Văn Đức - Đội trưởng Đội QLTT số 1 Quảng Ninh thừa nhận: "Một kg gà thải loại nhập lậu giá chỉ có 5.000 - 10.000 đồng. Nếu vận chuyển trót lọt vào sâu trong nội địa có thể bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Một chuyến như vậy, chủ hàng thường chở 1.000- 1.200 con. Với cách tính như trên việc buôn bán gà lậu có lãi ngang buôn ma tuý".
Bất cập trong xử lý
Từ đâu năm đến nay, các bộ ngành trung ương và các địa phương ở dọc biên giới với Trung Quốc, trong đó có Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn... đều ra sức ngăn chặn tình trạng gia cầm nhập lậu. Nhưng, như đã nói, do buôn gà lậu siêu lợi nhuận nên các con buôn vẫn bất chấp sự kiểm soát gay gắt của ngành chức năng để hành nghề. Thậm chí, như một đầu nậu gà ở Quảng Ninh cho biết, ngành chức năng càng truy bắt, gà lậu càng hiếm và giá càng cao...
Thông báo mới đây của tỉnh Quảng Ninh thì sau một thời gian ráo riết ra quân đã xử lý được đến 90% việc buôn bán gà nhập lậu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, cơ quan chức năng mới xử lý được bề nổi của vấn nạn này. Bởi theo chủ buôn gà lậu bật mí: Để vượt mặt cơ quan chức năng, hiện việc vận chuyển gà thải không công khai bằng xe tải như trước mà được chuyển sang hình thức đã giết mổ tập trung rồi đóng vào thùng xốp mới đưa sang Việt Nam. Tiếp đó, lợi dụng việc các cơ quan chức năng để lỏng cho các xe container chở hàng đông lạnh chuyển đến vùng biên quay đầu nên gà nội địa lại càng dễ vào sâu trong nội địa. Thậm chí nhiều người còn dùng xe con để vận chuyển các thùng gà này...
Theo thông báo của tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây đã bắt được gả thải đi xe container lạnh. Do lợi nhuận từ buôn gà lậu cao nên họ tìm mọi hình thức để đưa gà vào. Trong vai người tìm "cửa" để đi buôn gà, chúng tôi được nghe một chủ buôn gà hồn nhiên phát biểu: "Xe chở gà có bắt thì cơ quan chức năng cũng không tạm giữ lâu được bởi hết thời hiệu thì lại phải thả. Ngoài ra, số tiền phạt hành chính có đáng là bao". Từ ý kiến này có thể hiểu tại sao chủ gà bất chấp tất cả để đưa gà "vượt mặt" cơ quan chức năng.
Một số cơ quan chức năng trực tiếp xử lý cho hay, họ đang gặp khó khi xử lý tiêu hủy gia cầm. Cụ thể, theo quy định của ngành thì sau khi phát hiện buôn gà lậu thì phải tự bỏ kinh phí hoạt động của đơn vị để chi cho việc xử lý. Ngoài ra còn phải mời các đơn vị liên quan phối hợp để thực hiện tiêu hủy. Trong khi đó kinh phí của các đơn vị hoạt động rất eo hẹp nên việc này đang rất nửa vời.
Mặc dù, tỉnh Quảng Ninh đã bỏ ra nguồn kinh phí để tiêu hủy nhưng thực tế để thanh toán được phần kinh phí này thì phải qua "rừng" thủ tục (biên bản, xác định khối lượng, chứng từ) quá phức tạp. Hơn nữa, việc đơn vị trực tiếp bắt, xử phạt hành chính không được hưởng phần trăm nào để tiếp tục duy trì hoạt động cũng là một cản trở không nhỏ trong quá trình chống gà lậu.
Có thể nói, cùng với những bất cập trong phòng chống, tiêu hủy hiện nay cộng với lợi nhuận của việc buôn gà lậu thì có thể nói "cuộc chiến" chống gia cầm lậu vẫn còn hết sức cam go!
Theo 24h
Quyết liệt ngăn chặn gia cầm nhập lậu, phòng ngừa virus cúm Trước nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm A/H7N9 từ nước ngoài vào Việt Nam, ngày 4-4, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái...