Review phim ‘Thưa mẹ con đi’: Dẫu cuộc sống có tựa một bức tranh thủy mặc, tình yêu thương vẫn sẽ nhuộm hồng tất cả
“ Thưa mẹ con đi” là tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, khai thác đề tài tình yêu đồng tính, tình gia đình. Cùng với đó là những gánh nặng mà mỗi người phải mang trên đôi vai.
Với hai nam diễn viên chính là Lãnh Thanh trong vai Văn (Cu Nâu) và Võ Điền Gia Huy trong vai Ian (An), thêm vào đó là sự góp mặt của các gương mặt đình đám, được biết đến với vô số những vai diễn lớn nhỏ như NSƯT Lê Thiện, Hồng Ánh, Hồng Đào, Kiều Trinh….. Thưa mẹ con đi là câu chuyện vô cùng cảm động của những con người cùng vô vàn gánh nặng trên vai.
Cốt truyện nhẹ nhàng và dễ theo dõi
Câu chuyện theo chân Văn, một kỹ sư phần mềm đang sống ở Mỹ, trong lần về Việt Nam thăm nhà đã dẫn theo Ian, cậu người yêu theo ngành y, để cùng tiếp xúc với gia đình mình. Tại đó, cả hai đã có thời gian để gần gũi gia đình mình hơn, đặc biệt là người bà đã lớn tuổi và người mẹ suốt ngày tần tảo chăm lo cho gia đình. Dần dần, những khác biệt trong tư tưởng giữa những thế hệ dần xuất hiện, đẩy sự căng thẳng và lo toan trong căn nhà lên đỉnh điểm. Đối với họ, việc lấy vợ sinh con chính là nghĩa vụ mà bất kì đứa con nào cũng phải làm, như là một sự báo đáp với đấng sinh thành. Toàn bộ thời lượng phim được gói gọn trong lần về thăm nhà kéo dài vài ngày của Văn và Ian.
Bộ phim khai thác quá nhiều khía cạnh chân thật…
Khá khó để người xem có thể hoàn toàn cảm được hết “sức nặng” mà Thưa mẹ con đi mang lại. Những căng thẳng, cãi vã, góc khuất trong mỗi gia đình dường như quá sâu sắc, và có lẽ phần lớn những người đến rạp để thưởng thức bộ phim này vẫn chưa đủ từng trải để thấu được hết những giá trị mà nhà làm phim muốn gửi gắm.
Xuyên suốt thời lượng phim, thứ mà khán giả nhận ra có lẽ chính là những quan niệm lạc hậu trong mỗi gia đình. Đứa con gái út (dì của Văn) chính là người luôn tảo tần, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho người mẹ già. Dì Út thậm chí còn chẳng đi lấy chồng để có thể ở với mẹ mình.
Dì Út ngay lập tức bị cho “ra rìa”.
Việc bà thậm chí chẳng thể ngủ được nếu không có tiếng hát ru của người con, đủ thấy sự gắn bó trong mối quan hệ của hai người. Nhưng rồi, Văn, đứa cháu đích tôn, vẫn sẽ là người được nội chọn để giao lại hết nhà cửa ruộng đất, mặc cho sự hy sinh mà người con út bỏ ra để chăm sóc mẹ già.
Dì Út luôn là người chăm sóc cho mẹ già.
Sau đó là màn tranh giành chia gia tài, của cải mà cha mẹ để lại của ba chị em trong nhà. Chi tiết này chính là ngọn lửa thổi bùng lên nốt cao trào của bộ phim, khiến tất cả tình cảm gia đình đổ vỡ. Mâu thuẫn đời thường mà bất kì gia đình nào cũng có đã được đạo diễn khai thác và bộc lộ một cách chẳng thể trần trụi và xót xa hơn. Thật buồn cười cái cách mà đồng tiền có thể chia rẽ cả gia đình, một trong những thứ quý giá nhất trong cuộc sống mỗi người.
Nạn phân biệt và kì thị những người đồng tính lại một lần nữa được nhắc đến trong bộ phim, khiến bao con tim phải đau nhói. Việc dì Hai chửi đích danh Văn là “cái thứ bê đê” thật sự đã làm chạnh lòng chàng trai rất nhiều. Trước đó, xung đột cũng đã nhem nhóm xuất hiện thông qua việc Ian bị đánh hội đồng khi Khôi, đứa em họ của Văn, phát hiện ra hai người họ là gay. Chẳng thể nào xót xa hơn khi thấy một nhân vật hiền lành như Ian bị đánh đến mức ngã vật xuống đường. Liệu đây có thật sự là cách mà xã hội vẫn đang đối xử với những người đồng tính sao?
…nhưng cũng chính vì vậy, dường như chưa đủ độ sâu
Thứ mà quan tâm chính là mối tình của Văn và Ian, lại chưa hề được tô vẽ trọn vẹn. Một chút lén lút, một chút lo lắng, một chút cãi vã, nhưng nhiêu đó dường như vẫn là chưa đủ để yếu tố lãng mạn của cặp đôi thật sự thỏa mãn được khán giả.
Việc nhồi nhét quá nhiều vấn đề gia đình, xã hội vào câu chuyện đã khiến mọi thứ phần nào hơi choáng ngợp. Dẫu cho khâu “nêm nếm” đã quá hoàn hảo, nhưng dường như Thưa mẹ con đi vẫn chưa đủ “chín” để người xem có thể thấu cảm được hết những thông điệp mà nhà làm phim thật sự muốn truyền tải đến khán giả (hoặc có thể là người viết bài này vẫn còn quá non nớt để có thể hiểu hết những điều đó).
Nhưng rồi, khi cuộc sống tựa một bức tranh thủy mặc, tình yêu thương vẫn có thể nhuộm hồng tất cả
Công bằng mà nói, với thời lượng phim chỉ hơn một tiếng rưỡi, Thưa mẹ con đi vẫn đã làm quá tốt trong việc lấy đi vô vàn nước mắt của khán giả, khi khơi dậy được sự thương cảm và thấu hiểu sâu sắc của phần đông những người ngồi trong rạp.
Tại căn nhà đó, có lẽ người bà là nhân vật để lại nhiều ấn tượng nhất trong lòng người xem bởi vẻ hóm hỉnh, nét duyên dáng, và đặc biệt, là bà chính là người luôn xuất hiện mỗi khi hai nhân vật chính nặng trĩu nỗi lòng.
Bà là nơi để Ian có thể dựa dẫm vào, khi một mình cậu phải chống chọi với tất cả những lo toan mà chàng trai chẳng thể chia sẻ cùng ai, là người đầu tiên thấu hiểu và ủng hộ cho mối quan hệ của hai đứa, cũng là người duy nhất dám đứng trước cả bà con, hàng xóm và dõng dạc tuyên bố rằng Văn nó phải cưới Ian chứ không phải là bất kì đứa con gái nào khác.
Hơn hết, hình ảnh người mẹ tảo tần với vô vàn những nỗi bận tâm vẫn được khắc họa rõ nét nhất. Không chỉ mang trách nhiệm của người mẹ, mà bà còn là chị cả trong nhà. Mỗi lần xuất hiện lại là một lần người xem cảm nhận được những gánh nặng trên đôi vai mà người mẹ đang phải gánh chịu, từ việc phải buôn bán kiếm tiền lo cho gia đình, đến giải quyết mâu thuẫn cho người em chồng, hay thậm chí là nỗi lo toan khi đứa con trai duy nhất của mình lại yêu một người con trai khác.
Nhưng rồi, thứ thật sự khiến người xem chẳng thể kìm lòng được, chính là việc bà giấu đi tất cả căn bệnh quái ác trong người, để đứa con không lo lắng cho mẹ nó. Khán giả chợt nhận ra, rằng trong một cuộc sống cô đơn đến thế, bà vẫn chưa một giây một phút ngừng hy sinh cho đứa con mình. Chính tình yêu thương đó đã phá vỡ tất cả những quan niệm xưa cũ, để lần đầu tiên, bà mở lòng và chúc phúc cho Ian được hạnh phúc bên Văn.
Tạm kết
Chạm đến từng góc khuất, từng sự thật trần trụi của gia đình lẫn xã hội, cũng như những gánh nặng mà những người đồng tính phải mang trên vai, Thưa mẹ con đi thật sự đã chạm đến trái tim của công chúng qua những hình ảnh vô cùng đời thường nhưng để lại vô số những khoảng lặng.
Bộ phim sẽ được trình chiếu tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc vào ngày 16/08 tới.
Trailer bộ phim “Thưa mẹ con đi”.
Theo saostar
Review Thưa Mẹ Con Đi: Phim gia đình "trá hình" đam mĩ, trai đẹp vẫn "hơi đơ" nhưng nhìn chúng yêu khéo lại nghiện!
Lâu rồi mới có "trai đẹp" yêu nhau trên màn ảnh rộng. Liệu Thưa Mẹ Con Đi có xuất sắc nên thơ như trailer đã nhá hàng trước đó?
Trong một bài phỏng vấn trước khi công chiếu Thưa Mẹ Con Đi, đạo diễn của bộ phim - Trịnh Đình Lê Minh đã trả lời báo chí rằng: " Tôi cho rằng trong phim của mình, những nhân vật LGBT khi họ xuất hiện, giới tính khi ấy đã chẳng còn là lựa chọn, mà nó thuộc về bản năng". Khác với các "bóng gió", "bê đê" thường bị mang ra làm cây hài chọc cười thiên hạ, những nhân vật đồng tính nam trong Thưa Mẹ Con Đi giữ mình ở phiên bản "bình thường" nhất. Ngoài ra, chính cách xây dựng tiết tấu, lẫn nội dung kịch bản cũng y hệt như cách Trịnh Đình Lê Minh xây dựng nhân vật, đây cũng là bộ phim khá "bản năng" và mang đậm cái tôi cá nhân.
Thưa Mẹ Con Đi cho khán giả nhiều "nội dung" hơn cả một bộ phim đam mĩ đơn thuần.
Chúng ta sống hiện đại, không có nghĩa là được quyền bỏ qua những giá trị truyền thống
Đạo diễn và nam chính Gia Huy cùng xem lại một shot quay.
Nếu từng hi vọng về một tác phẩm "đam mĩ" thuần tuý, nghĩa là sẽ có hai chàng trai yêu nhau cuồng say, yêu nhau bất chấp sự phản đối dư luận, cả hai sẽ có đôi ba góc quay ... có trong Thưa Mẹ Con Đi thì hẳn bạn đã lầm. Đây là bộ phim gia đình có yếu tố tình yêu đồng tính chứ không hề đam mĩ. Bởi đơn giản, trên cả tình yêu lứa đôi giữa hai chàng thanh niên có phần kì lạ trong mắt bà con lối xóm ở miền Tây Nam Bộ, Thưa Mẹ Con Đi còn chứa nhiều thông điệp khác.
Văn về Việt Nam thăm gia đình để giải quyết chuyện cá nhân của dòng họ, anh chàng dẫn theo Ian - người yêu của mình từ Mỹ theo về.
Nhiều tình huống dở khóc dở cười đã diễn ra trong chuyến về quê lần này.
Thưa Mẹ Con Đi cho nam chính Văn (Lãnh Thanh) có một gốc gác không thể nào thuần Việt hơn. Là con trai trưởng trong gia đình bao gồm nhiều thế hệ cùng nhau chung sống, có bà nội tuổi già nay đã lẫn, có người mợ "đành hanh" luôn lăm le gia sản, rồi cô út "ế chồng" có tính tình khá tưng tửng. Bản thân Văn vì gánh trách nhiệm là cháu đích tôn mà luôn bị dò xét khi nào lấy vợ, khi nào có cháu ẵm bồng, rồi còn phải tiếp quản sự nghiệp gia đình để lại. Câu chuyện của Văn có thể đại diện cho bất cứ thanh niên trai tráng nào ngoài kia, giữa nhịp sống hiện đại, họ vẫn phải o ép mình giữa những giá trị truyền thống.
Bất kể có là đi du học Mỹ đi chăng nữa, nhìn chung vẫn phải biết ăn nước mắm. Vậy nên một cô vợ hoàn toàn là yêu cầu hợp lí, ít nhất là với mẹ của Văn.
Câu chuyện tình yêu của Văn và Ian không mới, nhưng thú vị
Nói không mới là bởi giữa Văn và Ian là một chuyện yêu đương giống như bao cặp đôi khác. Ian theo Văn trở về Việt Nam, với cậu, đây giống như một kì nghỉ hè. Ian khá tận hưởng những giây phút bên gia đình của Văn, cậu thoải mái ngủ cùng bà nội, dạy cho em của Văn học tiếng Anh, nấu mì Ý cho cả gia đình của Văn. Nhưng tận sâu trong lòng, điều Ian muốn là được Văn giới thiệu tư cách của một người yêu cho mẹ của Văn.
Ian rất muốn thân phận người yêu của Văn được công khai với gia đình của Văn.
Đường dây câu chuyện đơn giản chỉ có vậy, nhưng thú vị ở chỗ đạo diễn rất chịu khó lồng ghép chất thơ vào, khiến cho Thưa Mẹ Con Đi gần như "na ná" giữa ranh giới của phim nghệ thuật. Những khung hình bắt cận khi Ian và Văn gần gũi nhau thật sự tạo được hiệu ứng rất tốt, cả về khâu hình ảnh lẫn cảm xúc của người xem.
Thưa Mẹ Con Đi có vài cảnh quay nhìn chung khá... xuất thần khi đặc tả cảm xúc của hai nhân vật chính.
Cảnh nóng của cả hai cũng khá vừa phải và "tình"
Tuy nhiên, phải chi phim "gọn gàng" hơn thì hay biết mấy
Phim đẹp nhưng hơi "lằng nhằng"
Điểm đáng tiếc nhất của Thưa Mẹ Con Đi chính là khâu biên tập khiến bộ phim trở nên dài dòng, nếu không muốn nói là "khá tham chi tiết". Bởi vì không biết tiết chế, tác phẩm khiến người xem mất kiên nhẫn khi phim mới chiếu 1/3. Quá nhiều những cảnh đặc tả vô nghĩa, chẳng hạn như hàng cây lao xao, chiếc xe bon bon trên đường. Việc tập trung đi vào tuyến tính thời gian giữa ngày - đêm qua chiếc điện thoại báo thức, nhịp phim "bình bình" này thật sự nguy hiểm cho những ai thích xem phim "vội".
Tuyến tính thời gian được khai thác triệt để trong phim.
Dàn diễn viên thực lực "ăn tiền" nhưng...
Với sự góp mặt của những tên tuổi gạo cội như Hồng Đào, NSƯT Lê Thiện, Kiều Chinh, Hồng Ánh, Thanh Tú... khán giả hoàn toàn có thể an tâm về năng lực diễn xuất của họ. Nhân vật bà nội cho NSƯT Lê Thiện có lẽ người "duyên dáng" nhất, bà cũng chính là chất xúc tác quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ mạch phim. Hồng Đào thì không phải bàn cãi nhiều, hình tượng người mẹ một tay gồng gánh, gánh vác cho cả dòng họ lẫn áp lực có cháu nối dõi được cô thể hiện tròn trịa. Hồng Ánh cũng có vai diễn "hài" để đời trong sự nghiệp của mình.
Bà nội Lê Thiện có vai trò rất quan trọng trong phim.
Hồng Đào vẫn xuất sắc như mọi khi.
Riêng hai nhân vật chính do Lãnh Thanh và Gia Huy đảm nhận vẫn còn đôi chỗ khá gượng ép. Có lẽ lần đầu chạm ngõ điện ảnh, ở những đoạn đầu Gia Huy khá "đơ", chưa thực sự hoà nhập hẳn vào mạch phim trong khi vai Ian rõ ràng nhiều đất diễn hơn hẳn vai Văn. Về phần Lãnh Thanh, so với Gia Huy rõ ràng anh chàng có kinh nghiệm hơn. Vai Văn cũng dễ thuyết phục người xem hơn. Nhưng điểm tốt là ngoại hình của cả hai khi đứng cạnh nhau rất đẹp đôi, ở hai người thực sự tạo được cảm giác cả hai đang yêu nhau thật lòng.
Sau Thưa Mẹ Con Đi nếu Lãnh Thanh và Gia Huy có dính nghi án hẹn hò thì cũng không có gì lạ.
Gia Huy khá đơ ở đoạn đầu nhưng càng về sau cách diễn cũng uyển chuyển hơn.
Thưa Mẹ Con Đi không đơn thuần là phim "đam mỹ"
Nhiều giá trị gia đình được đưa vào phim.
Thật thiếu sót nếu như chỉ xem Thưa Mẹ Con Đi là một bộ phim chiếu rạp "đam mĩ" thuần tuý, bởi nó đem lại nhiều giá trị hơn thế. Ngoài yếu tố tình yêu nam nam, phim còn khắc hoạ chân thực tình cảm, sự bảo bọc của gia đình. Trong đó có tình cảm của người bà dành cho cháu mình, mẹ dành cho con, cả sự lựa chọn giữa truyền thống và cái tôi cá nhân. Đoạn kết phim thật sự đã để lại không ít cảm xúc.
Nói một cách khách quan, Thưa Mẹ Con Đi được thực hiện chỉn chu ở mức tương đối, dù tác phẩm còn hơi "lê thê". Với những khán giả có hứng thú với các phim liên quan đến cộng đồng LGBT, Thưa Mẹ Con Đi hoàn toàn là lựa chọn đáng xem nhất ở thời điểm hiện tại. Còn câu chuyện phòng vé của đại chúng, có lẽ đành phải đợi xem phản ứng của số đông sau 3 ngày công chiếu đầu tiên thì mới hạ hồi phân giải được.
Trailer "Thưa Mẹ Con Đi"
Thưa Mẹ Con Đi công chiếu trên toàn quốc từ ngày 16/8.
Theo trí thức trẻ
Không phải Hồng Đào, Hồng Ánh mới là người khiến đồng nghiệp cười chẳng kịp thở Không còn đóng vai chính diện hiền lành, yểu điệu, Hồng Ánh lột xác để trở thành cây hài trong "Thưa mẹ con đi". Ekip sản xuất phim điện ảnh Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh vừa tung ra thông tin mới của cặp đôi Hồng Ánh và NSƯT Lê Thiện. Vai diễn Bà Nội của NSƯT Lê...