Review ‘Onward’: Bạn sẽ làm gì khi thấy người mình yêu thương tan biến ngay trước mặt?
“ Onward” (tựa Việt: “Truy tìm phép thuật”) chính là bộ phim hoạt hình đầu tiên của hãng Pixar, đánh dấu sự thống trị của Disney trong năm 2020.
Pixar, cái tên đã quá quen thuộc với những ai yêu thích phim hoạt hình của Disney. Qua năm tháng, hãng phim đã chiếm trọn tình yêu của khán giả với hàng loạt những tuyệt tác, như Toy Story, Finding Nemo, Inside Out, Cars…. Để mở đầu thập niên mới, Pixar đã chính thức tung bom tấn đầu tiên của mình trong năm 2020: Onward.
Poster phim “Onward” – “Truy tìm phép thuật”.
Cốt truyện không thể chê vào đâu
Được xây dựng dựa trên câu chuyện của đạo diễn Dan Scanlon – người đứng sau thành công của Monsters University, Onward kể về cuộc phiêu lưu của hai anh em yêu tinh Barley Lightfoot và Ian Lightfoot cùng nhiệm vụ truy tìm hòn đá phượng hoàng. Vào ngày sinh nhật thứ mười sáu của cậu em Ian, mẹ cậu đã giao lại cho hai đứa kỉ vật mà người bố đã để lại trước khi mất: một hòn đá phượng hoàng, một cây gậy phép cổ, và một câu thần chú giúp ông được tái sinh trong vòng 24 giờ.
Tuy nhiên, do Ian chưa thuần thục được phép thuật, nên khiến viên đá vỡ, và cậu chỉ có thể hồi sinh lại đôi chân của bố mình. Vậy nên, với khao khát cháy bỏng, hai anh em (cùng nửa dưới của người bố) dấn thân vào cuộc phiêu lưu vô cùng nguy hiểm với hy vọng vẫn còn đâu đó một chút tàn dư của phép thuật trên thế giới, để họ có thể gặp lại người mà mình yêu thương nhất.
Chính mạch truyện vô cùng trơn tru đã tạo nên sự thành công không hề nhỏ cho toàn bộ câu chuyện. Ngay từ những phút đầu tiên, khán giả đã tò mò về những diễn biến tiếp theo của cuộc hành trình. Onward đã vô cùng trau chuốt và tinh tế trong từng chi tiết, từng địa điểm khác nhau mà hai anh em Barley và Ian Lightfoot đặt chân đến. Tình tiết phim được xây dựng khéo léo theo hướng mạo hiểm khiến người xem không thể đoán được những diễn biến tiếp theo và buộc phải chăm chú theo dõi câu chuyện.
Hình ảnh đẹp mê hồn
Pixar chưa bao giờ làm khán giả thất vọng về mặt hình ảnh, và tất nhiên, Onward không phải là trường hợp ngoại lệ. Từ những nhân vật, đến bối cảnh, không gian, tất cả đều được thực hiện một cách vô cùng chỉn chu. Đặc biệt là những phân đoạn khi Ian dùng phép, cả khung hình như bừng sáng bởi năng lượng mà cậu tạo ra, mà từ bao giờ khán giả đã bị cuốn vào một không gian ngập tràn ánh sáng với đủ loại màu sắc rực rỡ, kèm theo đó là âm thanh vô cùng sống động.
Không chỉ vậy, những bối cảnh mà Onward thiết lập cũng vô cùng phù hợp với thế giới hiện tại đan xen yếu tố kì ảo. Từ đường cao tốc, đến trường học, đến những cửa hàng tiện lợi ven đường hay thậm chí là quán ăn của Nữ Nhân Sư, tất cả đều tạo nên sự giao thoa hợp lý đến ngỡ ngàng của hai thế giới hoàn toàn khác nhau.
Vẫn không ai vượt qua được Pixar trong việc mang đến những cảm xúc khó quên cho người xem
Một xã hội bao gồm quá nhiều sự thay đổi, quá nhiều khó khăn, gian nan dường như khiến cho những người sống trong thế giới đó trở nên quá dựa dẫm vào công nghệ để rồi quên mất, bản thân là ai và có thể làm được những gì. Nếu trẻ em mê mệt chuyến hành trình của hai anh em nhà Lightfoot cũng như những phép thuật được thi triển trong phim, thì người lớn lại nhận ra, thứ khiến Onward có được sức nặng như vậy, thật sự là nhờ phần còn lại của tảng băng trôi.
Những chú kì lân trong quá khứ….
Nhân vật chính, hai anh em nhà Lightfoot, đều có những nỗi khổ riêng, và có lẽ Pixar đã lấy ý tưởng từ chính những thanh thiếu niên ở độ tuổi đôi mươi cùng những rắc rối mà mỗi người đều phải trải qua. Barley Lightfoot, một đứa con nít trong thân xác một người lớn, luôn mang trên vai quá nhiều điều mà không một ai khác có thể hiểu được.
Đối với mọi người, Barley chỉ là một kẻ vô dụng, là rắc rối của cả thành phố. Nhưng không vì thế mà cậu buồn bã, vì sâu thẳm trong Barley, luôn tồn tại một niềm tin mãnh liệt về những điều cậu làm là đúng, thậm chí là khi cả thế giới quay lưng, cậu vẫn sẵn sàng bảo vệ cho niềm tin đó của mình.
Đến với cậu em Ian, khán giả sẽ được khám phá một nhân vật với tính cách hoàn toàn khác, trầm tính hơn, rụt rè hơn, được lòng mọi người hơn. Nhưng những vết thương do sự thiếu vắng hình bóng của người cha, vẫn luôn tồn tại trong tâm hồn cậu. Nếu để ý, người xem sẽ dễ dàng thấy những điều được ghi lại trong danh sách của cậu nhóc Ian, đều là những thứ vô cùng nhỏ nhặt.
Qua bốn việc được liệt kê trong danh sách đầu tiên, bao gồm: nói lớn hơn, phải vượt qua nỗi sợ để học lái xe, mời mọi người đến dự tiệc sinh nhật và can đảm giống bố mình, khán giả sẽ chợt nhìn thấy hình ảnh của chính mình, đâu đó trong những đề mục được liệt kê kia. Đó cũng là những thứ vô cùng quan trọng, qua lăng kính của một cậu bé mới chập chững bước vào môi trường cấp ba đầy khắc nghiệt. Thương thay, cả ba điều đầu tiên đều bị gạch bỏ khỏi danh sách.
Và rồi người xem sẽ thật sự chạnh lòng khi đến với danh sách thứ hai. Có hay không việc người xem đã phải rơi lệ khi thấy được những đề mục trong quyển số của Ian: được đi dạo, được cười đùa, được xin lời khuyên, hay được chia sẻ cuộc sống với bố mình? Những thứ tưởng chừng như vô cùng giản dị của người bình thường, nhưng lại là ước mơ, khao khát, là sự thèm muốn vô cùng tận của một đứa bé 16 tuổi, chưa một lần được gặp bố mình.
Không chỉ vậy, vẫn còn rất nhiều thông điệp vô cùng sâu sắc được cài cắm trong phim, và sẽ phải xem đi xem lại khá nhiều lần để có thể hiểu hết được những thứ mà Pixar muốn truyền tải. Ngay từ tiêu đề phim, nếu dịch đúng, từ “ Onward” có nghĩa là “tiến về phía trước”, chứ không phải “truy tìm phép thuật”, và có lẽ sau khi những cảnh phim cuối cùng khép lại, khán giả mới hiểu vì sao cái tên này nên được dịch sát nghĩa.
Trong bất kì câu chuyện nào, dẫu tươi vui, hài hước ra sao, Pixar cũng có thể cài vào đó những nốt trầm, khiến khán giả khựng lại một giây, và nghĩ về điều mà bộ phim thật sự muốn truyền tải. Onward cũng thế, cũng với chất liệu vô cùng thô sơ của cuộc sống thường ngày, sẽ khiến khán giả rơi lệ bởi chính những điều tưởng chừng rất bình dị như vậy.
Tạm kết
Dẫu cho vào những ngày đầu ra mắt, bộ phim đã vướng phải rất nhiều ý kiến trái chiều cũng như ý kiến từ các nhà phê bình, song Onward thật sự là một bộ phim nhất định không thể bỏ qua.
Bộ phim sẽ chính thức được công chiếu từ ngày 06/03 trên toàn quốc, hứa hẹn sẽ càn quét tất cả các cụm rạp.
Trailer phim “Onward” – “Truy tìm phép thuật”.
Trailer 2
Theo saostar
'Onward' - Khi kể chuyện là cứu cánh
Với tất cả những gì đã làm được, 'Onward' xứng đáng là viên ngọc quý tiếp theo trong bộ sưu tập của Pixar, giúp chữa lành trái tim khán giả trong những ngày chớm xuân.
Sau khoảng thời gian dài hóng đợi, cuối cùng bộ phim mới nhất của hãng Pixar - Onward (tựa Việt: Truy tìm phép thuật) đã chính thức được trình làng.
Qua hai đoạn trailer được tung rải rác trước đó, tất cả những gì chúng ta được biết về Onward là một thế giới ma thuật hiện đại (urban fantasy) với cốt truyện chính xoay quanh hành trình của hai anh em yêu tinh (elf) kiếm tìm viên đá ma thuật để hồi sinh người cha quá cố trong một ngày.
Hoài nghi ban đầu
Tuy là một tác phẩm 'cộp mác' Pixar - cái tên bảo chứng cho chất lượng, những phản hồi đầu tiên của khán giả sau khi xem xong trailer của Onward đều chẳng mấy tích cực. Điều này cũng khá dễ hiểu khi Pixar đã tự đặt cho mình một giới hạn kỳ vọng quá cao với những đột phá trước đó như Inside out, Monsters, Inc., The Incredibles,... So với thế giới kỳ ảo của những bộ phim ấy, thế giới của Onward xem chừng khá... bình thường và nhàm chán.
Hai đoạn trailer được tung ra cũng chưa đủ sức hút để hâm nóng cộng đồng mọt phim khi tạo hình của các nhân vật đều không quá xuất sắc và bắt mắt. Có lẽ điểm cộng lớn nhất khiến khán giả phải chú ý là dàn diễn viên lồng tiếng toàn sao: Chris Pratt, Tom Holland, Octavia Spencer...
Trailer Onward
Nhiều khán giả bi quan còn cho rằng rất có thể Onward sẽ 'nối gót' The Good Dinosaur (Chú khủng long tốt bụng) năm 2015 trở thành một trong những bộ phim Pixar hiếm hoi 'flop' nặng nề về cả chất lượng lẫn doanh thu dù được đầu tư kinh phí khủng.
Sức mạnh của việc kể chuyện
Sau khi thưởng thức Onward, có lẽ ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu khán giả là ngợi khen câu chuyện và cách kể chuyện quá tuyệt vời của Pixar. Onward tiếp tục chứng tỏ một lần nữa phong độ ổn định cùng triết lý làm phim mang tính 'sống còn' của mình: Câu chuyện tốt không bằng kể chuyện hay.
Cho đến cuối cùng, thế giới của Onward rõ ràng vẫn chưa phải một thế giới thú vị. Nó chẳng khơi gợi cho khán giả cảm giác muốn đắm chìm và hòa mình, cũng chẳng tách biệt hay tạo được dấu ấn sâu sắc. Mặc dù vậy, câu chuyện của Onward không tập trung vào khai thác thế giới chẳng mấy thú vị đó mà dẫn khán giả quay trở lại với chủ đề muôn thuở về tình cảm gia đình.
Dan Scanlon - đạo diễn của Onward từng chia sẻ với báo giới rằng kịch bản Onward được anh viết nên chính nhờ những ký ức của bản thân và anh trai trước cái chết của bố khi còn nhỏ. Chính vì lý do đó mà trải nghiệm Onward mang lại có tính cá nhân và chân thực hơn rất nhiều.
Không đề cập đến những vấn đề xã hội đao to búa lớn, Onward chỉ đơn giản kể một câu chuyện giản dị và nhỏ bé về sự khó khăn của những đứa trẻ khi mất đi người thân yêu từ khi quá nhỏ, về đức hy sinh, về tình cảm gia đình luôn tỏa sáng và chiến thắng mọi mâu thuẫn.
Hành trình của Onward chỉ vẻn vẹn 24 giờ, nhưng trong một ngày ngắn ngủi đó, các nhân vật đã được trải nghiệm trọn vẹn mọi cung bậc cảm xúc, và học được rất nhiều bài học trên chuyến hành trình tìm lại phép thuật bị bỏ quên. Hóa ra phép thuật không nhất thiết là những câu thần chú, sự màu nhiệm ấy vốn ẩn chứa trong tất cả chúng ta.
Sự mới mẻ giấu trong bình rượu cũ
Thế giới của Onward vốn không mới mẻ, các nhân vật cũng không vượt ra khỏi những khuôn mẫu điển hình thông thường, và câu chuyện về tình cảm gia đình trong điện ảnh cũng chẳng hề khó kiếm. Thế nhưng trong cái lốt bình cũ ấy, ta vẫn chắt chiu được chút rượu mới mà Pixar gửi gắm đến khán giả, mà đặc biệt là những khán giả nhí mà họ vô cùng trân quý.
Đó chính là bài học giản dị về giá trị của tình thân, của những nghĩa cử tưởng như bình dị mà đáng quý, của sự hy sinh và lòng tin tưởng. Pixar còn dạy cho trẻ nhỏ những bài học đầu đời về cách đối mặt với bi thương và mất mát, bằng một cách vừa đơn giản, nhưng cũng thật dịu dàng. Onward một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sở hữu một câu chuyện tốt và biết cách kể nó thật hay.
Được đánh giá là một trong những tác phẩm 'trưởng thành' và gần gũi với đời thực nhất của Pixar, Onward thật sự có nhiều phân cảnh khiến khán giả đồng cảm và xúc động. Có lẽ câu chuyện của hai anh em nhà yêu tinh trong phim ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu, cuộc hành trình của hai cậu bé cũng chính là cuộc hành trình của chúng ta, kiếm tìm những giá trị đích thực mỗi người cần nâng niu và quý trọng trong cuộc đời.
Với tất cả những gì đã làm được, Onward xứng đáng là viên ngọc quý tiếp theo trong bộ sưu tập của Pixar, giúp chữa lành trái tim khán giả trong những ngày chớm xuân. Một bộ phim chỉn chu, ấm áp và đầy ý nghĩa.
Theo tiin
Truy tìm phép thuật: Hài hước nhưng cảm động, sâu sắc 'Truy tìm phép thuật' (tựa gốc: 'Onward') là một bộ phim hoạt hình mang tới nhiều bai hoc sâu săc. Trailer phim 'Truy tìm phép thuật': 'Truy tìm phép thuật' là hành trình kỳ bí của hai anh em yêu tinh nhà Lightfoot: cậu em rụt rè Ian Lightfoot (Tom Holland lồng tiếng) và ông anh đam mê phép thuật Barley Lightfoot (Chris...