Reuters: Quân đội Mỹ không “siêu” như trong phim của Hollywood
Những bộ phim sử dụng công nghệ siêu thông minh của Hollywood đã làm “hư” người Mỹ.
Reuters ngày 10/11 đã đăng tải một bài xã luận cho rằng sự thất bại của đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu giữa kỳ tại Quốc hội vừa qua đã chỉ ra rằng những kỳ vọng của người dân Mỹ về quân đội, các nhà khoa học chỉ là hiệu ứng tích cực của Hollywood.
Ảnh minh họa
Nhiều cử tri Mỹ đã đặt ra câu hỏi trong cuộc bỏ phiếu tuần trước rằng: Tại sao một người đàn ông Liberia nhiễm Ebola lại có thể lọt vào nước Mỹ? Làm thế nào hai y tá điều trị lại bị nhiễm virus? Tại sao một đoàn xe của những kẻ khủng bố IS có thể ung dung vượt sa mạc giữa ban ngày mà không bị Không quân Mỹ cho nổ tung thành từng mảnh?
Một trong những câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên được cho là nằm ở sự thất bại trong lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama. Nhưng theo Reuters, người Mỹ đã thất vọng vì những kỳ vọng của họ đã bị thổi phồng từ trước khi ông Obama lên cầm quyền.
Theo Reuters, những bộ phim sử dụng công nghệ siêu thông minh của Hollywood đã làm “hư” người Mỹ, khiến họ không thể chấp nhận được thực tế là khả năng của lực lượng an ninh Mỹ hiếm khi tốt như trong phim.
Video đang HOT
Mỗi nhân vật chính trong phim được đào tạo như một cái máy, làm việc không có một sai sót, siêu hiệu quả với sức mạnh và trí thông minh vượt trội, rất kỷ luật với sự trợ giúp của những máy móc, công nghệ tiên tiến nhất.
Tất cả những điều này đã tạo ra huyền thoại về hiệu quả cao bất thường của quân đội và tình báo Mỹ trong con mắt của người Mỹ bình thường.
Do đó, giải thích duy nhất cho sai lầm ngớ ngẩn của họ trong thực tế mà người Mỹ tìm thấy là sự quản lý yếu kém mà quên đi rằng yếu tố con người mới là nguyên nhân chính của mọi sai lầm. Hơn nữa, máy móc và công nghệ nước Mỹ đang sử dụng cũng không siêu hiện đại như trong các bộ phim.
Vì vậy, sự thất bại của công nghệ hay khan hiếm các siêu nhân trong đời thực đã đánh bại sự “ảo tưởng” của người Mỹ về quân đội của họ./.
Theo Giáo Dục
Dân Mỹ ủng hộ chiến lược 'xoay trục' châu Á
Theo kết quả thăm dò mới đây của một cơ quan tư vấn độc lập của Mỹ, Hội đồng Đối ngoại, hơn 3/4 số người Mỹ hiện nay ủng hộ chiến lược "xoay trục" sang châu Á-Thái Bình Dương và hậu thuẫn hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi các cuộc thăm dò của Hội đồng Đối ngoại được tiến hành. Có 62% người Mỹ công nhận Nhật Bản nằm trong nhóm 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và 64% ủng hộ sự hiện diện quân sự lâu dài của Mỹ tại Hàn Quốc. Điều này cho thấy Mỹ ngày càng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của châu Á, đồng thời tăng cường sự ủng hộ giá trị chiến lược của chính sách tái cân bằng châu Á.
Biên đội tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương
Kết quả cuộc thăm dò dư luận mang tên "Chính sách đối ngoại trong thời đại cắt giảm" cũng cho thấy, 4/5 số người Mỹ cho rằng, nước họ cần tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo mạnh mẽ trong các vấn đề của thế giới.
Có 59% người Mỹ tham gia cuộc thăm dò dư luận ủng hộ việc ưu tiên xây dựng, phát triển quan hệ tốt với Trung Quốc; 2/3 số người Mỹ tiếp tục cho rằng, Mỹ nên tìm kiếm sự hợp tác và cam kết thân thiện với Trung Quốc. Hơn 63% người Mỹ ủng hộ Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hơn 72% ủng hộ các thỏa thuận thương mại tự do như một cách thức hiệu quả nhằm theo đuổi các mục tiêu đối ngoại của Mỹ.
Tin cậy Nhật Bản
Kết quả thăm dò dư luận cho thấy, người Mỹ nhấn mạnh mức độ tin cậy cao của họ đối với Nhật Bản. Tỷ lệ dân Mỹ ủng hộ Nhật Bản đứng thứ 4 toàn cầu (xếp thứ 62/100), chỉ đứng sau Canada (79), Anh (74) và Đức (65). Hơn 4/5 số người Mỹ cho rằng, Mỹ và Nhật Bản chủ yếu là đối tác hơn là địch thủ, và người Mỹ cũng công nhận Nhật Bản là một "đấu thủ toàn cầu quan trọng" chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu.
Người dân Mỹ và Nhật Bản phần lớn nhất trí với nhau về cách đánh giá những nguy cơ nghiêm trọng, khẳng định sự cần thiết phải đối thoại với Triều Tiên mặc dù sự thiếu tin cậy vẫn phổ biến. Đối với Trung Quốc, cả người Mỹ và người Nhật Bản đều thể hiện sự lo ngại, nhưng có khác biệt về mức độ lo lắng trước khả năng xảy ra xung đột lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
Bất chấp tình trạng bế tắc ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này, 85% người Mỹ tiếp tục ủng hộ việc sử dụng ngoại giao hơn là lựa chọn quân sự để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, do những nỗ lực thất bại gia tăng, 3/4 số người Mỹ tán đồng việc cấm các tàu Triều Tiên nghi chở vật liệu hạt nhân và vũ khí, phù hợp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã được thông qua sau 3 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy vậy, kết quả thăm dò thể hiện rằng, người Mỹ quan ngại việc sử dụng sức mạnh trên bán đảo Triều Tiên và chỉ xem đó như phương kế cuối cùng. Có 47% người Mỹ ủng hộ Mỹ đưa quân bảo vệ Hàn Quốc - mức độ tán thành cao kỷ lục kể từ năm 1974.
Không quân Nhật chặn máy bay Trung Quốc 207 lần
Tạp chí Defense News (Mỹ) hôm 30/10 đưa tin, không quân Nhật Bản đang tăng cường tần suất triển khai máy bay để chặn các máy bay Trung Quốc quanh khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo, Lực lượng Phòng vệ của nước này đã triển khai máy bay 207 lần để xua đuổi các máy bay Trung Quốc từ tháng 4 đến tháng 9, so với con số 149 lần trong cùng kỳ năm ngoái.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh nói rằng, việc Nhật Bản tăng cường máy bay quân sự trinh sát và giám sát cự ly gần là "hành động nguy hiểm", là "nguyên nhân căn bản của các vấn đề an ninh trên vùng biển và không phận giữa Trung Quốc và Nhật Bản". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiếp xúc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại hội nghị quốc tế ở Ý trong tháng 10. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tại Bắc Kinh. Thủ tướng Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có khả năng sẽ gặp gỡ chính thức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC.
Theo Tiền Phong
Mỹ đưa tên lửa tầm trung đến châu Á để ép Trung Quốc? Mỹ đang định áp dụng những kinh nghiệm trước đây đã sử dụng đối với Liên Xô để ép Trung Quốc cắt giảm số lượng tên lửa đạn đạo tầm trung. Trong một bài viết của mình, Tạp chí "The National Interest" của Mỹ bày tỏ sự lo lắng về vấn đề kho vũ khí tên lửa chết người của Trung Quốc vẫn...