REVIEW phim Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát
Dễ xem, dễ hiểu và dễ thỏa mãn, Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát thích hợp cho các bạn đổi gió trong thời điểm cuối tháng 9.
Cá mập – hung thần của biển cả cho dù chúng không thật sự là một hiểm họa của con người khi mà số người bị cá mập bắt hằng năm còn ít hơn cả số người tử vong do sét đánh hay ong đốt. Tuy vậy, vẻ ngoài đáng sợ của chúng luôn là đề tài ăn khách cho các bộ phim kinh phí thấp và sau thành công của phần đầu cách đây 2 năm, chúng lại trở lại làm thêm ít người trong Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát (47 Meters Down: Uncaged).
Tuy vẫn giữ lấy cái tên cũ, nhưng bộ phim của đạo diễn Johannes Roberts đem đến một câu chuyện hoàn toàn khác, với các tuyến nhân vật mới. Bên bờ biển Mexico đầy nắng và gió, nội dung của Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát xoay quanh 4 cô gái: 2 chị em gái Mia (Sophie Nélisse) và Sasha (Corinne Fox) cùng 2 người bạn Alexa (Brianne Tju) và Nicole (Sistine Rose Stallone) khi họ tìm thấy thành phố ngầm của người Maya bên dưới hố sâu ngập nước. Sự tò mò và ham vui của các cô gái trẻ đã vô tình đem họ đến tấn bi kịch mà họ không ngờ tới.
Dưới làn nước trong lành và xanh biếc, công trình kì vĩ của bộ lạc cổ đại hiện tại là nơi cư ngụ của những con cá mập trắng khổng lồ. Trải qua một thời gian dài sống trong thành phố ngầm bị tách biệt với biển cả, những hung thần này đã trở nên mù lòa và sự thính nhạy với âm thanh được nâng lên một tầm cao mới trong khi bóng tối và sự cạn kiệt oxi của lại là trở ngại cực kì lớn với con người. Bốn cô gái trẻ phải làm sao thoát khỏi một bể cá khổng lồ, đầy ngóc ngách chẳng khác nào một mê cung và những thứ đang truy đuổi họ lại là sinh vật nguy hiểm nhất biển cả.
Với bối cảnh được quay hơn 90% ở dưới làn nước xanh, khán giả sẽ cảm thấy phấn khích và choáng ngợp khi thành phố cổ hiện lên cực kì ngoạn mục trong Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát, hẳn nhiều người sẽ muốn thử đi lặn ngay cho biết cảm giác. Tuy nhiên, đó là trước khi tụi nó xuất hiện, những con cá mập mắt trắng dã lù lù xuất hiện từ trong những ngóc ngách của hầm nước. Bóng tối tạo nên sự hồi hộp và đùng một cái, cá mập xuất hiện và xin tý huyết của các diễn viên. Tất nhiên, các vai phụ sẽ lần lượt bị hạ một cách cực kì nhanh chóng và đổ máu . Sự hồi hộp, giật gân sẽ từng bước tăng lên, chậm chạp và liền mạch khi bình khí oxi càng lúc càng cạn kiệt và sự hoảng hốt hiện lên trên khuôn mặt của các cô gái. Sự khát máu của chúng hiện lên chỉ trong chớp nhoáng, bóng trắng hiện lên và sau đó lại biến mất ngay vào màn đêm có lẽ sẽ đem đến cảm giác thích thú cho kha khá khán giả.
Tuy nhiên, đừng chỉ vị cảm giác hồi hộp trong phút chốc mà không nhận ra Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát có những khuyết điểm khá là lớn. Dựa trên nền kịch bản khá đơn giản và dễ đoán, bộ phim cũng vô tình quên luôn những tình tiết thực tế. Các cô gái đi lặn bình khí một cách rất tự phát và họ cũng tự học được luôn kỹ thuật lặn và điểu chỉnh nhịp thở của mình một cách rất nhanh chóng. Và sau khi xuống nước, sự giao tiếp của họ dưới môi trường nước có hơi bất bình thường khi họ có thể la hét và trao đổi rất rành mạch chẳng khác gì trên đất liền, rất hiếm khi thấy họ trao đổi bằng kí hiệu lặn thông thường và họ hack luôn bình khí thở khi la hét đến như thế mà tới cuối phim các bình này mới tạm hết khí. Có lẽ đạo diễn cho rằng sự giao tiếp của các diễn viên sẽ đem đến ấn tượng tốt hơn cho khán giả thay vì sự im lặng đầy ám ảnh trong môi trường nước chăng?
Ngoài ra, những gã sát thủ của chúng ta cũng bị giảm đi kha khá sức mạnh khi những cú táp với hơn nghìn chiếc răng của chúng không gây được mấy thiệt hại cho những cô gái yếu đuối, bánh bèo là mấy. Có lẽ chúng cũng không thích ăn người lắm nên chỉ táp cho vui. So với sự khiếp đảm của chúng gây ra trong Jaws kinh điển, cá mập của Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát đã không còn trong thời hoàng kim của chúng nữa.
Nhìn chung, bộ phim biết cách tạo không khí hồi hộp, phấn khích cho người xem thông qua cách xử dụng bóng tối và một số góc quay lạ. Phần âm thanh có phần cường điệu hóa cho khán giả dễ theo dõi tuy nhiên cách nhà sản xuất thêm vào đó thông điệp về tình cảm chị em, bạn bè có phần gượng ép và vội vàng. Dễ xem, dễ hiểu và dễ thỏa mãn, Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát thích hợp cho các bạn đổi gió trong thời điểm cuối tháng 9 khi mà không có quá nhiều bộ phim thật sự ấn tượng để ra rạp.
Trailer Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát
Theo moveek
Review 'Hung thần đại dương: Thảm sát': Khi con người tiếp tục trả giá cho sự ngu ngốc của mình
Nhóm bạn gái trong phim chính thức trở thành đối thủ nặng ký cho ngôi vị "dàn nhân vật ngu ngốc nhất" trước đám trẻ trong Annabelle Comes Home.
Sau thành công đến từphần phim đầu tiên có sự góp mặt của Mandy Moore, thì 47 Meters Down: Uncaged (tựa Việt: Hung thần đại dương: Thảm sát) đã chính thức "ra khơi" trước sự háo hức của khán giả, đặc biệt là những ai yêu thích thể loại phim về cá mập. Bên cạnh sự trở lại của đạo diễn phần 1 Johannes Roberts, phim quy tụ dàn diễn viên hoàn toàn trẻ và mới cùng cốt truyện tréo ngoe, hứa hẹn mang đến một bữa tiệc đẫm máu mới lạ cho mùa hè 2019.
Poster của "47 Meters Down: Uncaged".
Tuy nhiên, khác với sự mong đợi từ người xem, 47 Meters Down: Uncaged lại có quá nhiều điểm hạn chế khiến phim không thể bì được với phần tiền nhiệm. Mặt khác, năm 2019 lại có vẻ như đánh dấu một trào lưu "mới cũng không mới" của làng phim kinh dị - giật gân Hollywood, đó chính là đề cập đến sự ngu ngốc của con người.
47 Meters Down: Uncaged không còn là sự cố mắc kẹt trong chiếc lồng cá mập khi xưa, mà tập trung vào cuộc đi chơi "về nguồn" của nhóm bạn gồm chị em Mia (Sophie Nélisse) - Sasha (Corinne Foxx) và hai cô bạn thân Alexa (Brianne Tju) và Nicole (Sistine Stallone). Sau khi có cuộc đi bơi tung tăng dưới làn nước mát lạnh, nhóm bạn nghĩ ra sáng kiến cùng nhau lặn xuống đáy để tham quan một vòng thành phố cổ văn minh Maya vốn đang được khảo cổ bởi nhóm nghiên cứu do bố của Mia dẫn đầu.
Nhóm bạn Mia "tách đoàn" để đi thám hiểm riêng.
Tuy nhiên, chuyến thám hiểm đáy hồ đầy lý thú lại trở thành cơn ác mộng khi một thành viên trong nhóm, bằng sự kích động thái quá và ngu ngơ của mình, đã gây nên sự cố và vô tình giải thoát một con cá mập hung trắng hung tợn. Việc sống lâu năm trong bóng tối đã làm tiêu biến đôi mắt của nó, nhưng điều đó không có nghĩa con cá mập này đã đánh mất bản năng săn mồi của mình. Giờ đây, nhóm bạn Mia phải tìm cách thoát khỏi thành phố mê cung sâu thẳm này, tránh khỏi nanh vuốt của cá mập, và nhanh chóng lên bờ trước khi cạn kiệt không khí.
Chân dung "vai chính" của phim - cá mập trắng mù.
Tuy mở ra một tình huống hấp dẫn về mặt lý thuyết, song phim vẫn cho thấy sự đuối sức trong việc đưa kịch bản vào từng phân đoạn phim. Những cảnh chạm trán cá mập, vốn là điều đáng mong chờ và là "đặc sản" của phim, lại được khắc họa quá ngắn ngủi và rời rạc. Sự nôn nao và sợ hãi không được xử lý đủ tốt để đưa cảm xúc người xem lên tột cùng, tất cả mọi thứ chỉ được thể hiện qua một số cảnh hù dọa (jump-scare) khá dễ đoán.
Phim chỉ tập trung vào jump-scare mà lại hời hợt với sự xây dựng kịch tính vốn dễ tìm thấy dưới đáy hồ sâu.
Ngay cả một số chi tiết trong phim cũng không hề hợp lý, dựa trên chính thang đo tính phi logic có thể chấp nhận được của điện ảnh. Làm sao một con cá mập mù lại có thể bơi quanh quẩn trong thành phố mê cung tăm tối này, và có mặt ở mọi nơi mà nhóm Mia luồn lách đến, dẫu cho đó là những nơi eo hẹp và khó thấy mà bọn họ phải mất nhiều nỗ lực để vượt qua?
Một chi tiết đáng nói khác chính là chiếc răng cá mập mà ba Mia tặng cho cô ở đầu phim. Vì sao khi đã tìm ra dấu vết tồn tại của loài săn mồi này ở dưới nước, nhưng nhóm khảo cổ của ông vẫn ngang nhiên lặn xuống khai quật mà không có bất kì sự dò la hay điều tra nào trước đó? Và trải qua những lần chạy trốn, bò trườn và lặn lội qua nhiều vách hang, rồi bị cuốn vào nước xoáy, đồng thời trải qua không ít lần đụng độ cá mập hung tợn, nhưng Mia vẫn giữ được chiếc răng nanh kia cho đến thời khắc quyết định cuối phim?
Nhân vật người bố cũng có "khoảnh khắc tỏa sáng" khá kì quặc và buồn cười.
47 Meters Down: Uncaged cũng mang đến nhiều khung hình tương đối đẹp mắt, nhưng phim lại hơi lạm dụng hiệu ứng quay chậm (slowmotion) để áp vào các cảnh quay kịch tính không cần thiết. Điều đáng khen ngợi từ phim đó chính là dàn diễn viên trẻ đã rất cố gắng nhập vai, mang đến một màn trình diễn tương đối ổn, và phân đoạn thoát chết cuối phim thật sự rất ấn tượng và kịch tính.
Phim có nhiều cảnh quay đẹp, nhưng lại không cần thiết giữa những lúc "căng não".
Nhìn chung, 47 Meters Down: Uncaged không phải là một sản phẩm điện ảnh đáng sợ đúng nghĩa và tuyệt vời, thậm chí với nhiều khán giả nó còn không đủ giải trí và giật gân để chí ít sánh ngang với phần 1. Tuy nhiên, nếu xét trên bình diện chung các phim về cá mập Hollywood, thì đây vẫn là một tựa phim có đầu tư, có đầu có đuôi đầy đủ với tạo hình cá mập khá ổn, nhưng sẽ khó để "ra trò" đối với những ai vốn đang đói khát một chuyến phiêu lưu sống còn đầy ghê rợn như The Descent hay The Shallows vốn ghi dấu ấn với dàn nhân vật chính toàn nữ giới.
Xem qua trailer chính thức của "47 Meters Down: Uncaged".
47 Meters Down: Uncaged chính thức công chiếu vào ngày 27/09/2019.
Theo saostar
Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát Hết dám lặn biển ở những nơi hoang vắng Những con cá mập tiếp tục trở lại màn ảnh rộng, tấn công những cô gái mê thám hiểm tội nghiệp trong Hung Thần Đại Dương: Thảm Sát (47 Meters Down: The Next Chapter). Hai năm sau thành công của Hung Thần Đại Dương (47 Meters Down), những con cá mập tiếp tục trở lại màn ảnh rộng, tấn công những cô gái...