RFI: Tập Cận Bình bắt đầu hành động sau Hội nghị Bắc Đới Hà
Cuộc họp Bắc Đới Hà tại khu nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Hà Bắc từ lâu đã là nền tảng cho các cuộc đàm phán không chính thức giữa các nhà lãnh đạo đương nhiệm và về hưu của Trung Quốc để xác định phương hướng giải quyết các vấn đề lớn trong nước.
Sự xuất hiện trước công chúng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong ngày 15/08/2014, đã phát đi tín hiệu rằng Hội nghị Bắc Đới Hà đã kết thúc.
Ngay sau đó, Tập Cận Bình ngày 18/08/2014 đã tổ chức hai cuộc họp liên tiếp là “Cuộc họp nhóm lãnh đạo cải cách” và “Cuộc họp nhóm lãnh đạo tài chính”. Truyền thông nhà nước cho biết, bước tiếp theo của Tập Cận Bình là cắt giảm chế độ lương cao của các doanh nghiệp nhà nước.
Tập Cận Bình tại đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh ngày 19/08/2014 (cùng với Tổng thống Uzbekistan) là dấu hiệu cho thấy Hội nghi Bắc Đới Hà đã kết thúc
Tại cuộc họp với nhóm cải cách, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, năm 2014 là năm đầu tiên tiến hành cải cách toàn diện sau Hội nghị Trung ương 3 khoá 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, do đó cần thúc đẩy cải cách thực sự và mạnh mẽ, tạo một sự khởi đầu tốt cho công cuộc cải cách của những năm tiếp theo. Cách nói “năm đầu tiên” tiến hành cải cách được cho là cố ý tạo sự khác biệt với công cuộc cải cách 30 năm của Đặng Tiểu Bình.
Trong cuộc họp với nhóm cải cách, Tập Cận Bình đã đề ra “hành trình” cải cách trong 7 năm tới, nhắm đến việc thực hiện thử nghiệm chế độ tiền lương và tuyển dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước. Tập Cận Bình tuyên bố, cần phải quy định lại trật tự phân phối thu nhập của các doanh nghiệp, đặc biệt cần tiến hành điều chỉnh các doanh nghiệp thu nhập cao, với lí do nhằm “cân bằng sự phân hóa giàu nghèo”. Các học giả đánh giá, động thái này được dự kiến sẽ giúp Tập tăng cường quyền lực tương tự như chiến dịch “chống tham nhũng” mà Tập phát động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được cho là trụ cột của nền kinh tế quốc gia sau khi bị cắt giảm lương sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không thể lường trước được.
Tại cuộc họp với nhóm tài chính, Tập Cận Bình đã đề xuất việc nghiên cứu “chiến lược sáng tạo định hướng phát triển”, “khai thác động lực tăng trưởng mới”. Từ đó có thể thấy rõ ràng chính quyền do Tập và Lý (Lý Khắc Cường) lãnh đạo đang phải đối mặt với “nút thắt cổ chai” của sự phát triển kinh tế, lãnh đạo Trung Quốc đang ra sức tìm kiếm những bước đột phá. Sau 30 năm cải cách của Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc như đang ở trong tình trạng “đội đá qua sông”.
Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc ngày 19/08/2014 cũng cho biết, Tập Cận Bình trong hội nghị cải cách còn đề xuất việc xây dựng một số tập đoàn truyền thông mới có năng lực thực sự, sức ảnh hưởng và uy tín cao.
Video đang HOT
Hiện nay, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV là phương tiện truyền thông lớn mạnh nhất, tuy nhiên những năm gần đây nhiều quan chức của đài CCTV đều bị điều tra vì liên quan đến vấn đề kinh tế, khiến cho sự uy tín và hình ảnh của đài truyền hình trung ương ngày càng trở nên tồi tệ.
Mai Thanh (dịch từ RFI)
Theo NTD
Điểm mặt những "con hổ" quyền lực TQ sa lưới
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, TQ đã tiến hành điều tra 25.000 người. Con số này tăng trung bình 14% mỗi năm. Trong đó, đã có 182.000 quan chức bị trừng phạt, tăng 13,3% mỗi năm.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều "con ruồi" thuộc giới truyền thông nước này đã bị bắt. Mới đây nhất, ngày 30/7 vừa qua, giám đốc kênh phim tài liệu CCTV9 của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) Lưu Văn vừa bị bắt giữ vì tình nghi tham nhũng. Theo China Daily,a Kiểm toán nhà nước phát hiện những sai trái về tài chính của ông Lưu trong vấn đề quảng cáo và thuê tư liệu từ đối tác.
Ông Lưu là lãnh đạo CCTV thứ hai bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng trên diện rộng do Chủ tịch TQ Tập Cận Bình khởi xướng. Trước đó, tháng 5/2014, Quách Chấn Tỉ, người đứng đầu kênh tin tức tài chính CCTV2 đã bị bắt do tình nghi tham nhũng.
Đến tháng 7, thêm ba nhân viên CCTV khác bị bắt giữ để điều tra. Trong đó có phóng viên, phát thanh viên "sừng sỏ" trong lĩnh vực tài chính kinh tế của Đài Truyền hình trung ương (CCTV) Nhuế Thành Cương đã bị bắt vì liên quan đến tham nhũng, ngay trước giờ lên sóng vào ngày 11/7.
Nhưng không chỉ "diệt ruồi", hàng loạt hổ, những nhân vật tiếng tăm trong chính trường TQ, đã phải chịu điều tra và kết án.
Ngày 23/6, truyền thông đưa tin ông Lưu Thiết Nam, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC - chức vụ tương đương thứ trưởng) chính thức bị buộc tội tham nhũng. Tân Hoa xã dẫn nguồn tin từ Viện Kiểm sát TQ cho biết quan chức này bị buộc tội lợi dụng chức vụ để làm lợi cho người thân và nhận "những món tiền hối lộ rất lớn."
Trước đó, tháng 5/2013, Cơ quan kỷ luật của Đảng Cộng sản TQ thông báo trên trang web chính thức cho hay Lưu Thiết Nam "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Khi ấy, ngoài chức vụ tại NDRC, cơ quan duyệt xét tất cả các dự án công nghệ lớn, Lưu Thiết Nam còn lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Quốc gia TQ (NEA).
Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh. Ảnh: CFP
"Con hổ" tiếp theo bị kết án tù là Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị TQ. Ông Bạc bị án tù chung thân ngày 22/9/2013 vì các tội nhận hối lộ (20,4 triệu Nhân dân tệ, tương đương khoảng 3,3 triệu USD), biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực. Phiên xử ông Bạc thu hút sự quan tâm lớn của dư luận TQ vì được tường thuật trực tiếp thông qua tài khoản mạng xã hội của Tòa án Trung cấp Tế Nam, điều chưa từng có tiền lệ. Bạc Hy Lai kháng án, nhưng tháng 10/2013, Tòa án nhân dân tối cao tỉnh Sơn Đông tuyên giữ nguyên án sơ thẩm.
Chưa hết, ông Bạc cũng chính là đầu mối để ông Tập đào sâu hơn vào "đường dây tham nhũng cấp cao" trong bộ máy chính quyền Trung ương. Kết quả là Chu Trấn Hoành - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy Quảng Đông, kiêm cựu Chủ tịch Mặt trận Thống nhất tỉnh đã bị tuyên án tử hình (ngày 28/2/2014) nhưng hoãn thi hành án 2 năm. Ông Chu đã nhận hối lộ hơn 4 triệu USD. Bên cạnh đó, ông này cũng không giải thích được nguồn gốc 6 triệu USD tài sản của mình. Ông này lần đầu tiên bị điều tra vào năm 2012.
Đầu tháng 7/2013, Lưu Chí Quân, cựu Bộ trưởng đường sắt đã chịu án tử hình treo vì cáo buộc dính líu đến một vụ tham nhũng 130 triệu USD và lợi dụng quyền lực. Theo cáo trạng, ông Lưu đã lợi dụng quyền hành của mình để nâng đỡ 11 người thăng quan tiến chức và giành được các hợp đồng trong dự án đường sắt, nhận 64,6 triệu Nhân dân tệ (khoảng 10,5 triệu USD) tiền hối lộ từ năm 1986 đến 2011.
Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt cái tên đang bị điều tra tài sản như Tô Vinh, cựu bí thư Đảng ủy Cam Túc, Thanh Hải và Giang Tây trước khi trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Bên cạnh ông Tô, cảnh sát đã phát hiện Vi Bằng Nguyên, Phó Trưởng phòng Quản lý than thuộc Ủy ban Quản lý Năng lượng Quốc gia, cất giữ số tiền mặt có được do tham nhũng lên tới 100 triệu Nhân dân tệ (16 triệu USD) tại nhà, v.v...
Ông Từ Tài Hậu khi còn làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ảnh: THX
Tuy nhiên, có hai vụ đáng chú ý hơn cả là Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu. Đầu tiên là việc khai trừ Đảng với cáo buộc tham nhũng nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ Từ Tài Hậu trên giường bệnh vào 30/6/2014, trước sinh nhật lần thứ 71 tuổi một ngày. Chưa hết, việc đưa ông Từ ra trước tòa án binh được xem như bước đi quyết liệt của chính quyền của ông Tập. Bởi lẽ, Từ Tài Hậu là một trong những nguyên lão có tiếng nói quan trọng trong quân đội nước này.
Ông Từ Tài Hậu là quan chức cấp cao nhất của quân đội TQ từ trước tới nay bị khai trừ đảng và truy tố với tội danh nhận tiền, quà cùng các lợi ích khác để thăng quân hàm cho các sĩ quan cấp dưới. So với Trung tướng Cốc Tuấn Sơn bị sa thải vào tháng 3/2014, Từ Tài Hậu mới là "con hổ" thực sự.
Tiếp theo là vụ án "rúng động TQ" của Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang. Chỉ một tháng sau khi ban lãnh đạo đảng Cộng sản TQ khai trừ Từ Tài Hậu, cuối tháng 7 vừa qua, Bắc Kinh đã công bố một cuộc điều tra chính thức đối với Chu Vĩnh Khang, người từng được coi là "vua an ninh" của TQ, đã về hưu trên cương vị ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 2012.
Cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Ảnh: Reuters
Nếu như Từ Tài Hậu là quan chức quân đội cấp cao cấp nhất bị bắt cho đến nay thì vụ án của Chu Vĩnh Khang là vụ án lớn nhất từ trước đến nay. Khoảng 14 tỉ USD tài sản của ông Chu đã bị thu giữ để điều tra. Trước đó, hàng loạt những đồng minh thân cận của ông Chu đã bị kết án, bao gồm: Bạc Hy Lai, Chu Bân, Lưu Hán. Bên cạnh đó, những quan chức thân cận của Chu Vĩnh Khang cũng đang bị điều tra như Quách Vĩnh Tường, Tưởng Khiết Mẫn, Ký Văn Lâm,...
Trang tin chính thức của Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương (Central Commission for Discipline Inspection) của ĐCS Trung Quốc hiện thời đã trở thành trang web có số lượng truy cập đông đảo của cộng đồng mạng nhằm theo dõi các diễn tiến mới nhất của chiến dịch này.
Hành động của chính quyền TQ cũng gây bất ngờ cho người dân. Vụ án Chu Vĩnh Khang mới đây cho thấy chính quyền sẵn sàng tiến hành điều tra cả cán bộ cấp cao đã về hưu. Theo các nhà nghiên cứu và bình luận, chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" một lần nữa cho thấy bản chất khó mà đoán trước được của nền chính trị TQ.
(Còn nữa)
Theo An Đỗ - Thụy Điển
Vietnamnet
Hội nghị Bắc Đới Hà tuần này là thử thách lớn với Tập Cận Bình Các nhà phê bình cũng cho rằng Tập Cận Bình đang sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để củng cố quyền lực của mình. Bưu điện Hoa Nam ngày 9/8 bình luận, một hội nghị thượng đỉnh phi chính thức nhưng siêu quyền lực quyết định các vấn đề lớn của Trung Quốc diễn ra hàng năm tại khu nghỉ dưỡng Bắc...