Review bún ốc của “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất: Bát bún to vật vã, thơm ngon đậm đà nhưng… không có ốc
Không hổ danh là nữ Youtuber ẩm thực với những video chục triệu view, gói bún của Lý Tử Thất khiến người trải nghiệm đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Nếu là fan của video ẩm thực thì hẳn bạn đã ít nhất một lần bắt gặp video của Lý Tử Thất trên tường Youtube của mình rồi. Tận dụng tên tuổi, cô nàng đa tài này còn cho ra đời những dòng sản phẩm đồ ăn của riêng mình với nhiều món khác nhau như trà gừng, sốt nấm thịt bò, thịt cừu khâu nhục…
Và chúng tôi đã chọn mua món bún ốc Liễu Châu của cô nàng Youtuber này để review xem thử, đồ ăn của Lý Tử Thất có ngon thật sự hay không, hay chúng chỉ trông ngon mắt ở trên các video mà thôi.
Một gói bún ốc Liễu Châu của Lý Tử Thất được bán xách tay ở Việt Nam với giá 60.000 – 70.000 đồng. Gói bún có giá gốc khoảng 42.000 đồng và nếu mua vào đợt sale, giá còn khoảng 30.000 đồng/gói.
Lý Tử Thất được mệnh danh là tiên nữ đồng quê với những video nấu nướng công phu, đẹp mắt, đậm màu sắc văn hóa Trung Quốc.
Ngoại hình: thiết kế đẹp rụng rời, gói bún ốc to như gói bánh và nặng tới 335g
Lúc nhận đồ, chúng tôi thực sự bất ngờ bởi gói bún ốc Liễu Châu lớn như một gói bánh kẹo tiêu chuẩn thường gặp. Gói bún nặng tới 335g và có thiết kế rất bắt mắt. Không cần biết tiếng Trung, bạn chỉ cần nhìn hình minh họa với con ốc và sợi bún, cùng các topping bắt mắt như ốc, lạc, váng đậu là biết, đích thị đây là món bún ốc rồi.
Gói bún ốc của Lý Tử Thất được mua xách tay với giá 60.000 đồng, nặng tới 335g, nhiều gấp đôi, thậm chí gấp ba mỳ thông thường.
Mặt sau chỉ có tiếng Trung, bao gồm thông tin về các thành phần bên trong, hai cột thông tin dinh dưỡng lần lượt dành cho bún và các nguyên liệu bên trong.
Bên trong có 8 gói to nhỏ khác nhau, bao gồm bún, nước dùng, ớt chưng, váng đậu, lạc, măng, dấm, nấm hương, đậu đũa.
Mất 10 phút để nấu bún, hương vị đậm đà, hấp dẫn, nhưng không có con ốc thật
Món bún ốc này không giống với các loại bún mỳ miến ăn liền, úp là có ăn. Bạn sẽ mất khoảng 10 phút chế biến. Đầu tiên, bạn cần đun chín gói bún khô trong nước sôi khoảng 8 phút hệt như luộc mỳ Ý. Sau đó, bạn sẽ chắt nước nấu mỳ, đun khoảng 400ml nước mới, cho bún và các nguyên liệu khác vào, ngoại trừ măng, ớt chưng và váng đậu thì cho vào sau cùng.
Sợi bún giống sợi miến cỡ lớn Việt Nam: tròn và trong. Bạn cần đun chín gói bún khô trong nước sôi khoảng 8 phút hệt như luộc mỳ Ý
Sau khi luộc, sợi bún sẽ trong, dai và mềm. Thành phần của bún là 65% bột gạo, 35% bột ngô.
Video đang HOT
Thành phẩm là một bát 900ml đầy ú ụ bún và các loại topping rất hấp dẫn. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là không có gói ốc trong cả 8 gói nguyên liệu. Bên cạnh đó, với phong cách bún ẩm thực Trung, bạn sẽ ăn cùng những nguyên liệu như lạc, váng đậu – điều bạn không bao giờ gặp khi ăn bún đậu Việt Nam.
Chân dung bát bún “tả pí lù” với nhiều nguyên liệu lạ mắt so với bún ốc Việt Nam như lạc rang, váng đậu, đỗ tương. Điểm lạ lùng nhất là không có ốc.
Về mặt hương vị, sợi bún giống với sợi miến của Việt Nam và còn gợi liên tưởng đến sợi mỳ Ý khi tròn, mềm, dai và rất ngon, gợi lên cảm giác bún khô đơn thuần chứ không có các hương liệu khác.
Nước dùng đậm đà với một tổ hợp mùi thơm phong phú từ các gia vị đặc trưng ẩm thực Trung như hồi, quế, thảo quả cùng mùi thơm măng chua và giấm tỏi dậy mùi, rất hấp dẫn. Bát nước dùng có mùi ốc nhưng nhẹ hơn so với mùi măng giấm nên gợi cảm giác là một bán bún măng hơn là bún ốc. Các loại topping đính kèm đều ngon, thơm và gợi cảm giác chất lượng, đủ vị chua cay mặn ngọt, beo béo của lạc, giòn giòn của váng đậu.
Cận cảnh bát bún “xôi thịt” dung tích 900ml của WeBuy. Hương vị phong phú, đủ chua cay mặn ngọt, dậy mùi măng chua và ngửi kỹ có mùi thơm ốc. Sợi bún mềm và dai, ăn khá giống bún tươi.
So với hình hãng minh họa và bao bì, bát bún thật gây shock hơi nhẹ. Lưu ý là nước dùng hơi mặn và ớt chưng siêu cay nên bạn nhớ điều chỉnh lượng dùng cho phù hợp khẩu vị.
Tuy nhiên, tổng thể nước dùng hơi mặn nên rút kinh nghiệm, bạn nên nấu với nhiều nước hơn hoặc không dùng hết gói nước dùng. Và ngay cả khi chúng tôi đề phòng chỉ dùng 1/5 gói ớt chưng thì không ít người ăn thử đều kêu cay quá. Nếu nếu ăn thử, bạn nhớ điều chỉnh lượng ớt chưng từ từ đến vừa ý.
Một điểm trừ khiến chúng tôi hơi “ngã ngửa” là gói bún ốc rất to nhưng cuối cùng lại không có một tí ốc nào. Phần nước dùng có mùi ốc nhưng vẫn không đủ làm thỏa mãn những fan bún ốc chân chính.
Set 5 gói bún được sale dịp 12/12 ở Trung với giá 42,9 CNY, tính ra khoảng 30.000 đồng/gói, ngang ngửa với các loại mỳ Nhật, Hàn ở Việt Nam.
Tổng kết lại, chúng tôi đánh giá món bún ốc Liễu Châu của Lý Tử Thất có những ưu nhược điểm dưới đây:
Ưu điểm:
- Thơm ngon: nước dùng đậm đà, sợi bún mềm dai, mùi vị đa dạng và đặc trưng ẩm thực Trung Hoa.
- Nhiều: một gói 335g gấp đôi mỳ thông thường.
Nhược điểm:
- Không có ốc.
- Hơi mặn và rất cay nếu bạn dùng tất cả nguyên liệu có sẵn.
- Thời gian nấu lâu: khoảng 10 phút.
- Hàng xách tay hơi khó mua.
Giá: 42.000 đồng/gói ở Trung và bán xách tay khoảng 60.000 đồng/ gói ở Việt Nam.
Tổng kết: 8/10 điểm. Nên mua ăn thử nếu bạn là fan Lý Tử Thất, thích đồ ăn hương vị đậm đà kiểu đồ Trung hoặc ăn một bán bún đẫm vị, giàu năng lượng.
Theo Helino
'Tiên nữ' Lý Tử Thất hứng búa rìu dư luận vì các video dân dã
Nhiều người khen ngợi, nhưng không ít người cho rằng Lý Tử Thất đang phơi bày một nông thôn Trung Quốc lạc hậu.
Nổi tiếng với các video cuộc sống thường ngày, có thể làm bất cứ việc gì với đôi tay khéo léo, Lý Tử Thất, ở Tứ Xuyên, hiện có 59 triệu người hâm mộ trên toàn thế giới. Trong các video của mình, nữ blogger Trung Quốc thường chia sẻ nội dung dựa trên văn hóa ẩm thực truyền thống, xoay quanh nhu cầu cơ bản ăn mặc, đi lại của người nông dân.
"Dù ở nông thôn hay thành phố, ai cũng có những nỗi khổ riêng. Chỉ là bây giờ áp lực công việc của ai cũng lớn nên tôi hy vọng lúc mọi người mệt mỏi, xem video của tôi có thể được thư giãn và cảm nhận được điều tốt đẹp", Lý Tử Thất chia sẻ.
Những video của Lý Tử Thất đều hướng tới cuộc sống bình dị, tự cung tự cấp của người nông dân. Ảnh: Lý Từ Thất.
Tính đến ngày 5/12/2019, Lý Tử Thất đã có 7,35 triệu người theo dõi trên Youtube, trong khi con số này của CNN - kênh truyền thông ảnh hưởng hàng đầu tại Mỹ và trên toàn thế giới - là 7,92 triệu người.
Điều đáng nói, Lý Tử Thất đạt 7,35 triệu với chỉ 104 video trong khi CNN đã đăng tải hơn 140.000 video. Độ thu hút của hai kênh cũng rất chênh lệch khi các video của nữ blogger Trung Quốc thường có hơn 5 triệu lượt xem còn CNN chỉ khoảng một triệu. So với các hãng truyền thông nổi tiếng khác như BBC hay Fox News, lượt người theo dõi kênh của Lý Tử Thất vượt rất xa.
So với những blogger nổi tiếng khác ở Trung Quốc - đa phần chỉ có người hâm mộ trong nước để tâm - thì lượt xem video của Lý Tử Thất lại đến từ người dùng khắp nơi trên thế giới.
"Lý Tử Thất là blogger yêu thích của tôi. Cô ấy là một đầu bếp, nghệ sĩ và người làm vườn tài năng. Tôi hy vọng sẽ có phụ đề tiếng Anh trong các video của Lý. Tôi muốn biết cô ấy đang nói về điều gì", một người dùng mạng đến từ Mỹ bình luận.
Vài tháng trước, Lý Tử Thất dùng tiếng Trung để chia sẻ về cách làm trứng vịt muối, hai tháng sau mới có người dịch video này sang tiếng Anh. Tuy nhiên dường như việc làm này không còn quan trọng bởi trước đó đã có rất nhiều người hâm mộ từ Iran, Nga, Brazil hay Philippines đã để lại bình luận, thể hiện sự ngưỡng mộ và tình yêu của mình cho cô.
Thậm chí có nhiều người nước ngoài cho hay, lúc xem clip của Lý, họ sẽ không bỏ qua bất kì quảng cáo nào bởi muốn cô ấy kiếm được tiền từ Youtube.
"Tôi vẫn luôn xem mọi video của Lý dù không hiểu cô ấy nói gì. Lý Tử Thất làm các công việc của một người nông dân với sự duyên dáng của một nàng tiên. Cô ấy đang giới thiệu với thế giới về nền văn hóa, nghệ thuật và trí tuệ Trung Quốc, những thứ đã bị lãng quên. Cô ấy đang dạy chúng tôi những gì chúng tôi không biết về Trung Quốc", một người dùng mạng từ Pháp nhận xét.
Thế nhưng với một số người Trung Quốc, sự thành công của Lý Tử Thất không phải là điều gì đáng tự hào.
Những ngày gần đây, người dùng mạng Weibo đang tương tác rất mạnh mẽ một bài viết có tên "Lý Tử Thất có phải là người xuất khẩu văn hoá Trung Quốc không?"
Bài viết này của một tài khoản có hơn một triệu người theo dõi đã thu về 62.000 lượt thích và 9.000 bình luận, trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất trên trang mạng xã hội này thời gian qua.
Bài viết của một người dùng mạng Weibo đăng tải nói lên quan điểm về việc "Lý Tử Thất có phải là người xuất khẩu văn hóa Trung Quốc hay không?". Ảnh: weibo.
Trong bài, người này viết:
"Lý Tử Thất đẹp không? Đẹp. Video của cô ấy thành công không? Thành công. Vậy Trung Quốc cần xuất khẩu văn hóa như thế này không? Bạn cảm thấy cần thì cần.
Nhưng dưới ống kính của cô ấy, đó không phải là một Trung Quốc thật sự.
Đầu tiên, việc tôi không đồng tình với cái gọi là "xuất khẩu văn hóa" không có nghĩa tôi phủ nhận những giá trị đạt được trong những tác phẩm của cô ấy. Tôi không đồng tình cũng không có nghĩa là tôi đang cản trở cô ấy. Tác phẩm nhẹ nhàng hướng thiện, ai thích thì cứ thích. Nhưng một số người cứ phải tâng bốc sản phẩm của Lý Tử Thất là hiện tượng, là đại diện cho văn hóa Trung Quốc thì điều đó khó ép người khác đồng tình được.
Vì sao người nước ngoài lại ca tụng Lý Tử Thất, bởi cô ấy thể hiện được hình tượng hoàn mỹ phù hợp với ấn tượng 'ruộng vườn' cứng nhắc mà người nước ngoài dành cho Trung Quốc. Giống như việc ta mỗi khi nhắc tới nước Anh thì nhắc đến 'quý ông', nhắc đến Amazon thì là 'dã man' hay nhắc đến Bhutan thì đó là 'hạnh phúc'... Nhưng cả người Anh, Brazil và Bhutan đều biết, đó là nói dối.
Lý Tử Thất rất đẹp, tác phẩm rất hay, nhưng tác phẩm thế này không phải là Trung Quốc".
Nhiều người Trung Quốc cho rằng, Lý Tử Thất đang phơi bày sự nghèo nàn và lạc hậu của vùng nông thôn Trung Quốc ra thế giới. Ảnh: Lý Tử Thất.
Dưới bài viết, nhiều người dùng Weibo cũng lên tiếng đồng tình khi cho rằng Lý Tử Thất đang phơi bày sự lạc hậu của Trung Quốc ra nước ngoài, bởi người Trung Quốc hiện đại không sống như vậy.
"Cô ấy là một tội đồ của đất nước. Không thể đưa sự nghèo nàn và lạc hậu của vùng nông thôn Trung Quốc để xuất khẩu ra bên ngoài được", một người dùng Weibo viết.
Cùng quan điểm, một số người khác cho rằng, cuộc sống vùng nông thôn Trung Quốc không tốt đẹp như vậy, Lý Tử Thất đã đẹp đẽ hoá cuộc sống nông thôn. "Tại sao đến giờ trồng rau, nuôi lợn lại được coi là duy mỹ? Tự cung tự cấp như Lý Tử Thất là lý tưởng sống hay sao?", một số người đặt câu hỏi.
Dù nhiều người lên tiếng phản đối, nhưng sự ủng hộ cô lại chiếm ưu thế.
"Tại sao làm nông không được tính là xuất khẩu văn hóa. Trung Quốc còn tới 200 triệu người là nông dân. Họ vẫn trồng rau, nuôi lợn đó thôi, điều này đáng xấu hổ lắm sao?", một độc giả họ Trương nêu ý kiến.
Cũng theo Trương, trong video của mình Lý Tử Thất không thể hiện sự khó khăn trong cuộc sống nông nghiệp mà cốt lõi là tinh thần vượt khó và sáng tạo của người nông dân dựa vào tài nguyên hiện có để tự cung tự cấp. "Điều đáng học hỏi là ý chí và nghị lực của một cô gái bé nhỏ, chứ không phải nó đại diện cho điều gì đó cao xa", Trương viết.
Cùng quan điểm, một độc giả khác viết: "Rau tươi và cơm ăn hàng ngày của người thành phố không phải do nông dân trồng hay sao? Tiệc rượu phồn hoa nơi phố thị cao cấp hơn bài ca chăn trâu nơi ruộng vườn ở chỗ nào?". Bình luận này đã nhận được rất nhiều lượt yêu thích và ủng hộ trên Weibo.
Ông Lý Bạc Xuân, Giám đốc Viện nghiên cứu văn hóa trẻ Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh cho hay việc tranh cãi trên weibo về Lý Tử Thất không phải là chuyện công kích cá nhân mà cho thấy người Trung Quốc rất quan tâm đến văn hóa truyền thống.
"Tôi cho rằng người dùng mạng Trung Quốc đang phân vân, không hiểu vấn đề gì mới đủ nặng và chuẩn xác để đại diện cho văn hóa đất nước mà thôi", vị này nhận xét.
Vy Trang
Theo SCMP/VNE
Không phải tình cờ, chiếc áo chấm bi Bà Tân mặc đều đặn trong vlog hoá ra có ý nghĩa siêu đặc biệt Ngoài kích cỡ "siêu to khổng lồ" của những món ăn và những câu nói gây bão, thì thứ tiếp theo làm nên thương hiệu cho bà Tân Vlog chính là chiếc áo chấm bi màu xanh. Từ một người nông dân giản dị, bà Tân Vlog đã bất ngờ trở thành "gương mặt vàng trong làng YouTube" nhờ thực hiện clip nấu...