Review ‘Truyền thuyết về Quán Tiên’: Cơn lốc tình mãnh liệt của những cô gái nơi chiến trường khói lửa
Truyền thuyết về Quán Tiên dễ dàng trở thành một trong những tựa phim táo bạo và xuất sắc nhất của Viêt Nam trong gần 10 năm trở lại đây.
Xem qua trailer chính thức của Truyền thuyết về Quán Tiên.
Sau khi tình hình đại dịch COVID-19 đã trở nên dễ thở hơn tại Việt Nam, thì đón chờ khán giả ngoài các rạp phim là một tác phẩm vô cùng mới lạ có tựa đề Truyền thuyết về Quán Tiên. Được chuyển thể từ tác phẩm truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, sản phẩm điện ảnh mới nhất được “đặt hàng” bởi Bộ văn hoá chứa đựng một câu chuyện riêng tư, ý nhị, nhưng vượt xa những gì khán giả có thể trông chờ từ một bộ phim thuần Việt.
Poster chính thức của Truyền thuyết về Quán Tiên.
Truyền thuyết về Quán Tiên lấy mốc thời gian vào năm 1967 tại cánh rừng Trường Sơn, ở đó có một chiếc hang bí ẩn tuyệt đẹp được quân đội trưng dụng làm quán nước dừng chân cho binh lính trên đường hành quân. Tại đó, ba cô gái trẻ gồm Mùi ( Thuý Hằng), Phượng ( Minh Khuê) và Tuyết Lan ( Hoàng Mai Anh) cùng nhau sống và quản lý Quán Tiên, thay phiên nhau chăm sóc và chiêu đãi các anh bộ đội.
Quán Tiên là nơi các anh bộ đội dừng chân giải khuây trong 15 phút.
Tuy nhiên, những điều kỳ lạ bắt đầu xảy đến xung quanh các cô gái, sâu thẳm trong cánh rừng kia đang tồn tại một thế lực khiến nhóm “tiên nữ” nao núng và lo sợ, dẫn đến những quyết định thay đổi cuộc sống các cô mãi mãi. Như trailer đã giới thiệu, một con vượn hoang trong rừng đang gây phiền toái đến các cô gái, nhất là đối với Mùi. Chú ta rình cô tắm suối, làm ra những hành động khiếm nhã, dần dần khiến cô lo sợ và sinh sôi những cảm xúc phức tạp.
Mùi là nhân vật nữ chính của phim.
Câu chuyện giữa chú vượn và Mùi như một ngọn lửa nhỏ dần dần thiêu rụi bầu không khí ám muội và tươi đẹp của Quán Tiên, khi bừng lên trong mỗi cô gái sự quạnh quẽ cô đơn, hay cảm giác khao khát một bàn tay nam tính dẫn mình ra khỏi khói lửa bom mìn. Ba cô gái mang 3 nét cá tính khác nhau, song đều mang trong mình một trái tim trung trinh với tình yêu. Thế nhưng, cũng chính điều này đã đẩy cô và những người có liên quan đến tận cùng của đau khổ, đặc biệt là ở nơi trận địa tàn khốc.
Thế mạnh của Truyền thuyết về Quán Tiên là ở chính cốt truyện quá ư độc đáo, không hề có giới hạn. Xem phim, khán giả sẽ phải bất ngờ về sự bạo dạn và khai thác hết cỡ câu chuyện gốc vốn đã thuộc hàng siêu phẩm trong hàng ngũ văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh. Ngoài ra, việc đề cập đến căn bệnh “ết-tê-ri” (hysteria – chứng cuồng loạn “đàn ông”) nhưng lại được thể hiện vô cùng khác biệt ở 3 cô gái, nhất là khi có sự xuất hiện của bộ 3 anh chàng gồm Ku Xê ít nói ( Leo Nguyễn), Quỳnh ( Lê Hoàng Long) lãng tử ôn nhu, và cậu chàng Thiệt ( Trần Việt Hoàng) bị điếc nhưng thật thà chất phác.
Tuyết Lan đánh đổi để được ở cùng Ku Xê.
Mối tình thuần khiết giữa Phượng và Quỳnh liêu có cái kết đẹp?
Thiệt – nhân vật thay đổi số phận Mùi mãi mãi.
Những lời hứa hẹn của Quỳnh khiến Phượng rơi vào bể tình thuần khiết của tuổi trẻ, còn sự xuất hiện của Ku Xê chính là thứ “thuốc phiện” giúp Tuyết Lan “giải toả” khỏi sự tra tấn ngọt ngào và đắng cay về thể xác và tinh thần. Còn với Mùi, không chỉ có Thiệt mà còn cả chú vượn đóng vai trò rất lớn để tình cảm và khát vọng bên trong cô gái đôi mươi biệt nữu này được bộc lộ trần trụi và rõ ràng nhất.
Bên cạnh cốt truyện đầy hứng thú và tuyến nhân vật được trau chuốt kĩ lưỡng, tựa phim chuyển thể của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ còn gây ấn tượng ở phần bối cảnh rừng xanh bạt ngàn phần lớn quay tại Quảng Bình, và cách thiết kế Quán Tiên thật sự hừng hực khí thế và tràn đầy cảm xúc. Thế nhưng, một điểm chưa ổn của phim lại đến từ phần kỹ xảo vốn chưa từng là thế mạnh của phim Việt. Tạo hình chú vượn vẫn còn khá “giả”, khiến cảnh tương tác giữa chú và Mùi đôi khi bị gượng ép.
Bối cảnh rừng thiêng hiện lên tuyệt đẹp.
Nhìn chung, Truyền thuyết về Quán Tiên là một tựa phim hấp dẫn và mới lạ đến bất ngờ mặc dù lấy đề tài về chiến tranh. Phim cũng có một số thay đổi nho nhỏ so với bản gốc, thế nhưng chắc chắn vẫn sẽ khiến khán giả, đặc biệt là những ai đã đọc qua bộ truyện phải bồi hồi và ngưỡng mộ vì cuối cùng, thị trường phim Việt đã có một tựa phim dám phá bỏ nhiều giới hạn và thật sự tròn trịa về hình thức lẫn nội dung.
Truyền thuyết về Quán Tiên là tựa phim táo bạo đáng xem của Việt Nam.
Truyền thuyết về Quán Tiên chính thức công chiếu ngày 22/5/2020.
'Truyền thuyết về Quán Tiên' tung poster nhân vật: Hé lộ về con vượn 'thích người' bí ẩn trong truyền thuyết
"Nó" - Con "quái vật" gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các cô gái ở Quán Tiên đã được giới thiệu trong bộ poster nhân vật mới nhất của tác phẩm "Truyền thuyết về Quán Tiên".
Trailer Truyền thuyết về Quán Tiên
Là phim điện ảnh Việt đầu tiên và duy nhất ra rạp ngay sau giãn cách xã hội, phim Truyền thuyết về Quán Tiên nhận được phản hồi tích cực từ khán giả khi tung trailer chính thức gây tò mò. Mới đây, NSX tiếp tục ra mắt bộ poster nhân vật, đồng thời hé lộ thêm nhiều thông tin thú vị về tính cách và số phận của họ trong phim.
'Truyền thuyết về Quán Tiên' tung poster nhân vật: Hé lộ về con vượn 'thích người' bí ẩn trong truyền thuyết
Lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam năm 1967, ba cô cái Mùi, Phượng, Tuyết Lan được thả vào rừng sâu để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, biến một cái hang khổng lồ thành một "quán Tiên". Giữa khung cảnh đẹp như tranh của núi rừng, "NÓ" xuất hiện gây nên nỗi ám ảnh cho các cô gái giống như câu chuyện được nghe kể: "Đàn bà đi vào rừng một mình, bị khỉ vượn bắt được là nó hiếp đấy!".
Mùi (Thuý Hằng): Người đầu tiên được chọn gửi đến hang Quán Tiên, cũng là chị cả của nhóm. Mùi đã cưới chồng và là cô gái duy nhất đã từng "nếm mùi đàn ông", trong lòng trào dâng nhiều khao khát nhưng Mùi cũng rất giỏi kìm nén cảm xúc để "làm gương" cho 2 cô em và hoàn thành tốt vai trò "chị đại". Dù rất tháo vát và can đảm nhưng Mùi cũng sợ hãi tột độ khi nhận ra mình chính là đối tượng duy nhất đã bị con "quái vật rừng sâu" để mắt tới.
Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh): Cô gái có nước da ngăm đen và mái tóc loăn xoăn, hay "kể chuyện ma" cho các chị em mỗi khi đêm về, nhất là câu chuyện rùng rợn: "đàn bà đi vào rừng một mình, khỉ vượn bắt được là nó hiếp đấy". Bị mắc chứng bệnh hysteria (nôm na là bệnh "thèm đàn ông"), cứ dăm bảy ngày cô lại lên cơn, thỉnh thoảng còn lao vào Phượng cấu xé. Là cô gái sống tình cảm nhưng Tuyết Lan lại phạm vào một điều cấm kỵ ở ngay chính hang Quán Tiên...
Tuy nhiên, nỗi sợ hãi con "quái vật" trong thực tế cũng chưa nguy hiểm bằng những thứ đang ẩn hiện, day dứt trong tâm trí mỗi cô gái. Họ phải làm gì mới có thể vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ? Một người đàn ông đến Quán Tiên có giải quyết được vấn đề? Con "quái vật" trong rừng sâu liệu có đáng sợ hơn con "quái vật" vô hình đang ngày càng gặm nhấm họ?
Phượng (Hồ Minh Khuê): Cô em út ngoan ngoãn, vui tính, chỉ tội còn vô tâm và "có nết ngủ đến khiếp, bom đạn cũng không đánh thức nổi". Phượng là người đầu tiên nhận ra con "quái vật" kia thích Mùi, bô bô nói ra điều đó khiến cho các chị em Quán Tiên đều bị ám ảnh.
Cô có một tình yêu "sét đánh" với Quỳnh - 1 anh lính lái xe. Nhưng giữa nơi chiến trường với những kỷ luật quân đội hà khắc, tình yêu đó bỗng trở thành nỗi lo sợ canh cánh thường trực trong cô.
Binh trạm trưởng Lâm (Minh Hải): "Sếp" của ba cô gái, cũng chính là người dẫn dắt ba cô tới hang Quán Tiên. Là người nghiêm khắc, thậm chí khắc nghiệt, luôn coi nơi gian khổ là nơi thử thách rèn luyện con người cao nhất, nơi nào ác liệt nhất là ông có mặt. Những "ham
muốn thầm kín" của các cô gái vốn đã sớm bị ông nhìn ra, nhưng cách xử lý của ông mới chính là điểm cần đưa vào sách giáo khoa của người lãnh đạo.
Bộ poster nhân vật Truyền thuyết về Quán Tiên với từng tâm trạng, biểu cảm trên gương mặt thể hiện cá tính đặc trưng của mỗi người. Không chỉ có 3 cô gái, có tới 4 người đàn ông xuất hiện với "thân phận" khác nhau. Đặc biệt nhất là "Nó" - nhân vật gây nên nỗi sợ hãi lớn dần trong mỗi cô gái, cũng là nhân vật khiến khán giả thắc mắc nhiều nhất. Liệu nó sẽ như trong nguyên tác của cố nhà văn Xuân Thiều hay sẽ là một con quái vật thực sự của phiên bản điện ảnh?
Ku Xê (Leo Nguyễn): Chàng trai dân tộc Pa Kô - người đàn ông đầu tiên được gửi tới Quán Tiên để hỗ trợ các cô gái. Là người dân tộc thiểu số nên anh chàng khá lầm lì, ít nói, chỉ biết làm theo chỉ đạo của cấp trên. Nhưng đây cũng là một "ẩn sổ" mà một người dày dạn kinh nghiệm như binh trạm trưởng Lâm không ngờ tới. Anh chàng "lầm lì xì ra khói" này đã trở thành "tội đồ" tại Quán Tiên!
Thiệt (Trần Việt Hoàng): Anh bộ đội đẹp trai nhưng bị lãng tai, luôn trở thành tâm điểm trêu chọc của các chị em trong Quán Tiên. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, "tình chị duyên em" đã khiến một chú bé mới lớn, chưa từng biết yêu là gì nổi cơn ghen điên cuồng với... con quái vật. Thiệt cũng chính là người giúp Mùi nhận ra, cô đã thực sự rung động với ai?
Quỳnh (Lê Hoàng Long): Lính lái xe Trường Sơn, đẹp trai lãng tử, người duy nhất khiến Phượng đem lòng yêu dù được bao nhiêu anh lính lái xe khác vồ vập làm quen. Những cuộc gặp gỡ chớp nhoáng của Quỳnh với Phượng tại Quán Tiên giống như "kinh điển" của những mối tình nảy nở trong bom đạn thời chiến. Tiếc rằng, Quỳnh đã "chạm khắc" vào tim Phượng một nỗi buồn!
"Nó" - Con "quái vật" gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng cho các cô gái ở Quán Tiên. "Nó" là nhân vật duy nhất không phải con người, nhưng cũng có "số phận" riêng chứ không phải một con "quái vật" được thêm vào tác phẩm chỉ để hù doạ khán giả. Chắc chắn nhiều người sẽ thấy kinh sợ "Nó", nhưng cũng có thể sẽ có người cảm thấy thương "Nó"...
Với bối cảnh chiến tranh cùng những câu chuyện truyền thuyết ly kỳ nơi rừng thiêng nước độc, Truyền thuyết về Quán Tiên hứa hẹn mang đến những trải nghiệm hồi hộp, bất ngờ cho khán giả giữa thời kỳ "khan hiếm" phim điện ảnh ra rạp. Tác phẩm sẽ chính thức phát hành ngày 22/5/2020.
Phim Huỳnh Anh bị tố bỏ vai, nợ tiền ấn định ngày ra rạp "Truyền thuyết về Quán Tiên" - bộ phim dính lùm xùm với diễn viên Huỳnh Anh sẽ chính thức ra rạp dịp 30/4 tới. "Truyền thuyết về quán tiên" được chuyển thể từ cuốn truyện cùng tên từng gây nhiều tranh luận từ những năm 1980 của nhà văn Xuân Thiều. Phim xoay quanh ba cô gái xinh đẹp Mùi (Thúy Hằng), Phượng...